Kỳ khu nghề nuôi trâu chọi

Chọi trâu là một trong những lễ hội đặc sắc mang tính vùng miền ở nước ta. Không chỉ ở Đồ Sơn (Hải Phòng), vùng đất có hội chọi trâu đã trở thành thương hiệu, ở huyện miền núi Hàm Yên (Tuyên Quang) bây giờ, hội chọi trâu được tổ chức vào dịp tháng Giêng âm lịch hàng năm đã kéo du khách từ khắp nơi đổ về. Theo đó, săn và nuôi trâu chọi đã trở thành một “nghề hót” ở địa phương vùng cao này.

Trâu cũng cần… “phẩm chất”

Chúng tôi tìm gặp nông dân trẻ Hoàng Đình Sơn ở xã miền núi Phù Lưu vì có lời giới thiệu của anh Tống Xuân Quang, Chánh Văn phòng UBND huyện Hàm Yên. Anh Quang cho biết, Sơn là người rất mê và tâm huyết với nghề nuôi trâu chọi. Lễ hội trâu năm Nhâm Thìn 2012 vừa qua, “ông trâu” số 58 của anh đã giành giải quán quân tại vòng chung kết.

Vừa gặp, Sơn đã dẫn chúng tôi về “tổng hành dinh” của anh, nơi một “ông trâu” được buộc vào một cái cọc ngay ngõ, cạnh hai gốc hồng xiêm với một đống cỏ non ngồn ngộn kế bên, phía trên có căng một tấm bạt che mưa nắng. Không cần Sơn làm “hướng dẫn viên”, chúng tôi vẫn nhận ra trên hai đầu sừng “ông trâu” của anh đã được chuốt nhọn hoắt. “Tìm được con trâu tốt rồi, tiếp theo là việc nuôi và luyện, có mất công lắm không anh?” – Chúng tôi hỏi. “Kỳ khu lắm! Chăm nó quá chăm con mọn ấy chứ! Có thế, phẩm chất của nó mới tốt được” – Sơn thủng thẳng.

Rồi anh tiết lộ thêm: “Phải cho ăn cả ngày lẫn đêm, toàn là cỏ ngon hảo hạng. Rồi cho ăn cám trộn vitamin B1, C. Mà chăn nó thì chỉ được dắt, không được cưỡi. Nó ốm đau, khụt khịt gì là phải mời ngay bác sĩ thú y. Điều quan trọng là tuyệt đối không cho cu cậu (trâu chọi bao giờ cũng là trâu đực – PV) được gần gũi trâu cái. Thường mỗi tuần nó tự “phóng” 2, 3 lần. Có những thời gian nó hăng quá thì phải dắt cho nó… chạy, không cho nó tự làm mất sức nhiều”.

Theo anh Sơn, trâu chọi có nhiều miếng võ rất hiểm độc như móc hầu, cáng, hổ vồ… Phần lớn những miếng này chúng đều biết một cách bản năng, không luyện được. Nhiệm vụ của người luyện trâu chỉ là luyện cho nó dày dạn trận mạc. Hàng ngày phải đem trống đến gõ bên tai hoặc mang những lá cờ màu sắc sặc sỡ đến phất ngay trước mắt. Bên cạnh đó, có những bài tập để phát triển những phẩm chất nhanh, mạnh của trâu. Ví dụ dẫn ra bãi cho tập lao, đắp ụ đất để nó húc… Gần đến ngày thi đấu, phải cho trâu tập “nghé” vài lần. Nghĩa là cho nó đối diện với một con trâu khác, nhưng cách một cánh cổng chắc chắn, để thử xem độ dữ của trâu chọi đến đâu…

Bí quyết “thửa” trâu chọi

Trước đó, qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, Sơn vốn làm nghề cắt tóc, do “chịu chơi” nên không hứng thú lắm với cái nghề “sờ đầu người khác”. Không ngần ngại tiết lộ về “lý lịch chơi trâu” của mình, anh kể: “Hết chơi chim, gà, 4 năm nay, tôi chuyển sang chơi trâu chọi. Chơi rồi chuyển sang “lái trâu chọi” lúc nào không biết. Cứ mỗi khi huyện Hàm Yên chuẩn bị mở hội chọi trâu, tôi lại lặn lội khắp nơi đi tìm trâu đẹp phục vụ các “kháp” đấu…”.

Theo Sơn, ở vùng núi Hàm Yên này, do những năm gần đây, các hội chọi trâu liên tiếp thành công, người ta bắt đầu tính chuyện nuôi trâu chọi chuyên nghiệp. “… Cơ nghiệp trâu của tôi chưa là gì nếu so với các đại gia trâu chọi trong huyện. Có người có đến 5 con, trong đó có 3 con đủ tiêu chuẩn tham gia hội chọi…” – Sơn tiết lộ.

Im lặng một lúc như muốn hồi tưởng về những ngày đầu tiên đến với nghề, anh kể tiếp: “Ở Hàm Yên có tổng số hơn 2 vạn con trâu, trong đó, tập trung nhiều tại các xã: Phù Lưu, Minh Hương, Yên Phú, Thái Hoà, Hùng Đức, Yên Thuận…

Tại đây, nhiều con trâu đáp ứng được những tiêu chí của trâu chọi, như khỏe mạnh, trọng lượng trung bình 500kg, da đồng, lông móc, một khoang bốn khoáy, hàm đen, tóc tráp (lông trên đầu cứng, dày để tránh nắng), ức rộng, cổ tròn dài, lưng dày, sừng đen như mun… Tuy nhiên, đối với trâu chọi, chỉ khỏe thì chưa đủ.

Phải “máu lửa” và đạt được 3 tiêu chuẩn: Khoẻ, gan dạ, có vũ khí tốt. Người nuôi trâu chọi có cả một kho từ điển những từ chỉ các phẩm chất của trâu. Nào là “trường đùi ngắn quản”, “cổ cò, đít nhót, lưng tôm bà”, “tứ khoáy chung” (trên mình có bốn cái xoáy xếp thành hình vuông, để chịu nắng tốt), “đầu bằng” (để mài xuống được sát đất), “móng bát” (để bám đất chặt), “quầng mắt dày, con ngươi đen” (gan dạ), lông da đen mốc…

Độ dài từ đỉnh đầu lên tới sừng tốt nhất là chừng 30cm. Từ đầu sừng bên này tới đầu sừng bên kia dài khoảng nửa mét. Vòng ngực phải trên 2m. Tuổi thì từ 10 tới 12 năm là tốt nhất, “trẻ” hơn thì non, không lì đòn, nhiều hơn lại bắt đầu chậm. “Chọn được con trâu tốt là yếu tố quyết định 50, thậm chí, 70% của chiến thắng… Vì thế, ngoài việc săn lùng trâu ở chính quê mình, tôi thường xuyên phải khăn gói quả mướp lên tận Tây Nguyên để tậu trâu về” – Sơn kết luận.

Vĩ thanh

Cũng theo “lái trâu chọi” Hoàng Đình Sơn, giá trị thực của một con trâu có thể lên “vũ đài” ở Tây Nguyên chỉ từ 50 – 70 triệu đồng, thêm cước vận chuyển khoảng 20 triệu đồng. Như vậy, một con trâu có giá gốc gần 100 triệu đồng, kể cả công chăm sóc và tiền mua thức ăn cho đến khi chọi được. Nhưng nếu con trâu ấy chiếm giải vô địch trong Hội chọi Hàm Yên và được xẻ thịt thì giá bán sẽ đạt đến mức nửa tỷ đồng.

“Như năm Nhâm Thìn vừa rồi, trâu của tôi đoạt giải Nhất, thu về được 500 triệu đồng. Con trâu số 58 này tôi mua ở trên Tây Nguyên” – Sơn kể – “Đi vào bao nhiêu bản làng, xem hàng trăm con trâu, mất cả tháng mới chọn được. Mua trâu hết 65 triệu. Tiền thuê xe chở về Hàm Yên hết gần 20 triệu nữa…”. “Nuôi nó bao nhiêu ngày tháng, đặt bao nhiêu hy vọng, lúc phải chia tay, cảm giác của anh thế nào?” – Chúng tôi hỏi.

Anh Sơn trả lời mà như nói với chính mình: “Thương lắm, tiếc lắm! “Khuyển mã tri tình” mà. Nó cũng thân thuộc như con chó trong nhà mình vậy…”. Nói đoạn, anh thở dài: “Thì cũng tại con trâu mang kiếp phục vụ con người mà!”. Rồi chợt như bừng tỉnh, anh kết luận, đại ý: Hội chọi trâu Hàm Yên chính là một động lực quan trọng giúp cho nghề nuôi trâu chọi phát triển và là yếu tố cần thiết để đàn trâu địa phương phát triển.

Tuy nhiên, hiện, việc nuôi trâu chọi ở đây còn thủ công và chưa có “nghề”. Nếu như có sự quan tâm, định hướng của các cấp, các ngành chức năng, biết đâu, Hàm Yên sẽ trở thành “Trung tâm xuất khẩu trâu chọi” ra khắp các địa phương trong cả nước…

Theo Thành Vân (báo Biên Phòng)

Ảnh đầu bài: Anh Hoàng Đình Sơn bên con trâu cưng chuẩn bị cho hội chọi trâu Hàm Yên năm 2013.

One thought on “Kỳ khu nghề nuôi trâu chọi

  1. Pingback: Hải Dương: Kỳ công nghề nuôi trâu chọi, thu tiền tỷ - Di Sản Trâu Việt

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *