Sau khi chọi xong, các “ông trâu” không bị giết thịt mà lại theo chủ về cày, kéo… đợi dịp thi đấu tiếp. Đó là lễ hội chọi trâu ở Yên Bái.
Cái đầu “hắn” trọc trơ như một tay “anh chị” đối lập với cái tên lành như con gái – Lê Mai Hiền. Đó là cảm nhận của nhiều người đã từng gặp anh, chủ doanh nghiệp tư nhân Hải Cường.
Chúng tôi gặp Hiền vào một buổi sáng sớm se lạnh khi anh cùng nhiều công nhân đang chuẩn bị đấu trường chọi trâu trong Lễ hội “Âm vang hồ Thác Bà” của huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Lý giải cho câu hỏi của chúng tôi, tại sao là một doanh nghiệp đang kinh doanh chế biến gỗ và trồng rừng hiệu quả lại mong muốn mở đấu trường trọi trâu, Hiền tâm sự: “Mình thực sự có tình cảm với những con trâu. Khởi nghiệp của mình nhờ vào những chú trâu. Không có chúng chắc mình không có được như ngày hôm nay. Mình là doanh nghiệp nông dân mà”.
Người ta bảo “hắn” điên. Bỏ nhà ở mặt đường lớn, Hiền trọc “tha” cả vợ và đứa con nhỏ mới 7 tháng tuổi vào rừng ở, đứa con gái lớn gửi lại nhờ ông bà. Cái ngày mà cả nhà Hiền tha lôi, bồng bế nhau vào rừng, trời bỗng nhiên sụt sùi mưa gió như báo trước những ngày khốn khó.Trước ngày trở thành người trồng rừng, Hiền là tay buôn gỗ có đến chục năm trong nghề. Nhưng rồi một lần trắng tay vì hỏng hàng, mất giá. Khát khao làm giàu dậy lên trong con người trẻ tuổi. “Bán nhà, mua rừng, trồng cây”, vay mượn thêm, Hiền “tậu” 50 ha đất rừng.
Ngay từ ngày đầu quyết định khởi nghiệp trồng rừng, Hiền “trọc” đã lường trước những khó khăn vấp váp, nhưng khó khăn thực tế còn hơn cả sức tưởng tượng. Năm 2000, ngày 30 Tết, dưới tay Hiền và người cháu, 4 con trâu cày mệt nhọc còn phải thay nhau mà hai chú cháu vẫn cắm mặt xuống từng đường cày từ sáng đến tối.
Đêm cuối năm ấy, cả người và trâu đều mệt. Trời lạnh giá, nhìn những con trâu đang ể oải nhai từng cọng rơm, Hiền thấy thương lũ trâu quá. Sợ chúng chết, Hiền cố sức đào những cái hố dưới đất để cho trâu nằm tránh rét, khi chăm sóc cho những chú trâu của mình xong thì trời đêm 30 Tết đã đem kịt. Tối về, bưng bát cơm do vợ rang khô khốc, nguội ngắt, nồng oi mùi khói và vào miệng mà thấy mặn chát. Nghĩ cực thân – “mình nhiều khi không khác gì thân trâu ngựa” – anh tâm sự.
Sau 5 năm, những mầm xanh non ngày nào nay đã bắt đầu trả ơn người trồng. Anh khai thác rừng vừa bán gỗ thô, vừa chế biến thành gỗ thành phẩm theo đơn hàng. Hết nợ, làm giàu. Nhưng tình cảm với những con trâu đối với Hiền lúc nào cũng gắn bó.
Thử sức trong lĩnh vực vui chơi giải trí với trò chọi trâu, cả mấy trăm triệu đồng đầu tư vào mua trâu, cả hơn tỉ đồng Hiền ném vào quả đồi, san gạt, hình thành nên một sân chọi trâu diện tích 6.000 m2 có sức chứa hàng vạn người ngay tại xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình, Yên Bái, gần nơi ở của gia đình. “Mình muốn xây dựng trường đấu như đấu trường La Mã” – Hiền cười nói.
Với việc đầu tư mở sân trọi trâu này, Hiền “trọc” trong mắt người xung quanh vẫn là kẻ “điên” đầy liều lĩnh và táo bạo. Anh hào hứng lắm với dự định mỗi năm mở 4 hội trọi trâu vào những ngày lễ, Tết. Lần đầu tổ chức đầu năm 2011 thành công tốt đẹp, anh vui lắm. Từ đó nhiều người biết đến anh với tư cánh là chủ trường đấu trâu mà quyên đi chức danh chủ doanh nghiệp.
Trong Lễ hội “Âm vang hồ Thác Bà”, anh được huyện Yên Bình mời về dựng trường đấu tại xã Vĩnh Kiên gần hồ Thác Bà. Biết là sẽ lỗ vốn nhưng Hiền vẫn nhận lời. Theo Hiền thì “mình yêu quý trâu và thích xem chúng chọi. Đây vừa là niềm đam mê, đồng thời phục vụ nhân dân địa phương và du khách đến xem”.
Có những “ông trâu ra thi đấu chỉ biết chào khán giả mà không thích đánh (do chỉ quen lao động) |
Ông Lương Thanh Hùng, Trưởng phòng VH-DL-TT huyện Yên Bình cho biết: “Lễ hội chọi trâu năm 2011 được tổ chức nhằm phát huy những giá trị văn hóa dân gian truyền thống, từng bước khôi phục và xây dựng Hội chọi trâu trở thành một điểm tham quan du lịch ở vùng hồ Thác Bà. Đây là lần đầu tiên, huyện Yên Bình tổ chức hội chọi trâu với qui mô lớn nên công tác chuẩn bị sân bãi, xới chọi, cũng như công tác đảm bảo an ninh trật tự đã được Ban tổ chức chuẩn bị chu đáo. Đây cũng là dịp để du khách tìm hiểu, khám phá thêm về bản sắc văn hóa và các lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc vùng sông Chảy, hồ Thác Bà”.
Ban tổ chức lễ hội đã giao cho Doanh nghiệp tư nhân Hải Cường, xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình là đơn vị có kinh nghiệm tổ chức các hội thi trâu trên địa bàn đứng ra tổ chức. Việc lựa chọn địa điểm thi đấu, dựng khán đài, hàng rào bảo vệ đến mời các chủ trâu tham gia đã được doanh nghiệp thực hiện đảm bảo, chu đáo đúng quy định.
Công tác chuẩn bị trường đấu mất cả tháng trời với hàng chục công nhân phải là việc cật lực, chi phí lên tới gần 500 triệu đồng, nhưng Lê Mai Hiền rất phấn khởi. Anh trực tiếp cùng công nhân đóng từng cây cột, hay trực tiếp lái xe vận chuyển gỗ từ xã Tân Nguyên sang xã Vĩnh Kiên (khoảng 70 km)…
Nhiều trâu ở vùng núi khi thấy trâu lạ là chạy |
Là một trong những chủ trâu đăng ký tham gia Hội chọi trâu lần này, ông Trần Xuân Trình – mang trâu đến từ xã Minh Xuân, huyện Lục Yên cho biết: “Được ban tổ chức mời, tôi mang trâu nhà đến thi đấu góp vui. Đối với tôi, thắng thua không quan trọng, thi đấu xong lại mang “ông đầu cơ nghiệp về cày ruộng”, không bị làm thịt như những nơi khác. Nếu không may trâu có bị làm sao thì Ban tổ chức có quy định đền bù, đây là điều khác biệt trong trọi trâu ở Yên Bái”.
Còn người dân trong vùng và du khách thì rất háo hức được tận mắt xem những “ông trâu” thi đấu, vì trước đây họ chỉ được xem những nơi khác tổ chức qua truyền hình. Anh Bùi Thế Vinh, ở xã Bạch Hà, huyện Yên Bình, tâm sự: “Nghe nói có hội trọi trâu, hai bố con tôi háo hức lắm. Vào xem mới biết ngày thường các “ông trâu” hiền lành, ngoan ngoãn, chăm làm là thế, nhưng lúc thi đấu thì hung hăng ra trò”.
Theo Ban tổ chức, thông qua Hội chọi trâu sẽ giúp huyện Yên Bình bảo tồn được những nguồn gen quý, giống trâu tốt, góp phần thúc đẩy nghề nuôi trâu ở địa phương phát triển và đó cũng là mong muốn của chủ doanh nghiệp tư nhân Hải Cường – Lê Mai Hiền./.
Ảnh đầu bài: Hiền “trọc” chăm trâu trước giở thi đấu.