Khoa ‘liều’ dẫn Tây cày ruộng

Đưa Tây xuống đồng, lội ruộng, cày cấy, gặt lúa với nông dân… Nhiều người bảo Khoa liều. Nhưng Trần Văn Khoa (phường Cửa Đại, TP Hội An, Quảng Nam) làm nên thành công bất ngờ.

Dạy Tổng thống làm nông dân

Gặp Khoa giữa cánh đồng Cẩm Thanh (TP Hội An) khi đang tất bật cùng đoàn khách Anh tham gia tour trồng lúa nước trên thửa ruộng rộng hơn 1.000m2 của hộ ông Nhì. Anh chàng tháo vát hướng dẫn du khách dắt trâu, cày bừa, tát nước…

Thoạt đầu, Peter Rider (quốc tịch Anh) gượng gạo cầm cày theo bước trâu cày của bác nông dân. Nhưng chỉ sau vài đường cơ bản, chàng thanh niên ngoại quốc tự tin một tay cầm dây điều khiển trâu, tay kia điêu luyện giữ chắc chiếc cày.

Bên cạnh, mấy ông Tây to cao, vạm vỡ, quần xắn quá gối, mình trần trùng trục, nước da trắng ngần hì hục tát nước, vỡ đất, chạy bừa… Phút chốc ai cũng lấm lem, bùn bắn đen nhẻm nhưng chẳng ai muốn bỏ cuộc. “Mình là nông dân gốc Anh chuyên trồng khoai tây, chưa bao giờ được trồng lúa nước một cách thủ công truyền thống như Việt Nam. Được cày cấy là điều thú vị không ngờ”, Rider nói.

Gần bốn tiếng đồng hồ, các vị khách Tây thích thú học hỏi, trực tiếp xắn quần, lội ruộng cày cấy. Ai cũng mãn nguyện nhìn thửa ruộng hoàn thiện bắt đầu gieo sạ, cấy lúa. Sau giờ giải lao, mọi người về bên những chiếc lán dựng sẵn dùng bữa trưa. Mâm cơm chủ yếu là món dân dã, do người dân địa phương và các vị khách Tây chế biến và nấu nướng.

Không ít lần, người dân phố cổ Hội An bất ngờ chứng kiến đoàn khách lạ bước xuống cánh đồng đang độ thu hoạch cùng xắn quần, gặt lúa. Những ông Tây, bà Tây đội nón lá, mặc áo nhà nông cầm liềm khá ngượng nghịu nhưng vẫn hăng hái gặt từng diện tích lúa nặng trĩu rồi ôm bó lên bờ, trực tiếp tham gia tuốt lúa, bỏ vô bao trở về nhà dân.

Qua vài lần hướng dẫn, khách ngoại tỏ ra thạo việc. Hơn 3 năm trước, đoàn Tổng thống Phần Lan Tarja Halonen đến thăm Hội An và đặt tour học làm nông dân. Khoa vừa mừng vừa lo khi hướng dẫn Tổng thống làm ruộng. Trải nghiệm cách làm cỏ, tưới rau, lội ruộng, nữ Tổng thống đầu tiên của Phần Lan coi đó là ấn tượng sâu sắc. Kết thúc chuyến thăm Hội An, bà Halonen bộc bạch: “Chuyến đi là một cách tuyệt vời để tìm hiểu về đất nước, con người Việt Nam, đặc biệt là phố cổ”.

Cùng nhiều vị khách thử nghiệm làm nông dân, cuối tháng 1 – 2012, Brett Daniel Allen (45 tuổi, du khách quốc tịch Úc) thích thú kể: “Thật tuyệt vời khi được hoà mình vào công việc của người nông dân Việt Nam hiền hòa, chịu thương chịu khó. Tuy cuộc sống còn khó khăn nhưng mọi người luôn biết vượt qua cùng mưu sinh, phát triển”.

Trần Văn Khoa ấp ủ nhiều lối rẽ du lịch sinh thái mới. Ảnh: Nguyễn Huy
Trần Văn Khoa ấp ủ nhiều lối rẽ du lịch sinh thái mới. Ảnh: Nguyễn Huy.

 

Khởi nghiệp từ… hai cái thúng

Vốn là chàng trai của làng chài Phước Hải (phường Cửa Đại), con đường đến với du lịch của Khoa không hề bằng phẳng. Hai năm lỡ hẹn giấc mơ vào Đại học, chàng ngư phủ từng có ý định theo cha dong thuyền ra khơi. Những lần ngược xuôi chài lưới bên dòng sông Thu Bồn, nhánh Cửa Đại, Khoa nhận thấy phải thêm kiến thức mới giúp phát triển được làng nghề. Một mình tự học tiếng Anh, từ chỗ chỉ biết nói tiếng bồi, Khoa đỗ vào ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng. Năm 2003, ra trường với tấm bằng khá, Khoa chọn quê hương để khởi nghiệp.

Lúc đó du lịch sinh thái, đồng quê ở Hội An chưa được khai thác. Một lần hướng dẫn đoàn khách nước ngoài, tình cờ có vị khách nước ngoài ngỏ ý với Khoa được chứng kiến, tham gia cùng ngư dân miền biển quăng chài, thả câu, bắt cá… Nắm bắt nhu cầu của du khách, Khoa tự thiết kế các tour trải nghiệm sông nước, sinh thái.

Cty TNHH MTV lữ hành quốc tế Khoa Trần của Khoa mỗi năm thu lợi khoảng 1 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 50 hộ nông dân rau Trà Quế, ngư dân làng Phước Hải và gần chục hộ nông dân trồng lúa với thu nhập trung bình khoảng 5 triệu đồng/hộ.

Năm 2005, anh vay tiền mở Cty lữ hành du lịch với nhiều tour độc làm nông dân. Gọi là Cty nhưng tài sản vốn liếng rất hạn chế, Khoa thuê 2 chiếc thúng đánh cá của ngư dân, sau đó thêm vài chiếc thuyền câu nhỏ. Ban đầu là các tour chuyên về câu cá, quăng chài, thả lưới với ngư dân, rồi đến tour trồng rau, cấy lúa. Thời gian đầu, du khách dè dặt, đăng ký thưa thớt. Không bỏ cuộc, Khoa thuyết phục gia đình cầm cố tài sản vay vốn ngân hàng đầu tư, quảng bá… dần dà dịch vụ của Khoa hút khách.

Đến nay mô hình du lịch làm nông dân có trung bình 200 – 300 lượt khách/năm. Riêng tour chèo thuyền câu cá hàng nghìn du khách đăng ký. Sức hút từ mô hình lạ, độc đáo góp phần đưa Hội An trở thành nam châm hút khách ngoại.

“Từ năm 2012, mình đưa tour cấy lúa vào khai thác chính thức. Người dân làm lúa kết hợp cùng du lịch thì sinh lợi cao và giữ được nghề. Du lịch muốn tốt lên, phải đổi mới. Mình tiếp tục tìm thêm các sản phẩm, mô hình du lịch mới kết hợp bảo vệ môi trường, sinh thái, gắn với cộng đồng”, Khoa chia sẻ.

Khoa dành thời gian mỗi ngày để đăng ký và tự học thêm các khóa tiếng Pháp, Tây Ban Nha để mở rộng thị trường. Khoa bảo: “Du khách rất đa dạng nên nếu không thạo ngoại ngữ và am hiểu văn hóa của nước họ sẽ khó giới thiệu về sự khác biệt và nét đặc trưng của văn hóa bản địa Việt Nam”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *