Người nông dân từ Bắc tới Nam dường như đang ‘bảo trâu’ bằng một loại ngôn ngữ riêng, bởi không ai cầm cày và kêu trâu: ‘trái’, ‘phải’, ‘dừng lại’ cả.
Hồi nhỏ khi được đọc bài ca dao: Trâu ơi ta bảo trâu này / Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta… người viết cảm thấy con trâu gần gũi quá, và bài ca dao quả là một cứ liệu điển hình cho quan niệm “con trâu là bạn nhà nông”.
Nhưng sau này có dịp tìm hiểu, thấy có vẻ cái cách nói chuyện giữa người với trâu như vậy chỉ có ở… ca dao. Trong thực tế đời sống, người nông dân Việt Nam nói chuyện với con trâu có khác.
Riệt, vắt, họ, hò, tắc, rị, tá, dí…
Xét trong thực tế đôi bên làm việc (chủ yếu quanh chuyện cày ruộng, kéo xe) giữa người với trâu (và bò, gọi tắt chung là trâu), có thể thấy cái việc “ta bảo trâu này” của người nông dân bất quá cũng chỉ thuộc về 3 trạng thái rẽ trái, rẽ phải, hoặc dừng lại, vậy thôi. Nhưng tùy theo mỗi vùng miền, người nông dân dùng các từ ngữ để “bảo trâu” khác nhau.
Theo tìm hiểu, ở khu vực các tỉnh phía Bắc, muốn trâu bò rẽ trái thì người cày hô “riệt”, đến chỗ cần rẽ phải thì hô “vắt”, và muốn trâu dừng lại phải hô “họ”. Ba “thuật ngữ” này có sự chênh lệch trong phát âm giữa một số nơi, có chỗ hô thành “vặt”, “diệt”, con trâu vẫn hiểu được đó là từ chỉ trái, phải; có nơi kêu “hò” thay cho “họ” thì con trâu vẫn dừng lại.
Vào khu vực Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ từ xứ Nghệ đến xứ Huế, người ta lại “bảo trâu” là “tắc”, “rị”/”rì” nếu muốn rẽ phải hoặc trái; và để yêu cầu trâu dừng lại vẫn hô lên: “họ”/”hò”.
Đến vùng Nam Trung Bộ và Nam Bộ thì cách “bảo trâu” lại khác: từ Đà Nẵng vào đến Bình Thuận người cày ruộng dùng các từ “tá”, “dí” để gọi trâu đi sang trái hoặc phải, và vẫn gọi “họ”/”hò” để trâu dừng lại.
Vào đến miền Tây Nam Bộ thì cách gọi có biến âm chút ít, theo lão nông Sáu Hỷ – quê ở An Giang nay lập nghiệp ở Đồng Tháp, thì quê ông cày ruộng hô trâu bò bằng ba từ “dí”, “phá”, “dò” để yêu cầu đi sang phải, trái và dừng lại.
Như vậy từ “tá” ở Nam Trung Bộ khi vô Tây Nam Bộ biến âm thành “phá”. Ngoài ra, một số vùng cũng dùng “thá” thay cho “tá”, kiểu âm gọi na ná như vậy dĩ nhiên là con trâu nghe tốt, không sao.
Và nguồn gốc?
Điều quan trọng hơn là: những lời nói / ngôn ngữ dùng để bảo trâu ấy xuất phát từ đâu, thuộc cộng đồng ngôn ngữ nào? Hay nói cách khác, ngoài dùng để “bảo trâu” như đã thấy, có cộng đồng ngôn ngữ nào cũng dùng các từ như trên để chỉ các khái niệm: trái, phải, dừng lại trong đời sống hằng ngày?
Xem trong từ điển của Hội Khai Trí Tiến Đức soạn năm 1954, thấy có ghi nhận 2 từ: vặt, riệt; nhưng chỉ chú thích là: Riệt: tiếng kêu của người thợ cày bảo trâu đi thẳng; Vặt: tiếng của thợ cày khiến trâu bò đi quay ngang.
Rõ ràng những người soạn từ điển đã ghi nhận một hiện tượng ngôn ngữ đang tồn tại thật, nhưng có phần sơ sài: không ghi rõ vặt là “quay ngang” theo hướng nào, trái hay phải; còn riệt mà giảng nghĩa là đi thẳng e cũng chưa hẳn đúng.
Còn nói về lớp từ Việt cổ thì khái niệm phải, trái từng được người Việt gọi là nam, chiêu (hoặc đăm, chiêu), cũng không thấy dùng để gọi trâu. Tra tìm trong các từ điển từ cổ hiện nay không thấy ghi nhận các từ “bảo trâu” trên đây với các nghĩa mà ngày nay trâu vẫn còn hiểu.
Hiện nay, trong lớp từ Hoa Việt cũng không thấy xuất hiện các từ ngữ dùng để “bảo trâu” như nói ở trên (theo tiếng Tiều thì trái = chọa, phải = diểu, dừng lại = hẹc; còn tiếng Quảng Đông thì trái = chỏ, phải = dàu, dừng lại = thìng). Xét rộng ra đến cộng đồng tiếng Khmer thì qua trái = “tâu chvêng”, qua phải = “tâu chđăm”, dừng lại = “bành chop”, cũng không giống với cách “bảo trâu” trên kia.
Tuy nhiên, theo một số nhà nghiên cứu người Chăm, cụm từ tá, dí, họ/hò hiện đang được người Chăm dùng trong điều khiển trâu bò cày ruộng và cả kéo xe.
Các nhà nghiên cứu Chăm đoán định có thể các từ này thuộc ngôn ngữ Chăm cổ (vì tiếng Chăm hiện đại diễn đạt các động tác rẽ trái, rẽ phải, dừng lại cũng bằng các từ khác).
Dù sao, đây cũng là gợi ý về nguồn gốc các thuật ngữ “bảo trâu” có xuất xứ ở khu vực Trung Trung Bộ trở vô Nam. Còn các cách gọi khác ở vùng miền khác đành chờ giới chuyên ngành ngôn ngữ đưa ra lý giải vậy.
Mới đây, năm 2015, nhà nghiên cứu Bùi Thanh Kiên ở Bến Tre ấn hành công trình “Phương ngữ Nam bộ – ghi chép và chú giải”, có ghi nhận từ “thá”, theo đó có 2 nghĩa: “Chỉ con vật đứng phía tay mặt từ phía sau nhìn tới”; và “Tiếng la hét của người thợ cày bừa khi muốn con vật bên tay phải bước lẹ hơn rẽ qua phía trái”.
Đây là những ghi nhận xác đáng trong kỹ thuật cày, và như vậy, việc ghi nhận này cũng cho thấy: cách gọi này đã tồn tại trước khi tác giả công trình ghi nhận.
Ảnh đầu bài: Tác phẩm Thả diều của họa sĩ Lê Minh