Trâu là biểu tượng cho hình ảnh cần cù, chăm chỉ, cực nhọc và khỏe mạnh. Hình ảnh con trâu thân thuộc, đậm nét quê hương được khắc họa với nhiều nét biểu cảm trong âm nhạc…
“Đưa cơm cho mẹ đi cày” (nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích)
“Mặt trời soi rực rỡ, gió đùa tóc em bay
Giỏ cơm trên tay, em đi đưa cơm cho mẹ em đi cày
mẹ ơi, mẹ nghỉ tay, trời trưa vừa tròn bóng
mẹ ăn cơm cho nóng mà để trâu cho con chăn (ớ) chăn trâu
mai đây lúa thơm xóm thơm làng, lúa thơm lừng cả bàn tay
là thơm nắng hôm nay khi em đưa cơm cho mẹ em đi cày
Đường hành quân diệt Mỹ, bố hỏi cuối thư vui
Lúa xuân thêm bông, ngô khoai xanh tuơi ai giỏi giang tay cầy
mẹ ơi, mẹ hẳn vui, chiều qua đọc thư bố
lời bố khen con nhớ, mẹ đảm đang con chăm ngoan, lúa lên mai
Mai đây chiến thắng bố về, sẽ nghe mẹ kể chuyện con
rằng con bé lon ton, khi con đưa cơm cho mẹ vui đi cày”.
“Đưa cơm cho mẹ đi cày” – Vũ Thái An
“Đường cày đảm đang” (An Chung)
Từ ngày anh đi việc đồng em giỏi giang
Ruộng cấy chăng dây cây lúa thẳng hàng
Đào đắp mương dẫn nước quanh làng
Tiếng hát ba đảm đang
Ở làng quê ta, cày bừa giờ gái thay trai
Từng luống cao đồng trũng ruộng ngoài
Cày khéo tay nổi tiếng thôn Đoài
Thay trai nay gái đua tài
Ruộng đồng quê ta mương máng dọc ngang
Nước đủ phân tro nhiều, bón chăm sớm chiều
Bội thu chiêm mùa trắc bông mẩy đều
Cùng vì quê hương, lời Bác còn vang …
Giết giặc! Anh sẵn sàng
Cứu nước! Em đảm đang
Dù bao gian khổ, tiếng ca vẫn rộn ràng
Ngày đầu chưa quen, đường cày đâu thẳng ngay
Nhưng đến hôm nay trên cánh ruộng này
Màu xới lên thẳng tắp đường cày
Lớp đất sâu đều tay !
Trời vừa tinh mơ, dọc bờ rộn tiếng trâu đi
Ta với trâu sương gió quản gì
Bừa kỹ xong gieo luống cho đều
Trâu ơi! Mai lúa khoai nhiều
Gửi người thân yêu tiếng hát hậu phương
Thắm đượm hương lúa nồng, có công em trồng
Đảm đang lo tròn nhắn anh yên lòng
Còn giặc xâm lăng, tiền tuyến hậu phương …
Tất cả ta chung lòng gắng sức hôm nay
Giặc tan anh về …Đón anh thăm đường cày
Đường cày đảm đang!
“Em bé quê” (Phạm Duy)
Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ
Ngồi mình trâu, phất ngọn cờ lau, và miệng hát nghêu ngao.
Vui thú không quên học đâu, nằm đồi non gió mát
Cất tiếng theo tiếng lúa đang reo, em đánh vần thật mau.
Chiều vương tiếng diều, trên bờ đê vắng xa
Đường về xóm nhà, chữ i, chữ tờ.
Lùa trâu nhốt chuồng, gánh nước nữa là xong
Khoai lùi bếp nóng, ngon hơn là vàng.
Em mới lên năm, lên mười, nhưng em không yếu đuối
Thầy mẹ yêu cũng vì trẻ thơ, làm việc rất say sưa.
Em biết yêu thương đời trai, đời hùng anh chiến sỹ
Ước mong sao em lớn lên mau, vươn sức mạnh cần lao.
Kìa trăng sáng ngời, đêm rằm trung, trung thu
Đời vui trống ròn, tiếng ca lẫy lừng.
Từ ngõ ngách làng, đèn đuốc rước triền miên
Bao người đóng góp, vui chung một miền.
Trâu hỡi trâu ơi đi cầy, trâu ơi đi cấy nhé
Đồng ruộng kia, với đồi cỏ kia, là của những dân quê.
Em bé dân quê việt nam, là mầm non tươi thắm
Sức mai sau xây đắp quê hương, cho nước giầu mạnh hơn.
Vàng lên cánh đồng, khi trời vươn ánh dương
Trẻ thơ lớn dậy, giữ quê, giữ vườn.
Đời vui thái bình, cây lúa sớm trổ bông
Cỏ ngàn thơm phức, trâu ăn đầy đồng.
“Gọi trâu” (tác giả Thảo Linh)
Con trâu kéo cày đồng sâu
Con trâu kéo lên ruộng cạn
Trâu ta kéo qua đêm rằm
Có chú cuội ngóng trông
Trâu ta kéo cày ruộng đông
Trâu ta kéo qua xuân hè
Mênh mông lúa xuân trên đồng
Trâu ta nằm ngắm xuân
Nghé ơi! nghé ọ trâu ra đồng
Đồng xanh lúa xuân thì
Cắt cỏ này trâu ăn.
Nguyễn Hằng (tổng hợp) https://dantri.com.vn/van-hoa/hinh-anh-con-trau-khoe-manh-can-cu-duoc-khac-hoa-trong-am-nhac-viet-20210204164001902.htm