Hình ảnh con trâu trong thơ ca Việt Nam:Trong mỗi người Việt Nam chúng ta hôm nay dường như vẫn đang hiện hữu một bác nông dân. Nông dân nghĩa là gắn bó với hình ảnh ruộng đồng, cây lúa, cánh cò, cánh vạc và… con trâu. Đón xuân Tân sửu nói chuyện con trâu quả là thú vị. Con trâu xuất hiện trong rất nhiều lĩnh vực của đời sống, văn hóa, nghệ thuật. Người viết chỉ mong được cùng mọi người trò chuyện đôi điều về con trâu trong thơ ca Việt Nam xưa và nay, gợi lại trong mỗi chúng ta những ký ức thanh bình để rồi yêu thêm mùa xuân, yêu thêm quê hương, đất nước, yêu thêm cái chất nông dân trong mỗi chúng ta.
Thơ ca xưa
Hình ảnh con trâu kéo cày trên ruộng đồng hay con trâu đứng gặm cỏ trên bãi, nằm nghỉ ngơi bên lũy tre làng, cùng đầm mình trong vũng ao, hồ nước là hình ảnh quen thuộc, gợi lên cảm giác thi vị thanh bình của miền quê Việt Nam. Con trâu là hình ảnh hiền lành, cần cù của con người Việt. Cậu bé chăn trâu Đinh Bộ Lĩnh đã từng phất ngọn cờ lau, dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước. Cậu bé chăn trâu Đào Duy Từ xứ Thanh, người chỉ huy đắp lũy Trường Dục nêu tấm gương kiên trì học tập, trở nên hiền tài… Trong tri thức về loài vật của người Việt thì tri thức về con trâu là có sớm nhất và đầy đủ nhất. Hình ảnh con trâu được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống tinh thần từ hàng ngàn năm qua. Trong văn hóa đại chúng, hình tượng con trâu phổ biến và gắn bó với cuộc sống người dân ở vùng Đông Nam Á và Nam Á, đặc biệt là ở Việt Nam. Trâu là một trong 12 con giáp (gọi là Sửu) và ở ở vị trí thứ 2, đồng thời là gia súc đứng đầu lục súc (gồm trâu, chó, ngựa, dê, gà, lợn), trâu có vai trò cực kỳ quan trọng trong nền nông nghiệp lúa nước. Trâu là con vật được dùng vào việc lễ tế thần thánh. Ở văn hóa phương Đông, một trong những tôn giáo lớn là đạo Phật có nhiều câu chuyện về trâu, mượn hình ảnh loài vật này để nói về triết lý, văn hóa, đạo lý sống, đó là tự chăn tâm mình, tự chăn tâm ngã như là thuần phục một con trâu. Trong tín ngưỡng nông nghiệp, chiếc sừng trâu gợi lên hình ảnh trăng lưỡi liềm biểu tượng của nước, lúc đón giao thừa, người ta ra xem trâu nằm hay trâu đứng, trâu ngoảnh đầu ra cửa hay vào trong để biết năm đó làm ăn có thuận lợi hay không. Một số vùng nông thôn Việt Nam có tục lệ là làm Tết Trâu. Ngoài ra, trâu còn gắn liền với các lễ hội như chọi trâu, đâm trâu… Con trâu còn xuất hiện trong âm nhạc, hội họa Việt Nam, đặc biệt là trong dòng tranh Đông Hồ.
Trong thơ ca dân gian, con trâu là loài vật được nhắc đến nhiều nhất và hay nhất với những biểu hiện phong phú nhất. Từ cách chọn trâu, nuôi trâu cho đến cách trò chuyện với trâu. Từ việc dùng trâu để thể hiện những kinh nghiệm quý báu, những cách ứng xử cần thiết, qua trâu để bộc lộ nỗi lòng cho đến những triết lý nhân sinh sâu sắc được gửi gắm qua tiếng nói của con vật lành gắn bó với nhà nông…
Hãy nghe các cụ truyền dạy cách chọn trâu qua ngôn ngữ thơ ca dân gian: Sừng cánh ná, dạ bình vôi, mắt ốc nhồi/ Ăn ra lôi, cày ra thép. Hay là: Trâu to ngà, càng già đường kéo. Cách chọn trâu cày khỏe dựa trên kinh nghiệm của nhà nông còn phải là da đồng, lông mốc và: Đầu thanh, mặt nhẹ, khô chân/ Vai cao, mình thẳng, mặt gân, sườn tròn; Chùng đùi, thắt quản, ngắn đuôi/ To ngà, móng hến thì nuôi đáng tiền.
Không ai biết con trâu có từ bao giờ, nhưng chỉ biết khi có con người thì có con trâu, con trâu là bạn của con người. Những bài ca “gọi nghé” kết thúc bằng tiếng “nghé… ơ… ơ… ơi!” nói lên tình cảm của con người lúc nào cũng gắn bó, thương cảm với con trâu: Nghé ơ…/ Mẹ gọi tiếng trước/ Cắt cổ lên đàng… Nghé ơ…/ Mẹ gọi tiếng sau/ Cất lồng lên chạy… nghé ơ…
Người nông dân không những coi trâu như một người bạn mà còn là người bạn thân thiết. Hình ảnh con trâu cũng là hình ảnh của chính họ, những nông dân Việt Nam dãi nắng dầm mưa, cần cù, chịu thương chịu khó:
Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta
Cấy cày vốn việc nông gia
Ta đâu trâu đấy ai mà quản công
Bao giờ cho lúa trổ (đơm) bông
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.
Câu thành ngữ “Lạc đường nắm đuôi chó, lạc ngõ nắm đuôi trâu” không chỉ nói lên kinh nghiệm tìm về nhà khi lạc đường mà dường như còn ngầm nói rằng: chó và trâu là những người bạn trung thành và đáng tin cậy.
Hãy cùng con trâu và đôi vợ chồng nông dân “cắp nón ra đồng” để cảm nhận về hạnh phúc, một thứ hạnh phúc đơn sơ, bình dị: Sáng mai cắp nón ra đồng/ Một đôi vợ chồng với một con trâu. Hay Trên đồng cạn, dưới đồng sâu/ Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa. Nam nữ tỏ bày tình yêu lứa đôi cũng thường mượn trâu, mượn nghé mà nói. Một cô gái rất hóm hỉnh, đã tự ví mình là “nghé đã thành trâu” để nhắc khéo chàng trai đã đeo đuổi mình từ lâu mà chưa tính đến hồi kết: Công anh chăn nghé đã lâu/ Bây giờ nghé đã thành trâu ai cày? Có khi chàng trai còn bị coi là một con nghé ngây ngô và quá vô tình trước một người con gái đã trải lòng ra với mình: Em như ngọn cỏ phất phơ/ Anh như con nghé nhởn nhơ trên đồng. Dùng chuyện “chăn trâu chẳng biết mặt trâu” để cười cho sự quá đểnh đoảng của chàng trai đã yêu mình hoặc đã có cảm tình sâu nặng với mình mà không hiểu biết gì về gốc gác của mình thì không còn gì đắc địa cho bằng: Chăn trâu chẳng biết mặt trâu/ Trâu về cầu Cậy biết đâu mà tìm.
Thuộc loại ca dao vui cười có những câu không có ý nghĩa gì cả, giống như những câu hát ru vậy thôi nhưng cũng có những câu đọc đi đọc lại và suy ngẫm kỹ, người ta sẽ hết sức bất ngờ về ý nghĩa nhân sinh sâu sắc ẩn chứa ở bên trong nó: Thứ nhất vợ dại trong nhà/ Thứ hai trâu chậm, thứ ba rựa cùn/ Vợ dại thì đẻ con khôn/ Trâu chậm lắm thịt, rựa cùn chịu băm.
Thơ ca hiện đại
Có thể nói, chúng ta có cả một kho tục ngữ, thành ngữ, ca dao, hò vè, câu đố,… có hình ảnh con trâu. Người xưa dùng trâu để nói về muôn mặt của cuộc sống con người. Tiếp nối nguồn mạch của thơ ca dân gian, trong văn học viết Việt Nam, hình ảnh con trâu không những không hề vắng bóng mà trái lại còn vô cùng đa dạng, phong phú. Phổ biến nhất trong cảm hứng thi ca là dùng trâu để hoài niệm, để mơ về hoa niên, khơi gợi cảm hứng về nguồn. Bên cạnh đó, không biết tự bao giờ, từ vai trò một người bạn, trâu được dùng để liên tưởng với những “thân trâu”, “kiếp trâu” – những nhọc nhằn, cơ cực của kiếp người. Và thật thú vị khi chúng ta bắt gặp cả hai nguồn cảm hứng đó trong thơ Hồ Chí Minh. Lúc bị xiềng xích, gông cùm, bị lính Tưởng giải tới giải lui qua gần 30 nhà lao của 13 huyện ở Quảng Tây, Người đã nghiệm ra một điều: Trên đời ngàn vạn điều cay đắng/ Cay đắng chi bằng mất tự do/ Mỗi việc, một lời không tự chủ/ Để cho người dắt tựa trâu bò. Cũng trong hoàn cảnh ấy, rất nhiều lần Người đã thực hiện những cuộc vượt ngục tinh thần, sáng tạo những vần thơ không nói chuyện “thép”, không lên giọng “thép” mà vẫn “lấp lánh ánh thép” (Hoài Thanh): Chùa xa chuông giục người nhanh bước/ Trẻ dắt trâu về tiếng sáo bay. Ta như thấy đâu đó trong câu thơ của Bác phảng phất hình ảnh chú mục đồng trong cảnh chiều hôm của Bà Huyện Thanh Quan: Gác mái ngư ông về viễn phố/ Gõ sừng mục tử lại cô thôn…
Trong thơ ca Việt Nam hiện đại, nhiều bài thơ, câu thơ về trâu, về nghé như đóng đinh vào ký ức tuổi thơ của mỗi chúng ta: Ai bảo chăn trâu là khổ/ Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao (Giang Nam); Trâu về xanh lại Thái Bình/ Nứa mai gài chặt mối tình ngược xuôi (Tố Hữu); Đêm mơ được cưỡi trâu về tuổi nhỏ/ Con đường làng mê mẩn cỏ đời tôi (Trần Mạnh Hảo);… Nếu Trần Mạnh Hảo “Cưỡi trâu về niên thiếu” để “xin mục đồng trở lại sáo thiên thai” thì Nguyễn Minh Khiêm lại “Cưỡi trâu về lại tuổi thơ” để nhìn thấy “Bầu trời mở trên lưng trâu/ Tuổi thơ xanh biếc một màu lá sen” …
Trong tất cả những nhà thơ Việt Nam hiện đại viết về trâu hoặc mượn trâu để viết về người, về đời, có lẽ viết nhiều và để lại ấn tượng nhiều nhất là Nguyễn Duy, một nhà thơ sinh ra và lớn lên từ bùn đất rơm rạ xứ Thanh:
Rơm rạ ơi ta đã về đây
xin cúi lạy vong linh làng mạc
bà và mẹ hóa cánh cò cánh vạc
ông và cha man mác kiếp trâu cày.
Cũng có đôi lúc cái ông “nhà thơ cưỡi trâu” này hài hước, dí dỏm khi cố tình “nhai lại” ca dao: Thơ ơi ta bảo thơ này/ Để ta đi cấy, đi cày nuôi em. Nhưng nhiều nhất là hai nguồn cảm hứng: dùng trâu để hoài niệm, để mơ về hoa niên, khơi gợi cảm hứng về nguồn và dùng trâu để liên tưởng với những “thân trâu”, “kiếp trâu” – những nhọc nhằn, cơ cực của kiếp người cứ đan xen và trở đi trở lại trong những ngổn ngang, trăn trở, nhiều khi đắng chát, xót xa nơi hồn thơ Nguyễn Duy. Cái người thơ ấy từ Sài Gòn hoa lệ về làng thăm cha nhìn cảnh cũ người xưa và thực tế hiện tại, anh viết những câu tưng tửng nhưng đầy ý nghĩa khiến lòng ta nhói đau: – Gốc cây hòn đá cũ càng/ Trâu bò đủng đỉnh như ngàn năm nay…- Gian ngoài thông thống gian trong/ Suốt đời làm lụng sao không có gì… – Vẫn đồng cạn vẫn đồng sâu/ Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa… – Ta đi mơ mộng trên trời/ Để cha cuốc đất một đời chưa xong…
Cùng Nguyễn Duy về nguồn cho mùa xuân trên quê hương xứ Thanh thêm một chút lắng đọng, thiêng liêng. Xuân Tân Sửu này, giá mà được cùng Đỗ Vinh, Nguyễn Duy, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Minh Khiêm và các nhà thơ Việt Nam hiện đại Cưỡi trâu về lại tuổi thơ để thấy Gió lùa qua tuổi thiếu niên/ Vô tư giọt nắng thôi miên tiếng cười, cùng nhau ngắm chú trâu ngộ nghĩnh trong tranh Đông Hồ để thấy hồn dân tộc linh thiêng mà vô cùng mộc mạc như hạt lúa củ khoai hiện về trong những vần thơ dân gian… Một giấc mơ thật tuyệt giữa đêm xuân nồng nàn!
Th.s Lê Hồng Chính (Báo Thanh Hóa)