‘Giải oan’ cho con trâu trắng

 Những ngày Huế chìm trong sương mù cuối năm, trên cánh đồng Vân Thê (thị xã Hương Thủy) chỉ còn thấp thoáng hình bóng của hàng chục con trâu. Nổi bật giữa đám trâu đen là con trâu trắng từng nhận nhiều lời đồn thổi không tốt.

“Nuôi nó gần 20 năm nay. Nó sinh 6-7 lứa, con nó cũng trắng. Nhiều người cứ bảo là nuôi nó chỉ có tán gia bại sản, là mang điềm gở. Nhưng với gia đình tôi, nó là cả gia tài. 

Tính tình của giống trâu này cũng rất hiền lành, dễ bảo và được việc hơn cả đám trâu đen” – ông Văn Trọng Côi (làng Vân Thê, thị xã Hương Thủy) nói.

Giống hiền lành, chịu thương chịu khó

Lão nông Văn Trọng Côi đã có thâm niên hơn 40 năm nhờ sức trâu làm việc đồng áng. Ông đã từng nuôi qua tay vài chục con trâu nhưng những hình ảnh đẹp, kỷ niệm khó quên nhất vẫn dành cho những con trâu trắng.

Đến nay gia đình ông vẫn còn nuôi ba con trâu trắng; mỗi khi nhắc đến những con trâu đặc biệt này, người dân làng Vân Thê liền lập tức chỉ tay đến nhà ông.

Ông Côi nhớ lại thời quyết mua con trâu trắng để nuôi với một lý do rất dí dỏm. Có một thời, mấy con trâu đen của ông nhập bầy với trâu làng đi quậy phá rau màu và ruộng lúa của người dân. Vì lẫn trong số trâu làng nên trâu của ông “chịu trận” rất nhiều lần.

“Tôi nảy ra ý tưởng sẽ tìm một con trâu khác mà khi nhìn thấy là biết trâu nhà ai, có quậy phá hay không ắt sẽ rõ” – ông Côi cười nói.

Đầu năm 2002, nghe ở An Hòa (TP Huế) có rao bán trâu trắng, ông tức tốc ra mua. “Lúc đó họ bán con nghé trắng 3 triệu đồng, trâu đen thì cao hơn một chút. Tôi không chần chừ mua luôn con màu trắng và từ đó tới chừ nó với tôi như hai người bạn, nó là cánh tay đắc lực của tôi trong việc đồng áng” – ông Côi vui vẻ kể.

Nhưng mang nghé trắng về làng, xóm giềng lại khuyên ông nên bán hoặc giết thịt nó đi vì sợ rằng sẽ mang điềm gở đến gia đình. Ông Côi bỏ ngoài tai mọi gièm pha, ra sức chăm nom con trâu trắng. Sau đó, những lứa trâu trắng cũng lần lượt ra đời.

Mỗi lần mang trâu ra đồng, nhất là mùa nắng, khi màu da của nó chuyển sang màu đỏ hồng là nhiều du khách và người dân hay dừng lại để xin chụp ảnh.

“Có người còn thuê để chụp hình dịch vụ luôn. Cái tính của bọn chúng hiền nên người lạ cũng như người quen, tới gần là nó chỉ nhìn chằm chằm thôi, đôi lúc cảm thấy nó như tạo dáng để được chụp hình nữa” – ông Côi phì cười kể.

Với ông Côi, đám trâu trắng nhà ông thông minh và nghe lời một cách tuyệt đối. Trong một thời gian ngắn rèn luyện, ông chỉ cần bảo “tới” là nó đi thẳng, bảo “hò đứng” là dừng lại, bảo “hò rì” thì rẽ trái và ngược lại “hò tắc” thì nó rẽ phải.

Ông kể mỗi lần ra đồng cày bừa ông thường không mang theo roi để điều khiển như đám trâu đen, một phần vì nó nghe lời và phần vì da nó mỏng, nhạy cảm nên nếu đánh mạnh sẽ gây vết thương rất khó lành.

Còn đâu trâu trắng nghĩa tình…

Những năm trở lại đây, những con “trâu sắt” ra đời làm giảm đi vai trò con trâu trong nông nghiệp. Những đàn trâu từng nhuốm đen cả cánh đồng trong vụ mùa của nông dân nay đã thưa dần, con trâu trắng vì thế cũng vắng bóng và dần trở nên hiếm hoi.

Chỉ tay hướng về phía cánh đồng Thủy Vân, ông Côi nói nơi đó từng xuất hiện nhiều trâu trắng. Lần theo sự chỉ dẫn, chúng tôi đi dọc bờ sông Như Ý và bất ngờ gặp được con trâu trắng nằm lẫn trong đám trâu đen của lão nông dân Phan Văn Phương (làng Thủy Vân).

Ông Phương cho biết hơn 40 năm làm nghề chăn trâu, đây là 1 trong 4 con trâu trắng mà ông may mắn sở hữu và cũng có thể là con trâu trắng cuối cùng xuất hiện trong cuộc đời của ông.

Có kinh nghiệm sau nhiều năm nuôi trâu trắng, ông Phương cho biết ngoài việc toàn thân phủ một màu hồng nhạt thì trên thân trâu có nhiều cặp xoáy đối xứng nhau, các chân khuỳnh ra, bước mạnh và nhanh… Những con trâu như thế này rất ham việc, nghe lời và không nề hà bất cứ việc gì chủ giao.

Đi xa hơn đến những nơi mà ông Côi chỉ đường để tìm hiểu về những nơi có nhiều trâu trắng, phần lớn chúng tôi nhận được là những cái lắc đầu cho biết trâu bạc đã không còn xuất hiện từ lâu. Với một số người già, hình ảnh của những con trâu trắng chỉ còn xuất hiện lờ mờ với bản tính hiền lành, nghĩa tình…

Trâu trắng không có gì bí hiểm

PGS.TS Nguyễn Tiến Vởn, giảng viên khoa chăn nuôi thú y Trường ĐH Nông lâm (ĐH Huế), cho biết hiện tượng trâu trắng là một bệnh di truyền. Đây chính là bệnh bạch tạng. Ở người, khoa học đã tìm thấy 7 gen liên quan đến bệnh này (từ OCA1 đến OCA7).

Đến nay, bệnh bạch tạng ở trâu vẫn chưa có nghiên cứu được công bố nên chưa biết do biến dị những gen nào. Bệnh bạch tạng không chỉ có ở người và trâu mà còn thấy ở nhiều loài động vật khác như lớp thú, bò sát, cá, côn trùng…, thậm chí cả ở thực vật cũng có hiện tượng bạch tạng. Như vậy, trâu trắng là một hiện tượng bình thường của tự nhiên, không có gì bí hiểm.

PGS.TS Nguyễn Tiến Vởn nói ông từng nghe không biết bao nhiêu lần câu “trâu trắng đi đâu, mất mùa đến đấy”. Tương tự, có nhiều câu nói khác cũng mang màu sắc mê tín như “mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì giàu”, “nhện đen phải mắng, nhện trắng được ăn”…

“Về mặt sức khỏe, khả năng cày kéo, cho thịt… của trâu trắng không thua gì trâu đen. Nhưng nhiều thương lái lợi dụng, vin vào những câu chuyện thêu dệt đó để ép giá những gia chủ có trâu trắng” – ông Vởn nói.

Ảnh đầu bài: Con trâu mẹ (phải) đã là bạn tri kỷ với ông Côi gần 20 năm nay bên con của nó – Ảnh: NGUYỄN TRỌNG

Nguyễn Trọng (Tuổi trẻ)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *