Đưa trâu rời xứ ‘thần rừng’

Đưa trâu rời xứ ‘thần rừng: Nuôi trâu trong chuồng là chuyện thường tình của nông dân khắp các vùng quê Việt Nam, thế nhưng với đồng bào dân tộc thiểu số K’Ho huyện Lạc Dương (Lâm Đồng), đó lại là điều quá đỗi mới mẻ. Tập quán giao trâu cho “thần rừng” cai quản từng ăn sâu trong tiềm thức của tộc người này, nay bắt đầu có sự thay đổi.

Giao cả cơ nghiệp cho “thần rừng”

Khi cuộc trò chuyện đến lúc cao trào, anh Cil Branh (thị trấn Lạc Dương) đồng ý đưa chúng tôi vào rừng thăm đàn trâu bán hoang dã, nhưng với điều kiện không ai được đến gần chúng. Anh còn bảo “không nên mặc áo màu đỏ” và đưa chiếc áo ấm màu tối của em gái cho tôi thay vào.

Sau khoảng 20 phút đi xe máy, chúng tôi bước xuống chiếc xuồng để sang bờ bên kia của hồ Đan Kia – Suối Vàng, rồi lội bộ thêm một đoạn đường để đến cánh rừng thông xanh tốt hàng chục năm tuổi. Tiếp tục xuyên rừng khoảng 2km, chúng tôi nhìn thấy đàn trâu 24 con đang ung dung gặm cỏ.

“Đàn trâu của mình đây rồi”, anh Cil Branh mừng rỡ, nói như reo. Hiện một con trâu trưởng thành được thương lái mua trên dưới 30 triệu đồng nên trị giá của đàn trâu này lên tới nửa tỷ, là cơ nghiệp của cả gia đình anh.

Nghe thấy tiếng động, đàn trâu ngừng ăn, mặt hướng về phía chúng tôi. Những con trâu đực to kềnh càng với cặp sừng dài và cong như cánh cung “dàn quân” phía trước, còn trâu mẹ và các nghé con lùi lại phía sau. Một vài con kêu ò…ò… biểu lộ sự tức giận.

Anh bảo chúng tôi đứng yên tại chỗ rồi một mình tách đoàn, cẩn trọng bước chầm chậm về phía đàn trâu, vừa đi, vừa cất tiếng gọi A Ten (tên con đầu đàn). Trước đó, trên đường đi, anh đã lấy một ít phân trâu bôi lên quần áo để trâu ngửi thấy mùi, trở nên dễ gần hơn.

Đưa trâu rời xứ 'thần rừng' ảnh 1
Đưa trâu bán hoang dã về nuôi nhốt trong chuồng

Tuy nhiên cũng phải mất hơn 2 tiếng đồng hồ, đàn trâu mới bớt hung hăng, tiến lại liếm số muối mà anh rải trên bãi cỏ.

“Chúng đã sống hơn 30 năm trong rừng nên rất thèm muối. Thông thường, mỗi tuần mình đi thăm trâu một lần. Lần nào cũng mang theo muối cho chúng ăn, thường xuyên gọi tên, vuốt ve, “dặn dò” A Ten đừng dẫn đàn đi xa. Gần đây, vì bận nhiều việc nên phải sau 1 tháng mới trở lại nơi này. Có lẽ chúng quên mùi của chủ nên hung hăng hơn trước.

“Mà cũng có thể bản năng hoang dã di truyền từ thuở trước trỗi dậy”, anh nói và giải thích thêm: Loài trâu mang tên Lang Biang này vốn là trâu rừng bản địa, được thuần hóa để kéo cày, nuôi lấy thịt và tế thần. Tuy nhiên, hơn nửa thế kỷ nay, khi hầu hết diện tích đất lúa được chuyển sang trồng hoa, cà phê…

Hàng ngàn con trâu của huyện Lạc Dương không phải kéo cày nữa nên được thả vào rừng, nhờ “thần rừng” cai quản. Các đàn trâu phải tự kiếm ăn, chống chọi với thú dữ, đấu với nhau để giành đồi cỏ nên dần dần trở về bản năng gốc.

Vấn nạn trâu phá rẫy, húc người

Những người già ở thôn Păng Tiêng (xã Lát) vẫn còn nhớ như in chuyện xảy ra cách đây hơn 40 năm, khi thôn có cả ngàn con trâu nhà thả rừng, nhiều con rất dữ, sẵn sàng húc những ai đến gần. Thấy có nhiều người bị thương nặng, cả làng họp bàn biện pháp xử lý, quyết định dùng súng bắn chết những con trâu đực đầu đàn dữ nhất.

Chỉ trong vòng 1 tháng, làng đã bắn chết 50 con, sau đó, tìm cách thuần hóa lại các đàn trâu bán hoang dã: Thỉnh thoảng lùa trâu từ rừng về làng để quen hơi người, biết nghe lời chủ.

Đưa trâu rời xứ 'thần rừng' ảnh 2
Trâu Lang Biang to lớn, có chất lượng thịt ngon nhất Việt Nam

Những năm gần đây lại xảy ra chuyện những đàn trâu bán hoang dã hung hãn chiếm rẫy của hàng chục hộ dân, tấn công người ở khu vực sông Con (xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt). Anh Huỳnh Đại kể, hôm đó, khi đang phun nước tưới cà phê thì bất ngờ bị con trâu lớn xông tới húc văng vào gốc cây, ngất xỉu, phải điều trị ở bệnh viện hơn 2 tuần.

Ông Ba, người sở hữu vườn cà phê gần 20 năm tuổi ở sông Con cũng tố khổ: Có năm, rẫy ngô bị đàn trâu ăn sạch, còn rau bị giẫm nát bét. Tôi và nhiều người khác làm vườn ở đây đã bị trâu rượt đuổi nhiều lần. Có người phải nhảy xuống mương hoặc xuống sông để thoát thân.

Ông Phạm Triều, Bí thư huyện Lạc Dương cho biết, trâu Lang Biang nức tiếng khắp nơi do thịt chắc nhưng mềm, không bèo nhèo, dĩnh nước như trâu một số nơi khác. Loài trâu này to lớn như trâu Murrah nổi tiếng của Ấn Độ mà nhiều nước đã nhập về để lai giống nhằm cải tạo tầm vóc, chất lượng trâu nội địa. Cơ quan chức năng lập kế hoạch bảo tồn nguồn gien tốt của trâu Lang Biang góp phần làm gia tăng giá trị đa dạng sinh học; cho giao phối với các giống trâu khác để cải thiện chất lượng đàn trâu nhà Việt Nam.

Các nạn nhân cho hay rẫy của họ nằm trên đất Xuân Thọ nhưng những cánh rừng gần đó lại thuộc địa bàn xã Đạ Sar. Người dân Đạ Sar thường thả rông đàn trâu trong rừng để chúng tự sinh tự dưỡng.

Khi cỏ khan hiếm, trâu tràn vào rẫy ăn ngô, đậu; quật gãy các buồng chuối; giẫm đạp lên bộ rễ làm cây cà phê xiêu vẹo, bật gốc; đằm mình tạo thành những vũng bùn giữa vườn cà phê làm cây bị lộ rễ, úng nước chết dần.

Làm nhà cho trâu

Việc nuôi gia súc thả rông còn phát sinh một số vấn nạn khác như trâu mắc bệnh tụ huyết trùng, chết hàng loạt. Trâu lạc đàn dẫn đến tranh chấp, mâu thuẫn giữa các hộ chăn nuôi.

Theo lời anh Cil Phlit (thị trấn Lạc Dương), gần 9 năm trước, đàn trâu của gia đình bị sụt giảm do nhiều con mắc bệnh. Đã thế, có con trâu bị lạc đàn dẫn đến việc tranh chấp giữa hai gia đình, phải nhờ đến sự phân giải của cơ quan chính quyền.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Lạc Dương, toàn huyện có chừng 2.100 con trâu. Số trâu nhà thả rừng chủ yếu là của đồng bào dân tộc K’ Ho ở thị trấn Lạc Dương,   xã Lát, xã Đạ Nhim và nhiều nhất là xã Đạ Sar.

Để khắc phục tình trạng trên, ông Sử Thanh Hoài, Chủ tịch huyện Lạc Dương cho biết đã chỉ đạo các xã, thị trấn thống kê số hộ nuôi trâu thả rông, vận động họ làm chuồng, đưa trâu về nuôi nhốt để thuận lợi cho việc tiêm vắc xin phòng bệnh, kiểm soát số lượng và nâng cao chất lượng thịt.

Một số cán bộ nông nghiệp địa phương cho hay đã có nhiều hộ đưa đàn trâu “khủng” Lang Biang với chất lượng thịt ngon nhất Việt Nam về nuôi dưỡng trong chuồng trại, hình thành xu thế nuôi nhốt gia súc trong cộng đồng người K’Ho ở Lạc Dương.

Chuyển biến tích cực nhất là ở xã Đạ Sar, nơi số lượng trâu chiếm 1/3 tổng đàn toàn huyện. Đến nay đã có gần 30 hộ làm chuồng, chuyển trâu từ rừng về nuôi nhốt. Tiêu biểu, các hộ Đơng Gur Ha Lang, Liêng Jrang Ha Khe Ly… đang nuôi hàng chục con trâu trong chuồng được xây dựng bài bản với máng thức ăn, nước uống, khe thải phân, thông thoáng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *