Nguồn gốc đàn trâu hoang tấn công người ở Quảng Trị: Chủ nhân ban đầu của đàn trâu hoang thường tấn công người ở Quảng Trị đề nghị chính quyền địa phương đặt bẫy hoặc có phương án xử lý phù hợp.
Khoảng 5 năm trước, gia đình bà Hồ Thị Loan (trú tại khu phố 1, phường 3, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) có đàn trâu 5 con.
Sống gần các khu vực rừng trồng, nên bà Loan thả cả 5 con trâu tự đi kiếm ăn. Lâu lâu, chồng bà Loan lại đi tìm, lùa đàn trâu về nhà, nhưng càng ngày đàn trâu càng nhát người rồi ở hẳn trong rừng.
Nhiều lần đi tìm, gia đình bà Loan phát hiện 5 con trâu của gia đình đi cùng 1 đàn trâu khác hơn 20 con. Chúng kiếm ăn trong các cánh rừng trồng ở khu vực Khe Lấp (phường 3, thành phố Đông Hà), khi thấy người thì di chuyển đi nơi khác.
“Chồng tôi vẫn thường xuyên đi tìm đàn trâu, thì thấy có sinh thêm 2 con là thành 7 con, nhưng không lùa về nhà được” – bà Hồ Thị Loan, cho hay.
Để bắt đàn trâu, bà Loan mua nhiều lưới thép B40, rồi thuê người chuyên bắt trâu hoang ở xã Hải Thái (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) vây thành khuông ở khu vực rừng nơi đàn trâu hay kiếm ăn. Nhưng đàn trâu rất khôn, không con nào vào khuông. Hơn 1 năm không bắt được, thợ săn lắc đầu, gia đình bà Loan cũng bất lực.
Tương tự, gia đình ông Nguyễn Công Huệ (khu phố 1, phường 3, thành phố Đông Hà) nuôi 1 con trâu cái và thả cho đi ăn theo đàn. Lâu dần, trâu nhát người, nên tìm đủ cách ông Huệ vẫn không bắt được.
Bà Loan và ông Huệ là 2 trong số 4 gia đình nhận là chủ nhân của đàn trâu hoang xuất hiện ở khu vực rừng Khe Lấp chuyên kiếm ăn, dẫm đạp làm hư hại rừng trồng và tấn công người từ năm 2019 đến nay.
Theo bà Loan và ông Huệ, khi UBND phường 3 (thành phố Đông Hà) thông báo tìm chủ nhân của đàn trâu hoang, có 4 gia đình đến nhận.
Cả 4 gia đình đề nghị chính quyền hỗ trợ bắt đàn trâu để thu hồi tài sản và tránh tình trạng đàn trâu gây nguy hiểm cho người dân.
“Tại các buổi làm việc, chúng tôi đều đề nghị chính quyền và các đơn vị hỗ trợ, có thể đặt bẫy bầy trâu hoặc dùng cách nào đó hiệu quả. Tài sản của chúng tôi, nhưng nếu chính quyền hỗ trợ, khi bắt được có thể chia tỉ lệ sao đó cho hợp lý” – bà Hồ Thị Loan, nói.
Ông Nguyễn Ngọc Hùng – Đội trưởng đội Nam Sông Hiếu Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đường 9 cho biết, khu vực rừng mà đơn vị này quản lý là nơi đàn trâu hoang hay lui tới. Những ngày gần đây, ông Hùng thường xuyên gặp đàn trâu vào ban đêm và cả ban ngày, có lúc đàn trâu khoảng 30 con, có khi thì 20 con.
“Trước kia, mỗi lúc thấy đàn trâu đến kiếm ăn ở khu vực rừng mới trồng, vì trách nhiệm chúng tôi chạy đến xua đuổi để bảo vệ cây. Nhưng nhiều lần bị đàn trâu quay lại tấn công, nên không dám đến gần để đuổi, mà đứng từ xa rồi dùng các vật dụng phát ra âm thanh lớn để đàn trâu rời đi” – ông Hùng, cho hay.
Đến tháng 3.2023, công nhân của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đường 9 sẽ đến khu vực rừng thông ở Khe Lấp để lấy nhựa, do đó rất lo ngại về đàn trâu này. Bởi lẽ những năm trước đó, vào thời điểm lấy nhựa thông, nhiều công nhân đã bị đàn trâu tấn công.
Sau nhiều văn bản gửi cơ quan công an và chính quyền địa phương, nhưng đàn trâu hoang vẫn chưa được xử lý, giữa tháng 2.2023, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đường 9 tiếp tục có ý kiến với đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh Quảng Trị.
“Mong muốn chính quyền có biện pháp sao đó để xua đuổi đàn trâu hoang để việc sản xuất của chúng tôi được thuận lợi và đảm bảo an toàn cho công nhân” – ông Nguyễn Hồng Thái – Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đường 9, nói.
Theo Hưng Thơ (Lao động)