Điển tích trâu trong bài thơ Nôm thời Gia Long: Năm 1774, cơ nghiệp chúa Nguyễn ở Đàng Trong sụp đổ, Nguyễn Phước Ánh mới 12 tuổi xuống thuyền theo Định Vương chạy vào miền Nam lánh nạn. Lăn lóc khắp miệt ruộng vườn sông Tiền, sông Hậu, trôi dạt ra ngoài hải đảo Phú Quốc, Thổ Châu. Có lúc sa cơ, thất thế phải chạy tuốt qua tận Xiêm La nương náu.
Sau 28 năm nằm gai, nếm mật đến 40 tuổi, Nguyễn Phước Ánh hoàn toàn chiến thắng, bước lên ngai vàng trở thành hoàng đế Gia Long (1802-1820).
Dưới thời Gia Long, thơ văn quốc âm rất thịnh hành. Trên đồ sứ ngự dụng còn bảo lưu nhiều bài thơ Nôm đề vịnh phong cảnh, tứ dân tứ thú (ngư, tiều, canh, mục) với khẩu khí đế vương rất độc đáo.
Chúng tôi xin giới thiệu bài thơ vịnh chăn trâu để độc giả ngâm nga thưởng thức nhân dịp xuân Kỷ Sửu.
Lân la chiếu đất liền màn trời
Thong thả rừng đào mặc thích chơi
Ghẹo nguyệt nghêu ngao ba chặp địch
Nhúng sương chỉ vẫy một tay roi
Xang ca Ninh Thích khoan khoan dắng
Tưởng trận Điền Đan khích khích cười
Dò hỏi chúng chàng nào bói thử
Thưa rằng chúa Hán có tin bài.
Quý hạ vọng hậu đề ở Thúy Liên đường (1)
Mở đầu bài thơ diễn tả cuộc sống tự do, thú vị của người chăn trâu. Tuy nhiên hai câu 5, 6 tác giả nhắc đến hai nhân vật nổi tiếng trong sử sách xưa, có liên quan tới trâu.
* “Xang ca Ninh Thích khoan khoan dắng” (Ninh Thích cất tiếng ca chậm rãi, réo rắt).
Ninh Thích, người nước Vệ thời Xuân Thu, học vấn uyên bác, có tài kinh bang tế thế. Lúc còn nghèo hèn, ông chăn trâu ở Dao Sơn để chờ thời cơ. Một hôm gặp lúc Tề Hoàn Công kéo đại binh đi đánh nước Tống, Ninh Thích gõ vào sừng trâu cất cao giọng ca:
Kìa sông Thương Lang đá trắng lởm chởm
Có con cá chép dài một thước hơn
Nghiêu Thuấn thái bình đã không được gặp
Áo cộc che thân độ đến ngang lưng
Ta cho trâu ăn từ tối đến đêm
Đêm tối mờ mờ, bao giờ thấy sáng!(2)
Vua Tề nghe được, giận dữ sai lính đi bắt dẫn đến hỏi:
– Người là thằng chăn trâu sao dám chê bai việc nước?
Ninh Thích đáp:
– Tâu chúa công, kẻ hèn này đâu dám cười chê chuyện chính trị đương thời.
Tề Công nói:
– Ngày nay đất nước thái bình, ổn định, phát triển tốt đẹp. Nhân dân vui vẻ, cây cỏ tốt tươi, dẫu đời Nghiêu Thuấn cũng không hơn được. Vậy sao ngươi dám ca “Nghiêu Thuấn thái bình đã không được gặp… Đêm tối mờ mờ bao giờ thấy sáng!”. Thế chả phải gièm chê, nói xấu vua chúa đương thời là gì?
Ninh Thích đáp.
– Tôi nghe nói đời Nghiêu Thuấn mưa hòa gió thuận, nhân dân yên vui sinh sống. Nay tôi thấy giềng mối rối loạn, đạo đức suy đồi. Nghiêu Thuấn trừ kẻ hung ác, tham tàn làm hại dân. Nên không tuyên truyền mà dân tin tưởng, không dọa nạt mà dân tuân phục. Nay chúa công quanh năm tính việc chinh chiến hao người tốn của mà bảo “nhân dân vui vẻ, cây cỏ tốt tươi”, thì tôi thật không hiểu được!
– Thằng dân đen nói càn rỡ, bậy bạ. Đem chém đầu răn chúng, trị tội khi quân ngay.
Ninh Thích bị lính trói tay dẫn đi, mặt không biến sắc, nhìn lên trời cười mà nói to: “Xưa vua Kiệt giết Long Bàng, vua Trụ giết Tỷ Can, nay ta cùng hai người đó hợp thành bộ ba rồi”.
Ngay lúc đó, có quan Đại phu Thấp Bằng đứng ra can gián vua Tề:
– Người này không khiếp sợ uy vũ, xem thường việc sống chết, chỉ mong nói thẳng ý mình. Như thế không phải là kẻ chăn trâu tầm thường, xin chúa công đừng vội giết bậc hiền tài mà hỏng việc nước.
May thay Tề Hoàn Công tỉnh ngộ, truyền mở trói tha ngay Ninh Thích, nghe theo lời tiến cử của Tể tướng Quản Trọng phong Ninh Thích làm Đại phu.
Nước Tề nhờ tài trị nước, an dân của hai người này mà nhanh chóng hùng mạnh nắm quyền lãnh đạo chư hầu.
* “Tưởng trận Điền Đan khích khích cười” (Nghĩ lại trận trâu lửa của Điền Đan mà cười thích thú). Điền Đan người đất Lâm Truy nước Tề thời Chiến Quốc. Vua Yên cử Nhạc Nghị làm đại tướng dẫn quân vây thành Tức Mạc, nước Tề. Điền Đan được cử làm tướng chống giặc. Ông cho tập trung 1.000 con trâu của dân trong thành, ấy vải nhuộm màu sắc lòe loẹt, may thành áo mặc cho trâu, dùng gươm đao buộc vào sừng, lấy cỏ lau khô tẩm dầu bó vào đuôi.
Chọn quân sĩ mạnh khỏe, cảm tử bắt vẽ mặt mày hung tợn, trang phục kỳ dị chờ sẵn. Đến đêm khuya mở cửa thành, châm lửa đốt đuôi trâu. Đàn trâu rống lên đâm đầu xông thẳng vào trại quân Yên, đằng sau có quân cảm tử hò hét, cắm cổ chạy theo. Trong thành dân chúng già trẻ khua chiêng, đánh trống vang trời trợ chiến.
Quân Yên ngái ngủ, thất kinh hồn vía chạy tán loạn bị trâu húc chết, quân Tề tha hồ chém giết, chủ tướng là Kỵ Kiếp cũng bị Điền Đan chém đầu. Thừa thắng, quân Tề tổng phản công khôi phục 70 thành đã mất, nước Yên đại bại. Đó là trận trâu lửa (Hỏa ngưu trận) nổi tiếng trong lịch sử chiến tranh thời cổ ở Trung Quốc.
Ở nước ta, trong văn học Hán Nôm rất nhiều tác giả nhắc nhở đến Ninh Thích và Điền Đan.
Học Lạc (Nguyễn Văn Lạc) vịnh trâu, có câu:
“Mắc mưu đốt đít tơi bời chạy
Làm lễ bôi chuông dớn dác sầu”(3)
Cụ Huỳnh Mẫn Đạt, trong bài Con trâu già than thở:
“Đuôi cùn biếng vẫy Điền Đan hỏa
,Tai điếc buồn nghe Ninh Thích ca”.
(1) Tô sứ ký kiểu năm Canh Ngọ (1810). Viết ở Thúy Liên đường sau ngày rằm tháng Sáu.
(2) Bản dịch Nguyễn Hoài Nam – Tham khảo sách Điển Hay Tích Lạ – Nguyễn Tử Quang, Khai Trí, Sài Gòn 1974.
(3) Bôi chuông: Ngày xưa sau khi đúc chuông thì giết trâu lấy máu làm lễ bôi vào thân chuông để cầu tiếng vang. Vua Tề một hôm thấy dẫn trâu đi giết nó tỏ ra buồn bã nên động lòng thương xót truyền thả trâu và dùng dê thay thế.