Có một vùng đất hoang sơ, kỳ vĩ với nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú và đa dạng, những truyền thuyết và huyền thoại về dấu ấn của một nền văn hóa cổ xưa vẫn còn là điều bí ẩn cho những ai muốn tìm hiểu và khám phá. Trên vùng đất ấy có những câu chuyện của một thời khai hoang, mở đất lâu dần nó trở thành tên kinh, tên xóm. Kinh Bạch Ngưu dài chừng 4 cây số thuộc ấp Căn Cứ xã Vĩnh Phong là một trong những câu chuyện nhuốm màu huyền thoại của vùng đất Vĩnh Thuận mãi mãi thuận hoà…
Cặp trâu trắng huyền thoại và kinh Bạch Ngưu
Những ngày cuối tháng chạp, chúng tôi tìm về Ấp Căn Cứ xã Vĩnh Phong huyện Vĩnh Thuận. Đó là nơi giáp ranh của ba tỉnh: Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau, nơi có những địa danh nghe rất lạ tai như Cánh đồng chó ngáp, kênh dân quân và kênh Bạch Ngưu. Thoáng nghe từ “bạch ngưu” chắc hiển nhiên mọi người đều hiểu nghĩa của nó là trâu trắng. Vậy kinh này có gì liên quan đến con trâu trắng? Hay kinh này toàn nuôi loài trâu trắng?
Tôi gặp Ông Bảy Tiển năm nay tròn 90 tuổi, vừa lặt những lá mai vàng cho kịp trổ bông vào tết Tân Sửu. Ông vừa kể cho tôi nghe những câu chuyện xung quanh địa danh Bạch Ngưu. Ông bảo: hồi đó vùng này hoang vu, thưa thớt lắm. Khi cha ông lập nghiệp ở đây chỉ có mấy cái chòi. Choại, dớn, ô rô, cóc kèn, tràm mọc dày đặc. Muổi nhiều dử lắm, chiều mà không chui vô nop là muỗi cắn chịu không nổi. Vì vậy, người ta mới có câu ca:
“Xứ đâu bằng xứ Cạnh Đền
Muỗi bay như sáo thổi đĩa lội lềnh tựa bánh canh”
Hồi đó xứ này chim, thú nhiều vô cùng. Chiều là nghe chúng kêu bầy gọi bạn, vổ cánh làm rợp một góc trời. Cha tui nói, lâu lâu thấy có cặp trâu toàn thân màu trắng nó đi ăn. Hể gặp mấy người đi “ăn ong” hay đi rừng là nó phóng “long đi”. Một cặp trâu trắng lớn lắm nó chạy cái ùm xuống kinh rồi mất tiu. Ông Bảy Tiển cười nói với tôi một câu chắc nịch. Cha sinh, mẹ đẻ tôi ra ở vùng đất này lâu đời lắm rồi. Vùng này còn nhiều câu chuyện kỳ lạ mà hay lắm.
Chia tay ông Bảy Tiển, tôi đến nhà ông Năm Điệp ngụ cùng kinh Bạch Ngưu. Năm nay ông Trần Văn Điệp đón mùa xuân lần thứ 80. Mặt dù vào lớp người “xưa nay hiếm” nhưng ông Năm Điệp vẫn nhanh nhẹn, cường tráng của một lảo nông. Ông nói, theo truyền khẩu của các kỳ lão xứ Cạnh Đền này thì ở đây “cá đếm đầu, trầu đếm cuống”. Cá nhiều lắm, ăn không hết người ta làm khô, làm mắm để ăn khi vào mùa vụ. Xứ này có một cặp trâu trắng quanh quẩn ăn cỏ sinh sống. Hễ thấy người là nó lao đi, chạy “long kinh” về miệt Chợ Hội. Do cặp trâu bạch lao xuống kinh nên người ta đặt cho con kinh này là Bạch Ngưu.
Trâu đánh giặc
Chưa hết bất ngờ về câu chuyện cặp trâu trắng. Ông Năm Điệp tươi cười nói với tôi: vùng này trước kia trâu bầy. Nuôi trâu để làm ruộng, xe trâu ho nhà nông. Nhưng không chỉ có đi cày, bừa đâu nghen. Con trâu còn biết đánh giặc nửa à!
Ông Năm Điệp nhấp ngụm trà, đôi mắt xa xăm nhìn ra kinh Bạch Ngưu chậm rãi kể: nghe cái tên Căn Cứ là biết vùng căn cứ cách mạng rồi. Đây là cứ của nhiều cơ quan ở và làm việc. Mặc dù xứ này nghèo khó, nhưng đã đùm bọc, che chở bảo vệ cán bộ cách mạng đến cùng. Dân vùng này nghèo mà yêu cách mạng dử lắm. Làm lúa, xay gạo để dành cho cán bộ ăn. Cá tát đìa, cắm câu, đặt trúm bắt lươn rộng lại chờ bộ đội về để cho ăn.Thời chống Pháp có ông Trịnh Văn Giàu khu bộ trưởng về đóng khu vực Bạch Ngưu này. Thời chống Mỹ vùng Bạch Ngưu là nơi chiến trường ác liệt. Sư đoàn 21 của Nguỵ ra sức tàn phá vùng Bạch Ngưu bằng nhiều đợt hành quân, rải bom đánh phá. Không chỉ có sư đoàn 21 thường xuyên bắn phá mà những trận bắt người đánh đập, tra tấn của bọn Lâm Quang Phòng ở đặc khu An Phước cũng tàn bạo lắm…
Nhớ những năm làm giao liên, mọi cuộc hành quân, đánh phá vào vùng Căn Cứ của địch đều được ông cùng với các đồng chí của mình báo về. Ông nói: cũng nhờ mấy con trâu. Nó cũng biết đánh giặc!
Hồi đó vùng này trâu bầy, mỗi nhà có mấy chục con trâu. Sáng là nhóm “mục đồng” tụi ông thả trâu đi ăn. Vừa cho trâu ăn, vừa quan sát. Hể thấy lính lùng vào xóm Bạch Ngưu là ông lấy khăn rằn quấn lên sừng trâu rồi giả bộ đánh trận rượt đuổi nhau. Cán bộ cách mạng đang họp hoặc ở cứ mà thấy trên sừng trâu có khăn rằn đang rượt đuổi nhau ngoài đồng là có “động”, phải rút liền.
Ôi! Một câu chuyện đầy tính sáng tạo, độc đáo của người nông dân nghèo xứ Cạnh Đền, Bạch Ngưu. Chỉ có những con người yêu nước, yêu quê hương, sẳn sàng hi sinh bản thân để bảo vệ cách mạng mới nghĩ ra được những điều đơn giản nhưng rất thiêng liêng ấy. Thiêng liêng ở chổ: phải bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng, bảo vệ cán bộ bằng mọi cách.Đó cũng là tấm lòng yêu nước của người dân của vùng đất Vĩnh Thuận anh hùng!