Đào Duy Từ đi chăn trâu, trổ tài khiến gia chủ thán phục: Đào Duy Từ thà cam phận làm kẻ đi ở đợ với nghề chăn trâu chớ quyết không nói nửa lời, thậm chí còn làm người khù khờ. Tuy nhiên, đó là vì Đào Duy Từ không nói, chứ không phải vì Đào Duy Từ không muốn nói và suy cho cùng thì chẳng qua là vì ông không thể nói.
Sau ngày khỏi bệnh, Đào Duy Từ tìm đường vào Nam theo phò chúa Nguyễn. Trong lúc bơ vơ nơi phủ Hoài Nhơn (nay là phủ Bồng Sơn), tỉnh Bình Định, ông tạm khuất thân ở ẩn, chăn trâu cho nhà giàu là Chúc Trịnh Long ở thôn Tùng Châu, để chờ thời. Tại đây, ông đã tỏ cho mọi người biết tài học của mình như thế nào? Trong sách Trịnh – Nguyễn diễn chí có đoạn viết về sự việc này như sau:
Một hôm, nhà phú ông mời các bậc nho sĩ trong vùng tới dự tiệc và đàm đạo văn chương. Chập tối, khi mọi người đang vui vẻ đàm luận kinh sử thì Đào Duy Từ lùa trâu về chuồng. Buộc trâu đóng cửa chuồng xong, Đào Duy Từ bước vào, tay cầm roi chăn trâu, nón lá thì trật xuống vai, lưng vẫn để nguyên chiếc khố vải, đến trước mặt các khách làng Nho, đặt chân lên bậc thềm mà nhìn chằm chằm. Trong số người khách thấy vậy đã lớn tiếng quát đuổi, Đào Duy Từ chỉ nhếch mép cười, giả làm như không biết gì. Thấy thế, gia chủ liền mắng:
– Ngươi chỉ là đứa ở chăn trâu, chưa từng biết đạo Khổng Mạnh, đã lùa trâu về chuồng rồi thì xuống bếp tìm cơm mà ăn, ăn xong thì nghỉ đến sáng mai còn đi chăn trâu, đứng đấy nhìn làm gì cho uổng sức mệt thân. Các bậc nho sĩ đây đều là quân tử, chẳng như ngươi là hạng tiểu nhân, sao lại dám ngang nhiên đứng trước mặt, chẳng biết cung kính giữ lễ gì cả. Như vậy là có tội, biết không?
Đào Duy Từ nghe xong thì cười vang rồi nói:
– Trong làng Nho cũng có nho quân tử, lại cũng có nho tiểu nhân. Trong bọn chăn trâu, cũng có kẻ chăn trâu anh hùng và kẻ chăn trâu đúng là tôi tớ. Tất cả cao thấp đều không giống nhau, tài giỏi và ngu muội tách bạch chớ không phải là một. Nay tiểu nhân tôi nếu có nhìn thì cũng chẳng ảnh hưởng gì đến sự tôn quý của chư vị, có tội gì đâu mà phải bị đuổi đi.
Khách nghe Đào Duy Từ đáp như thế thì rất lấy làm ngạc nhiên, bèn hỏi:
– Người bảo ai là nho quân tử, ai là nho tiểu nhân?
– Phàm là nho quân tử thì phải thông hiểu tam tài (gồm có trời, đất và người). Khi ở nhà thì lo giữ đạo cha con, anh em và vợ chồng, khi ra giúp việc nước thì phải biết tìm mưu lược để giữ yên lòng dân, cứu chỗ hiểm, phò chỗ nguy, bày kinh bố trận, vào chính ra kỳ (chính kỳ là thuật ngữ quân sự cổ, theo đó thì đại để chính là đánh trực diện, đánh công khai, còn kỳ là đánh bí mật ở phía sau, đánh mai phục), phải lập công danh sự nghiệp, để tiếng thơm lại cho mai sau, đời đời còn rạng rỡ, ngàn năm không phai mờ. Nho quân tử thì thời nhà Thương có Y Doãn, thời nhà Chu có Thái Công, thời nhà Hán có Vũ Hầu Gia Cát Lượng…
Còn như Nho tiểu nhân thì tài học nhiều lắm cũng chỉ ở mức tầm chương trích cú, chỉ muốn thong dong nơi bút mực văn chương để cầu danh lợi, mượn Nho để cười gió giỡn trăng, coi thường những kẻ hào kiệt ở đời. Họ làm sao có thể hiểu được ý chí của thánh hiền, làm sao có thể được đại đạo vua tôi. Với bọn họ, đang không may mà được ra làm quan, được trao việc trị dân và trông coi chính sự trong thất thời, thì lập tức tìm trăm phương ngàn kế để mưu lợi lộc riêng, chẳng hề biết rằng sâu dân mọt nước là điều đáng khinh khi. May mắn hơn nữa, nếu họ mà được dự bàn kế sách lớn, giải quyết các việc thuộc quốc gia đại sự, thì chỉ biết bàn tán thao thao mà vô bổ, cứ để mặc mọi điều cho người khác lo toan, đại để như bọn Kiều Hạo và Vương Diễn đời Tấn, có gì mà đáng phải bàn đến đâu.
Khách nhà nho nghe nói thì cả kinh và tất thảy đều phục tài của ông.
Lũy Đào Duy Từ được chúa Nguyễn xây dựng năm 1630 nhằm bảo vệ nước Đàng Trong trước các cuộc tấn công của chúa Trịnh của Đàng Ngoài. Đào Duy Từ vốn là một quân sư, một người thầy của chúa Nguyễn nên từ đó hệ thống thành lũy này còn có tên gọi Lũy Thầy
Lời bàn:
Cứ theo nội dung của giai thoại trên đây thì trong suốt mấy tháng trời, Đào Duy Từ thà cam phận làm kẻ đi ở đợ với nghề chăn trâu chớ quyết không nói nửa lời, thậm chí còn làm người khù khờ. Tuy nhiên, đó là vì Đào Duy Từ không nói, chứ không phải vì Đào Duy Từ không muốn nói và suy cho cùng thì chẳng qua là vì ông không thể nói. Hơn nữa, nếu ông có nói thì “đàn gảy tai trâu”, phỏng có ích gì? Ngay cả khi thấy khách làng nho đàm đạo, Đào Duy Từ cũng bắt đầu bằng sự lắng nghe, ấy là bởi Đào Duy Từ cũng cần thẩm định xem, nho ấy có phải Nho quân tử không đã. Cổ nhân có dạy rằng, cần phải biết nói lời không thể không nói đúng vào lúc đáng nói nhất thì sẽ chẳng bao giờ sai, thật chí lý thay.
Ở đời, thiếu niềm tin là đau khổ còn trao niềm tin sai địa chỉ là tai họa. Vì vậy, cái giỏi của Đào Duy Từ lúc này ngoài sự thông kim bác cổ, còn là sự giữ đúng tư thế tạm thời là kẻ chăn trâu. Muốn được uyên bác thì phải khổ công học tập một đời, nhưng muốn có bản lĩnh thì chắc chắn không phải ngày một ngày hai mà có được. Và chỉ những ai không biết gì mới không biết được điều đơn giản này. Mong hậu thế đừng ai quên.
Theo N.N (Dân Việt)