Giai thoại các danh nhân Việt và con trâu

Giai thoại các danh nhân Việt và con trâu có bao điển tích của con trâu và các danh nhân văn hóa đắt Việt theo cùng lịch sử

Giai thoại các danh nhân Việt và con trâu
Giai thoại các danh nhân Việt và con trâu

Hoàng đế chăn trâu Đinh Bộ Lĩnh

Ai cũng biết trong sử sách nước ta, vua Đinh Tiên Hoàng xuất thân là một mục đồng hồi bé, chăn trâu cắt cỏ cho người chú là Đinh Thúc Dự. Thuở nhỏ cậu bé Đinh Bộ Lĩnh chăn trâu cùng các bạn nhỏ, thường bày ra trò chia phe đánh trận, tay cầm ngọn cỏ lau dài làm khí giới và cờ phướng lọng quạt, cưỡi trên lưng trâu. Sau này “Cậu bé chăn trâu” trở thành tướng quân họ Đinh oai phong lẫm liệt dẹp được loạn “Thập Nhị Sứ Quân” rồi lên ngôi vua vào năm 968, xưng đế hiệu là Đinh Tiên Hoàng, mở ra một trang sử mới cho đất nước Đại Cồ Việt…

Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn cỡi trâu xung trận

Giai thoại các danh nhân Việt và con trâu: Trong trận đánh giặc Nguyên – Mông trên sông Bạch Đằng, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn cỡi voi vượt qua sông Hóa, không may con voi bị sa lầy. Ông đành phải xuống voi. Quân lính cùng nhau ra sức kéo lên nhưng con voi càng bị lún sâu, chẳng hề nhúc nhích. Con voi này đã từng đưa Hưng Đạo Vương xông pha nơi trận mạc. Ông động viên quân lính cố hết sức đẩy con voi ra khỏi bãi lầy… nhưng cuối cùng đành bất lực.

Ngay lúc ấy, có một chú bé chăn trâu chạy đến thưa với ông rằng: “Bây giờ voi không đưa Ngài qua sông được nữa, xin Ngài cỡi lên lưng con trâu của cháu, cháu sẽ giong trâu bơi qua”.

Hưng Đạo Vương nhìn chú bé mỉm cười rồi gật đầu và nói: “Cháu bé giỏi lắm! Thế thì cháu ngồi trước còn ta thì ngồi sau. Cháu ngồi trước thì mới cầm dây thừng giong trâu chứ !”.

Chú bé vâng lời. Đoàn quân sung sướng nhìn vị tướng và chú bé cưỡi trâu sang sông. Hưng Đạo Vương quay lại nhìn con voi bị sa lầy đang chìm dần dưới lớp bùn, ứa nước mắt và nói: “Đến ngày ta thắng trận, ta sẽ dựng tượng voi và cả tượng con trâu này bên bờ sông”.

Đào Duy Từ : Kẻ chăn trâu quân tử

Đào Duy Từ bỏ Đàng Ngoài vào Đàng Trong để đi tìm minh chúa. Những ngày đầu tiên đến đất Hoài Nhơn, chưa gặp người giúp đỡ, ông phải đi ở chăn trâu cho nhà họ Chúc, thuộc thôn Tùng Châu, phủ Quy Nhơn. Một hôm, dắt trâu qua cửa tư thất một vị tướng thì nghe tiếng đọc sách và bàn luận chuyện văn chương, chính sự, ông liền buộc trâu lại đứng nghe. Viên quan thấy vậy liền gọi vào và hỏi:

– Anh có biết chữ không?

– Thưa, tôi vừa nghe các ngài bàn về nho tiểu nhân và nho quân tử. Tôi lấy làm thú vị lắm!

– Thế anh hiểu thế nào là nho quân tử và nho tiểu nhân?

– Thưa ngài, về nho thì tôi chưa được rõ. Tôi chỉ biết đi chăn trâu nên chỉ xin được nói về kẻ chăn trâu. Có kẻ chăn trâu quân tử, có những kẻ chăn trâu tiểu nhân, cũng như các ngài nói về nhà nho vậy. Chăn trâu tiểu nhân là những kẻ dắt trâu ra đồng ăn cỏ, đến tối là dắt trâu về, không nghĩ ngợi, lo lắng chi cả. Còn kẻ chăn trâu quân tử là những kẻ vừa chăn trâu vừa ôn tài, luyện chí, chưa gặp dịp nên tạm theo việc để sinh nhai đó thôi. Sử sách ngày xưa còn ghi lại không hiếm gì kẻ chăn trâu quân tử. Nịnh thích làm tưởng nước Tề, Bách Lý Hề làm tướng nước Tần, trước đều là những kẻ chăn trâu cả đấy!

Viên quan thấy lời lẽ như vậy, đoán ngay đây là một nhân tài, liền báo với chúa Nguyễn dùng lễ mời Đào Duy Từ ra giúp, tạo nên cơ nghiệp nhà Nguyễn ở xứ Đàng Trong.

Thiên Hộ Dương và đội binh trâu

Thiên Hộ Dương là lãnh tụ nghĩa quân ở Đồng Tháp Mười hồi cuối thế kỷ XIX. Ông có tài đặc biệt là cưỡi trâu ra trận. Đã có lần ông đem các thuộc hạ ra bờ kênh xem ông cưỡi trâu từ dưới nước vượt lên bờ. Các tướng cố sức ngăn cản những đường roi của ông nhưng ông đã gạt phăng hết khí giới của họ, thúc trâu tả xông hữu đột khiến mọi người đều thán phục.

Biết ông có tài đặc biệt ấy, nghĩa sĩ Đồng Tháp Mười đều hưởng ứng, đến qui phục dưới cờ ông. Có một người dẫn đến hàng trăm con trâu rừng đã được anh ta thuần phục. Anh điều khiển trâu không cần tiếng la hét, hay dùng roi vọt mà bằng tiếng… mõ. Cứ theo tiếng mõ của anh mà đàn trâu biết tiến, thoái, biết quì phục tùy theo ý của người chỉ huy.

Thiên Hộ Dương đã tiếp nhận người nghĩa sĩ này và giao cho anh ta chỉ huy một trận đánh. Đội quân trâu tuân theo tiếng mõ của anh ào ạt xông vào đội hình bọn giặc. Giặc trở tay không kịp chạy tán loạn. Tiếng mõ bèn chia đàn trâu làm hai toán rượt theo giặc. Giặc bắn ra, đàn trâu cũng biết nghe theo tiếng mõ để tránh đạn vì vậy mà có rất ít con trâu bị thương, còn phía địch thì hoảng loạn, tan rã hàng ngũ. Sau trận đánh thắng lợi này, Thiên Hộ Dương đã phong cho nghĩa sĩ chỉ huy đội quân trâu là Ngưu quân Thượng tướng.

Phạm Phú Thứ: dùng xe trâu đưa nước vào ruộng

Việt sử có ghi, năm 1865, triều đình nhà Nguyễn bắt đầu cho chế xe tát nước bằng sức trâu kéo, phỏng theo cách thức phương Tây. Sở Đốc công chịu trách nhiệm chế tạo 27 cỗ xe để đưa cho các tỉnh từ Phú Yên, Bình Định đến Nghệ An, Thanh Hóa làm mẫu rồi theo đó mà chế tạo.

Giai thoại đất Quảng kể rằng: Khi tiến sĩ Phạm Phú Thứ theo phái đoàn sứ bộ Phan Thanh Giản sang Pháp điều đình chuộc lại ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ, lúc đến sông Nil (Ai Cập) ông để ý đến loại xe nước giống như bên ta nhưng to lớn và thay vì dùng chân để đạp thì lại dùng trâu để kéo. Ông sai người vẽ lại thật tỉ mỉ hình ảnh và cách vận hành chiếc xe trên. Ông mang về nước bản vẽ ấy rồi đem bàn với các lão nông giàu có tìm cách thực hiện.

Như đã nói, bánh xe giống như bánh xe đạp nước và hoàn chỉnh hơn đem đặt ở bờ sông hay bờ hồ. Cái trục giữa của xe đưa thẳng vào bộ máy chạy toàn bằng các bánh xe có răng cưa theo cách vận hành của đồng hồ quanh một cái trục lớn đứng thẳng. Từ trục ấy đưa ra một đòn gỗ dài mà cuối cùng là nơi bắt ách trâu. Trâu dùng từ một đến hai con và chúng đi chung quanh cái trục dưới ngọn roi của người giữ trâu. Các bánh xe răng cưa vận hành cho trục ngang quay để xe từ từ đưa nước vào máng dẫn nước chảy vào ruộng.

Chiếc xe trâu đầu tiên đóng tại Hòa Vang (Quảng Nam) và được nhân dân mến mộ, dần dần phát triển cách thức dẫn thủy mới mẻ này.

Về sau, người ta tôn ông Phạm Phú Thứ là “hậu tổ” xe trâu (đây là xe trâu đưa nước vào ruộng chứ không phải xe trâu chở rơm rạ hay nông cụ thường thấy). Gọi Phạm Phú Thứ là “hậu tổ” vì “ông tổ” nó ở tận bên sông Nil, xứ Ai Cập.

Cậu bé chăn trâu trở thành tiến sĩ

Xin kể qua về Tiến sĩ Nguyễn Xuân Ôn (1825-1889). Ông quê ở xã Lương Điền, phủ Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, thuở ấu thơ sống trong một gia đình nghèo khổ, nên ông phải đi chăn trâu cho một phú hộ trong làng. Phú hộ có nuôi một thầy đồ dạy học cho cậu quý tử của mình, hằng ngày ông đi ngang qua phòng học để “nghe lén học lóm”. Khi lùa trâu ra đồng, ông dùng lưng trâu làm bảng, dùng đất sét làm phấn để viết lại những chữ đã học, tiếp thu rất nhanh. Ngày nọ, ông thầy đồ xin gia chủ nghỉ phép về quê, trước khi đi có để lại một bài tập rất khó, lắt léo nhiều điểm cốt ý khiến cho cậu chủ nhỏ điên đầu nhức óc đánh vật với chữ nghĩa trong suốt thời gian thầy đồ vắng mặt. Nguyễn Xuân Ôn bấy giờ mới làm giùm bài cho cậu chủ. Khi ông thầy đồ trở lại, ông kinh ngạc đến sửng sốt vì không thể ngờ cậu chủ lại làm bài quá xuất sắc như vậy. Thầy hỏi dò nơi phú hộ xem thử trong thời gian thầy vắng có vị khoa bảng nào ghé đến nhà chơi hay không, vì thầy chắc chỉ có “cỡ khoa bảng” mới làm được “bài tập hóc búa” mà thầy ra cho cậu chủ. Ông phú hộ khăng khăng là không có ai đến nhà. Vặn hỏi một hồi, cậu chủ cuối cùng khai ra người làm bài tập là “thằng ở đợ chăn trâu”. Thầy đồ lập tức mời Nguyễn Xuân Ôn lên ngồi “ngang mâm cùng chiếu” với mình. Sau đó ông giúp đỡ để “cậu bé chăn trâu” họ Nguyễn được học hành đến nơi đến chốn. Nguyễn Xuân Ôn được thầy thương yêu, hết lòng dốc sức mài sử sôi kinh để báo đáp ân sư. Sau, ông đậu Tiến Sĩ vào năm 1871, làm quan tiến chức dưới triều vua Tự Đức…

NGUYỄN NHÂN THỐNG – MÃN ĐƯỜNG HỒNG Báo Cần Thơ 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *