Con Trâu và đạo lý thuận thiên trong văn hóa Việt cổ

Con Trâu và đạo lý thuận thiên trong văn hóa Việt cổ: Dân gian thường nói “Con Trâu là đầu cơ nghiệp” hay “Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà” với ý nghĩa Trâu tượng trưng cho sự sung túc về của cải, vật chất nhưng ít ai thấu hiểu ngọn nguồn những giá trị và triết lý nhân sinh qua hình tượng Trâu trong dòng chảy văn hóa Việt. Nhân dịp năm mới Tân Sửu, xin mạn đàm đôi nét về đạo tòng thuận qua biểu tượng văn hóa Trâu.

Trong 12 con giáp thì chi Sửu có hình tượng là con Trâu, đứng thứ 2 sau chi Tý. Sách xưa nói: Trời khai vào năm Giáp Tý, Đất mở năm Ất Sửu. Trời Đất khai mở từ chi Tý – Sửu. Cho nên Sửu – con Trâu là tượng trưng cho “Đất”, cho những gì thuộc về vật chất và thiên nhiên. Người Việt xưa coi sở hữu Trâu là tài sản vật chất có giá trị hàng đầu trong gia đình. Bản thân trong chữ Nho, từ Vật 物 được viết thuộc bộ Ngưu (Trâu) là thể hiện quan niệm này. Trước đây, những nhà được xem là giàu có là những nhà có đủ “Chín đụn, mười trâu”, có “Ruộng sâu, trâu nái”. Ở Tây Nguyên, người ta còn dùng Trâu để đổi lấy những thứ quý giá như ché rượu hay dùng làm sính lễ khi cưới hỏi.

Con Trâu và đạo lý thuận thiên trong văn hóa Việt cổ
Con Trâu và đạo lý thuận thiên trong văn hóa Việt cổ

Nói đến Trâu ta nghĩ ngay hình ảnh sản xuất nông nghiệp thời xưa khi mà “Chồng cày, vợ cấy, con Trâu đi bừa”. Người xưa nói: “Dĩ nông vi bản” tức lấy nghề nông làm gốc. Nông nghiệp là công việc làm ra lương thực thực phẩm, nuôi sống con người. Xã hội loài người từ sự khởi nguồn bằng săn bắn, hái lượm, phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên cho đến khi biết cách trồng cây, nuôi gia súc thì đã đi được một chặng dài trên con đường tiến hóa. Cũng nhờ có sản xuất nông nghiệp mà xã hội có tích lũy, dư thừa, tạo tiền đề để hình thành đất nước, hình thành dân tộc, trên có vua, dưới có dân, nước giàu dân mạnh.

Truyền thuyết lịch sử của người Việt coi vị tổ đầu tiên là vua Thần Nông. Thần Nông được mường tượng dưới dạng hình người có đầu Trâu. Thần Nông đã dạy nhân dân trồng cấy ngũ cốc. Con Trâu như thế là hình tượng của nông nghiệp, ngành nghề làm ra của cải, thúc đẩy xã hội phát triển.

Con Trâu và đạo lý thuận thiên trong văn hóa Việt cổ
Con Trâu và đạo lý thuận thiên trong văn hóa Việt cổ
Hình ảnh Trâu ở Pù Luông, Thanh Hóa

Ngày nay, thế giới đang bước vào thời kỳ cách mạng khoa học công nghệ 4.0 với tiến trình số hóa, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo… Lúc này, chúng ta thử nhớ lại “cuộc cách mạng nông nghiệp” trong buổi đầu chập chững của loài người. Việc phát minh ra cái cày sử dụng sức kéo của động vật như Trâu bò để trồng cấy lương thực thực sự đã là một cuộc cách mạng đối với con người khi đó. Hình ảnh “con Trâu đi trước, cái cày theo sau” không phải là nói đến sản xuất nông nghiệp lạc hậu mà ngược lại, đó là biểu tượng của cách mạng về khoa học kỹ thuật, phát triển sản xuất của xã hội thời cổ đại. Con người từ chỗ hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên đã từng bước nắm được quy luật vận động của tự nhiên và dựa vào đó để tạo ra nguồn lợi cho xã hội.

Nhưng Trâu không chỉ biểu trưng cho văn hóa nông nghiệp hay cuộc cách mạng nông nghiệp mà ẩn sâu trong các tầng văn hóa, Trâu còn thấm đẫm triết lý nhân sinh về đạo lý tòng thuận. Chi Sửu – con Trâu tượng trưng cho Đất, cho vật chất, cho thiên nhiên. Đất cũng là quẻ Khôn trong Kinh Dịch – cuốn sách triết học căn bản và lâu đời của phương Đông. Quẻ Khôn có lời tượng, mô tả bản chất của quẻ là Nguyên Hanh Lợi, tẫn Mã chi Trinh. Đây là những nguyên tắc cơ bản trong triết học truyền thống: Nguyên là tính nhân bản. Hanh là tính thiết thực. Lợi là lợi ích. Quẻ Khôn dạy rằng: muốn cho “Nguyên, Hanh, Lợi” được bền lâu thì phải biết tuân thủ như con Ngựa cái (tẫn Mã chi Trinh). Quẻ Khôn có tượng là con Ngựa cũng như là con Trâu, do tính chất chính của Quẻ này là sự tòng thuận. Trâu và Ngựa đều là những động vật nuôi, làm theo sự điều khiến của con người.

Trâu đá thời Lý ở chùa Phật Tích (Tiên Du, Bắc Ninh)

Triết gia cổ đại hàng đầu của phương Đông là Lão Tử đã viết trong tác phẩm Đạo Đức kinh rằng: “Người thuận theo Đất, Đất thuận theo Trời, Trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên”. Thuận tòng là điểm cốt yếu của lý thuyết về Đạo Đức do Lão Tử đề xướng. Con Trâu trong quẻ Khôn biểu tượng cho nết tòng thuận nên nó đã được dùng làm biểu trưng cho tinh thần Đạo đức trong học thuyết của Lão Tử. Lão Tử thường được diễn tả cưỡi trên lưng một con Trâu xanh mà giảng Đạo chính là vì ý nghĩa này.

Tranh Lão Tử cưỡi Trâu

 

Tượng Lão Tử cưỡi Trâu ở chùa Chuông, Hưng Yên.

“Đất thuận theo Trời”. Con Trâu là biểu trưng của sự thuận thiên trong quan niệm xưa. Một nền nông nghiệp có thể mang lại sự thịnh vượng cho con người nhưng sự thịnh vượng đó muốn bền lâu thì phải biết thuận theo quy luật thiên nhiên. Ngày nay, chúng ta đã và đang nếm trải những hành động đi ngược với đạo lý thuận thiên và phải gánh chịu những hậu họa khôn lường. Trong nông nghiệp đó là sự tàn phá rừng tự nhiên, là săn bắt thú hoang dã, là lạm dụng hóa chất trong sản xuất nông nghiệp. Hậu quả của những hành động này là thiên tai trở nên cực đoan hơn, bão lũ ngày càng diễn biến phức tạp hơn, khí hậu biến đổi thất thường, môi trường sống bị ô nhiễm, bệnh tật và dịch bệnh gia tăng. Ngay cả đại dịch Covid-19 đang bùng phát và lấy đi sinh mạng hàng triệu người cũng nhiều khả năng có nguồn gốc sâu xa từ việc con người đã “bạo hành” thiên nhiên, săn bắt, tiêu thụ, buôn bán động vật hoang dã một cách tàn nhẫn dẫn tới mầm bệnh phát tán, lây lan toàn nhân loại.

Đạo lý “con Trâu” tưởng chừng đơn giản nhưng lại là triết lý nhân sinh được đúc kết của người xưa về lẽ tòng thuận, dựa vào thiên nhiên nhưng không đi ngược với tự nhiên. Tham dự và thuận theo lẽ tự nhiên thì mới thịnh vượng lâu bền. Tòng thuận còn có nghĩa là biết sống hòa hợp, thích nghi tối đa và tối ưu, tích cực thay đổi cho phù hợp với tự nhiên.

Khi soi chiếu đạo tòng thuận qua biểu tượng con Trâu trong văn hóa truyền thống vào sản xuất nông nghiệp ngày nay, chúng ta càng thấy rõ con đường để phát triển nông nghiệp bền vững là phải hướng đến sản xuất thân thiện với môi trường mà điều tiên quyết là không phá rừng để trồng cây công nghiệp, cây lương thực. Thực hành nông nghiệp không mất rừng là một trong những tiền đề phòng chống thiên tai bão lũ của thời đại ngày nay. Sản xuất nông nghiệp cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật và quy hoạch phù hợp để giảm thiểu tối đa phát thải khí nhà kính, loại trừ nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu. Sản phẩm nông nghiệp tạo ra phải sạch, an toàn bằng cách khi canh tác và tiêu thụ không dùng các hóa chất độc hại. Nông nghiệp hữu cơ không chỉ mang đến sức khỏe cho con người mà còn giúp gia tăng giá trị sản phẩm và nâng cao thu nhập cho người sản xuất.

Phát triển công nghệ thân thiện tạo ra nguồn lợi một cách bền vững – đây là điều vô cùng quan trọng trong sản xuất nông nghiệp và ứng với tất cả các lĩnh vực, ngành nghề. Ngày nay, khi con người tưởng mình đã có thể đứng trên cả tự nhiên nhưng thực tế thiên tai, dịch bệnh đã buộc chúng ta phải ngẫm lại, suy xét lời dạy của tiền nhân về đạo tòng thuận trong ứng xử với thiên nhiên. Khoa học công nghệ không thể thay thế được sự sáng suốt của đạo (tinh thần), đúng như người xưa từng dạy: “Có Khôn còn phải có Ngoan”.

Năm Canh Tý vừa qua, chúng ta không khỏi đau xót khi nhìn lại những trận bão lũ kinh hoàng khiến hàng ngàn người rơi vào cảnh màn trời chiếu đất, dịch bệnh Covid-19 bùng phát và lan tràn khắp muôn nơi. Vào thời cổ đại, người Việt cũng từng trải qua những thời khắc khó khăn như vậy. Đó là câu chuyện khi An Dương Vương xây thành Cổ Loa nhưng truyền thuyết này được xem là một dấu ấn của cách ứng xử với thiên nhiên trong lịch sử Việt.

Truyền thuyết kể rằng An Dương Vương khi rời đô về Cổ Loa đã cho xây thành đắp lũy. Nhưng thành cứ xây xong lại đổ. Khảo cổ học các lớp nền móng chân thành Cổ Loa ngày nay đã hé lộ nguyên nhân làm đổ thành là do những trận động đất rung chuyển vào thời ấy. Còn trong dân gian, nguyên nhân làm thành đổ được kể là do có yêu quỷ hóa hình thành tinh con gà trắng, đến đêm hiện lên mà phá hoại. Tại Đông Anh, lưu truyền truyền thuyết vị tiên nhân Huyền Thiên Trấn Vũ đã sai thần Kim Quy đến giúp An Dương Vương chém Bạch Kê tinh. Nhờ đó An Dương Vương đắp được thành vững vàng, rồi lại thu nhận được chiếc móng rùa của thần Kim Quy làm lẫy nỏ thần để an dân giữ nước.

Đền Sái thờ Huyền Thiên Trấn Vũ ở Đông Anh

Theo sự tích của làng Thổ Hà ở Việt Yên, Bắc Giang – một ngôi làng cách thành Cổ Loa không xa thì chính vị triết gia Lão Tử đã mở trường giảng đạo ở đây. Lão Tử cũng đã giúp nhân dân trong vùng diệt trừ “giặc quỷ Xích Tỵ”. Giặc Xích Tỵ hay giặc Mũi đỏ thực ra là một loại dịch bệnh mà người mắc phải bị nổi vết đỏ khắp thân mình. Lão Tử không chỉ là một triết gia sâu sắc mà còn là một người thầy thuốc uyên bác, nắm được quy luật của thiên nhiên và xã hội. Ông đã giúp người dân chữa bệnh dịch bằng cách dùng “bùa phép” đốt, hòa với nước làm thuốc sát trùng, “phóng đi các nơi” để trấn yểm nhằm ngăn chặn nguồn lây lan bệnh dịch. Cứu sống nhân dân, dập tắt dịch bệnh là công lao thiên thu mà Lão Tử đã làm, ghi tên mình vào lịch sử Việt.

Sự tích đình Thổ Hà còn kể rằng Lão Tử đã giúp An Dương Vương trừ diệt yêu quái trên núi Thất Diệu mà xây thành Cổ Loa. Chính Lão Tử là người đã đăng đàn cầu tế ở Cổ Loa, khuyên An Dương Vương biết thuận theo ý trời mà tránh được thiên tai địch họa. Trong truyền thuyết Việt, vị tiên ông Huyền Thiên Trấn Vũ, người đã sai thần Kim Quy đến giúp An Dương Vương chính là đức Lão Tử.

Lão Tử cưỡi Trâu, đề cao tư tưởng “đạo đức”, tòng thuận theo lẽ tự nhiên, tham dự vào tự nhiên nhưng không tàn phá, đi ngược với thiên nhiên. Đây chính là chiếc “móng rùa” thần kỳ đã được trao lại cho các đời vua Việt làm “bảo bối” trấn quốc. Con Trâu là biểu tượng cho tư tưởng của Đạo Lão, có thể giúp dân giúp nước vượt qua thiên tai (như cơn địa chấn ở thành Cổ Loa), dẹp trừ dịch bệnh (như trừ dịch bệnh Xích Tỵ). Nghĩ về hình tượng con Trâu, chúng ta lại nhớ đến cuốn sách Đạo Đức kinh mà Lão Tử để lại cho nhân gian, chỉ ra con đường phát triển xã hội một cách an bình, trường tồn. Đó là thuận theo lẽ tự nhiên của trời đất.

Tượng Lão Tử ở chùa Bổ Đà, Bắc Giang.

Hình ảnh con Trâu cần cù, siêng năng còn là nói đến sự vừa đủ, không tranh giành trong cuộc sống. Vừa đủ để không phí phạm những gì mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Biết vừa đủ giúp tránh được lòng tham vô đáy dẫn đến sự giành giật trong cuộc sống hàng ngày. Không tranh giành cũng sẽ không dẫn đến những cuộc chiến tranh thảm khốc giữa các vùng, các nước, các dân tộc. Biết vừa đủ, tòng thuận như con Trâu, thật là một đạo lý đơn giản nhưng không dễ mấy ai làm được.

Ngày nay, trước sự thay đổi như vũ bão của khoa học công nghệ và sự biến đổi khôn lường của thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, việc tìm về nguồn cội, về triết lý của tiền nhân sẽ cho chúng ta một con đường đi tới tương lai, để có được cuộc sống thanh bình, ấm no và bền vững. Năm con Trâu, nhìn lại tinh thần đạo đức Việt xưa, cầu mong nhân loại luôn an và khỏe, đúng như tinh thần và biểu trưng của năm Sửu. “Trâu ta ăn cỏ đồng ta” không phải là ta chỉ biết ta mà ta hãy tìm về nguồn cội, về gốc rễ, nền tảng của ta, của dân tộc để tâm được bình yên, tinh thần tấn tới, đạo đức được hun đúc, tôi rèn theo đúng tinh thần tòng thuận, trong đó thuận theo tự nhiên là gốc rễ của đạo.

One thought on “Con Trâu và đạo lý thuận thiên trong văn hóa Việt cổ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *