Làng La Nhuế xưa, nay là làng La Dương (nay thuộc phường Dương Nội, Quận Hà Đông Hà Nội) là một vùng quê trù phú, có tục thờ thần. Tích xưa kể lại: Thời vua Hùng Nhuệ Vương, Minh miếu của làng La Nhuế tức Miếu quán ngày nay là nơi báo ứng đầu thai của Tam vị Minh Tuất Đại Vương vào ngày 11 tháng Giêng năm Nhâm Tuất ba ngài sinh ra trong cùng một bọc. Năm tròn 24 tuổi cũng là năm mãn tang phụ mẫu, theo chiếu cầu hiền của vua Hùng Nhuệ Vương, sau khi ứng tuyển ngài cả được phong là Chỉ huy sứ, ngài hai và ngài ba là Tả và hữu tướng quân. Cùng năm đó, nhận được lệnh lên đường dẹp giặc Thục, ba ngài làm lễ tế trời đất để xuất quân, dân làng La Nhuế đã vô cùng cảm kích và đề bạt cho trai làng được đi xung trận cùng triều đình cứu nước. Ba ngài đã tuyển hàng trăm trai làng khỏe mạnh cùng đoàn quân lên đường ra trận. Sau ngày thắng trận trở về, nhà vua khen thưởng, phong cho 3 ngài lấy sứ Từ Liêm làm thực ấp. Ba ngài trở về làng La Nhuế đóng quân và cùng dân làng mở tiệc ăn mừng vào ngày 11 tháng 10. Tiệc đang vui bỗng trên trời xuất hiện một đám mây vàng và một dải mây hình như một tấm lụa đào buông xuống trước cửa Miếu quán đưa cả 3 ngài lên trời cao, ra đến giữa sông Nhuệ thì không nhìn thấy nữa. Dân làng La Nhuế vô cùng thương tiếc làm sớ trình lên vua xin lập đền thờ. Nhà vua chuẩn y và phong cho 3 ngài là Bản Cảnh Thành Hoàng Minh Tuất Đại Vương. Theo đó, hàng năm vào ngày 11 tháng 10 nhân dân La Dương lại sửa lễ tam sinh để tế thần, đặc biệt trong lễ vật phải có có trâu trắng, bởi theo bản thần tích thần sắc ngày thắng trận về La Nhuế, Minh Tuất đại vương đã mổ trâu khao quân và dân làng.