Thành ngữ có câu: “Con trâu là đầu cơ nghiệp” để nói về vai trò, ý nghĩa của con trâu đối với đời sống của người dân Việt Nam. Với một đất nước có nền văn minh lúa nước, thì hình ảnh con trâu, cây lúa trở nên quen thuộc, gần gũi hơn bao giờ hết.
Mỗi khi thấy hình ảnh chú trâu trên những cánh đồng bao la bát ngát, nhiều người sẽ liên tưởng ngay đến những vùng quê thanh bình, yêu dấu. Không chỉ vậy, con trâu còn là biểu tượng của sức mạnh về thể lực.
Có lẽ vì thế mà tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á năm 2003 (SEA Games lần thứ 22) lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, đất nước ta đã chọn hình ảnh trâu vàng làm linh vật. Con trâu đã tạo được dấu ấn đậm nét trong lòng bạn bè quốc tế và xét về mặt tâm linh nào đó, hình ảnh chú trâu vàng đã mang lại may mắn cho Đoàn thể thao Việt Nam: Chúng ta năm đó dẫn đầu bảng tổng sắp huy chương.
Trong kho tàng đời sống tinh thần của người Việt, hình ảnh con trâu xuất hiện phong phú, đa dạng và là biểu tượng cho đức tính cần cù, chịu khó, hiền lành, chăm chỉ của người Việt. Con trâu xuất hiện trong những câu chuyện cổ tích một cách tự nhiên, gần gũi nhất.
Thời kỳ Hùng Vương đã để lại cho dân tộc Việt Nam một nền văn minh lúa nước, bởi tượng trâu bằng đất nung được nhiều nhà khảo cổ học tìm thấy tại di chỉ Đồng Đậu, cách đây hơn ba ngàn năm và hình ảnh con trâu trên ruộng đồng Việt Nam có lẽ cũng xuất hiện từ đó.
Điều đó chứng tỏ, con trâu gắn bó với đời sống tinh thần của người Việt từ rất lâu đời. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, con trâu gắn liền với những giai thoại về vị vua trẻ Đinh Bộ Lĩnh, khi xưa cùng đám trẻ vùng Hoa Lư cưỡi trâu lấy cờ lau tập trận. Hình ảnh ấy sau này là cảm hứng cho sự ra đời của nhiều bức tranh Đông Hồ nổi tiếng như: Mục đồng thổi sáo, Chăn trâu thả diều, Hiếu học, Cày bừa, Nghỉ ngơi…
Con trâu cũng là một trong những hình ảnh được khắc họa nhiều nhất và có nhiều tầng ý nghĩa nhất trong kho tàng tranh Đông Hồ. Mỗi bức tranh một vẻ, một sắc thái, nhưng thể hiện sinh động đời sống tinh thần của người Việt. Trong phật giáo, có mười bức tranh trâu được gọi là “Thập mục ngưu đồ”, vẽ con trâu và những chú mục đồng, mô tả thứ tự quá trình diễn biến trong tâm thức của con người vận dụng sự hành thiền trong cuộc sống.
Không chỉ xuất hiện trong hội họa, hình ảnh con trâu đối với nhiều nhạc sĩ Việt Nam là nguồn cảm hứng bất tận để gửi gắm lời ca, tiếng hát ngợi ca lao động, nét đẹp của làng quê. Kể đến một số ca khúc đã đi cùng năm tháng như: Đường cày đảm đang của nhạc sỹ An Chung; Em bé quê, Bình ca của nhạc sỹ Phạm Duy; Cánh đồng tuổi thơ của nhạc sỹ Lư Nhất Vũ…
Trong đời sống tín ngưỡng, con trâu được ví như linh vật đối với nhiều dân tộc. Người Chăm ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, cứ 7 năm một lần, vào tháng 7 lịch Chăm thường dùng một con trâu trắng làm lễ vật dâng cúng với nghi lễ trang trọng tại chân núi Đá Trắng, thuộc làng Như Bình, xã Phước Thái, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) với mong ước có được sức khỏe, mùa màng bội thu.
Với người Sán Chay, hình ảnh con trâu được thể hiện qua thiết kế nhà ở: Bốn cột chính tượng trưng cho 4 chân, rui mè là xương sườn, nóc là sống lưng. Thùng cám được đặt ngay chân cột chính, cạnh cửa ra vào tượng trưng cho dạ dày của trâu, người và gia súc bám vào đó mà sống.
Với người Thái, trâu được sử dụng vào mục đích tôn giáo, chọn làm lễ vật cúng tế trong các đám tang, cúng bản để cầu bình an, tạ ơn trời đất. Trong đời sống của người Cơ Tu, con trâu còn là hình ảnh thiêng liêng kết nối ước vọng của con người với thế giới thần linh, còn đối với người Cơ Ho, con trâu được coi là tài sản quý giá nhất…
Ngày nay, đất nước Việt Nam dần hiện đại hóa với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ. Tuy nhiên, những nét đẹp truyền thống vẫn được gìn giữ và lưu truyền. Vào dịp Lễ, Tết hằng năm, nhiều địa phương vẫn tổ chức Lễ hội chọi trâu như một hoạt động văn hóa, tín ngưỡng.
Lễ hội chọi trâu tại xã Hải Lựu, huyện Sông Lô được xem là lễ hội chọi trâu cổ xưa nhất Việt Nam. Tương truyền, lễ hội này có từ thế kỷ thứ II, trước Công nguyên. Khi nhà Triệu tan rã, nhà Hán xâm lược nước Nam Việt, thừa tướng nước Nam Việt bấy giờ là Lữ Gia đã lui quân về vùng núi Hải Lựu, nay thuộc huyện Sông Lô để tổ chức đánh giặc.
Sau mỗi trận thắng, Lữ Gia lại mở hội chọi trâu để khơi dậy tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường, quả cảm của các binh sĩ. Trâu sau khi chọi sẽ được giết để khao quân. Truyền rằng, quân sĩ được ăn thịt trâu chọi thân hình tráng kiện, sức khỏe hơn người. Sau khi Lữ Gia mất, dân làng Hải Lựu thờ làm thành hoàng làng và lễ hội chọi trâu cũng bắt đầu có từ đó.
Nét văn hoá độc đáo của chọi trâu ở Hải Lựu khác với lễ hội chọi trâu ở nơi khác. Tại đây, trâu chọi được các tập thể có sự gắn kết, thân thiết cùng tham gia nuôi dưỡng, thể hiện sức mạnh đoàn kết; trâu chọi được chăm sóc tỉ mỉ, kỹ lưỡng trong thời gian dài cho đến khi đủ điều kiện giao đấu.
Lễ hội được mở hằng năm vào ngày 16 – 17 tháng Giêng, thu hút đông đảo du khách và người dân địa phương tham dự. Để nhớ về Lễ hội chọi trâu xã Hải Lựu, người dân bản địa thường vẫn truyền tai nhau câu ca rằng: “Dù ai buôn đâu, bán đâu/ Tháng Giêng mười bảy chọi trâu thì về/ Dù ai buôn bán trăm nghề/ Tháng Giêng mười bảy nhớ về chọi trâu”
Hình tượng con trâu trong đời sống vật chất và tinh thần của người dân Việt Nam dường như có một sức sống tiềm tàng không gì có thể thay thế được. Năm Tân Sửu được kỳ vọng sẽ đem lại thật nhiều sức khỏe và những điều may mắn, tốt đẹp cho mọi người đúng như ý nghĩa của nó.
Ảnh đầu bài: Lễ hội chọi trâu tại xã Hải Lựu (Sông Lô) diễn ra vào ngày 16 – 17 tháng Giêng hằng năm, thu hút đông đảo du khách thập phương.TG: Thế Hoàng
Hoàng Sơn