Đã năm thứ tám nhà thư pháp Lê Thiên Lý, Câu lạc bộ thư pháp Hải Phòng trút hết đam mê, cho ra mắt những bức thư pháp độc đáo hình con trâu – biểu tượng con giáp năm Tân Sửu được viết theo lối “vật điểu thư” do chính ông sáng tạo. Mùa xuân mới hạnh phúc, an lành đang đến rất gần qua những nét chữ tài hoa, lôi cuốn người thưởng ngoạn.
Những ngày này, nhiều người tìm đến nhà thư pháp Lê Thiên Lý ở số 8, ngõ Hàng Gà, quận Lê Chân, TP Hải Phòng mong có bức thư pháp hình con trâu đón Xuân Tân Sửu bình an, tốt lành. Hai tháng trước Tết, nhà thư pháp Lê Thiên Lý đã mày mò tìm tòi, suy nghĩ sáng tạo thư pháp hình con trâu thật độc đáo, sinh động. Ông chọn viết bằng chữ quốc ngữ để nhiều người có thể đọc và luận ngay được. Kể từ lần đầu tiên viết thư pháp hình con ngựa năm Giáp Ngọ, rồi kinh nghiệm viết chữ hình dê, khỉ, chó, gà, lợn…của con giáp các năm trước giúp ông tư duy nhanh hơn, nhưng cái khó là viết thư pháp hình con trâu phải toát lên thần thái, tạo thành bức tranh sống động, bắt mắt, dễ treo.
Nghiên cứu kỹ lưỡng đặc trưng của loài trâu, tính toán, sắp xếp các chữ cái trong chữ Tân Sửu tương ứng với các bộ phận của con trâu sao cho hợp lý, không khiên cưỡng rồi kiên trì tập viết ngót trăm lần theo các khổ giấy thật thuần thục để có được một bức ưng ý và sáng tác đồng loạt. “Con trâu là đầu cơ nghiệp”, gắn liền với cuộc sống của những người nông dân “con trâu đi trước, cái cày theo sau”. Với bản chất hiền lành, chăm chỉ, cần cù, hình ảnh con trâu gần gũi, thân thuộc đã đi vào thơ ca, tục ngữ, đồng dao. Trâu cũng là loài vật rất mạnh mẽ, khỏe mạnh, thiện chiến và cũng là biểu tượng cho hy vọng sung túc, giàu có, cuộc sống an lành, tài khí dồi dào…
Ước nguyện năm mới an khang, thịnh vượng, thành công, vạn sự như ý đã được gửi gắm trong nét chữ uyển chuyển, tài hoa, tràn đầy sức sống và sắc xuân “Nhà có trâu mộng, vui đón xuân nồng, bách sự thành công, gia đình hạnh phúc”. Những chú trâu cách điệu trông ngộ nghĩnh và đáng yêu, hiện lên chân thực mà gần gũi, tựa bức tranh kỳ thú hài hòa, đa sắc lôi cuốn người xem. Chữ T được cách điệu thành đầu trâu, vần ân và chữ sưu là thân trâu, dấu hỏi là đuôi trâu; đảo chiều ngược lại, vần ưu là đầu trâu và chữ T lại là đuôi trâu. Trong chữ Xuân Tân Sửu hình con trâu thì chữ X là đuôi trâu, vần uân là thân trâu, chữ Tân Sửu là đầu trâu. Ông Lý chia sẻ, trâu xuất hiện nhiều trong tranh dân gian và tranh của các họa sĩ thì sự khác biệt của những bức thư pháp hình trâu là lối viết cách tân “độc nhất vô nhị”, mang đủ năm màu: trắng, đen, xanh, đỏ, vàng tượng trưng cho ngũ hành vừa phảng phất nét hoài cổ, lại mang dấu ấn hiện đại của hội họa. Chú trâu sung sức năm Tân Sửu hứa hẹn năm mới hạnh phúc, sung túc, bứt phá vươn lên, nhiều may mắn.
Nét độc đáo là những con trâu trong thư pháp Lê Thiên Lý không rập khuôn mà biến hóa đa dạng. Chữ Tân Sửu khi là hai con cá bơi lội với lời chúc “Người rèn tài đức người nên nghiệp/cá vượt vũ môn cá hóa rồng”, thành hình chim đại bàng đang bay lượn trên bầu trời đón chào năm mới “Tân Sửu mạnh mẽ/vút cánh đại bàng/sự nghiệp huy hoàng/cát tường như ý”, hay bình rượu biểu trưng cho sự no ấm tràn trề dịp Tết đến Xuân về, đỉnh hương uy nghiêm, linh thiêng, con thuyền “thuận buồm xuôi gió” vượt qua mọi giông bão, có lúc lại là cầu thủ bóng đá khát khao chiến thắng, là máy bay, em bé, cô gái…
Những nét bút được thổi hồn càng khiến người xem thán phục về tài nghệ của nhà thư pháp tài hoa từng sáng tác 1.000 chữ Long theo nhiều kiểu viết nhất trên đĩa gốm Chu Đậu được vinh danh kỷ lục Guiness thế giới. Ông Lý cho biết sẽ tiếp tục sáng tạo để cho ra đời bộ thư pháp đặc sắc mô tả đủ linh vật trong 12 con giáp biểu trưng cho từng năm.
Ảnh đầu bài: Nhà thư pháp Lê Thiên Lý viết thư pháp hình con trâu đón Xuân Tân Sửu.