Ông Hà Văn Ban sinh thời làm Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa. Một hôm ông đến thăm Hội Văn học nghệ thuật. Nói về sản xuất nông nghiệp, ông Hà Văn Ban dẫn ra một câu tục ngữ phổ biến của dân tộc Thái: “Chưa có trâu sắm trâu trước, chưa có vợ sắm vợ sau”.
Đó là cách ví von thú vị của bà con Thái. Cũng ý nghĩa như người Việt (Kinh) nói “Con trâu là đầu cơ nghiệp” mang tính triết lý dân gian. Ở quê tôi xưa, tỉnh Hưng Yên, làng Nhân Lý, chỉ chuyên cày trâu vì đất thịt nặng. Có trường hợp bốn, năm nhà, thậm chí 8 nhà cùng chung một con trâu, mỗi nhà một móng. Nếu không, nhà nông phồng tay sái cánh cuốc đất. Vì thế, một con trâu giá tiền bằng ba, bốn con bò. Đã thế, nuôi trâu tốn công lắm. Ở làng tôi (làng Văn Đoài, xã Quảng Hòa, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) nhà nào nuôi trâu, thường phải lên tận núi Nưa (cách 15 km) để cắt cỏ, người ta gọi là “nuôi trâu bò trên vai”. Nửa đêm nó đánh sừng vào chuồng côm cốp chủ nuôi phải thức dậy lấy thức ăn cho nó. Nhà nông quý trâu như bạn. Ngày tết, người ăn tết cũng phải cho trâu ăn tết. Chủ nuôi cắt những lát bánh chưng kẹp giữa nắm cỏ non đút vào tận mồm trâu, để tỏ lòng nhớ ơn trâu bốn mùa vất vả “con trâu đi trước, con người theo sau” làm ra đủ thứ nếp, tẻ thơm ngon nhưng chỉ ăn rơm cỏ, nhường cơm gạo nuôi người.
Trâu bò có con tốt, con xấu. Dân gian đúc kết kinh nghiệm thành những câu tục ngữ truyền miệng lâu đời, các lái trâu, lái bò không thể không biết tới. Xin dẫn ra đây một số câu làm ví dụ:
– Mõm gầu giai, tai lá mít, đít lồng bàn là giống trâu tốt, tạp ăn, không giun sán, bệnh tật.
– Sừng cánh ná, dạ bình vôi: Cánh ná là cánh nỏ, sừng trâu cong cong đều, hình cánh cung, không thích chọi nhau cũng không sợ trâu khác đánh. Dạ bình vôi: Bụng trâu to tròn ăn khỏe nhưng không nhiều lắm.
– Mua trâu coi vó, hỏi vợ ngó tông: Vó trâu (cẳng trâu) nhỏ, tròn, không béo, móng trâu hình lá đề (hai móng) lội bùn sâu, bùn lầy rất khỏe. Khi mua trâu chú ý xem vó trâu cũng như trước khi hỏi vợ thì nên tìm hiểu dòng giống nhà vợ.
– Ba loa, bảy ốc thì giàu: Hiếm có con trâu, ta tìm thấy trên mình nó có tới bảy cái xoáy tròn và ba cái loa, không thành hình ốc xoáy mà loe to.
– Trâu cười người khóc. Có những con trâu thấy chủ nhe, nhăn hàm răng trắng nhởn tựa như cười với chủ, người ta gọi là “trâu hí chủ”. Nuôi loại trâu này chỉ có hại cho chủ.
– Trâu bạc đi mô mất mùa đó: Nhà nông không thích nuôi trâu bạc vì mầu bạc là mầu trắng, đồng nghĩa với đồng trắng nước trắng, mùa màng mất trắng. Người có mang kiêng bước qua thừng trâu bạc, sợ bị lên tháng. Trong thực tế, rất hiếm trâu bạc.
– Ruộng sâu, trâu nái, gái nhà giàu. Ruộng sâu có thể thâm canh, không sợ bị khô hạn. Trâu nái: Trâu cái có khả năng sinh con, con nó lớn lên bán được tiền. Gái nhà giàu lắm của hồi môn.
– Khô chân gân mặt đắt mấy cũng mua: Mua trâu bò mặt nó phải nổi gân, tướng khỏe mạnh, chân khô kéo cày khỏe, lội bùn nước nhanh.
– Đốm đầu thì nuôi, đốm đuôi thì thịt: Giống bò Thanh Hóa chủ yếu là bò vàng, lông màu vàng đặc trưng êm dịu, tầm vóc nhỏ, vừa, dáng đẹp, mượt mà, đuôi dài, trong khi sừng ngắn, có con cong queo, quặp vào rất xấu. Bò dễ nuôi, chịu khó gặm cỏ, các loại cỏ khô, già. Nó không có hàm trên mà gặm đi gặm lại cả đến từng gốc cỏ, rễ cỏ. Nó giỏi leo trèo từ chân núi thấp đến đỉnh đồi cao. Cảnh từng đàn bò vàng gặm cỏ trên đồi núi trọc vẽ lên không gian làng quê những đường nét đẹp như tranh. Bò no, đói cũng cam chịu, nắng mưa, nóng lạnh không hề tỏ vẻ phá phách. Bò có nhiều đức tính tốt, cả ngày kéo cày, kéo bừa, lầm lũi bước chân không kể đồng cạn, đồng sâu, ruộng khô, ruộng nước. Nhìn những con bò thấp nhỏ, gân cổ, vươn đầu mang cái ách đè nặng trên vai gầy nhô lên để kéo cày lội bì bõm hoặc ì ọp dưới ruộng nước, người nông dân không khỏi động lòng thương, nếu cần chỉ giục khéo “đi đi em!”. Con trâu thì to lớn, “khỏe như trâu”, ngoài kéo cày còn kéo gỗ, kéo xe… Nó không đi được lối quạnh, góc ngoẹo, khúc ngoẹo khi cày bừa, chỉ nhằm đường thẳng mà đi. Có con khôn khéo tìm cách tránh lối chưa cày, liệu chừng lái cái cày vào luống đất đã cày mà đi cho nhẹ. Trâu lại kén cỏ ngon, nửa đêm đói bụng đánh sừng vào then chuồng kêu vang công cốc đòi ăn, chủ nhà đang ngủ thức dậy lấy rơm, cỏ cho ăn, mới ngủ yên được. Vì vậy dân gian thường mắng con bò chịu thương chịu khó: “Ngu như bò”, “Dốt như bò”… Còn trâu lại được khen: “Khỏe như trâu”, “Như trâu ba mùa”, “Ruộng sâu trâu nái”…
Luật lệ triều đình từ đời Lý đã cấm giết trâu. Đại lễ tế Hoàng đế, Đại vương mới được dùng trâu. Bậc dưới thì bò me. Lễ thần, gia tiên thì gà trống chưa thiến. Chốn hương thôn, gia tư muốn giết trâu, bò đều phải xin phép lý trưởng. Những con đại gia súc ấy chẳng may bị chết, nhà chủ phải trình lý trưởng, hương kiểm khám xét mới được chôn, thủ tục phiền phức, tốn kém. Đó là cái tệ, còn lái lệ rất tốt là để bảo vệ gia súc cày kéo.
Trâu bò đẻ ra hoặc mua phải con đốm đuôi thì nuôi chỉ có hại. Nếu đốm cả đầu cả đuôi lại tốt. Thực tế giống bò vàng nhiều con có chấm đốm trắng giữa trán, đốm đuôi cũng thường thấy. Nói chung, đều nuôi được cả. Trâu bò có nết riêng: Siêng năng, chậm chạp, lười biếng, nhanh nhẹn, kén ăn, khéo gặm cỏ,… đều nuôi được vì có thể dạy bảo chúng.
– Mua trâu coi vó, mua bò coi răng: Bò răng cùn là bò già đã nhiều tuổi, sức kéo kém, bò cái có thể không thể sinh sản hoặc chỉ đẻ một vài lứa rồi thôi.
– Bò cóc cóc nuôi: Con bò tầm vóc nhỏ, bụng to phình như bụng cóc, lầm tưởng là con me (bê), sự thực nó bị còi cọc, kém chăm sóc từ nhỏ, nuôi nó vô tích sự, cuối cùng sinh ốm đau mà chết, tốn công hại của. Vì thế ca dao trào phúng dân gian có câu:
Nhà anh khéo liệu khéo lo
Bán một con bò mua cái ễnh ương
Đem về thả ở gầm giường
Nó kêu ương ọp lại thương con bò.
Thuốc chữa bệnh trâu bò:
Trâu cũng như bò đều dễ mắc bệnh. Sương tháng 9, tháng 10 âm lịch là sương độc, trâu bò chăn thả quá sớm sương chưa tan, chúng ăn phải cỏ sương dễ bị bệnh. Những bệnh thường thấy ở trâu bò:
– Bệnh đường ruột: Cho trâu, bò ăn sống hoặc uống nước sắc các loại lá cây có chất kháng sinh như lá chè, lá ổi, lá ngấn (uống riêng, hoặc phối hợp 3 thứ), lá lấu, lá khổ sâm, lá khôi, lá sắn thuyền… Nhốt trâu, bò cho ăn rơm, cỏ sạch, uống nước sạch.
– Bệnh lở mồm, long móng: Cho ăn củ bình vôi, cây bìm bìm thái lát trộn với cám gạo.
– Bệnh tổ kiến: Trâu không có yếm cổ như bò. Cổ trâu gần cục hầu nếu bị sưng to tướng, tìm lấy chính tổ kiến trên cành cây, đốt lấy khói xông vào chỗ sưng đau… Đó là những bài thuốc rất kinh nghiệm.
Trước đây tỉnh ta có hai chợ trâu bò lớn: Chợ Tỉnh (thị xã Thanh Hóa) và chợ Bản, huyện Yên Định. Về lịch sử, chợ Tỉnh mới có khoảng đầu thế kỷ XX, chợ Bản khá lâu đời, từ thời Hậu Lê. Chợ Tỉnh rộng thênh thang, chợ Bản nổi tiếng kiến thiết đẹp, lều quán từng hàng lối, hàng hóa phân loại đâu ra đó. Trong chợ rất sạch sẽ, các cụ nói vì địa thế xây dựng ở miệng con cóc, cho nên con ruồi, cái muỗi cũng không có. Đường chính vào chợ có cầu kiểu thượng gia hạ kiều bắc qua sông Mạn Định. Nhà cầu như cái nhà 5 gian (số lẻ – số dương) tất nhiên kèo phải 6 vì, lợp ngói, chiều dài 12m, rộng 4,5m. Hai bên cầu có lan can, ở gian giữa đặt bàn thờ thần, với đôi câu đối(*):
Hoành giang hữu lộ thông Nam Bắc
Dục tú trung linh tự cổ kim
(Tạm dịch: Ngang sông có đường thông Nam Bắc
Ở giữa có nơi thờ thần thiêng xưa nay).
Tương truyền chợ Bản do Lê Đình Kiên người Tứ Xã Bản lập lên. Ông cũng lập thương cảng Phố Hiến mở mang cho tàu nước ngoài vào ra buôn bán, để thành “Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến”. Chợ Bản họp mỗi tháng 6 phiên. Mỗi phiên, rầm rập hàng trăm con trâu bò từ các ngả đường vùng cao Quan Hóa, Bá Thước, Ngọc Lặc, Thạch Thành, Cẩm Thủy, các huyện trung du Thọ Xuân, Thiệu Hóa… tập trung về chợ Bản, để từ đây ra tận đồng bằng Bắc bộ cung cấp sức kéo và nhu cầu thực phẩm.
Thịt bò Thanh Hóa ngon nổi tiếng. Khách nước ngoài đến Hà Nội, Hải Phòng thích đặc biệt các món chế biến từ thịt bò. Nhất là các thứ phở bò: Phở nước, xào khô, xào mềm, xào giòn, tái lăn, bò nạm, bít tết… Thời Pháp thuộc, Tây thích ăn thịt bò, người ta hát ví:
Thịt bò nấu với cà chua
Con gái làng Cốc túa rua lộn chồng.
(Làng Cốc là địa danh phiếm chỉ, vì tỉnh ta làng Cốc nhiều nơi có, Túa rua tiếng Tây chữ Tú là tất cả).
Dân gian lại phổ biến câu:
Thịt bò nấu với khế chua
Tây Tàu thì cũng măng
rua xực phàn
(Măng rua tức măng rê tiếng Tây, xực phàn tiếng Tàu là ăn nhậu).
Mang tính triết lý sâu sắc hơn cả là:
Ăn thịt bò lo ngay ngáy
Ăn mắm cáy ngáy kho kho!
Thịt trâu hiếm, trở thành đặc sản. Câu tục ngữ “Chàng rể chớ nấu thịt trâu, nàng dâu chớ rang cơm nguội” (thịt trâu nấu hao, cơm nguội rang cũng vậy) bây giờ đã xưa cũ. Khách du lịch năm châu bốn biển mỗi năm hàng triệu người đến Việt Nam đều khoái khẩu nhất món phở bò, thịt trâu nấu lá lồm.
Từ ngày đồng ruộng cơ khí hóa nông nghiệp, con trâu sắt phi nước đại băng băng trên cánh đồng mẫu lớn tưới tiêu chủ động, vai trò con trâu đen, con bò vàng, hai anh em đại gia súc tưởng như chỉ còn “là đầu cơ nghiệp” đối với ông đồ tể. Nhưng không, hoàn toàn không! Rất nhiều thửa ruộng, đám nương, khu vườn, bờ rẫy, ven đồi… hình thù đủ loại, mọi kiểu: bậc thang, hốc đá, góc xéo, ngoắt ngoéo, xiên xẹo, quanh queo… nếu không có con bò bốn chân khẳng khiu chăm chỉ, khéo léo, chịu khó len lỏi thì bàn tay người nông dân sao khỏi sái cánh, phồng da, trớt thịt, bỏ thương vương tội! Thương gì? Thương tiếc đám đất, mảnh ruộng bị bỏ hoang cỏ mọc, mà tấc đất tấc vàng, cho ta của ngọc thực nuôi sống người.
Nông thôn mới vẫn còn nhà nghèo, cận nghèo, nghèo nhất thời, nghèo lâu dài… bởi hàng trăm lý do. Vì thế, hàng năm các tổ chức xã hội, cơ quan, đoàn thể, hoặc cá nhân hay tập thể có lòng từ thiện đem bò về làng bản trao tặng người nghèo nhà khó, phần lớn bò cái. Giống bò dễ nuôi, mắn đẻ, nhanh chóng sinh lợi, một vốn không phải bốn lời mà mẹ đẻ con, con thành mẹ, nảy nở sinh sôi theo cấp số nhân. Nhiều nhà nghèo nhờ vậy nhanh chóng thoát nghèo, một số gia đình trở nên khấm khá.
Nhìn ra bái cỏ hoặc đồi núi từ đồng bằng đến vùng cao bức tranh nông thôn tô đậm màu vàng, nét vàng đặc trưng của giống bò vàng xứ Thanh. Đẹp nhất là những đồi cao núi thấp, đàn bò nhuộm nắng vàng rực di chuyển từ chân lên đỉnh rồi lại từ đỉnh xuống chân, chung quanh là những con trâu đen như trái sim chín khổng lồ làm khung viền lung linh, sinh động. Tất cả đó là màu sắc của đầu cơ nghiệp ấm no, hạnh phúc, của làng quê đổi mới.
Hoàng Tuấn Phổ (https://baothanhhoa.vn/)
(*). Tài liệu của học giả Pháp và nhà sưu tầm Việt.