Bức tượng nữ thần Mahisasura Mandini ở Bảo tàng Chăm – Đà Nẵng. Ảnh: TL
Theo lý lịch hiện vật, các nhà nghiên cứu cho rằng đây là một phần của đế bệ thờ thần Siva, một trong những vị thần tối cao trong Ấn Độ giáo. Tuy nhiên, qua quá trình tìm hiểu, đó có thể là một phần của phù điêu trên đế của một bệ thờ thần Siva nào đó hay cũng có thể là một mảng của một bức phù điêu khác. Và điều này là một tồn nghi cần làm sáng tỏ.
Mảnh phù điêu nói trên có hình tượng một con trâu đang quỳ gập gối, bên trên lưng trâu có hai bàn chân nhỏ. Từ dấu hiệu này, chúng tôi đi tìm ý nghĩa hình tượng điêu khắc con trâu trong văn hóa Chăm và đôi bàn chân của vị thần nào đặt đôi bàn chân lên lưng con trâu này?
Văn hóa Chăm pa rất độc đáo về mặt nghệ thuật điêu khắc trên đá và đa dạng về sự tồn tại của các vị thần, đó là một tôn giáo đa thần, các vị thần thường được gắn liền với một truyền thuyết, thần thoại về sự hình thành và tồn tại trong thế giới thần linh. Điều đặc biệt hơn là mỗi vị thần đều gắn liền với một vật cưỡi, trong đó có những loài động vật gần gũi với chúng ta như trâu, bò, chim, voi, ngựa…
Lần theo truyền thuyết, thần thoại Ấn Độ, những vị thần cưỡi trên lưng trâu gồm có thần Yama (thần chết) hay còn gọi là Diêm vương. Nhưng ở mảnh phù điêu nói trên không phải là vị thần ngồi cưỡi mà như đang đứng (hoặc đạp) lên lưng trâu. Con trâu trên hiện vật có đôi mắt tròn, mở to sừng vòm và hai chân trước quỳ gập lại, (có lẽ hai chân sau cũng nằm co sấp lại nhưng ở đây phần này đã mất) và cách nằm của con trâu cũng không mấy dễ chịu, có lẽ bởi nặng nề từ đôi bàn chân của vị thần này đang đặt lên lưng nó.
Hiện vật Chăm pa phát hiện tại Hương Hồ. Ảnh: TL
Bí ẩn con trâu và đôi bàn chân của nữ thần: Đi tìm ý nghĩa khác của con trâu trong thần thoại Ấn Độ có những đặc điểm tương đồng với con trâu trên hiện vật Chăm này, chúng tôi xác định có thể đây là một con quỷ đầu trâu, chứ không phải một con trâu thuần túy vật cưỡi của thần Yama. Quỷ đầu trâu này có tên gọi là Mahisasura. Theo thần thoại Ấn Độ, Mahisasura là một loài quỷ biến dạng thành trâu để làm hại trần thế. Nữ thần Uma (nghĩa là ánh sáng rực rỡ) đã xuống trần thế để trừ diệt trâu quỷ Mahisasura. Nữ thần Uma còn có tên khác là Parvati, Durga, Devi, Sati, Kali… là vợ của thần Siva vị thần tối cao trong Ấn Độ giáo.
Thần thoại cũng kể rằng, trong một tiền kiếp, Uma có tên gọi là Sati (người trung thành). Bà đã tự thiêu để lấy lại danh dự cho chồng là Rudra (một hóa thân khác của thần Siva), sau đó vị nữ thần này được tái sinh lại với tên gọi là Uma. Khi được tái sinh, bà muốn tiếp tục kết duyên cùng Siva, nhưng lúc này thần Siva đang thiền định, bà đành phải đứng chờ đợi một thời gian dài trong một dòng sông. Thấy không lay chuyển được Siva, bà sai Kama là thần tình yêu đến để lay động thần Siva. Khi Kama đến, con mắt thứ ba của thần Siva bừng sáng, phát ra tia hào quang thiêu trụi Kama. Chính vì vậy trong nghệ thuật hội họa, điêu khắc Ấn Độ khi thể hiện thần tình yêu thường không có hình hài nhất định.
Sau khi được tái sinh, Uma trở thành nữ thần có nhiều quyền năng, được nhiều vị thần giúp sức. Thần Siva cho bà cây đinh ba, thần Brama cho bà bình nước, thần Visnu cho bà cái tù và bằng vỏ ốc, thần Indra cho bà lưỡi tầm sét, thần Pavana cho cây cung thần… Nhờ vào sức mạnh đó nữ thần Uma đã xuống trần thế diệt trừ được trâu quỷ Mahisasura. Từ đó nữ thần còn được gọi với cái tên Mahisasura Mardini.
Từ những thông tin này, chúng tôi cho rằng những mảnh vỡ Chăm được phát hiện ở Hương Hồ chính là phù điêu nữ thần Uma vợ của thần Siva, được miêu tả trong tư thế đang tiêu diệt quỷ trâu Mahisasura. Vị nữ thần này trong một số tài liệu nghiên cứu văn hóa Chăm, được miêu tả thường đội mũ Kirita có hai tầng hình chóp, hai tai có đeo đôi khuyên dài đến tận vai, eo thon, thường mặc sampot (váy) ngắn có nhiều hoa văn trang trí.
NGỌC KIÊM