Bãi cứt trâu – Truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan

Bãi cứt trâu – Truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan: Thằng địa chủ Ích, đi tỉnh về, mới nhặt được một em bé ở ngoài đường, đem về nuôi. Em lên sáu tuổi. Nó lại đặt tên em là thằng Cu. Ta dùng tiếng lại, là vì từ ngày nạn đói, chớm nở, em này là em thứ ba ở nhà nó, và nó cũng gọi tên là thằng Cu như hai em trước. Nhưng cả hai em Cu trước, mỗi em đều chỉ ở được có trong ít lâu. Em Cu thứ nhất, vì nó cho ăn đói quá, em trót vào bếp vét vụng của nó một sét cơm nguội, bị nó dơ thẳng cánh cho một cái tát vào mang tai, ngã rập đầu xuống gạch. Em run lẩy bẩy một lúc, rồi chết. Em Cu thứ hai, không chịu nổi mấy đứa con nó bắt nạt, đánh đập cả ngày, nên bỏ trốn đi.

Hai em trước đến ở với nó, là vì bố mẹ các em đói quá, không thể nuôi được, phải đem cho nó, để đi, không biết đi đâu. Cho nên, sau khi nó đánh chết em thứ nhất, nó nói:

– Số nó chết, không tránh được. Ở với bố mẹ nó, nó cũng đến chết vì đói.

Và sau khi em thứ hai bỏ đi, nó nói:

– Không biết hưởng sung sướng thì chỉ có là chết!

Em Cu thứ ba này, nó bắt được trong trường hợp như sau:

Ở tỉnh về, nó ngồi trên xe nhà, đường ngẩng thuỗn mặt lên trời để nghĩ một việc gì. Bỗng nó nghe thấy tiếng khóc và tiếng gọi ở bên đường:

– Thầy ơi! U ơi!

Nó nhìn, thấy một em bé trần truồng, đen đủi, chân tay như bốn ống sậy, tóc lơ thơ màu hung hung dí bết xuống đầu, hàm răng dưới nhô ra, da nhăn nheo. Em ngồi ôm mặt, gò lưng xuống để kêu. Cạnh em, có một cái xác của đứa bé không rõ là mấy tháng, vì nó chỉ là bộ xương.

Thằng Ích bảo anh xe đỗ lại. Nó xuống đất, cúi hỏi:

– Thầy u mày đâu?

Mãi em bé mới lấy cánh tay quệt ngang mắt và đáp:

– Cháu biết đâu. Bỏ đi từ sáng. Giờ chưa thấy về. Em cháu chết rồi.

Nó ngắm em, rồi bảo:

– Thầy u mày bỏ mày, thì mày về với tao. Tao nuôi. Tao cho ăn.

Sở dĩ nó biết như vậy, vì ít lâu nay, nhiều nhà bị đói quá, cha mẹ không nỡ trông thấy con gầy lả dần rồi chết, nên cắn răng mà bỏ con mà đi.

Em bé thấy nó nói cho ăn, thì nín ngay. Em quên cả việc nhìn lại đứa em chết đói nằm bên cạnh. Em đi theo nó liền.

Thằng Ích, ít lâu nay nuôi những em bé bằng ấy tuổi, không phải vì nó phúc đức, thương các em đói khát, bơ vơ. Nhưng vì nó nghĩ: Mỗi con trâu, khi giắt ra khỏi chuồng, bao giờ cũng ỉa, mà ỉa một bãi to. Nhà nó có nhiều trâu, đánh đi làm ngay từ lúc tờ mờ, thì ỉa rơi ỉa vãi cả ra đường. Bỏ cứt đi thì phí. Cho nên phải hốt về. Việc này nhẹ nhàng, trẻ con cũng làm nổi.

Vì vậy, nó nẩy ra ý kiến là nuôi trẻ để hốt cứt trâu. Nó nuôi em Cu thứ nhất. Nó nuôi em Cu thứ hai. Và đến bây giờ em Cu thứ ba này.

Em Cu ở nhà nó, được ăn không một ngày đầu. Rồi nó mới giao việc.

– Mày chịu khó làm, thì không những việc ăn no, còn được tiền thêm nữa. Cứ mười ngày, tao trả một hào. Không muốn lấy tiền công, thì hễ ngoan ngoãn, tao nhận cho làm con nuôi, sau này tao gây dựng cho, cho nhà cửa, ruộng nương mà ở, mà cày cấy.

Em chưa đủ trí khôn để nghĩ đến tương lai, chỉ biết hiện giờ như thế là đỡ chết đói. Công việc hàng ngày chỉ là có hai buổi, đi nhặt hai sọt cứt trâu, với đun vài ấm nước, quét nhà, và hầu những việc lặt vặt. Có thế thôi.

Hôm đầu, buổi sáng lúc các anh người làm đánh trâu ra đồng, và buổi trưa, lúc các anh đi chăn, em đi theo, nhưng tìm mãi, không thấy bãi cứt nào. Em xách sọt về không. Nó giảng:

– Cứt trâu ở ngoài đường khối ra. Nhưng chậm thì có đứa nó hốt mất. Mày phải đi sát theo trâu mới khỏi mất cứt.

Học được kinh nghiệm ấy, em dặn các anh lớn, khi đi làm, thì gọi em.

Sáng hôm sau, người ta đánh thức em. Mới có ba giờ sáng. Em ngái ngủ, không dậy vội. Khi tìm được cặp và sọt, thì trâu cũng đã đánh ra đồng từ lúc nào rồi. May có ánh trăng, em cố tìm, chỉ thấy còn sót có một bãi.

Thằng Ích lại giảng:

– Phải theo trâu ngay từ khi ra khỏi chuồng, nếu không, có đứa hốt tranh mất cứt.

Em lo làm tròn nhiệm vụ thì mới được ăn no và trả tiền công. Vì từ hôm đến, mỗi bữa em chỉ được có ba khúc sắn nhỏ. Có được việc mới được ăn cơm. Hôm sau, được đánh thức, em nhổm ngay dậy. Em đi theo đàn trâu liền. Hễ con nào đương đi mà dừng lại, rạng hai chân sau ra, uốn cong đuôi lên, là em đứng chờ. Khi nó ỉa xong thì em gắp. Đủ mỗi con một bãi.

Em vui sướng, quên cả rét, dù em vẫn trần truồng như trước.

Khi đem cứt trâu về, em đổ vào chuồng phân. Thằng Ích ra nhìn, chê:

– Vẫn hót chưa hết. Còn dính ở đường nhiều.

Bữa cơm ấy, em được bớt một khúc sắn, thay bằng một bát cơm con.

Hôm sau, em hốt cẩn thận hơn, nên được nhiều cứt hơn. Nó khen:

– Được, cứ thế. Nhưng từ nay, mỗi buổi đi hốt về hãy trình tao. Tao khám xong mới được đổ vào chuồng. Hễ sọt đầy như thế này, thì tao kể cho một công.

Cả sáng và chiều, em được ăn mỗi bữa một bát cơm thay một khúc sắn.

Nhưng không phải trời đêm nào cũng có trăng vào lúc gần sáng như độ này. Dậy từ ba giờ sáng, em quen mắt rồi. Nhưng đêm hôm trước, mãi đến khuya chưa hết việc lặt vặt để được đi ngủ, thì tuy em không đói ăn, nhưng lại đói ngủ. Nhiều tối, phải thức chia bài, em gật lia lịa, lầm be bét, phải đếm đi đếm lại mãi mới đúng. Lắm lúc chờ việc, em ngồi gục ở xó tường, ngáy khò khò. Có bận đun nước, em chống cái que đời ở đằng trước, để tì cằm vào, thế mà em gật một cái, ngã giúi cả vào bếp lửa.

Em đã bắt đầu phải đánh, phải chửi là lười.

Nhưng được cái em không có quần áo, nên rét quá không ngủ được, ai gọi là thưa ngay được, nên cũng ít phải đánh phải chửi.

Công việc hốt cứt vào buổi tối trời, trở nên chí vất vả.

Em đi theo trâu, đường tối đen như mực, mắt không trông thấy gì. Nhưng em dùng tai để lắng nghe. Khi thấy tiếng bẹt bẹt, thì em đến, lấy chân sờ ở đường xem cứt chỗ nào. Gắp xong, em lại sờ bằng chân xem đã sạch hết chưa. Thế mà nhiều lần hốt cũng sót. Nhất là đến những khúc đường hẹp, có cây um tùm. Có bận mấy con cùng ỉa một lúc, thì em làm việc cuống cuồng. Hôm nào thằng Ích khám thấy ít cứt, thì nó phạt, không tính là một công. Ít khi nó khen là nhiều.

Sự cần thiết có mỗi ngày một xu, nẩy ra cho em một sáng kiến. Em không để cho trâu ỉa xong mới hốt. Em lắng tai, không phải để nghe tiếng bẹt bẹt, mà là để nghe tiếng chân trâu. Những con đương đi đều bước, mà đứng dừng lại, là em biết nó sắp ỉa, thế là bưng cái sọt, kề vào đít nó. Vừa không mất thì giờ hốt, vừa không lọt ra ngoài một tí nào.

Phân trâu có tác dụng gì? Cách ủ phân trâu chi tiết, hiệu quả từ A-Z

Từ hôm đó, thằng Ích không chê em được điều gì.

Tính từ ngày vào ở nhà địa chủ, đến nay, vừa chẵn ba mươi hôm. Không kể những ngày mới nhận việc còn bỡ ngỡ, và những ngày còn vụng về, không được nó kể cho là một công, chỉ tính từ ngày biết hứng sọt vào đít trâu đến nay, cũng là ba mươi hôm rồi.

Tức là mười ba xu công. Trừ một lần đun nước chưa sôi, một lần nó gọi mà lên chậm, và một lần không hiểu vì lý do gì, nó gắt và bảo trừ công, thì cũng còn được mười ngày hoàn toàn.

Được lĩnh một hào công, em sẽ mua lại của một anh tấm thắt lưng cũ, để dùng mà đóng khố. Lắm lúc nhà nó có khách, em mang siêu nước sôi lên, thấy em trần truồng con vợ nó ngượng với khách, cứ mắng em là vô ý vô tứ. Vì nó đã giao hẹn trước là phát công hàng tháng, nên các anh lớn nhắc em đến xin nó tiền.

Em nói với nó. Nó vờ ngạc nhiên:

– Mày lại đến đòi tao một hào công à? Thế mày thử nghĩ xem, ai nuôi cho mày sống một tháng nay?

Rồi nó cau mặt:

– Được, mày muốn đòi thì chiều, đến đây tao trả.

Đến chiều, em Cu lên buồng nó.

Ở ngoài hè, em đã thấy một em bé, trạc tuổi em, gầy gò dăn dúm, chẳng khác gì em, một tháng trước. Em bé ấy ngờ ngệch như em. Hai em nhìn nhau, và nói chuyện với nhau, bằng những câu rất ngây thơ, nhưng rất dễ hiểu:

Em cu hỏi:

– Mày tên là gì?

Em bé mới đáp:

– Thế mày tên là gì?

– Tao tên là Cu.

– Thế ông ấy cũng đặt tên tao là Cu.

– Mày đến đây làm gì?

– Thế mày ở đây làm gì?

– Tao hốt cứt trâu.

– Thế ông ấy cũng bảo tao đến ở hốt cứt trâu.

Em Cu mới vui vẻ, nói:

– Hai đứa cùng hốt, tha hồ vui.

– Ừ, vui, nhưng mà buồn ngủ lắm.

Vừa lúc ấy thì thằng Ích ra. Nó quắc mắt nhìn em Cu:

– Ừ ừ cái gì? Mày xui gì nó?

Em nhìn nó bằng đôi mắt thật thà:

– Không ạ.

– Mày ranh quái vừa vừa chứ. Tao trả tiền công mày, nhưng rồi có đường có nẻo thì xéo. Tao không mượn nữa.

Em dương đôi mắt to để nhìn nó, muốn tìm hiểu lý do. Nó giảng:

– Là tại chưa chi mày đã đòi công tao. Mày chỉ nghĩ đến tiền, chứ không còn biết tình nghĩa là gì cả.

Em nghĩ được nhiều, nhưng biết nói ít, nên nét mặt buồn buồn. Nó hỏi:

– Bao nhiêu công?

– Thưa ông một hào.

Nó móc túi tìm. Không có hào lẻ. Nó càu nhàu:

– Mất cả thì giờ. Thôi biết vậy, lúc khác vào đây, tao trả.

Em thui thủi bước chân ra khỏi nhà nó. Cánh cổng đóng ập lại.

Suốt năm hôm sau, ngày nào người ta cũng thấy em đứng chờ ở cổng nhà nó. Nhưng không được vào.

Em vẫn trần truồng, đen đủi như trước. Nhưng bốn chân lại khẳng khiu như bốn ống sậy. Tóc lại hung hung, dí bết xuống đầu. Hàm răng dưới lại nhô ra. Da mặt lại nhăn nheo, toàn thân người em xám như đồng đen.

Đến sáng hôm thứ sáu, sau một đêm mưa, người ta thấy em và mười ba em bé nữa cùng tuổi, ôm nhau chết cứng trên cái bãi cỏ cạnh đường cái đá.

Trong Tập truyện ngắn “Nông dân với địa chủ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *