Con trâu trong văn hóa Việt Nam và các nước trên thế giới: Hình tượng con trâu không chỉ hiện diện trong văn hóa Việt Nam mà còn trong nền văn hóa của nhiều nước trển thế giới, nhất là ở các nước Đông Nam Á, Trung Quốc, Ấn Độ…
1. Con trâu trong văn hóa Việt
Việt Nam là nước nông nghiệp lúa nước, luôn xem “con trâu là đầu cơ nghiệp”. Với vai trò hết sức quan trọng như vậy nên hình ảnh của nó được thể hiện phong phú ở nhiều địa phương và trên nhiều lĩnh vực.
Trong sản xuất thời trước, khi chưa có máy móc hiện đại thì sức kéo rất quan trọng. Nhà nào làm nông hầu hết đều nuôi trâu hoặc bò. Việc người Việt ai cũng thuộc những câu tục ngữ, thành ngữ “tậu trâu cưới vợ, làm nhà…”, “ruộng sâu, trâu nái”, “chín đụn mười trâu”… đã nói lên vị trí, vai trò quan trọng của con trâu đối với sản nghiệp người làm nông. Mối gắn bó mật thiết này còn thể hiện xuyên suốt hành trình đời người: từ lúc bé thì chăn trâu, cắt cỏ giúp bố mẹ, vừa kết hợp mò cua bắt ốc hay đánh khăng, đánh thẻ… lớn lên thì điều khiển trâu cày bừa, kéo xe… khi về già, sức khỏe suy giảm thì các cụ ông, cụ bà lại tiếp tục dắt trâu, chăn nghé giúp con cháu… rồi khi qua đời, trên nấm mồ người nông dân cỏ mọc để trâu ăn… Trải qua quá trình gắn bó lâu dài, hình ảnh con trâu dần đi vào thơ ca, tục ngữ ca dao của người bình dân cùng những tác phẩm văn học. Trong tác phẩm Lục súc tranh công, phần quan trọng nhất dành cho trâu, non một trăm câu, cũng là phần hay nhất, tác giả khuyết danh đã phác họa rõ nét chân dung, đức tính của trâu như dễ nuôi, có nhiều công lao đối với việc giúp con người sản xuất, có nhiều lợi ích kinh tế, đặc biệt thịt trâu, sừng trâu được dùng trong những chuyện lớn chuyện nhỏ của đời người.
Nhưng có lẽ chính quá trình lao động bên nhau cùng những nét tương đồng về số phận, tính cách giữa người nông dân và con trâu mới là yếu tố quan trọng khiến cho trâu và người trở thành đôi bạn thân thiết, thủy chung. Con trâu hiền lành chăm chỉ, vất vả một nắng hai sương “làm không kịp thở, ăn chẳng kịp nhai” như người, trâu cũng thật thà, chất phác, chịu thiệt thòi do “trâu chậm uống nước đục”, trâu cũng vững chãi, mạnh mẽ như người, “khỏe như trâu” là lời khen tặng những ai có sức khỏe. Tuy bản tính hiền lành song trâu cũng là một loài vật dũng mãnh, thiện chiến, không dễ bắt nạt. Với sức khỏe phi thường “ốm trâu hơn khỏe bò” và cặp sừng lợi hại, trâu là một chiến binh xuất sắc. Dân gian lưu truyền câu chuyện Trâu đoàn kết giết hổ là muốn dạy người đời bài học về tinh thần đoàn kết, hiệp đồng sức mạnh để chống lại kẻ thù.
Một số vùng phía Bắc như Đồ Sơn (Hải Phòng) hàng năm có tục lệ chọi trâu. Có lẽ tục này bắt nguồn từ một câu chuyện được ghi lại trong sách Thủy kinh chú. Đây là một bộ sách viết về hệ thống sông ngòi thời cổ đại của Trung Quốc do người thời Tam Quốc (220 – 265) biên soạn (đến nay chưa biết chính xác tên của tác giả). Nội dung sách cho biết, huyện Câu Lậu ở Giao Chỉ có giống tiềm thủy ngưu (trâu ở ngầm đáy nước) thường lên bờ chọi nhau, bao giờ sừng mềm ra lại nhảy xuống nước để sừng cứng lại, rồi chúng lại lên bờ chọi nhau tiếp. Đây cũng là báo hiệu của ngày con nước theo lịch trăng.4
Đặc biệt, hình ảnh con trâu còn đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân. Chiếc sừng trâu gợi lên hình ảnh trăng lưỡi liềm biểu tượng của nước trong tín ngưỡng nông nghiệp. Lúc đón giao thừa, người ta thường xem trâu nằm hay trâu đứng, trâu ngoảnh đầu ra cửa hay vào trong để biết năm đó làm ăn có thuận lợi hay không. Con trâu còn xuất hiện trong lễ hội dân gian với vai trò là vật tế lễ linh thiêng cũng phản ánh tín ngưỡng nông nghiệp của người dân Việt Nam. Ở Bắc Giang từ xa xưa đã có tục tế trâu, thờ trâu trong các lễ hội truyền thống, việc này nói lên vị trí, vai trò quan trọng của con trâu trong nền văn hóa cổ truyền của người dân nơi này.
Đối với người Chăm, tộc người chịu ảnh hưởng lớn từ văn hóa Ấn Độ, hình tượng con trâu là vật cưỡi của thần Yama (thần chết) hoặc là con quỷ đầu trâu Mahisasura. Theo thần thoại Ấn Độ, Mahisasura là một con quỷ biến hóa giả dạng con trâu để làm hại trần thế; nữ thần Uma đã xuống trần để chiến đấu tiêu diệt trâu quỷ Mahisasura. Như vậy, họ cũng coi con trâu đại diện cho thế giới âm của người chết.
Với người Thái, con trâu đóng một vai trò rất quan trọng trong sản xuất lẫn đời sống tinh thần với câu tục ngữ “Con trâu là cái nền nhà”. Khi Tết đến, họ thường cho trâu ăn bánh chưng, lá dong… Trong tập tục cưới xin của người Thái cũng có sự hiện diện của hình ảnh con trâu. Tiền nạp đặt trong tục cưới truyền thống của đồng bào Thái: Nén bạc được gọi là “Trâu nằm”, tiền thay nén bạc được gọi là “Trâu đứng”. Ví nén bạc với trâu có nghĩa là coi trâu quý như nén bạc.
Cũng giống như vậy, con trâu gắn liền với lễ tục của nhiều cư dân bản địa ở vùng Trường Sơn, Tây Nguyên như M’nông, Cơ Ho, Gia Rai, Cơ Tu… Từ xưa, họ đã nhận con trâu làm vật tổ trong tín ngưỡng tô tem (totemism). Họ cũng thường dùng trâu để giải quyết các việc lớn trong gia đình, dòng họ và cả buôn làng: Mua chiêng bằng trâu, mua ché bằng trâu, dựng nhà, cưới gả, các lễ hội mừng được mùa hàng năm cũng bằng trâu. Trong luật tục, những tội trạng vi phạm nghiêm trọng các quy định của cộng đồng như xúc phạm thần linh, làm những điều kiêng cữ, loạn luân đều dùng trâu để phạt vạ hoặc cúng xóa tẩy tội lỗi.
Trong ngôn ngữ nghệ thuật tạo hình của một số tộc người, hình ảnh được sử dụng làm chủ đạo vẫn là con trâu. Người Sán Chay xây dựng nhà ở có kết cấu như một con trâu thần (thủy ngưu). Bốn cột chính tượng trưng cho 4 chân, rui mè như là xương sườn, nóc là sống lưng. Thùng cám được đặt ngay chân cột chính, cạnh cửa ra vào chính là dạ dày của trâu thần, người và gia súc bám vào đó mà sống. Bởi vậy, đây là chỗ linh thiêng trong nhà, là nơi thờ thần nuôi của gia đình. Đối với người Cơ Tu, trâu cũng là một hình tượng chủ đạo trong mô típ trang trí truyền thống. Hình tượng trâu không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn là biểu tượng của niềm hy vọng đạt đến cuộc sống sung túc, giàu có. Trên hai đầu bậc cấp bằng gỗ khi bước lên gươl (nhà cộng đồng) có hai đầu trâu nhìn chính diện với cặp sừng cong, gờ nổi cao ở hai bên, cái đầu hơi cúi xuống, đôi mắt buồn bên cạnh hai tai được cách điệu cụp xuống. Trên nóc gươl, cặp sừng trâu được đặt ở đầu hồi. Ngôi nhà là biểu tượng cho hình ảnh con trâu với toàn bộ cấu trúc là sự mô phỏng hình dáng con trâu với bốn chân cao có đế vững, mình tròn, sóng lưng oằn xuống với những đốt gai sống nhấp nhô. Bộ xương là hình ảnh của bộ sườn nhà với sống lưng là đòn nóc, các xương sườn là hệ thống vì kèo. Trên đỉnh của ngôi nhà có hai vòng cùng hướng vào nhau như hai cái sừng. Trên các tấm ván thưng dọc liên kết khung nhà, ở hai đầu tấm ván, người ta thường tạc hình sừng trâu, đầu kỳ đà với đường nét tạo hình uyển chuyển. Kiểu kiến trúc này một lần nữa được lặp lại khi người Cơ Tu dựng nhà mồ cho những người đã khuất. Như vậy, con trâu, với người Cơ Tu, là biểu tượng cho sự hoàn hảo, mong ước vươn đến cuộc sống an lành, giàu sang, no ấm.
Hình ảnh con trâu còn được các nghệ nhân dân gian thể hiện độc đáo qua nghệ thuật tạo hình dân tộc như tranh dân gian, điêu khắc,… Con trâu trong hội họa Việt Nam được thể hiện từ những nét in khắc dung dị của tranh dân gian Đông Hồ đến nét vẽ hiện thực, tượng trưng và bán trừu tượng. Trâu là biểu tượng của sự cần cù, chăm chỉ, cực nhọc và khỏe mạnh. Trong tranh Đông Hồ còn ghi nhận hình ảnh con trâu đi sát với sinh hoạt làng quê, với những chú bé mục đồng để tóc chỏm thổi tiêu trên lưng trâu giữa những cánh đồng lúa chín vàng, hay bên những lũy tre xanh có những con trâu đang thong dong nhai cỏ sau những giờ làm lụng vất vả. Có thể nói, con trâu luôn gắn với nét văn hóa đồng quê bình dị, mộc mạc của những thôn xóm sau lũy tre làng. Sau này hình ảnh con trâu cũng đi vào hội họa Việt Nam với các tác phẩm của nhiều họa sĩ như Nguyễn Sáng vớiChọi trâu, Nguyễn Tư Nghiêm với Con nghé, Nguyễn Tiến Việt với Hơi ấm vùng cao…
Hình ảnh con trâu hiện diện trong nhiều nền văn hóa trên thế giới. Ở mỗi nền văn hóa, con trâu lại có những vai trò khác nhau trong đời sống vật chất lẫn tinh thần. Đặc biệt, ở những vùng có nền văn minh nông nghiệp lúa nước lâu đời, trâu còn gắn với một loạt những phong tục, lễ hội như chọi trâu, thi trâu, tạ ơn trâu… Đồng thời, con trâu cũng đi vào nghệ thuật, trở thành đề tài, nguồn cảm hứng phong phú của văn học, hội họa, điêu khắc… như một lẽ tự nhiên. Với người Việt, trâu không chỉ là vật nuôi mà còn là người bạn thân thiết “một nắng hai sương” với người nông dân. Trong ký ức của mỗi người Việt vẫn luôn có một hình ảnh chú bé chăn trâu thổi sáo hay âm vang bài ca dao “Trâu ơi ta bảo trâu này”…
2. Trâu trong văn hóa các nước
Con trâu trong văn hóa các nước trên thế giới: ỞPhilippines, trâu carabao, trâu tamaraw được xem là một biểu tượng của quốc gia. Hình ảnh con vật xuất hiện trên đồng xu 1 peso Philippines phiên bản từ 1980 đến đầu 1990. Ngày nay, trâu rừng Philippines cũng là linh vật của đội thể thao thuộc Đại học Viễn Đông (FEU Tamaraws) tại Hiệp hội Thể thao Đại học của Philippines, và Toyota Tamaraws thuộc Hiệp hội Bóng rổ Philippines.
Một số dân tộc coi trâu như biểu tượng của sự giàu có hay địa vị xã hội. Chẳng hạn tộc người Mahafales ở phía Nam đảo Madagascar rất xem trọng trâu, họ cắm những cột gỗ tạc hình trâu trên mộ để biểu thị địa vị xã hội và sự giàu có của người đã mất.
Ở châu Phi, người ta ca ngợi sức mạnh của loài trâu thông qua truyền thuyếtQuái vật mình trâu, đầu bò Catoblepas trong thần thoại Ethiopia cổ. Catoblepas là vị thần có hình dáng mình trâu đầu bò. Chiếc đầu của Catoblepas luôn hướng xuống đất do cặp sừng quá nặng, cùng chiếc lưng lớn có nhiều gai nhọn sẽ bảo vệ chúng khỏi kẻ thù. Chúng có thể giết con mồi bằng hơi thở và ánh nhìn bởi khả năng hóa đá con mồi bằng cách nhìn thẳng vào mắt đối phương1. Quái vật này thường ăn một loại cỏ có độc tính mọc bên sông.
Đối với người dân Hy Lạp, con trâu đực được xếp đứng đầu trong quan niệm về 12 con giáp, tiếp đó là sơn dương, sư tử, lừa, cua, rắn, cá sấu, hồng hạc, vượn, chim ưng, chuột. Tại Tây Âu, người ta coi chiếc tù và làm bằng sừng trâu là biểu tượng của ngành bưu chính do vào thời trung cổ, vì đi nhiều nơi nên các lái buôn đã kiêm luôn cả việc chuyển thư, bưu kiện. Mỗi khi đến một nơi họ lại thổi tù và sừng trâu để mọi người đến nhận hoặc gửi thư.
Người dân Ai Cập cổ đại thì coi trâu rừng tượng trưng cho sức mạnh và sự dũng mãnh. Người Ai Cập xếp con trâu vào trong danh sách 12 con giáp như người Hy Lạp.
Có lẽ hình tượng trâu xuất hiện nhiều hơn cả là trong văn hóa phương Đông. Người phương Đông đã tìm thấy và đặt tên cho bốn chòm sao, gồm 28 ngôi sao chính gọi là nhị thập bát tú, trong đó có sao Ngưu thuộc chòm sao Huyền Vũ nằm ở phương Bắc ứng với hành thủy, thuộc về mùa đông. Họ cho rằng sao Ngưu, sao Đẩu là những ngôi sao sáng, thường được gắn cho những người có trí tuệ trác việt. Một số dân tộc theo Phật giáo ở phương Đông có nhiều câu chuyện về con trâu, mượn hình ảnh loài vật này để nói về triết lý, văn hóa, đạo lý sống, đó là tự chăn bản thân, tự chăn tâm ngã như thể đang thuần phục một con trâu.
Ở Ấn Độ, hình tượng con trâu mang nhiều ý nghĩa trái ngược. Một mặt người theo đạo Hindu cho rằng con trâu là biểu tượng của cái chết. Jean Chevalier và Alain Gheerbant trong Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới cho biết: “Trong tranh tượng Hindu giáo, nó là vật cưỡi và là biểu hiệu của Yama, thần chết. Ở Tây Tạng cũng thế, tử thần mang đầu trâu”2.
Mặt khác, những người trong giáo phái Gelugpa – phái Mũ trùm vàng – Bồ tát Manjushri lại cho rằng người bãi miễn sự chết có biểu tượng mang đầu trâu. Con trâu là hình ảnh điển phạm của asura (người khổng lồ) Mahesha, bị Candi – một hiện thân của Umâ hay Durga – chiến thắng và chặt đầu. Có lẽ bởi trâu thích đầm lầy nên nó được đặt vào quan hệ với tính ẩm ướt bị chiến thắng bởi mặt trời hay hạn hán. Cũng vì thế, ở Ấn Độ người ta giết trâu tế thần vào cuối mùa mưa. Nhưng trong tranh tượng tôn giáo, asura xuất hiện dưới hình dạng người, trút bỏ dần hình thể con vật bị chém đầu và điều này có một ý nghĩa linh thiêng3.
Tại Indonesia, tộc người Balak, người Minang Kabaus trên đảo Sumatra và người Torajas trên đảo Salawesi đều rất sùng kính trâu như một biểu tượng có vai trò lớn trong cuộc sống. Sự tích của người Minang Kabaus kể rằng ông tổ của họ nhờ một con trâu mà đánh thắng được giặc cướp, vì thế dân tộc này quyết định lấy tên là: Trâu chiến thắng (Minang = trâu, Kabaus = chiến thắng). Trong đám cưới của người Batak, bao giờ cũng có tổ chức chọi trâu với ý nghĩa những đặc tính của con trâu chiến thắng sẽ truyền sang đôi trai gái mới lấy nhau.
Trâu cũng chính là một trong số 12 con vật tượng trưng cho chu kỳ 12 năm Địa Chi của người Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên và nhiều quốc gia khác ở châu Á. Nó gắn liền với địa chi Sửu, đứng hàng thứ hai sau Tý và đứng trước 10 con vật khác. Về tính âm dương, 12 con vật được chia xếp thành hai cực âm và dương đứng đan xen nhau, trong đó con trâu (Sửu) thuộc âm. Những người tin tưởng vào chiêm tinh học Trung Hoa luôn gắn những đặc tính của trâu với sự cần cù, siêng năng, thật thà, khỏe mạnh… Những ai sinh vào năm này thường được cho là cuộc sống có nhiều vất vả.
Ở Trung Quốc, con trâu cũng đóng vai trò quan trọng trong nhiều phương diện văn học, tôn giáo, hội họa, ca dao, tục ngữ, phong tục… Người ta quan niệm trâu là thánh vật nên thường dùng làm vật tế lễ, là biểu tượng cho cầu nối giữa trời và đất, người và tiên để thần tiên ban phước lành cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhân gian an bình. Ai mơ trâu vàng đến nhà là điềm phú quý, cưỡi trâu vào thành là có hỉ sự, trâu sinh nghé là tâm thành ý nguyện,… Trong truyền thuyết Ngưu Lang Chức Nữ cho biết, Ngưu Lang là vị thần chăn trâu của Thượng đế vì say mê một tiên nữ dệt vải tên là Chức Nữ mà bỏ bê việc chăn trâu. Chức Nữ cũng vì mê tiếng sáo của Ngưu Lang mà trễ nải việc dệt vải. Ngọc Hoàng giận, bắt cả hai phải ở cách xa nhau, người đầu, kẻ cuối sông Ngân. Sau đó, Ngọc Hoàng thương tình cho hai người mỗi năm được gặp nhau một lần trên cầu Ô Thước vào đêm mùng 7 tháng Bảy âm lịch. Lúc chia tay nhau cả hai đều khóc, nước mắt của họ rơi xuống trần gian thành cơn mưa nhẹ gọi là mưa Ngâu. Bên cạnh đó, con trâu cũng xuất hiện trong nghệ thuật tạo hình Trung Hoa từ hàng thế kỷ trước. Tiêu biểu như bộ tranh Thập mục ngưu đồ, tức mười bức tranh chăn trâu nổi tiếng trong Thiền tông, tương ứng với quá trình hành đạo của một người phát nguyện đạt giác ngộ rất nổi tiếng. Bộ tranh này được cho là có từ thời Lão Tử (571 – 471 trước Công nguyên), đến thời nhà Tống (960 – 1279), bộ tranh này mới thấy xuất hiện tại các thiền viện. Và sau đó, được coi là tiêu biểu về Thiền của Trung Quốc nói riêng và Thiền phương Đông nói chung, và được phổ biến rộng rãi từ Đông sang Tây.