Ai bảo chăn trâu là khổ! Anh Cường chăn trâu mà chẳng phải chăn, mấy chục con trâu nhưng không cần phải dắt trâu đi, lùa trâu về như trước. Mỗi sáng, trâu tự theo con đầu đàn đến bãi cỏ ăn, trưa tự kéo nhau về ao tắm…
“Tiền tươi, thóc thật” nơi đồng hoang, cỏ dại
Không phải bôn ba tìm mưu sinh kế đâu xa, anh Nguyễn Văn Cường sinh ra và lớn lên tại thôn Long Bình, xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành (Quảng Nam) quyết định chọn nghề chăn trâu thả đồng để kiếm tiền. Từ tay trắng, chỉ vài năm nuôi trâu, nay đàn trâu của anh Cường đã ngót nghét gần 50 con và đã trả được hoàn toàn vốn lẫn lãi, gây dựng cơ đồ cho riêng mình với số tiền lên tới vài tỷ đồng.
Anh Cường nói: “Làm nghề gì cũng được, miễn là chân chính và có tiền. Chỉ xấu hổ khi chấp nhận cảnh nghèo hèn…”. Buổi sáng, khi vừa từ chỗ đàn trâu đầy lấm lem trở về, anh hào hứng kể cho chúng tôi nghe hành trình đến với nghề “ai bảo chăn trâu là khổ” của mình.
Cường sinh ra trong gia đình thuần nông, anh học hết lớp 10 rồi nghỉ học do nhà nghèo. Những ngày đầu tiên sau khi rời ghế nhà trường, mọi người trong gia đình hướng cho Cường nghề học lái xe để đi làm thuê, hoặc nhận lái xe cho công ty, xí nghiệp nào đó trên địa bàn huyện Núi Thành.
Là con trong gia đình đông anh em, Cường vốn được coi là ham học tập từ nhỏ. Trước sự sắp xếp của gia đình, Cường tự lên tiếng quyết định việc học nghề của mình: “Nếu con chưa làm ra tiền, con chẳng đi học nghề gì cả, chỉ tốn tiền học và tiền xin việc của bố mẹ. Gia đình cứ để con được tự nguyện đi làm, tự có tiền, rồi sau đó con học nghề gì thì nghề”.
Cường nghĩ rằng, Mình phải tự tạo ra việc để làm, chứ không để việc tìm đến mình, có như vậy mình mới có cơ hội cho riêng mình. “Tiền ở trong tay mình, nghề cũng ở trong tay mình thì đừng lo. Bạn sẽ có hết mọi thứ, chỉ cần bạn chăm chỉ và biết kiên nhẫn, học hỏi”, Cường tự động viên, nhắc nhở mình như thế.
Nuôi thử nghiệm một đôi, vài năm sau có lãi được gần 50 triệu đồng, anh mạnh dạn vay thêm vốn, khởi nghiệp bằng đàn trâu 10 con. Ngày đi vay tiền, dắt trâu về giữa làng, nhiều người nhìn thấy Cường bụm miệng cười: “Thằng này đúng là hâm rồi. Thời đại này, giữa phồn hoa mà nuôi trâu. Người ta mong ăn trắng mặc trơn còn chưa được, huống gì thanh niên ngời ngời giờ chọn nghề chăn trâu, chẳng khác nào nông dân quèn”.
Cường lặng im. Anh tự động viên mình: Muốn tự mình làm chủ, không phụ thuộc ai phải tự làm, tự đi theo hướng của riêng mình. Những cánh đồng ở quê anh, vùng với nhịp đô thị hóa, ngày càng bỏ hoang nhiều, cỏ mọc um tùm. Nuôi trâu theo cách thả ra đồng trống, lập đàn và chọn cách chăn thả tự nhiên trên đồng cỏ bỏ hoang, không phải lo nguồn thức ăn nên có nhiều lợi thế.
Vậy nên trừ nguồn vốn bỏ ra mua giống, anh gần như chả phải tốn thêm chi phí nào nữa. Mỗi năm cứ đến hẹn lại lên, trâu mẹ đẻ trâu con, lợi nhuận thu lại vừa dễ dàng vừa an toàn. “Con người ta làm nghề gì chẳng được, miễn là chân chính và kiếm được lợi nhuận. Đời người chỉ xấu hổ khi sức dài, vai rộng mà chấp nhận nghèo hèn… Nuôi trâu sẽ không khó làm giàu như các nghề kinh doanh khác, miễn là có chí”, anh thầm nghĩ.
Chăn trâu mà chẳng phải chăn
Chăn đàn trâu “khủng” là vậy, nhưng Nguyễn Đình Cường cho biết ở thời điểm hiện tại, chủ nuôi trâu rất nhàn. Qua kinh nghiệm nuôi trâu thả đồng, anh đã nảy ra sáng kiến tìm mua một con trâu cái khôn để dẫn đàn, do vậy bây giờ người chủ không cần phải dắt trâu đi, lùa trâu về như trước đây.
“Mỗi sáng mở cửa, trâu tự theo con đầu đàn đến bãi cỏ ăn, trưa 11 giờ trưa trâu tự kéo nhau về ao tắm, mình chỉ ra đóng cửa chuồng. Khi đã có kinh nghiệm, mình cũng biết cách chọn trâu giống, biết cách chăm sóc kỹ hơn, vào mùa lạnh, phải cho trâu ăn no hơn, giữ ấm cho trâu bằng bóng đèn trong chuồng…”, anh chia sẻ.
Nung nấu lập công ty
Sở hữu đàn trâu tiền tỷ với trên 10 trâu giống, 20 con trâu nuôi lấy thịt, mang về lợi nhuận vài trăm triệu đồng mỗi năm nhưng trong đầu anh đã bắt đầu nghĩ đến những phương án khác để kiếm tiền. Cường nghĩ: “Tôi sợ vài năm tới đây, những khu đất bỏ hoang sẽ bị thu hẹp lại, khi đó sẽ không còn chỗ để nuôi trâu theo phương pháp thả tự nhiên. Nghề nuôi trâu đơn giản nên chắc nhiều gia đình cũng sẽ học theo làm như vậy, thị trường cũng sẽ thu hẹp lại, vì vậy tôi đã tính đến phương án khác”.
Hiện tại, Nguyễn Văn Cường đã xây nhà 2 tầng ở ven xóm, vây quanh toàn cảnh nghèo khó. Vợ chồng anh đã có 2 con, cháu gái đầu đang theo học năm thứ nhất ngành y tại TP.HCM, đứa trai thứ hai đang học lớp 6. Vợ anh là giáo viên dạy tiểu học tại địa phương.
Một trong những cách làm giàu mà anh Cường đang hướng tới, là sẽ đào tạo nhân công, truyền đạt kinh nghiệm, kỹ thuật để họ thay anh chăm lo đàn trâu. Bản thân anh sẽ đi nghiên cứu thị trường ở lĩnh vực khác để thành lập công ty và tổ chức sản xuất kinh doanh. “Chuyện này một mình tôi chắc không làm được xuyên suốt mà phải dựa vào sự đảm đang của vợ”, anh cười.
Với đàn trâu của Cường, hiện thị trường tiêu thụ vẫn đang mở rộng thêm nhiều. Anh vẫn nung nấu nhiều dự định lớn trong thời gian sắp tới. “Tôi đã đi nhiều nơi, ngắm những cánh đồng cỏ bỏ hoang rồi. Đợi khi thời tiết ấm áp và lập xuân sẽ tranh thủ chăn thêm một đàn 100 con. Việc lập đàn bây giờ không còn khó khăn như lúc ban đầu nữa, bởi vì đã có vốn và kinh nghiệm sau nhiều năm lăn lộn với nghề”, anh thổ lộ.
Không chỉ lo làm giàu cho riêng mình, anh Cường rất quan tâm đến hoạt động xã hội, tích cực đóng góp để xây dựng các công trình tại địa phương, trợ giúp các lễ hội do địa phương tổ chức rất kịp thời với tấm lòng nhân ái cao cả.
jde3cr