Gian nan lai trâu Murrah (Ấn Độ) cải thiện vóc dáng trâu nội

Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam con trâu là hình tượng vô cùng gần gũi thân thuộc. Con trâu là đầu cơ nghiệp, có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống của người nông dân xong trong lĩnh vực nghiên cứu, trâu lại dường như là con vật ít được quan tâm hơn cả. Trong khi bò, gia súc hay gia cầm đến nay mỗi loài đều có hàng chục, thậm chí vài chục loại giống tốt khác nhau thì với con trâu, ngoài giống nội thuần chủng, ở Việt Nam mới chỉ có thêm 2 giống nhập ngoại. Sở dĩ như vậy là vì nghiên cứu về trâu có quá nhiều khó khăn, vất vả. Trong không khí của những ngày đầu năm Tân Sửu, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ (T.S) Nguyễn Văn Đại, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển chăn nuôi Miền núi (xã Bình Sơn, T.P Sông Công) – Trưởng nhóm thực hiện đề tài “Nghiên cứu sản xuất và bảo tồn đông lạnh tinh cọng rạ trâu”.

PV: Xin chào T.S Nguyễn Văn Đại! Anh có nghĩ đã tự làm “khó” mình khi lựa chọn nghiên cứu về đề tài mà ít người “dám” thực hiện?

T.S Nguyễn Văn Đại: Năm 1995, Trung tâm được tiếp nhận 35 con trâu Murrah – là giống trâu ngoại Ấn Độ đầu tiên được nhập vào nước ta từ Trung tâm nghiên cứu trâu sữa Sông Bé. Tuy nhiên, nhận thấy, sau cả quá trình dài người ta nghiên cứu trâu sữa đã không thành công. Đồng thời, sữa trâu cũng không phải là sản phẩm phù hợp với nhu cầu người dân trong nước nên Trung tâm đã nghiên cứu chuyển hướng đàn trâu sữa sang trâu thịt. Bên cạnh đó, trong suốt một thời gian dài, đàn trâu trong nước những con trâu đực to, đẹp nhất đều bị các thương lái tìm mua để đưa đi xuất bán trâu thịt. Vì thế vóc dáng trâu nội ngày càng bé. Trong khi đó, trâu Murrah có vóc dáng to, đẹp, bởi vậy tôi và các cộng sự cho rằng việc nghiên cứu để cải tạo vóc dáng đàn trâu địa phương là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên sau quá trình thực hiện nuôi ghép đàn trâu đực Murrah với trâu cái nội cho thấy tỷ lệ nhân đàn rất chậm. Từ đó, nhóm nghiên cứu của chúng tôi nhận thấy cần tính đến việc nhân đàn theo hướng thụ tinh nhân tạo.

PV: “Thụ tinh nhân tạo”, khái niệm ấy ngay cả với những người “ngoại đạo” như chúng tôi cũng cảm thấy không mới. Vậy tại sao việc thụ tinh nhân tạo cho trâu lại là lĩnh vực mà trước đây chưa từng được thực hiện?

T.S Nguyễn Văn Đại: Đúng vậy, thụ tinh nhân tạo đã được áp dụng trên nhiều loại vật nuôi, ngay cả trên bò từ rất lâu và cho hiệu quả cao. Tuy nhiên, ở con trâu thì lại chưa từng có tiền lệ vì kỹ thuật này không dễ gì thực hiện.

PV: Lý do gì khiến cho việc thụ tinh nhân tạo ở trâu lại trở lên khó khăn như vậy?

T.S Nguyễn Văn Đại: Khó là bởi, quá trình động dục ở trâu diễn ra rất âm thầm không dễ nhận biết như đối với con bò. Thời điểm động dục lại hay diễn ra vào buổi tối nên càng khó phát hiện.

PV: Còn khó gì khăn gì nữa trong quá trình nghiên cứu phát triển đàn trâu nội thưa anh?

T.S Nguyễn Văn Đại: Để có thể nghiên cứu về trâu thịt thì khó khăn còn nhiều lắm. Có rất ít doanh nghiệp nuôi trâu tập trung (trong khi doanh nghiệp nuôi bò tập trung lại có rất nhiều), bởi vậy việc nghiên cứu phải thực hiện trong dân, mà trong dân thông thường mỗi nhà chỉ nuôi một vài con nhỏ lẻ. Chưa kể, thời gian nghiên cứu về con trâu phải rất dài. Phải mất 36 tháng một con trâu mới phối giống được, cộng thêm thời gian chửa là 11 tháng mới đẻ ra một con nghé con. Tiếp tục theo dõi thời gian sinh trưởng của nghé con 6 tháng mới cai sữa. Và phải mất thêm 1 năm nữa mới có thể nghiên cứu được chất lượng thịt của nó. Bởi vậy nên không mấy ai mặn mà với việc nghiên cứu về trâu.

PV: Lựa chọn một vấn đề khó, ít người thực hiện lại cần thiết trong thực tiễn, chắc hẳn ý tưởng này của anh và các cộng sự đã được cấp trên rất ủng hộ ngay từ khi đề xuất đề tài?

T.S Nguyễn Văn Đại: Trái lại. Ngay khi tôi đề xuất đề tài, các thầy ở Hội đồng Khoa học cấp Bộ đã phản đối. Lý do, như tôi đã nói, các thầy khẳng định lại rằng thụ tinh nhân tạo cho trâu là việc làm rất khó. Trước cũng từng có người nghiên cứu làm nhưng không thành công. Trong thời gian mấy chục năm, kỹ thuật này vẫn chưa phát triển được. Bởi vậy, có lẽ các thầy lo cho chúng tôi không lường trước được hết những khó khăn đó.

PV: Vậy, anh và nhóm nghiên cứu đã phải bảo vệ ý tưởng và thuyết phục các nhà khoa học như thế nào?

T.S Nguyễn Văn Đại: Chúng tôi thuyết phục bằng cách chứng minh chúng tôi có thể tìm ra thời điểm và những biểu hiện chung nhất của quá trình động dục ở đàn trâu. Từ đó xây dựng thành một quy trình hướng dẫn cán bộ thú y cũng như người chăn nuôi cách nhận biết, từ đó sẽ nâng cao được tỷ lệ thụ thai ở trâu bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Đại, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển chăn nuôi miền núi.

PV: Vấp phải sự phản đối ngay từ đầu như vậy, khi thực hiện đề tài anh có tự tin mình sẽ thành công?

T.S Nguyễn Văn Đại: Tôi tự tin 100% bởi hai lý do: Tôi có các cộng sự là các cán bộ ở Trung tâm có trình độ kỹ thuật cao, giàu kinh nghiệm, nhiệt huyết luôn đồng hành và chúng tôi có đàn giống tại Trung tâm, thuận lợi cho quá trình nghiên cứu.

PV: Thành quả của quá trình nghiên cứu chắc hẳn là “trái ngọt” với bản thân anh cũng như các cộng sự?

T.S Nguyễn Văn Đại: Sau gần 3 năm nghiên cứu, tỷ lệ thụ thai ở trâu từ phương pháp này bước đầu mới đạt 33%. Những nghiên cứu tiếp theo giúp chúng tôi nâng tỷ lệ này lên 47 – 48%. Đến năm 2019, chúng tôi đã nâng tỷ lệ này lên trên 50%. Đây cũng là tiến bộ kỹ thuật mà chúng tôi đăng ký. Đồng thời là dấu mốc quan trọng đánh dấu kết quả nghiên cứu của nhóm chính thức được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận. Và cho đến nay cũng chưa có một nghiên cứu nào vượt qua được kết quả này.

PV: Vậy là ngoài giống trâu nội, hiện nay ở khu vực miền núi phía Bắc chúng ta có thêm giống trâu Murrah và trâu lai giữa trâu cái nội với giống trâu đực Murah?

T.S Nguyễn Văn Đại: Cảm ơn bạn về câu hỏi này, bởi bạn hỏi đúng điều chúng tôi trăn trở. Chia sẻ thêm với bạn, ở Việt Nam về giống trâu lại không giống như bò. Hiện nay tất cả các giống bò tốt nhất phục vụ cho cả lấy sữa và sản xuất tinh giống đều đã được nhập về để cung cấp cho thị trường trong nước. Nhưng với con trâu, ngoài trâu nội ra, duy nhất có giống trâu Murrah của Ấn Độ. Đến 2017, chúng tôi mới đề nghị được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chấp nhận cho nhập giống trâu thứ 2 vào Việt Nam là trâu Thái Lan đầm lầy với 5 con trâu đực và 30 con cái. Cho đến nay ở Việt Nam cũng mới chỉ có hai giống trâu nhập ngoại này. Với trâu Thái Lan cũng như trâu Murrah bên cạnh việc chọn lọc nhân thuần giữ nguồn gen, chúng tôi cũng sản xuất tinh để cung cấp cho các tỉnh cải tạo đàn trâu nội. Trâu Thái Lan này có ưu điểm to hơn rất nhiều trâu nội và đặc biệt phù hợp để phát triển trâu thịt. Có con nặng hàng tấn (bình quân nặng hơn trâu nội từ 2 – 3 tạ).

PV: Những kết quả nghiên cứu này chắc hẳn chưa dừng ở đó?

T.S Nguyễn Văn Đại: Năm 2020 vừa qua, chúng tôi đã kết hợp cùng Trung tâm nghiên cứu gia súc lớn của Viện Chăn nuôi thực hiện một đề tài cấp Nhà nước sử dụng trâu đực Thái Lan lai tạo với trâu Việt Nam, nhằm nâng cao năng suất đàn trâu nội. Phạm vi thực hiện trong cả nước. Thời gian thực hiện từ 2021-2025. Chúng tôi sẽ đảm nhận thực hiện nhiệm vụ này ở khu vực phía Bắc và Trung tâm còn lại sẽ thực hiện công việc ở khu vực phía Nam.

Thành quả lớn nhất mà chúng tôi nhận được không chỉ là việc kết quả đề tài được công nhận mà là kết quả của đề tài nghiên cứu sản xuất tinh cọng rạ để thụ tinh nhân tạo đã được ứng dụng trong các đề án phát triển chăn nuôi tại 9 tỉnh, thành trong cả nước. Ví như địa bàn tỉnh Thái Nguyên, 100% các huyện, thành, thị đều đã có đàn trâu lai ứng dụng phương pháp này. Trung tâm cũng là cơ quan chuyển giao công nghệ cho mộ số dự án nông thôn miền núi xây dựng mô hình liên kết chăn nuôi trâu thịt hàng hóa tại các tỉnh: Hòa Bình, Lào Cai, Lai Châu, Phú Thọ, Tuyên Quang. Trong năm 2021 và những năm tiếp theo, chúng tôi sẽ tập trung phát triển cả nguồn gen ở một số giống trâu nội địa tốt như trâu Thanh Chương (Nghệ An), trâu Chiêm Hóa (Tuyên Quang) để giúp các địa phương cải tạo vóc dáng đàn trâu…

PV: Xin cảm ơn Tiến sĩ với những chia sẻ nhân dịp đầu Xuân. Đầu năm Tân Sửu chúc Trung tâm sẽ đạt được nhiều thành tựu hơn nữa trong nghiên cứu và phát triển giống trâu nói riêng và các gia súc, gia cầm khác nói chung.

Ảnh đầu bài: Rất nhiều giống trâu vóc dáng lớn được Trung tâm nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi nuôi dưỡng để sản xuất tinh trâu đông lạnh dạng cọng rạ để thụ tinh nhân tạo nhằm cải thiện tầm vóc, chất lượng cho đàn trâu các tỉnh miền núi phía Bắc

Kim Ngân (Báo Thái Nguyên)

3 thoughts on “Gian nan lai trâu Murrah (Ấn Độ) cải thiện vóc dáng trâu nội

  1. Pingback: Cần triển khai nhiều biện pháp căn cơ đồng bộ vực dậy đàn trâu - Di Sản Trâu Việt

  2. Pingback: Đàn trâu của Anh hùng LLVT Chamaléa Châu - Di Sản Trâu Việt

  3. Pingback: Làm tươi máu đàn trâu nội - Di Sản Trâu Việt

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *