Từ TP Quảng Ngãi lên huyện Nghĩa Hành, đến khu vực trung tâm xã Hành Thuận, rẽ về hướng Đông theo con đường bê-tông đi vào thôn Đại An Đông 2 chừng vài trăm mét là tới nhà ông Nguyễn Văn Hạt.
Trong giới lái trâu ở Quảng Ngãi, ông Hạt được xếp vào hạng “đại ca” bởi không chỉ có thâm niên trong nghề mà còn giàu kinh nghiệm “xem tướng” loài gia súc này.
Gặp nhau, chúng tôi thắc mắc tại sao ngày xưa lại chọn nghề lái trâu, ông Hạt giãi bày: “Cũng vì cuộc sống thôi, chứ ba tui là nhà giáo, nhà có 10 anh chị em thì chẳng ai theo nghề mua bán”.
1. Ông Hạt lớn lên trong những năm đất nước còn thời bao cấp. Nông dân sớm sớm nghe tiếng kẻng là dắt trâu bò ra đồng cày ruộng, tính công điểm, chờ đến mùa lên hợp tác xã lãnh lúa về xay. Hồi đó, nhà ông Đồng Văn Năm trong xóm chỉ nuôi một con trâu đực để kéo cày. Ngày mùa, ông dậy sớm ra đồng, loáng một cái đã cày xong 3 sào ruộng.
“Trong khi đó, tui cày bằng bò nên phải dùng hai con kéo nhưng giỏi lắm một buổi cũng chỉ lẹt đẹt vài sào ruộng. Lúc ấy, tui cứ ngẫm nghĩ sao ông Năm nuôi trâu cày được mà mình lại không nuôi? Câu hỏi cứ vẩn vơ trong đầu, rồi tui quyết định bán bò, mua con trâu đực choai của ông Đoàn Tòng mới một năm tuổi ở cùng xóm, đem về chăm” – ông Hạt nhớ lại.
Vốn siêng năng nên ngày nào ông Hạt cũng dắt trâu ra đồng cho ăn no cỏ, đến trưa nắng lại dẫn ra sông tắm. Khi đi chăn trâu, ông còn tranh thủ cắt một gánh cỏ đầy để tối về cho nó nhai. Thi thoảng, ông lại cho uống thêm mật mía nên con trâu mập tròn. Từ đó, với một con trâu, một cái cày, khoảnh ruộng của ông vào ngày mùa chỉ là “chuyện nhỏ”.
“Dần dà, dân làng kháo nhau: “Thằng Hạt nuôi trâu cày sướng lắm, giá mà nó bán thì nhiều người mua liền”. Nghe vậy, tui liền nghĩ ai mua được giá thì mình bán rồi kiếm con khác nuôi, khó gì. Thế là con trâu cày đầu tiên trong đời tui khi mua 140 đồng, 3 năm sau bán được 340 đồng” – ông Hạt khoe.
Hôm bán trâu, ông Hạt cũng thấy tiếc nhưng tự an ủi, thôi thì cố gắng sớm tìm con khác tốt hơn. Rồi cứ thế, tìm trâu mua về nuôi, một thời gian sau có người hỏi, thấy được giá thì bán…, ông Hạt trở thành một người lái trâu chuyên nghiệp lúc nào không hay. Đến Xuân Tân Sửu 2021 này, ông mới bước sang tuổi 59 nhưng đã có ngót nghét 40 năm kinh nghiệm “xem tướng” trâu.
Những ngày đầu “khởi nghiệp”, do chưa quen ai nên ông Hạt đi nhiều mà chẳng mua được con trâu nào. Sau đó, ông tìm cách làm quen những người Kinh sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số hoặc những người H’rê sõi tiếng Kinh. Nhờ họ mà ông mới nhận được những mối mai mua bán và qua họ mới mặc cả, chốt giá được.
Ông Nguyễn Văn Hạt (bìa phải) “xem tướng” trâu
2. Thuở ấy, “con trâu là đầu cơ nghiệp” vì giúp sức nhà nông rất nhiều trong việc cày bừa, đồng áng. Còn bây giờ, khi khoa học – kỹ thuật phát triển, nông nghiệp dần dần cơ giới hóa thì trâu được nuôi nấng, mua bán chủ yếu để lấy thịt, xuất sang Trung Quốc hoặc số ít dùng trong các cuộc thi, lễ hội đua trâu, chọi trâu.
Thế nhưng, với ông Hạt, con trâu vẫn là “đầu cơ nghiệp” và ông vẫn theo đuổi nghề của mình. “Theo thời gian, nghề lái trâu cũng được nâng cấp. Những mai mối mua bán trâu giờ đều qua điện thoại. Mua trâu xong, người ta thuê xe tải chở chứ không lẽo đẽo dắt về, có khi cả ngày, như trước. Nghề lái trâu của tui giờ không còn bó hẹp trong tỉnh Quảng Ngãi mà còn mở rộng ra tận Quảng Nam. Tui còn kết nối với giới lái trâu Thanh Hóa thu gom trâu rồi vận chuyển ra phía Bắc hoặc qua Trung Quốc bán” – ông cho biết.
Nghề lái trâu giỏi hay dở tùy thuộc vào kinh nghiệm “xem tướng” loài gia súc này. Về khoản này thì ông Hạt “một bụng” kinh nghiệm. Trâu thế nào thì cày khỏe, dễ thuần; thế nào thì hung hãn, hay trở chứng…, ông đều rành rẽ.
Nhấp chén trà nguội, ông Hạt nheo mắt: “Bây giờ, trâu nuôi để lấy thịt nên cứ con nào vai úp, đùi nở, sừng ướt (đen láng), chân tròn, chà đất (tính từ đầu gối trở xuống bàn chân) dài, móng tròn, đuôi to thẳng… thì cứ mua là không lo gì lỗ vốn. Không như ngày xưa, mua trâu đem về bán cho bà con để cày ruộng thì khó “coi tướng” lắm”.
Như để chứng minh, ông Hạt đưa chúng tôi ra chuồng trâu, mở cổng dắt một con ra rồi vừa chỉ vừa nói vanh vách: “Này nhé, nếu dùng để cày ruộng thì ngoài những đặc điểm đã nêu, trâu phải có trán dồ, lông trán không rối, xoáy tiền – xoáy hậu cân phân, răng đều. Nếu mua phải trâu có tam tinh (3 xoáy mặt), kim đinh (đuôi nhọn) hoặc lưỡi vĩ (đuôi cong)… thì tính nết hung hãn, dẫu bỏ công sức thuần dưỡng rồi nhưng có khi nó trở chứng, chây ì nằm lăn ra hoặc trổ quạu chạy lồng lên”.
Chưa hết, sau khi “xem tướng”, người lái trâu có kinh nghiệm còn cầm mớ cỏ xanh mướt dứ dứ trước miệng con vật. Khi trâu há miệng ngậm cỏ thì phải nhanh chóng nhìn vào khoang họng – giới mua bán trâu gọi là “hàm rồng”, thấy màu đen thì có bán rẻ cũng phải thôi ngay. “Nhiều người tin rằng nuôi phải trâu hàm rồng, “không chồng thì vợ cũng xa một người”. Lớ ngớ mua trâu ấy đem về bán lại thì dính đòn liền” – ông Hạt giải thích.
3. Nghề lái trâu cực nhọc và cũng lắm chuyện vui buồn. Qua nhiều năm rong ruổi làm nghề này nên hầu như chẳng có bản làng nào ở Quảng Ngãi mà ông Hạt chưa đến. Ông chẳng nhớ nổi mình đã mua bán được bao nhiêu con trâu nhưng chắc phải hàng ngàn. Trong nhà ông Hạt giờ còn chiếc xe đạp và chiếc Honda Dame cũ kỹ “giữ làm kỷ niệm” vì đã cùng ông ngược xuôi nhiều nơi.
“Ngày xưa, tôi đi mua trâu tận xã vùng xa Ba Vì, huyện Ba Tơ hay Sơn Ba, huyện Sơn Hà – cách nhà hơn trăm cây số. Khi mua xong, dắt trâu về phải mất 1-2 ngày đi bộ nên trên đường bạ đâu nghỉ đó, ăn uống qua loa” – ông Hạt kể.
Theo ông Hạt, nghề nào cũng phải giữ chữ tín làm đầu, nếu không thì khó thể tồn tại được lâu. Ông bộc bạch: “Nhiều người bán trâu cho tui xong, sau này nuôi được con nào cũng nhất quyết chờ tui đến mua. Tui cũng thấy thật vui khi trên đường làm nghề, thỉnh thoảng lại được những mối mua bán trước đây í ới mời vào nhà dùng chén trà hay uống ly rượu”.
Ông Hạt tiết lộ trong giới lái trâu, nhiều người không hề động đũa đến thịt loài vật này. Ông cũng vậy. Song, chuồng trâu nhà ông lúc nào cũng có khoảng chục con, ai cần thì bán, bán rồi tìm mua lại ngay chứ không để chuồng trống vì “thấy buồn”.
Cả đời gắn bó với “đầu cơ nghiệp”, ông Hạt không giàu nhưng cũng có ngôi nhà khang trang và cùng người vợ làm nghề may vá nuôi hai con ăn học đàng hoàng. Mùa Xuân sang, bấm đốt ngón tay, ông tâm sự: “Công việc này tui theo đã lâu nên đâm ra như nghiện vậy. Thôi thì còn sức còn đi, còn rong ruổi”.
Đến Xuân Tân Sửu 2021 này, ông Nguyễn Văn Hạt mới bước sang tuổi 59 nhưng đã có ngót nghét 40 năm kinh nghiệm “xem tướng” trâu.