Đàn trâu của Anh hùng LLVT Chamaléa Châu Anh Kator Văn, được Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh xã Phước Trung (Bác Ái) giới thiệu điển hình tiêu biểu “số một” về chăn nuôi gia súc có sừng ở địa phương. Ông đã giúp cho nhiều nông hộ có vốn chăn nuôi gia súc vươn lên thoát nghèo. Tấm lòng Anh hùng Chamaléa Châu thơm thảo hết lòng giúp đỡ bà con thôn xóm được cán bộ, Nhân dân tin yêu.
Chúng tôi trở lại thôn Rã Trên tìm thăm Anh hùng LLVT Chamaléa Châu. Gặp lại người quen cũ tay bắt mặt mừng, ông chia sẻ ngay niềm vui: Gia đình tôi được Nhà nước hỗ trợ 20 triệu đồng sửa chữa nhà ở trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, Liệt sỹ. Tôi biết ơn Đảng, Chính phủ và chính quyền các cấp đã quan tâm chăm lo nâng cao đời sống gia đình chính sách vùng đặc biệt khó khăn. Pha ấm trà ngon mời khách miền xuôi lên thăm, ông dẫn chúng tôi ra thăm chuồng trâu vang tiếng nghé ọ chờ mở cửa đưa ra đồng chăn thả. Anh hùng Chamaléa Châu cho biết tuổi thơ ông có nhiều tình cảm gần gũi gắn bó thân thương với đàn trâu. Trong thời kỳ chống Mỹ, gia đình ông sinh sống trên núi Rã Trên, cách làng định cư hiện nay khoảng một buổi đi đường. Cha mẹ ông chăn nuôi trên 30 con trâu, nhiều nhất trong các hộ nuôi trâu hồi ấy ở xã Phước Trung. Ông còn nhớ như in ngày 9-7-1967, quân Mỹ bắn pháo cà-nông như vãi trấu vào vùng kháng chiến xã Phước Trung. Sau đó, chúng dùng máy bay trực thăng đổ bộ trên 4.000 quân càn quét với ý định đánh úp tiêu diệt quân dân địa phương. Đàn trâu của gia đình ông chăn thả tại khu vực Láng Tranh bị quân Mỹ đổ bộ bắn chết cả đàn. Cha mẹ ông ngậm ngùi thương tiếc đàn trâu hiền lành thân thuộc của gia đình ngã gục dưới làn đạn của quân Mỹ.
Trong thời kỳ chống Mỹ, Anh hùng LLVT Chamaléa Châu là Bí thư Chi bộ kiêm Xã đội trưởng Phước Trung. Ông cùng lực lượng du kích đưa trên 500 người dân địa phương đến nơi trú ẩn an toàn ở hang núi Hamaca, thoát khỏi trận càn quét nói trên của quân giặc. Du kích Phước Trung dùng súng trường bắn hạ 25 chiếc máy bay Mỹ; cá nhân xã đội trưởng Chamaléa Châu đã bắn rơi 7 chiếc. Tháng 4-1975, quê hương hoàn toàn giải phóng, Anh hùng LLVT Chamaléa Châu cùng bà con thôn xóm xuống đất bằng định cư, định canh. Ông tiếp tục tham gia công tác xây dựng địa phương kinh qua các chức danh Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh xã Phước Trung. Ngày 20-12-1994, Chamaléa Châu vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT do lập thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Nhà Chamaléa Châu bây giờ ngay bên chân ngọn núi oai hùng xưa. Chỉ có điều mấy mươi năm nay, dù hòa bình đã về trên khắp núi rừng Bác Ái, nhưng do điều kiện địa lý và thiên nhiên khắc nghiệt, cả huyện vẫn chưa thoát cảnh nghèo khó. Cái đói đã không còn ngự trị trong cộng đồng người Rắc Lây nhưng cái nghèo vẫn chưa buông tha bà con.
Cả xã, cả huyện, rồi cả tỉnh Ninh Thuận vẫn “nát óc” từng ngày để tìm lối ra trên cái khô nóng khắc nghiệt của xứ sở xương rồng. Chamaléa Châu bây giờ đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND và cũng trở thành một ông già du mục Rắc Lây như truyền thống của dân tộc mình.
Nhưng ông Châu nghĩ: Nếu cứ du canh, du cư, trồng nương trồng rẫy mãi trên mảnh đất khô cằn thì cũng chỉ đến chết đói thôi. Còn muốn làm giàu thì không có cách nào hơn là phải làm ăn lớn. “Thời chiến tranh không được đi học, nên giờ Chamaléa Châu này không nhiều chữ, chỉ có kinh nghiệm chăn nuôi và cái quyết tâm làm theo cán bộ nông nghiệp thôi”, Chamaléa Châu nói.
Nói thì dễ vậy, nhưng làm ăn thế nào ở cái mảnh đất Bác Ái này khi nạn hạn hán ở đây luôn thường trực, có thời kỳ hơn 13 tháng, cả huyện chỉ đón nhận đúng 3 cơn mưa đủ ướt áo, rồi thôi. Vậy thì nguồn cỏ tươi đâu dành cho chăn nuôi? Còn Chamaléa Châu thì ra chiều bí hiểm, trỏ bàn tay đen xì, mốc thếch lên phía núi, nheo đôi mắt của một ông cụ lục tuần hãy còn rất sáng, ông cười hềnh hệch: “Núi Rã là nhà của mình mà. Ở trên đó, mình biết đâu có nước, đâu có cỏ, đâu là bãi trống thả súc vật mà không sợ thú dữ dòm ngó mà”.
“Nhưng ai sẽ là người chăn bò, ông hay vợ?”
“Vợ mình sức yếu lắm, bà ấy chỉ quanh quẩn dưới núi thôi. Mình còn sức nên mỗi khi hạn hán lại lùa bò, dê lên núi ăn cỏ. Nhờ đó mà không bao giờ chúng nó đói bụng đâu!”.
Chuyện chăn nuôi bò của ông Châu cũng rất khác cộng đồng người Rắc Lây. Ông tin vào khoa học nên chỉ nhận phối giống bò lai Sind cho bò cái. Ấy thế nên lũ bê con, con nào con nấy đều lớn phổng, béo trùng trục, khác hẳn giống bò cỏ địa phương. Mỗi khi bò yếu, ông Châu đều chạy ra huyện nhờ cán bộ thú y đến “ngó qua cái chuồng giùm mình”.
Từ 1 con bò vay vốn xóa đói giảm nghèo buổi ban đầu, đến nay đàn bò nhà ông đã có trên chục con, trị giá khoảng 100 triệu đồng – một số vốn khó mà tưởng tượng ra tại vùng nắng gió và khô hạn, trong một gia đình người dân tộc Rắc Lây. Thấy ông Châu nuôi bò mát tay, nhiều người trong làng rủ nhau bắt chước ông. Có người nghèo quá không có vốn, lại chẳng thuộc diện được vay, ông Châu cho mượn bê con và chỉ cách trồng cỏ, chỉ bãi chăn thả, lại còn bắt buộc phải cho lai với bò Sind mà theo lời ông là “bán giá cao ngất trời”.
Năm 2005, ông nghỉ hưu chăm lo phát triển kinh tế gia đình và quyết tâm khôi phục đàn trâu của gia đình. Đầu năm 2006, ông đầu tư 18 triệu đồng nhờ thương lái mua giùm 4 con trâu nghé (2 đực và 2 cái). Khi còn khỏe, hàng ngày ông đưa đàn trâu lên rừng chăn chận. Những năm gần đây do tuổi cao sức yếu, ông giao đàn trâu lại cho vợ là bà Pôpô Thị Phanh chăm sóc. Hiện nay, đàn trâu của gia đình Anh hùng LLVT Chamaléa Châu lên đến 12 con. Ngoài ra, ông còn có đàn bò gồm 5 con nái và 4 con nghé gởi cho các hộ gia đình chăn nuôi với hình thức ăn chia 1-1. Khi giao bò mẹ cho các hộ nhận nuôi được hưởng bê con đầu tiên đến con thứ hai thì chủ có bò hưởng. Theo cách làm này, ông đã giúp cho các hộ Pôpô Thị Nem, Pôpô Oán, Kator Lặt, Chamaléa Hái ở thôn Rã Trên có điều kiện làm ăn vươn lên thoát nghèo.
“Tôi nuôi trâu không nghĩ đến chuyện làm giàu mà muốn giữ lại hình ảnh con gia súc thân thuộc của gia đình và bà con xóm làng. Thời buổi hiện đại, nông dân làm đất bằng máy nên con trâu không phải kéo cày. Con trâu chỉ để cúng kính ông bà tổ tiên theo phong tục của đồng bào Raglai. Với mức lương hưu, phụ cấp Anh hùng LLVT và phụ cấp bệnh binh, tôi chi tiêu tiết kiệm, dành dụm hỗ trợ các cháu có thêm điều kiện ăn học và giúp đỡ bà con tộc họ lúc khó khăn”-Anh hùng LLVT Chamaléa Châu chia sẻ.
Sơn Ngọc (Báo Ninh Thuận)