Lên rừng “phục kích” bắt… trâu nhà

Vừa ràng lại dây buộc mũi trâu, ông Lương Ngọc Bá (xã Hương Quang, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh) vừa tự hào nói: “Đây là con trâu bắt được nhanh nhất của tui đó”. Cái nhanh ông nói cũng mất gần 2 tuần cả trâu lẫn người đánh vật với nhau. Nhìn con trâu mộng đen bóng cứ tưởng là loài trâu rừng, nhưng kỳ thực, đó là giống trâu nhà được thả rông giữa đại ngàn. Mỗi lần bắt, người dân lại phải thuê những cánh săn trâu lão luyện như ông Bá lên rừng bắt trâu.

Trâu nhà thành trâu rừng

Cách đây khoảng 6 năm, trước khi lòng hồ thủy điện Ngàn Trươi khơi dòng, khu vực này là nơi cư trú của hàng trăm hộ dân thuộc các xã Hương Quang, Hương Điền (huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh). Mặc dù đã chuyển đến khu tái định cư, nhưng những con trâu nhà được thả rông vẫn còn sót lại giữa đại ngàn. Người dân vẫn thường xuyên thuê thuyền, thuê người vượt lòng hồ quay về chốn cũ bắt trâu. Nằm giáp với Rừng quốc gia Vũ Quang, người dân có thói quen chăn thả trâu lên các bìa rừng. Sau khi đã đánh dấu trâu.

Những con trâu này phải tự kiếm ăn, tự đấu tranh với tự nhiên để sinh tồn, lâu dần quen với lối sống hoang dã. Đặc biệt, chỉ từ vài ba con ban đầu, sau một vài năm, trâu đã sinh sôi tăng đàn lên 5 – 7 con. Lứa nghé con sinh ra trong môi trường tự nhiên, không được con người thuần hóa, trở thành những con trâu rừng vừa nhút nhát, vừa hung dữ rất khó có thể đến gần. Chỉ đến khi cần bán, người ta mới săn trâu về. Loài trâu ruông này thường ít sử dụng vào việc đồng áng mà chủ yếu là dùng để giết thịt.

Ông Võ Văn Thọ, Chủ tịch UBND xã Hương Quang, cho hay: “Ngày trước, đàn trâu bò của người dân tại khu vực cũ có khoảng hơn 500 con. Sau khi dự án thủy điện Ngàn Trươi Cẩm Trang khởi công, người dân chuyển đến khu tái định cư nhưng không thể đem hết trâu bò đi, do số gia súc này sinh sống trong rừng. Vì vậy, những năm qua, người dân phải quay trở lại khu vực cũ để bắt trâu. Sau nhiều năm săn bắt, số trâu này chỉ còn sót trên dưới 10 con, nhưng rất khó để bắt một lần”.

“Phục kích” trâu nhà giữa đại ngàn

Theo những người săn trâu ruông, để bắt những con trâu nhà sống trong rừng về là cả một nghệ thuật. Loại trâu này thường có tập tính cố định về thời gian và địa điểm. Ông Lương Ngọc Bá, người bắt trâu ruông có tiếng nơi đây cho hay: “Cứ sáng sớm khoảng 4 giờ, chúng chui ra từ các vạt rừng rậm dưới thung lũng để lên đồi ăn cỏ. Đến 10 giờ, nắng gay gắt, chúng kiếm những đầm bùn ẩm ướt để đằm và tìm cỏ ăn lúc 16 giờ khi bóng mặt trời dần râm mát”.

Chỉ vào con trâu vừa mới bắt, ông cười: “Theo dấu được con trâu này thôi mà cũng mất mấy ngày. Con này chắc phải đời F2 vì rất khôn ranh, nó đánh mùi tinh lắm. Biết có người đến, nó trốn mấy ngày không ra. Mình phải làm mất mùi, nấp kỹ để quan sát thói quen tập tính của nó mới đặt bẫy được”. Chiếc bẫy của ông Bá chỉ đơn giản là sợi dây thừng to, bền chắc được thòng lọng, đặt trên bãi cỏ rồi phủ lá cây lên.

Trước kia, khi người dân sinh sống ở đây còn đông, mỗi chuyến săn trâu có đến 3-7 người. Khi thấy trâu ăn trên đồi, người ta tản ra, phân chia công việc, người khua chiêng, người gõ mõ, thổi tù và. Bị động, trâu sẽ chạy và bị vây, bị dồn ép xuống khu vực gióng. Trâu chui vào gióng, những người còn lại đóng cửa lại rồi đặt thòng lọng, quàng cổ, trói chân. Tuy nhiên, gặp những con trâu dữ quá, người ta phải làm thịt ngay tại chỗ. Chi phí để bắt trâu ruông thường có giá tầm vài triệu đồng/con. Nhưng từ khi người dân đến chỗ khác, đường sá bị chia cắt, đi lại khó khăn nên chi phí có khi lên đến 5 – 6 triệu đồng/con. Dù chi phí cao, nhưng hiện nay, số người làm nghề này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bắt trâu cũng thường đơn thương độc mã, vì thế mà vất vả, dài ngày và thường trực nguy hiểm hơn.

Bản thân ông Bá cũng nhiều lần đối diện với chuyện bị trâu tấn công, nhưng may mắn nhờ kinh nghiệm của mình, ông đều thoát nạn. “Khi nhìn thấy tai trâu dựng đứng, mắt trừng ngược là biết nó sắp tấn công. Ngay lập tức, tôi phải tìm chỗ núp sau gốc cây lớn hoặc trèo lên cây cao. Chậm một tích tắc rất dễ bị húc trúng bụng”, ông Bá bật mí kinh nghiệm. Sau khi bắt được trâu, ông Bá buộc ràng ở khu vực gần bờ sông cho quen với người và cũng tiện thuyền bè đi lại, di chuyển ra khỏi lòng hồ. Đợi một vài ngày, khi trâu đã quen, ông Bá phải dùng tre đóng thành gióng dựng chuồng ngay trên thuyền, hoặc có người dùng dây thừng trói tứ chi lại. Trâu và người phải mấy gần 1 giờ vượt hơn 17km đường sông ra khỏi khu vực lòng hồ thủy điện.

Thiếu tá Đoàn Đức Long, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Hương Quang, BĐBP Hà Tĩnh, cho hay: “Đây là khu vực giáp với Rừng quốc gia Vũ Quang, số trâu ruông còn sót lại này cũng thường chạy vào bìa rừng để kiếm ăn. Chúng tôi thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng vừa tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, nhưng đồng thời cũng tạo điều kiện cho người dân vào khu vực này để bắt trâu”.

Ảnh đầu bài: Chú trâu rừng vừa được ông Bá bắt sau gần 2 tuần mai phục. Ảnh: Khánh Chi

Khánh Chi (Báo Biên Phòng – https://www.bienphong.com.vn/len-rung-phuc-kich-bat-trau-nha-post344089.html)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *