Vào rừng tìm trâu

Ở thôn Păng Tiêng, xã Lát, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng), người dân có tập tục thả trâu nhà vào rừng sâu để chúng tự sinh tự dưỡng.

Người dân gọi những chú trâu như vậy là min, tức trâu rừng.

Giữa vạt rừng rậm dưới chân núi Lang Biang, một đàn trâu 30 con đen bóng, lực lưỡng ào ào túa ra khỏi bìa rừng hướng về phía những quả đồi cỏ tranh rộng mênh mông.

Anh Kơ Sa K’Lơng (40 tuổi, ở thôn Păng Tiêng) dù có 20 năm trong nghề thả trâu trong rừng vẫn mừng rỡ hét đến lạc giọng: “Huuhh… chúng ra rồi, trâu nhà mình ra rồi”.

Lý do K’Lơng mừng như vậy là bởi suốt hai ngày tìm kiếm, anh mới gặp được đàn trâu của mình giữa vùng rừng rậm.

Hai ngày tìm trâu

Gần 2.000 trâu nhà thả rừng

Trâu Lạc Dương, đặc biệt là trâu thuộc xã Lát, vùng quanh chân núi Lang Biang của đồng bào Lạch, Cơ Ho từ lâu đã nức tiếng khắp nơi do trâu to lớn, thịt chắc nhưng mềm, không bèo nhèo, dĩnh nước như trâu một số nơi khác.

Theo cách giải thích của các nông dân cố cựu nuôi trâu, sở dĩ trâu Lạc Dương được thương lái khắp nơi ưa chuộng do khí hậu và thổ nhưỡng tốt, trâu nuôi mau lớn và thịt trâu vì thế có chất lượng hơn hẳn các nơi khác.

Theo số liệu thống kê sáu tháng một lần của Phòng NN&PTNT huyện Lạc Dương, hiện trên địa bàn huyện có khoảng 2.700 con trâu.

Trong đó, lượng trâu nhà thả rừng gần 2.000 con. Chủ yếu là số trâu nuôi của đồng bào dân tộc thiểu số người Cơ Ho, Lạch…

Số lượng trâu nhà thả rừng tập trung chủ yếu tại khu vực xã Lát, Đạ Nhim, Đạ Sar và thị trấn Lạc Dương khu vực hồ Đan Kia.

Để chúng tôi hình dung được diện tích đàn trâu nhà thả vào rừng rộng đến đâu, anh Dá Căt K’Han (30 tuổi, hộ có bảy con trâu thả rừng cùng K’Lơng) giải thích:

“Khu rừng trâu ở trải rộng đến xã Tà Nung (TP Đà Lạt) ở hướng đông, kéo tới xã Phi Tô (huyện Lâm Hà) ở phía nam và giáp các đồi núi huyện Đam Rông ở phía tây, nơi xa nhất cách thôn Păng Tiêng hơn 40km”.

Giải thích tại sao phải thả trâu nhà vào rừng xa như vậy, Han nói một cách đơn giản: “Đất rừng mất tới đâu thì đàn trâu phải kiếm cỏ xa dần tới đó”.

Theo thói quen, anh K’Lơng quyết định vào thăm đàn trâu 16 con của gia đình mình. Trước khi đi, K’Lơng dặn chúng tôi chuẩn bị lương thực, nước uống đủ dùng cho hai ngày đi vào rừng thăm trâu.

“Nói là thăm trâu nhưng không phải lúc nào cũng dễ dàng nhìn thấy chúng trong rừng. Mình từng mất một tuần mới tìm ra chúng” – anh K’Han nói.

Buổi sáng đi tìm trâu thì vợ K’Han đã gói ghém cho chồng cơm nắm, nước và các dụng cụ đi rừng sẵn sàng cho một ngày dự báo nhiều vất vả.

Thấy chúng tôi mặc áo màu cam sửa soạn vào rừng, người đàn ông Cơ Ho này khuyên chúng tôi nên thay áo màu nâu đen.

Nguyên do là có những con trâu rất dữ dằn, chúng có thể tấn công người khi nhìn thấy những màu áo như thế.

Buổi trưa, trời Lạc Dương nóng hừng hực, oi ả vì không có gió. Quả đúng như lời K’Han dự đoán. Nhóm ba người đi cả chục quả đồi, xuống những thung lũng, vùng sình lầy nhưng càng đi thì đàn trâu vẫn “bặt vô âm tín”.

Dấu vết duy nhất chúng để lại là những vũng sình đất bị cày nát bét, chi chít vết chân to bằng cái chén trên nền đất chứng tỏ chúng đã đi qua đây một ngày.

Theo kinh nghiệm của K’Han, nếu nhìn thấy vết chân trâu là anh có thể đoán biết đàn trâu đang di chuyển về đâu. Do một tháng chưa vào rừng thăm trâu nên anh dự đoán chúng có thể đi sâu vào khu vực rừng gần huyện Lâm Hà.

“Tháng trước do đàn trâu nhà mình đốn gãy nhiều thông và cà phê non gần bìa rừng, bị người dân ném đá, xua đuổi nên giờ chúng khá nhát. Mình chỉ lo cả đàn chui vào khu rừng rậm, lúc đó tìm chúng rất cực” – anh K’Lơng nhận xét.

Phải tới cuối chiều hôm sau nhóm của K’Lơng mới tiếp cận được gần đàn trâu khi các vết chân còn sũng nước rải đều xuống thung lũng.

“Chỗ này cỏ tranh ngập đầu người và cây cối rậm rạp rất khó tiếp cận chúng. Trong đàn có một con trâu cái sắp sinh nên có thể cả đàn nằm lì trong rừng chưa chịu ra” – K’Han bàn bạc.

Là người từng ba lần bị trâu đuổi, có kinh nghiệm, K’Lơng “xung phong” chui xuống khu rừng rậm ven suối. Những người còn lại thì trèo lên cây cách đàn trâu 150m ngóng xuống với tâm trạng lo lắng.

Chưa đầy 10 phút sau, chưa thấy đàn trâu xuất hiện thì bất ngờ thấy K’Lơng chạy thục mạng từ vạt rừng rậm ra ngoài, một con trâu cái đen trũi đuổi sát phía sau. Tới đám cỏ tranh, nhanh như cắt K’Lơng vọt lên cây thông trốn.

Con trâu cái ngước nhìn lên cây với vẻ hậm hực rồi nhanh chóng quay trở lại vạt rừng rậm.

“Con trâu cái này tên A Cồi, nó mới đẻ con nên rất dữ. Tôi gọi thì nó bất thình lình quay lại đuổi” – K’Lơng thở hổn hển giải thích với cả nhóm. Không thể đợi đàn trâu ra khỏi vạt rừng, nhóm quyết định dùng đá, gậy gộc ném liên tục về phía vạt rừng rậm để xua đàn trâu đang “cố thủ” chạy ra ngoài.

K’Han trèo lên ngọn thông đợi sẵn để kiểm đếm số lượng, bảo đảm không thất thoát con nào trước khi trời sụp tối.

Nghệ thuật lai dắt trâu

Theo những nông dân nuôi trâu cố cựu tại Păng Tiêng, để lùa đàn trâu nhà sống trong rừng về là cả một nghệ thuật của những chàng trai Cơ Ho.

Trâu nhà thả rừng có những thói quen rất ít thay đổi. Sáng sớm khoảng 4g chúng chui ra từ các vạt rừng rậm dưới thung lũng để lên đồi ăn cỏ. Khoảng 10g nắng gay gắt chúng kiếm những đầm bùn ẩm ướt để đằm và tìm cỏ ăn lúc 16g khi bóng mặt trời dần râm mát.

Chúng ăn ngủ mỗi vùng khoảng 1-2 tháng trước khi di chuyển sang vùng cỏ khác. Chỉ có chủ trâu mới biết rõ nơi chúng sống, biết con nào hung dữ mới dễ dàng bắt được chúng.

Anh Đạ Dà Căt Tàm (39 tuổi, người có thâm niên thả trâu trong rừng) đặt đủ 10 cái tên cho đàn trâu 10 con to nhỏ để chúng nhớ tới chủ của mình.

Anh nhẩm đếm: “Bốn con đầu đàn là A Côi, A Mú, A Còi rồi tới A Tớ, A Me, A Thin… đủ 10 cái tên”.

Theo anh Tàm, muốn lai dắt trâu ở xa về lại chuồng (để bán giết thịt), những chủ trâu đem nhiều muối rải trên cỏ.

Trâu nhà nhiều ngày sống trong rừng rất thèm muối. Chúng sẽ ăn muối chủ thả trên cỏ để về nhà. Nhưng theo Tàm, đó chỉ là một cách để “dụ” những đàn trâu hiền và gần làng.

Tàm cùng nhóm bạn thân của mình là Ha, K’Lơng, K’Han phải dùng tới cả chó săn, cùng nhiều thanh niên có kinh nghiệm mới có thể bắt được những con trâu hung dữ nhất.

Căng thẳng nhất là khi tìm được trâu, cả chục thanh niên tản ra khua chiêng, gõ mõ để lùa trâu xuống nơi đặt sẵn rào dựng lên để dụ chúng. Khi trâu vào bẫy thì quăng thòng lọng, quàng cổ, trói chân bắt từng con.

“Nhiều trường hợp phải dùng trâu mồi kéo gỗ để dụ lũ trâu về nhà. Đôi khi lùa cả mấy ngày trâu vẫn không chịu vô rào. Cách nhẹ nhàng nhất là phải thường xuyên thăm trâu nhà để chúng biết mặt chủ và bớt tính hung hãn” – anh Tàm nói.

Người dân xã Lát cho biết thói quen thả trâu rừng bắt đầu rộ lên chừng 20 năm trở lại đây. Khi đó người dân trong xã bắt đầu chuyển đổi canh tác từ trồng lúa nước sang trồng rau hoa củ quả cho thu nhập cao hơn.

Cây lúa mất dần, người dân bắt đầu thả trâu vào rừng nhiều hơn. Từng làm trưởng thôn sáu năm tại thôn Băng Tiêng, già Kra Jãn Su (60 tuổi) cho rằng tập tục thả trâu vào rừng của người dân đã có từ những năm 1950-1952.

Và thời hoàng kim trâu nhà thả rừng là vào những năm 1978-1980. Khi đó, cả thôn Păng Tiêng có gần 1.000 con trâu thả rừng và chúng rất dữ, nhiều con đã biến thành con min. Trong làng có nhiều người bị thương nặng do trâu húc.

“Lúc đó cả làng phải họp lại và quyết định dùng súng bắn chết những con trâu đực đầu đàn dữ nhất để thuần hóa đàn trâu nhà. Có đến 50 con min bị bắn chết chỉ trong vòng một tháng” – già Su nhớ lại.

Nhưng lý do đàn trâu sụt giảm nhanh chóng, theo già Su, đó chính là bệnh dịch tụ huyết trùng.

“Đàn trâu thả rừng rất khó khăn để bắt chúng tiêm chủng. Những năm 1980, 1990 Nhà nước chưa có tiêm chủng nên dịch bệnh tụ huyết trùng lây lan giết chết cả trăm con mỗi lần dịch phát tán. Rồi trâu thả rừng sụt giảm nhanh từ đó.

Người dân cũng vì thế không dám nuôi với số lượng quá nhiều” – già lý giải. Hiện tại, cả thôn Păng Tiêng chỉ còn 15 hộ nuôi trâu nhà thả trong rừng sâu với số lượng khoảng 200 con.

Ảnh đầu bài: Sau hai ngày tìm kiếm, nhóm anh K’Lơng mới tìm được đàn trâu 24 con chui ra từ vạt rừng rậm – Ảnh: C.Thành

CHÍNH THÀNH Tuổi trẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *