Xuân Tân Sửu nói chuyện về con trâu

Theo tài liệu nghiên cứu của Cockrill, W. R. (1977) thì con trâu là động vật có vú nằm trong nhóm có sừng thuộc bộ nhai lại của họ trâu bò sống hoang dã tại vùng Nam Á, Đông Nam Á, miền Bắc Úc.

Trâu trên thế giới được chia thành hai nhóm, đó là nhóm trâu rừng sống tại châu Phi và nhóm trâu thuần dưỡng tại vùng nhiệt đới châu Á và một số ít được nuôi dưỡng tại Nam Mỹ và Bắc Phi theo nghiên cứu của nhóm khoa học Lau (1998). Căn cứ theo cách tính Can Chi thì năm 2021 có Thiên can là Tân; Địa chi là Sửu cho nên năm nay là Tân Sửu, năm thứ 38 của Vận Niên thứ 78 trong Lục Giáp.

Đó là con trâu xét theo lịch học, còn văn học và nghệ thuật thì rất nhiều mà điển hình là tác phẩm “Mùa len trâu” của nhà văn Sơn Nam, một chân tài thực học của vùng châu thổ Cửu Long. Vẫn theo nhà văn Sơn Nam thì từ “len” không phải là từ tiếng Việt mà nó là từ vay mượn của tiếng Khmer có nghĩa là “đi tự do”; “len trâu” có nghĩa là để cho con trâu tự do đi kiếm nguồn thực phẩm của nó. Miền sông nước của vùng Tây Nam bộ là vùng mà hằng năm, vào mùa con nước nổi, nước thường dâng cao từ 1m đến 4m.

Cư dân vùng này, thường phải rời nơi định cư đi đến những vùng đất cao để sinh hoạt và con trâu cũng không ngoại lệ, cũng phải có cỏ cho nó ăn. Điểm này có thể thấy nhà văn mô tả trong tác phẩm: “Ở nhà tối nó ngủ không được, ngủ với nước thì sao mà ngủ được, và trưa thì làm sao cho nó ăn, cỏ đâu ra mà cho nó ăn. Người nuôi trâu, chủ nhà có trâu, phải đưa trâu đến vùng đất cao. Làm sao người làm ruộng nuôi trâu? Muốn nuôi trâu thì phải lùa trâu đi”.

Về tôn giáo thì có câu chuyện kể rằng Đức Phật đã được thôn nữ Sujata dâng cúng cháo sữa sau khi ngài hành pháp khổ hạnh sáu năm và nhờ đó sức khỏe ngài được hồi phục. Sau khi dùng cháo sữa, ngài quyết định ăn để có đủ sức hành thiền quán niệm hơi thở và thành đạo trong thời gian 49 ngày thiền định. Điều này cho thấy rằng người Ấn đã dùng sữa trâu từ ngàn xưa vì tại vùng Bắc Ấn là nơi nuôi dưỡng rất nhiều trâu. Phật giáo Đại thừa phát triển còn có mười bức tranh chăn trâu được gọi là “Thập mục ngưu đồ”, diễn tả lại toàn bộ quá trình diễn biến tâm thức tương ứng với quá trình hành đạo của một người phát nguyện đạt đích điểm giác ngộ. Mười bức tranh này, thập mục ngưu đồ, có thể xem là biểu tượng rõ nét nhất của tất cả những gì được gọi là tinh hoa của phái Phật giáo đại thừa.

Còn trong hội họa truyền thống Việt Nam thì tranh của Đông Hồ có hình ảnh con trâu mô tả phần lớn các cảnh sinh hoạt nông thôn đặc thù của cộng đồng văn minh lúa nước. Tranh Đông Hồ thường vẽ những em bé mục đồng bụ bẫm, tóc ba vá, ngồi vắt vẻo trên lưng trâu thổi tiêu giữa những cánh đồng lúa vàng, hay những con trâu nằm nghỉ ngơi nhai cỏ bên khóm tre xanh trước sân nhà. Con trâu vốn gắn liền với tuổi thơ của trẻ em được mô tả rất gần gũi, vui đùa với trâu, tắm trâu, cỡi trên lưng trâu, thả diều, bên lũy tre đầu làng tại nông thôn.

Tuy nhiên, ngày Tết thì đám mục đồng lo đi chơi nên trâu bò chỉ ăn rơm khô cạnh chuồng bò cho đến ngày mùng ba, trâu bò được trẻ mục đồng hay chủ nhà cho bó cỏ non cỏ tươi, ngon hơn nữa là bó mía non hay bột sắn pha với nước đường tán. Đó cũng là lý do mà trong bói toán dân gian người ta thường gán cho ai sinh vào năm Sửu thì thường bị cực khổ là “tuổi con trâu mà”.

Về lịch sử lập quốc và bảo vệ quốc gia của đồng bào người Việt, có một vị vua xuất thân là trẻ mục đồng. Đó chính là Đinh Tiên Hoàng (924-979) thường gọi là Đinh Bộ Lĩnh, vị Hoàng đế khai quốc Đại Cồ Việt, trong dòng lịch sử của con Rồng cháu Tiên trên vùng đất Âu Lạc. Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư thì nhà vua là con của thứ sử Hoan Châu Đinh Công Trứ. Đinh Công Trứ mất sớm, nên lúc nhỏ ông phải làm mục đồng chăn trâu ngoài đồng. Từ nhỏ ông cùng các bạn mục đồng lấy cờ lau tập trận và lớn lên đã dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất sơn hà, lên ngôi Hoàng đế đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt.

Bàn về tục ngữ, ca dao về trâu thì mênh mông và bàng bạc trong dân gian như: “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”; “Trâu già khoái gặm cỏ non”; “Ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng”. Hoặc những câu ca dao trong dân gian chẳng hạn như: “Trâu buộc thì ghét trâu ăn; Quan võ thì ghét quan văn dài quần”, “Chẳng tham lắm ruộng nhiều trâu; Tham vì ông lão tốt râu mà hiền” … Nếu kể về hạng nhất thì trâu đứng đầu nhiều thứ như “con trâu là đầu cơ nghiệp” hay trong ba sự kiện lớn của đời người đàn ông Việt Nam thì mua trâu đứng đầu trong câu ca dao “tậu trâu, cưới vợ, làm nhà”. Mặc dù, khuôn mẫu này không còn phù hợp nữa, nhưng ngẫm đến cùng người xưa vẫn có lý lẽ riêng khi đúc kết như vậy. Hơn nữa, con trâu được xếp hàng đầu trong lục súc: trâu, ngựa, dê, gà, chó, lợn có lẽ ngoan như “lạc đường nắm đuôi chó, lạc ngõ nắm đuôi trâu”chăng?

Xin khép lại những mạch văn lan man cho buổi trà dư tửu hậu đầu xuân. Năm Tân Sửu này ta hãy mường tượng những cánh đồng từ miền chiêm trũng nắng gió cho đến vùng châu thổ đầy phù sa với những con trâu chăm chỉ làm việc để chúng ta hãnh diện Việt Nam là vựa lúa của vùng Đông Nam Á. Chúc bạn đọc quan lộ hanh thông, nhứt bổn vạn lợi, gia đạo bằng an và bản thân hạnh phúc.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *