Xa rồi… cày trâu (tản bút)

Xa rồi… cày trâu (tản bút): Với hầu hết những người qua độ tuổi thanh niên, đã sống ở nông thôn vùng đồng bằng thì ký ức về miền quê có hình ảnh con trâu/bò kéo cày nó thân thuộc lắm, vì quy trình làm ra lương thực nhất thiết phải có công đoạn này.

Xa rồi... cày trâu (tản bút)
Xa rồi… cày trâu (tản bút)

Nó thân thuộc trong không gian yên bình lắm, vật cứ lầm lũi kéo, người theo sau chỉ: ví, thá (bên trái, bên phải); chốc chốc đưa chiếc roi mây to, tưa tớp phần ngọn vỗ nhẹ vào mông con vật giục: Đi. Khi nào thấm mệt thì: Họ. Cùng dừng lại nghỉ ngơi. Vật chỉ đứng tại chỗ, đôi mắt mơ hồ mộng tưởng; đôi tai, chiếc đuôi ngoe nguẩy đuổi nắng, đón gió, xua côn trùng bâu bám. Người thì đi đâu đó hoặc ngả nón trên bờ đất dưới bóng râm bưng bát chè nóng ấm tu ừng ực, điếu thuốc vấn nhả khói vào bát ngát không gian. Nó ngập tràn thanh thản, có chi đâu mà vội. Hết sáng còn chiều. Nắng nghỉ. Mệt nghỉ. Rồi vụ cũng xong. Đồng sâu làm trước, ruộng cạn làm sau, ruộng soi làm chốt. Rồi lại nông nhàn.

Nông nhàn ngày nắng ráo, mỗi sớm mai ra, những chiều chưa tắt nắng đàn ông nông dân đưa trâu bò mới lớn ra bờ cát tập cày. Ban đầu cho quen với ách, ráp thành cặp đôi sau vào khuôn phép đi đứng chững chạc, có đường có lối, biết quanh biết rẽ, làm theo mệnh lệnh dù chỉ kéo chiếc cày nhẹ hều trên cát. Sự thành thục ấy cũng mất nhiều thời gian, còn tùy theo tính cách của con vật. Và người huấn luyện thường ở độ tuổi trung niên, tính khí phải “đằm”, nóng vội là hỏng!

Trâu bò dùng kéo cày chủ yếu là con đực, thời gian nuôi dưỡng lâu, vì thế phải hoạn. Hoạn cho trường sức và bớt lung. Ngày xuân, tiết trời ấm áp thì làm việc này. Có một nghịch lý, trâu bò trưởng thành mà chưa hoạn lại được giá hơn nếu đem ra bán, vì đẹp mã cho dù khi dùng đến sức kéo kiểu gì lại cũng phải hoạn!

Trâu bò dùng để kéo cày chỉ nuôi thả. Chính cái sự thung dung đi lại trong nắng, trong gió mưa làm cho cơ bắp chúng thêm săn chắc. Cuối ngày chúng được ra sông dầm mình, được kỳ cọ nên sắc lông bóng mượt đẹp thân thương. Thức ăn ngoài cỏ chỉ có phụ phẩm nhà nông, thêm chút muối hòa vào nước uống.

Kể rồi hình ảnh con trâu đi trước, chiếc cày đi sau đã lùi vào dĩ vãng khi nhà nông cơ giới hóa hoàn toàn quy trình làm ra sản phẩm nông nghiệp. Thì mừng lắm vì đỡ nhọc biết bao, lại rút ngắn thời gian đáng kể. Mà sao cứ nhớ? Hay bởi bài ca dao thuộc lòng ngày tấm bé, lại chưa quên kéo ta về cùng kỷ niệm: Trâu ơi ta bảo trâu này/Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta/Cấy cày vốn nghiệp nông gia/Ta đây trâu đấy, ai mà quản công/Bao giờ cây lúa còn bông/Thời còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.

Kể rồi trâu bò chỉ dùng vào việc lấy thịt, thì nuôi nhốt vỗ béo. Thức ăn của chúng đâu chỉ là rơm cỏ, chủ yếu lại là cám thực phẩm nên béo tròn, béo ục xa lạ với ruộng đồng, gò bãi.

Ngẫu nhiên hôm nay, quán nhậu giữa lòng thành phố chật người, ồn ào bỗng gặp chiếc cày, chiếc ách treo chặt bên tường, lòng nao nao nhớ về một thuở chưa xa, dài dọc mấy ngàn năm dân tộc mình có lễ hội Tịch Điền.

Nguyễn Đình Phê (Báo Gia Lai Online)

One thought on “Xa rồi… cày trâu (tản bút)

  1. Pingback: Thú chơi chọi trâu của người Xạ Phang Điện Biên - Di Sản Trâu Việt

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *