Người dân xã Tân Lân (huyện Cần Đước, tỉnh Long An) đều xem ông Năm Thuộc là “kiêạn tướng” nuôi trâu. Mỗi năm cứ đến mùa vụ là ông Năm Thuộc cùng đôi trâu dậy từ 2 giờ sáng, đi cày thuê khắp vùng. Từ 1 đôi trâu, ông gầy dựng lên 5 đôi, đi cày thuê khắp nơi. Ông cất được nhà, mua ruộng, nuôi 11 đứa con khôn lớn. Ông Ba Lắm ở vùng Đồng Tháp Mười thuộc xã Tuyên Bình (huyện Vĩnh Hưng – Long An) cũng cả đời gắn bó và khá giả với con trâu. Vào lúc thịnh vượng nhất (thập niên 1980) gia đình ông có gần 20 con trâu.
Từ khi máy kéo thay thế sức trâu trên đồng ruộng (khoảng thập niên 1990), đàn trâu ở miền Tây Nam Bộ giảm dần. Vùng Đồng Tháp Mười (3 tỉnh Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang) từng hoang hoá, đồng cỏ mênh mông, là nơi rất thích hợp cho nghề nuôi trâu. Nhưng gần đây khi cây lúa đã “lấp kín” Đồng Tháp Mười, con trâu không chốn dung thân, nó đang biến mất với tốc độ rất nhanh. Gia đình ông Năm Thuộc đã bỏ nghề nuôi trâu. Ông Ba Lắm bây giờ chỉ còn sở hữu 2 con
“trâu đỏ” giúp ông làm đồng, còn bầy “
trâu đen” đã bán từ lâu.
…đến nhập khẩu trâu
Cách đây 3 năm, số liệu thống kê của ngành NNPTNT cho thấy lượng trâu ở các tỉnh ĐBSCL chỉ còn khoảng vài ngàn con/tỉnh. Ít nhất là tỉnh Vĩnh Long chỉ còn khoảng vài trăm con. Nhiều nhất là Long An với hơn 10.000 con, trong đó phần nhiều là trâu “nhập khẩu” từ Campuchia về để “vỗ béo”. Đàn trâu thì giảm dần theo từng năm, trong khi nhu cầu ăn nhậu thịt trâu của người dân miền Tây không hề giảm. Nhiều vùng ở miền Tây nổi tiếng với món “khô trâu”, nhưng hiện thịt trâu đã hiếm tới mức không còn bày bán ở các chợ như trước. Muốn ăn thịt trâu phải vào quán, với giá cao hơn thịt bò từ 20 – 30%. Thậm chí, nhiều quán còn độn thịt bò vào để làm thành thịt trâu bán cho khách.
Cầu tăng nhưng cung giảm khiến nảy sinh tình trạng “nhập khẩu” trâu từ Campuchia. Trâu “còm” bên kia biên giới được các hộ dân sống bên này biên giới mua về “vỗ béo” bằng các loại “thức ăn nhanh”, rồi đưa đi khắp đồng bằng, lên TPHCM, ra cả miền Trung để mổ thịt. Theo ông Trương Văn Lâm – Trưởng phòng NNPTNT huyện Vĩnh Hưng (tỉnh Long An) – thời gian gần đây có cả trâu “xịn” (trâu béo tốt) có nguồn gốc từ Thái Lan cũng “vượt biên” sang nước ta để cung cấp nguồn thịt cho thị trường Việt.
Ông Hai Ngô – một người từng nuôi trâu bán thịt ở Vĩnh Hưng, giờ chuyển qua nhập trâu về bán – cho biết: Do suốt một thời gian dài không cải tạo giống cũng như kỹ thuật chăn nuôi lạc hậu, trâu ta chất lượng thịt thấp, giá thành cao, không thể cạnh tranh được với trâu ngoại. Một thông tin nóng hổi, có doanh nghiệp đang đặt hàng nhập khẩu 60.000 con trâu/năm từ Australia về cung cấp thịt. Có còn cơ hội tồn tại cho con trâu miền Tây?
Bây giờ, khi người nông dân cứ nghèo trên đồng lúa, nhiều người mới tự hỏi, tại sao ta không dành một diện tích đáng kể để làm đồng cỏ nuôi trâu, vừa dễ tiêu thụ, hiệu quả lại cao hơn; vừa giữ được đàn trâu, không phải nhập trâu từ nước ngoài. Cũng như các loại cây trồng, vật nuôi khác, vấn đề là ở chỗ chính quyền địa phương và ngành chức năng cần quan tâm hỗ trợ vốn, lập dự án cho vay nuôi trâu, quy hoạch đất trồng cỏ, đầu tư con giống…
Từ 1 năm qua, tỉnh Long An đã triển khai dự án hỗ trợ nuôi trâu lấy thịt. 22 nông dân ở huyện Vĩnh Hưng được cấp 22 con trâu giống xác nhận (2 con đực) và được hướng dẫn chăn nuôi đúng kỹ thuật. Một khu vực nhiều hécta cũng đang được quy hoạch làm đồng cỏ cho trâu. Đến nay, đàn trâu đã sinh sản gần gấp đôi. Mẫu đối chứng cho thấy, trâu “dự án” đạt trọng lượng khoảng 600 – 700kg/con, so với trâu “truyền thống” chỉ khoảng 400kg/con. Ông Lê Minh Đức – Giám đốc Sở NNPTNT Long An – cho biết, chủ trương của tỉnh là sẽ chuyển những diện tích trồng lúa không hiệu quả sang các loại cây trồng, vật nuôi khác hiệu quả hơn, trong đó đáng quan tâm là con trâu, con bò.