Tỷ phú nuôi trâu miền sơn cước

Giữa vùng sơn cước Thổ Bình (Lâm Bình), câu chuyện lập nghiệp anh Đặng Văn Lâm, thôn Nà Cọn được truyền tai như một “hiện tượng”. Là bởi anh từ bỏ đủ thứ nghề “cao cấp” để trở về với con trâu – “đầu cơ nghiệp” để rồi thu về tiền tỷ, chuyện chưa bao giờ có ở vùng đất này.

“Ai bảo chăn trâu là khổ…”

Vừa nhanh tay ủ lại bao thức ăn cho đàn trâu, anh Lâm vừa cười hồn nhiên, khoe tài sản gần 20 con trâu đen bóng trong chuồng. Anh bảo, hạt thóc, bắp ngô, củ khoai ở nơi này rất sẵn, đất rộng bát ngát, người dân cần cù chịu khó… mà cuộc sống nghèo vẫn hoàn nghèo. Sinh ra và lớn lên ở vùng đất thừa tiềm năng, nhưng thiếu người đánh thức đó, anh Lâm cũng từng loay hoay với đủ thứ nghề để tìm cơ hội… đổi đời. Năm 2002, anh xuống phố huyện Chiêm Hóa học được nghề sửa chữa đồ điện tử rồi về quê mở quán. Được chừng 10 năm, khách hàng lác đác bữa có bữa không, anh Lâm đóng cửa quán, vay mượn bố mẹ mua một chiếc xe ô tô để chạy dịch vụ. Công việc này cũng không theo anh được lâu dài, vì chỉ sau vài năm, số ô tô chạy dịch vụ trên địa bàn xã tăng nhanh, số ngày xe nghỉ gấp vài lần số ngày xe chạy, anh lại một lần nữa bán xe tìm nghề khác.

Anh Lâm nhớ lại, lúc đang phân vân giữa chuyện bán xe hay để lại thì cậu em trai Đặng Văn Huy mới lấy vợ ở riêng và cũng loay hoay như anh ngày nào. Khi thấy Huy chọn nuôi trâu nhốt chuồng vỗ béo, nhưng chỉ nuôi 1-2 con, với hy vọng bán mỗi con sẽ kiếm được đôi ba chục triệu đồng, anh Lâm khuyên em chăn nuôi thời điểm này phải ít nhất từ chục con trở lên mới có lãi, chứ chăn nuôi manh mún biết bao giờ mới giàu. Khuyên em, rồi quay trở lại nhìn mình, bao nhiêu năm bươn bả với đủ thứ nghề, trong tay cũng chẳng có nổi đôi ba trăm triệu đồng, nói gì đến làm giàu… Xấu hổ với em, lại cũng muốn mình phải làm gương để em nhìn vào học tập, năm 2016, anh Lâm bán chiếc xe ô tô, đổ vốn vào mua con giống và xây dựng chuồng trại  quay về với “đầu cơ nghiệp”. Anh Lâm chia sẻ, mình yêu con trâu từ những ngày thơ bé, khi mỗi chiều đi học về lại được bố mẹ giao đi chăn trâu cùng lũ bạn. Cảm giác thân quen khi được làm bạn với con vật hiền hòa ấy khiến anh có niềm tin mình sẽ “làm nên chuyện” với nó.

Muốn giàu phải có kế hoạch, khoa học

“Ai bảo chăn trâu là khổ…”, anh Lâm ngâm nga thế khi dẫn chúng tôi thăm đàn trâu của gia đình mình. Nhìn cả chục con trâu đen bóng, lừng lững trong chuồng, mới thấy đúng là nuôi trâu không hề khổ, khi “trái ngọt” từ đàn này chỉ đến trong ngày một ngày hai.

Bắt tay vào nuôi trâu nhốt chuồng vỗ béo, anh Đặng Văn Lâm phải học từ cái nhỏ nhất. Anh Lâm minh chứng, như làm chuồng, thay vì buộc trâu quanh nhà như các cụ trước đây, anh láng nền toàn bộ, rồi xây dựng chuồng trại theo đúng yêu cầu “mát về mùa hè, ấm về mùa đông”… Rồi đến chuyện ủ thức ăn cho đàn trâu, anh Lâm cười bảo, cũng có nhiều kinh nghiệm hay lắm. Khi mới nuôi, anh Lâm không có ý định ủ thức ăn để dành cho đàn trâu, nhưng sau thấy thân cây ngô bà con chặt bỏ đi nhiều phí quá, anh nghĩ tại sao cây rau cải người ta biết muối dưa để dành ăn dần mà mình không biết cách “muối” thân cây ngô để dành cho đàn trâu. Nghĩ là làm, anh mày mò làm theo công thức học được trên Internet: 50 kg thân cây ngô + 2,5 kg mật đường + nước + 0,5 kg muối, thành phẩm nhận được thành công ngoài sức mong đợi. Anh Lâm bảo, mình không đào hố ủ thức ăn mà ủ luôn vào bao và chia luôn theo khẩu phần, ăn bữa nào lấy bữa đấy, không để thức ăn bị nhiễm khuẩn, ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của đàn trâu. Có thời điểm, anh ủ được hơn 7 tấn thức ăn, đủ để đàn trâu ăn từ mùa đông năm trước đến tháng 6, tháng 7 năm sau. Chỉ cần bước chân vào đến cổng đã ngửi thấy mùi thức ăn ủ chua từ những bao ủ thức ăn chất khắp sân nhà.

Anh Lâm cũng có thói quen ghi chép sổ sách từng ngày. Mỗi con trâu 1 ngày ăn hết bao nhiêu kg thức ăn, bao nhiêu phần thức ăn là cám, bao nhiêu phần thức ăn là cỏ voi, ngô hạt… đều được anh ghi chép cụ thể, chi tiết trên từng trang giấy. Anh Lâm bảo, nông dân mình lâu nay quen kiểu làm ăn tự phát, nhiều lúc không theo dõi nên “vỡ trận” lúc nào không biết. Giờ mình chi tiết từng ngày, đến lúc bán 1 con trâu mới biết lời lãi như nào để tính tiếp. Anh đầu tư mua hẳn chiếc cân hơn chục triệu đồng. Tháng nào cũng cân để kiểm tra sự phát triển của đàn trâu. Khi thấy trâu tăng cân ít là xuất bán vì có nuôi cũng không hiệu quả nữa. Nhờ chi tiết, khoa học mà anh Lâm biết, mỗi con trâu nhà anh 1 ngày ăn hết 3 kg cám, bã đậu và bỗng rượu, mỗi con 1 tháng tăng 45 – 50 kg, có con tăng đến 70 kg. Anh Lâm chỉ vào cặp trâu mới mua được 2 tháng bảo lúc mua 2 con hết 50 triệu đồng, hôm trước có thương lái vào trả 94 triệu đồng, nhưng anh muốn nuôi vỗ thêm 1 tháng nữa mới bán. Đầu ra cho đàn trâu của anh nói riêng và của bà con Thổ Bình nói chung tương đối rộng mở, khi thương lái từ các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Cạn liên tục tìm đến tận nhà để mua.

Mỗi năm, anh Lâm xuất bán được 4 lứa trâu, mỗi lứa thu về từ 350 – 370 triệu đồng, tính ra cả năm tổng thu nhập từ đàn trâu đạt khoảng 1,4 – 1,5 tỷ đồng. Có tiền, anh bỏ một phần để tiếp tục mua trâu về vỗ béo, một phần anh mua đất  trồng cỏ voi, trồng ngô làm thức ăn. Hiện anh đã có hơn 6.000 m2 đất, số này một nửa anh để trồng cỏ voi, một nửa trồng ngô để có thức ăn xanh liên tục cho đàn trâu. Anh bảo, mong muốn nhất của anh lúc này là có đủ đất để xây dựng một trang trại chăn nuôi đủ lớn để có thể xử lý được lượng chất thải từ chăn nuôi thải ra mỗi ngày. Hiện, toàn bộ chất thải chăn nuôi, anh cho bà con quanh vùng lấy về làm phân bón, đổi lại đến vụ thu hoạch, bà con “miễn phí” cho anh toàn bộ thân ngô để làm thức ăn, nhưng về lâu dài, anh muốn tận dụng nguồn chất thải này để nuôi giun quế, mở rộng sang cả chăn nuôi gia cầm.

Không thể xem làm giàu là mục đích cuối cùng của cuộc đời, nhưng muốn sống đẹp, sống có ích, cống hiến nhiều hơn cho quê hương thì không thể nghèo được. Phương châm sống này của anh Đặng Văn Lâm đang là động lực để những thanh niên vẫn loay hoay với câu chuyện lập thân lập nghiệp miền sơn cước này suy ngẫm và học tập.

Ảnh đầu bài: Anh Đặng Văn Lâm, thôn Nà Cọn, xã Thổ Bình (Lâm Bình) chăm sóc đàn trâu. 

Phóng sự: Trần Liên (báo Tuyên Quang)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *