Tản văn: Tự sự của trâu già

Tự sự của trâu già: Trong sự phát triển của xã hội truyền thống, người ta không thể không tính đến công lao của trâu, bò, ngựa. Loài trâu có vinh dự làm bạn với con người từ thời xa xưa, từ khi họ biết thuần hóa trâu rừng thành trâu nhà (trâu nước). Tôi cũng là thành viên của loài trâu. Nhưng khác với đồng loại, tôi có một lý lịch đặc biệt: đã từng là trâu nhà trước khi trở thành trâu rừng.

Tôi không nhớ rõ cha mẹ của mình là ai. Chỉ biết từ khi còn là một con nghé, tôi đã sống ở nhà cụ Sửu. Đàn trâu nhà ông có bốn con, do chị Gái chăn thả ra đồng ngày hai buổi. Thỉnh thoảng, chị ngâm: “Ai bảo chăn trâu là khổ / Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao”. Ngày chị Gái lấy chồng, cụ Sửu cho một con trâu làm vốn. Chồng chị là một anh bộ đội hiền lành, vui tính. Anh Ngưu là người dưới đồng bằng, đi bộ đội đóng quân ở miền núi. Sau khi hết hạn nghĩa vụ quân sự, anh lấy chị Gái và ở lại miền rừng này. Tôi theo vợ chồng anh Ngưu, chị Gái sang nhà mới, cách nhà của cụ Sửu vài đám ruộng.

Ở xóm Rừng này, ruộng ít nên trâu bò cũng thong dong. Thỉnh thoảng, tôi thấy cụ Sửu dùng trâu để kéo gỗ. Cu Tí thường đọc mấy câu ca dao: “Trâu ơi ta bảo trâu này / Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta”, “Trên đồng cạn, dưới đồng sâu / Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa”, “Lao xao gà gáy rạng ngày, vai vác cái bừa tay dắt con trâu”… Nếu ngày nào trâu cũng đi cày thì chắc ruộng phải nhiều, nông dân giàu lắm. Nhưng kỳ thực, mỗi nhà chỉ có vài đám ruộng. Một năm làm hai vụ lúa, chỉ dùng đến sức trâu có vài ngày. Còn gần ba trăm ngày còn lại, trâu chỉ ra đồng gặm cỏ, nhàn nhã nằm nghỉ dưới bóng râm hoặc ngâm mình trong vũng nước. Bởi vậy, tôi thật áy náy khi thấy con người phải bỏ ra một công lao động để chăn dắt và kiếm thức ăn cho chúng tôi. Trong xã hội ngày nay, máy kéo đã làm thay việc của trâu bò. Nhiều gia đình nuôi bò chỉ để bán làm thịt. Họ không cho bò ra đồng gặm cỏ mà bắt đứng tại chỗ ăn những chất tăng trưởng để mau tới ngày giết thịt. Những con bò đó không có gân săn chắc, thịt nhão nhẹt như thịt heo. Nếu cách chăn nuôi thực dụng này kéo dài thì không rõ loài trâu bò sẽ biến đổi như thế nào.

Anh Sửu làm công nhân trong nông trường nuôi bò sữa ở xã bên cạnh. Anh thường mang sữa về cho hai đứa con. Chúng thường bỏ cơm để uống sữa bò, lâu ngày thành nghiện. Mỗi lần uống sữa xong, chúng chạy nhảy lăng xăng. Cô giáo của Tí kể với chị Gái: “Thằng Tí nhà chị tới lớp không tập trung học bài, cứ chạy nhảy và đánh bạn”. Hai người cũng không biết làm thế nào để Tí bớt quậy phá. Một hôm, có người bạn của anh Sửu tới chơi, nghe chuyện nên khuyên: “Anh chị cho cháu uống sữa bò ít thôi. Nếu uống nhiều quá, cháu sẽ bị tăng động, không tập trung chú ý”. Anh Sửu cãi lại: “Bao nhiêu đứa trẻ vẫn uống sữa bò nhưng có sao đâu. Ngành giáo dục còn có chương trình đưa sữa bò đến học đường”. Người bạn nói: “Sữa bò tốt với người này nhưng có thể không tốt với người kia. Anh hình dung thử xem: người này có thể uống rất nhiều rượu nhưng người kia không uống rượu được. Có thể hai đứa con anh có cơ địa không thích ứng với sữa bò nên chúng bị tăng động”. Chị gái tán thành: “Đúng đấy, tôi nghe nói có rất nhiều bệnh từ sữa bò mà ra. Ngành y tế còn khuyên nên nuôi con bằng sữa mẹ chứ không dùng sữa bò. Thế mà nhiều người ở thành phố vẫn không nghe”. Anh Sửu vẫn gân cổ cãi: “Ở phương Tây, người ta văn minh hơn mình nhưng họ vẫn uống sữa bò từ ngàn năm nay có sao đâu”. Anh bạn kết luận: “Con người xứ văn minh chắc gì đã khỏe mạnh bằng nông dân quê mình. Bao nhiêu bệnh tật cũng từ xứ văn minh mà ra cả”.

Rồi một ngày nọ, anh Ngưu thôi việc ở nông trường. Người ta thường nói, khi không làm được việc gì thì chỉ còn một việc là… chăn bò. Mỗi ngày, anh Ngưu dắt tôi và mẹ con chị bò sữa ra bìa rừng chăn thả. Anh thường mang theo chai rượu uống giải sầu, rồi dần trở nên nghiện. Mỗi buổi chiều, sau khi lùa chúng tôi về chuồng, anh lê la tới các nhà trong xóm để uống rượu. Chị Gái mắng chửi anh té tát, nhiều lần đạp anh té chúi mũi. Anh Ngưu không dám đánh lại vợ vì anh biết mình sai và cũng hiểu rằng đàn ông sống ở quê vợ thì không có quyền đánh vợ. Vào một đêm 30 tết, anh Ngưu sang nhà hàng xóm nhậu say tí bỉ. Về tới ngõ, anh tè vào gốc mít cạnh chuồng trâu rồi hát: “Con biết bây giờ mẹ chờ tin con / Khi thấy mai đào nở vàng bên nương / Năm trước con hẹn đầu xuân sẽ về / Nay én bay đầy trước ngõ / Mà tin con vẫn xa ngàn xa”. Chị Gái ra mở cửa và điều kì diệu là chị không la mắng anh như những ngày thường. Sau này, tôi mới hiểu, theo phong tục ngày tết, người ta không được chửi bới nhau. Sáng mùng một, không khí tết tràn đến xóm núi. Một anh thanh niên ở cuối xóm đi ngang chuồng trâu và hát: “Em ơi mùa xuân đến rồi đó / Xúc động lòng ta trước cuộc đời”.

Chuồng trâu nằm ở chỗ ngã tư đường. Góc đường có một cây mít rất to. Người làng vẫn thường tụ tập về đấy bàn tán đủ chuyện trên trời dưới đất. Nhờ vậy, tôi mới có thêm nhiều kiến thức về trâu bò. Người ta kể rằng, ngày xưa, vào dịp tết, các vua dắt trâu xuống ruộng cày trong lễ tịch điền (tế thần Nông). Vua Chu Trang Vương nuôi rất nhiều trâu và cho trâu ăn mặc như con người, có kẻ hầu hạ. Rồi có truyền thuyết Lão Tử cưỡi trâu. Người ta xem việc cưỡi trâu, chăn trâu như một thú thanh nhàn. Tranh Đông Hồ có vẽ chú bé ngồi lưng trâu thổi sáo, trong khung cảnh yên bình, no ấm. Con trâu trở thành biểu tượng cho một năm trong số 12 con giáp. Mấy cụ già thường tính tuổi cho con cháu bắt đầu từ câu: Tí, Sửu, Dần, Mẹo… Con trâu có mặt trong nhiều lễ hội, đặc biệt là lễ hội chọi trâu ở Bắc Bộ. Nhiều chùa đúc tượng trâu bò, như chùa Kim Ngưu, Phật Tích, Bút Tháp, Cảnh Phúc… Người ta dùng trâu bò để tế thần vì chúng là vật thiêng. Trâu bò là linh vật được thờ cúng khắp nơi ở châu Á, Ai Cập, Hy Lạp… Nhiều tôn giáo lớn xem trâu bò như vật thánh: Ấn Độ giáo, Phật giáo, Hồi giáo… Ở Ấn Độ, người ta tôn sùng thần bò vì đây là vật cưỡi của thần Siva. Ở Việt Nam, người Chăm xem con trâu là vật thiêng để dâng cúng thần linh và tổ tiên. Nhiều dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên xem con trâu là vật tổ tô tem. Bởi vậy, nhiều người cà hàm răng trên để giống với vật tổ của mình. Người Việt có truyện cổ tích Trí khôn của ta đây để lý giải vì sao trâu không có hàm trên. Con trâu trở thành đề tài cho vô số tác phẩm thơ ca nhạc họa. Trong ca dao tục ngữ, có khi hình tượng con trâu được dùng để chỉ những điều xấu: Trâu buộc thì ghét trâu ănHoa nhài cắm bãi phân trâu, Đàn đâu mà gảy tai trâuCưa sừng làm nghéTrâu bò húc nhau, ruồi muỗi chếtTan đàn xẻ nghéLỳ như trâuĐầu trâu mặt ngựa… Có khi, con trâu được dùng chỉ cho những điều tốt đẹp: Ruộng sâu trâu náiMười bảy bẻ gãy sừng trâuTrâu ta ăn cỏ đồng ta, Trâu đi tìm cọc chứ cọc không đi tìm trâuTrâu chết để da, người chết để tiếng Thời xưa, con trâu được xem như tài sản có giá trị nhất trong gia đình: Con trâu là đầu cơ nghiệpTậu trâu, lấy vợ, làm nhà / Trong ba việc ấy ắt là khó thay. Người ta dùng trâu bò làm đơn vị mua bán, thay cho đồng tiền. Họ dùng trâu để trao đổi lưỡi cày, dao, cuốc… Họ mang trâu đi viếng đám ma, hoặc làm sính lễ cưới hỏi. Nhà nào có nhiều trâu được xem là giàu có. Người ta thường làm chuồng trâu bò ở mặt trước nhà, với ý khoe tài sản. Nhà của anh Ngưu cũng vậy, từ cổng nhìn vào, phía bên phải là nhà, phía bên trái là chuồng trâu. Mặc dù mùi phân trâu có hôi thối nhưng mọi người đều quen, đi xa ai cũng nhớ.

Có một dạo nọ, anh Ngưu về thăm mẹ ở dưới xuôi. Tôi bị nhốt trong chuồng lâu ngày, chỉ được ăn mỗi một món rơm khô. Tôi thèm cỏ non, thèm được tung tăng chạy nhảy ngoài đồng đầy nắng gió. Tôi cuồng chân không chịu nổi nên dùng sừng húc vào cổng chuồng nhưng không ăn thua. Trong lúc buồn muốn chết thì anh Ngưu về. Tôi được chạy ra cánh đồng, nhảy mãi như phát điên vì sung sướng. Trong khi đó, anh Ngưu lại đến bên gốc đa, bày ra mấy chai rượu có nhãn mác và mấy món đồ khô miền biển. Các đệ tử Lưu Linh kéo đến nhậu lúy túy, quên hết mọi thứ trên đời. Tôi thấy chủ không ngó ngàng đến mình nên mặc sức rong chơi. Tôi đi mãi để bù lại những ngày dài bị nhốt trong chuồng. Đến xế chiều, tôi đến một khu rừng lạ và chợt nhận ra đây là khu bảo tồn thiên nhiên. Ở đây, cây cối không bị chặt phá, động vật không bị bắn giết. Tôi thấy hai người gác rừng đưa ống nhòm nhìn tôi. Nhưng tôi không quan tâm và cứ đi mãi vào rừng sâu. Đó là đêm đầu tiên tôi không ngủ trong chuồng và chỉ nghĩ mình ngủ tạm trong rừng mà thôi.

Trâu già
Trâu già

Sáng hôm sau, tôi sống ngày đầu tiên với tư cách là động vật hoang dã. Tôi đi lang thang mãi trong rừng già và bắt gặp một đàn trâu rừng. Đàn trâu dừng ăn, ngước nhìn tôi với ý đề phòng. Con trâu đầu đàn tiến đến xua đuổi. Tôi lùi lại và giữ khoảng cách với đàn trâu rừng. Cứ như thế, hết ngày này sang ngày khác, tôi bám đằng sau chúng nhưng không dám hòa vào đàn. Một lần nọ, có đàn chó rừng tấn công đàn trâu rừng. Những con chó rất nhiều mưu kế, dĩ nhiên, động vật ăn thịt bao giờ cũng tinh khôn hơn động vật ăn cỏ. Đàn chó giả vờ đuổi theo một con trâu nhưng thực ra là làm động tác giả để đàn trâu bỏ chạy. Ngu ngốc thay, con trâu đầu đàn mất tinh thần nên bỏ chạy, kéo theo cả đàn cùng chạy như thác lũ. Đàn chó rượt theo và nhanh chóng phát hiện ra con già yếu, chạy chậm nhất đàn. Chúng dùng sức mạnh của số đông, tấn công cắn vào những chỗ thịt mềm nhất của con trâu như mông, cổ, bụng… Con trâu già rống lên thảm thiết. Tôi chạy đến dùng cặp sừng nhọn hoắt xua đuổi đàn chó dữ. Cuối cùng, đàn chó đành chấp nhận từ bỏ miếng mồi ngon và lủi thủi kéo đi. Một lúc sau, cả đàn trâu quay lại, quây quanh hai chúng tôi. Từ đấy, chúng xem tôi như một người bạn và cho tôi được nhập vào đàn.

Tôi thường đi bên cạnh con trâu già để giúp đỡ nó. Nhưng nó đi rất chậm chạp và mặc cảm tách ra khỏi đàn để khỏi gây phiền phức cho những con trâu khác. Có lần, tôi mải theo đuổi một nàng trâu cái, quên bẵng mất cụ trâu già. Đến khi nghe tiếng chó sủa bên bờ suối, tôi mới chạy tới thì thấy trâu già đã khụy xuống trước sự tấn công của đàn chó dữ. Tôi chạy tới xua đuổi đàn chó nhưng con này tạm lùi lại thì con kia xông tới. Chúng tinh ranh và nhanh nhạy, còn tôi chậm chạp. Đàn trâu rừng cũng kéo đến nhưng chỉ gương mắt ra nhìn. Tôi thắc mắc không hiểu tại sao các con cháu của trâu già không cứu người thân của mình. Có lẽ chúng nghĩ trâu già chết theo quy luật, không nên can thiệp làm gì. Nếu cụ còn sống thì chỉ làm khổ con cháu. Nếu trâu nhà chết vì con người thì trâu rừng chết vì chó sói. Cái vồ của con người hay hàm răng của chó sói chỉ là công cụ để hóa kiếp trâu bò mà thôi. Nghĩ như vậy nên tôi không còn trách đàn trâu rừng nữa.

Tôi vẫn mải tán tỉnh nàng trâu cái và gặp cái nhìn căm ghét ngấm ngầm của các chàng trâu đực. Mỗi lần thấy tôi xán đến gần nàng, lão trâu đầu đàn giương con mắt đỏ ngầu nhìn tôi với ý răn đe. Một dịp may đến với tôi. Đàn chó lại tấn công khiến cho đàn trâu chạy thục mạng. Lần này, không có con trâu già nào bị tụt lại sau nên cuộc truy đuổi kéo dài. Tôi và nàng chạy bên cạnh nhau. Nàng đã kiệt sức, sợ hãi rống lên: “Cứu em với”. Tôi dừng lại, cùng nàng chống chọi với bầy chó. Cuối cùng đàn chó cũng bỏ cuộc. Chỉ còn lại một con vẫn bám theo. Đó là con chó cái vừa sinh nở. Nó nhìn tôi, mong muốn cho tôi chết đi để nó có thức ăn, sinh ra sữa cho con bú. Tôi thì cần sống và cần làm tình với nàng trâu cái. Tôi hôn lên mũi nàng và thầm hỏi: “Mình yêu nhau nhé ?”. Nàng tỏ ý đồng tình. Chỉ chờ đợi như vậy, tôi chồm lên phía sau người nàng. Con chó cái thấy chúng tôi sơ hở nên chạy đến. Nhưng nàng bảo: “Cứ tự nhiên đi anh, một con chó hoang đơn độc gầy gò thì chẳng thể phá nổi cuộc vui của chúng mình”.

Hơn mười tháng sau, nàng sinh ra một nghé con. Nó nhảy nhót lon ton dưới bụng mẹ, trông thật là vui. Gia đình tôi luôn bám theo đàn để đề phòng nguy hiểm. Khi có thú dữ, những con nghé sẽ chạy vào giữa đàn, những con trâu khỏe mạnh sẽ quây vòng chĩa sừng về phía địch. Từ tháng thứ hai, nghé đã bắt đầu ăn cỏ. Và đến khi đủ một năm tuổi, con tôi sống tự lập. Khi nó bắt đầu động dục, những chàng trâu đực bám theo. Một ngày nọ, nó sinh con, tôi cũng chẳng hiểu bạn tình của nó là ai. Khi lớn lên, nghé chỉ cần biết mẹ là đủ, không cần biết ai là bà nội, ông ngoại. Nhưng nghé vẫn mường tượng rằng giữa tôi và mẹ nó có mối quan hệ họ hàng nào đó. Khi số lượng đàn trâu không đông, mối quan hệ họ hàng hay quan hệ bầy đàn cũng chỉ là một. Sau này, nếu tôi bị chó rừng tấn công, có lẽ nó nhìn tôi như nhìn một cụ trâu đáng thương trong bầy chứ không phải là ông ngoại nó.

Bây giờ, tôi cảm nhận cái già đã đến. Tôi không rõ mình bao nhiêu tuổi nhưng đoán khoảng từ 10 đến 15 năm tuổi. Hồi còn ở dưới đồng bằng, tôi tính tuổi bằng mỗi lần cúng tết trâu. Cụ Sửu đặt một mâm kẹo bánh trước cửa chuồng, chắp tay lâm râm khấn điều gì đó. Phải đợi cho nhanh tàn thì lễ cúng trâu mới xong. Từ khi về với tự nhiên, tôi không quan tâm đến tuổi tác nữa. Nhưng khi sức khỏe yếu đi, tôi có cảm thấy lo sợ trước các loài thú ăn thịt. Cũng may là ở đây không có cọp beo. Có lẽ chúng đã bị giết sạch trong thời chiến tranh hoặc bỏ đi vì diện tích rừng thu hẹp. Khu rừng này chỉ còn chó hoang. Chúng chỉ có thể tấn công những con nghé hoặc trâu già. Tôi mơ ước các loại động vật ăn thịt biến mất khỏi mặt đất. Có người sẽ nói, nếu thiếu đi một loài vật thì sẽ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Nhưng tôi nghe nói từ khi cá sấu biến mất thì toàn bộ cá tôm vùng sông Cửu Long thuộc về con người. Nếu cọp, beo, sư tử biến mất thì toàn bộ các động vật ăn cỏ cũng sẽ thuộc về con người. Nếu vậy, chúng tôi chỉ mong rằng, con người hãy để cho chúng tôi sống trọn vòng đời, đến khi ngã xuống thì mới ăn thịt. Nếu con người làm được điều này thì tôi mong muốn những năm tháng cuối đời sẽ sống chung với con người. Vì sống với họ, chúng tôi được che chở an toàn, không lo sợ thú dữ. Chúng tôi được ngủ yên giấc trong chuồng, được cho ăn uống tại chỗ, khi bệnh, có bác sĩ thú y đến chữa trị. Trong rừng, chỉ có tôi mới hiểu được những cái thú này. Bầy trâu rừng không biết. Chúng được sống tự do nhưng cả đời luôn đối phó với nguy hiểm.

Những ngày này, không khí trở nên ấm áp, hoa lá đâm chồi, có vẻ như sang xuân. Ở dưới làng, có lẽ con người đang sửa soạn đón tết. Không rõ cụ Sửu còn sống hay đã thăng tiên? Không rõ anh Ngưu có còn nghiện rượu và chị Gái có còn chửi mắng anh mỗi ngày ? Có lẽ cu Tí đã thành thanh niên và cô em gái đã thành thiếu nữ xinh đẹp. Không rõ cái chuồng trâu trước cửa có còn không ? Con người thích nuôi trâu bò vì chúng thể hiện ước mơ của họ: khỏe mạnh, cần cù, hiền lành, thanh nhàn… Bởi vậy, nhân dịp năm mới, tôi thầm cầu chúc gia đình anh Ngưu, chị Gái và những người dân xóm Rừng dồi dào sức khỏe, lao động đạt hiệu quả cao, sống bình yên và luôn yêu thương giúp đỡ lẫn nhau.

Phạm Ngọc Hiền  (http://phamngochien.com)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *