Truyện trâu và người: Sử liệu nhắc về trâu cũng không quá thưa thớt, ít nhất thì ngang hàng với những gia súc như dê, bò, ngựa, lợn quanh quẩn gần nhà.
1. Sử thần vâng mệnh chép chuyện đại sự, nhưng khi phải dụng phép so sánh, điểm tô cho anh hùng cái thế có chiến tích phi phàm thì trâu đột nhiên có mặt.
Đại Việt sử ký toàn thư mô tả Phùng Hưng, thủ lĩnh cuộc nổi dậy chống lại ách đô hộ nhà Đường thời Bắc thuộc, “vốn con nhà hào phú, có sức khỏe, có thể vật trâu đánh hổ”, rồi đến Đinh Bộ Lĩnh, vị vua khởi dựng triều Đinh, “vào tuổi nhi đồng, vua thường cùng bọn trẻ con chăn trâu ngoài đồng.
Bọn trẻ tự biết kiến thức không bằng vua, cùng nhau suy tôn làm trưởng”. Xuất thân là trẻ chăn trâu mà làm nên nghiệp lớn, theo đà anh hùng hóa, sẽ thành niềm cảm hứng xuyên suốt của sử sách, gắn với người có chí tiến thủ, khát khao đổi vận.
Đại thần Nguyễn Trung Ngạn (1289 – 1370) dưới triều Trần từng rất tự tin khẳng định mình nuôi chí “nuốt trôi trâu” (“thốn ngưu chí”) từ niên thiếu, hàm ý rằng phàm đã là nam nhi trượng phu thì phải “nghĩ lớn” để tu tề trị bình theo đúng lộ trình mà Nho gia vạch sẵn.
Không được liệt vào hàng tứ linh nhưng trâu cực kỳ thiết thực việc đồng áng và hẳn cũng là món ngon ít khi bày nhắm nên sử gia vẫn để tâm đến những sự kiện lớn như chiến tranh, bang giao mà trâu (cùng ngựa, bò, voi) thường được xem là chiến lợi phẩm hoặc tặng phẩm giá trị.
Đặc biệt hơn, bắt đầu từ thời Lý, ngoài chuyện thi thoảng “biểu diễn” nghi thức tịch điền thì các ông vua ngày một chú ý đến việc răn phạt hành vi trộm trâu, giết trâu bừa bãi.
Chẳng hạn, Lý Thái Tông (1000-1054), vào năm 1042, mới đầu xuân tháng ba bận rộn “ra cửa biển Kha Lãm cày ruộng tịch điền rồi về kinh sư” thì đến mùa thu, tháng bảy, đã “xuống chiếu kẻ nào ăn trộm trâu của công thì xử 100 trượng, 1 con phạt thành 2 con”.
Mấy chục năm sau, mùa xuân 1117, Lý Nhân Tông lại xuống chiếu “kẻ nào mổ trộm trâu thì phạt 80 trượng”, đày làm phục dịch trong quân, còn “láng giềng biết mà không tố cáo, phạt 80 trượng”.
Chưa dừng ở đó, đến năm 1123, khi đã có gần năm mươi năm điều hành đất nước đạt ngưỡng “dân được giàu đông, mình được thái bình”, vị vua này lại tiếp tục ban lệnh: “Trâu là vật quan trọng cho việc cày cấy, làm lợi cho người không ít. Từ nay về sau ba nhà làm một bảo, không được giết trâu ăn thịt, ai làm trái thì trị tội theo hình luật”.
Truyện trâu và người: Như thế, giết trâu ăn thịt hay để cúng tế đã không còn tự tiện, tự do, mà phải xin phép, dẫu có vẻ ngược đời với hôm nay nhìn đâu cũng thấy quán thịt trâu chật ních nhậu nhẹt, nhưng lại quá chí lý ở thời điểm cả quốc gia và quốc dân lấy cấy cày làm cỗi gốc và đã quá thấm thía với phương châm “con trâu là đầu cơ nghiệp”.
Không phải ngẫu nhiên mà chính sử thường tỏ lòng xót xa trước các tai ương dịch bệnh đã khiến trâu ngựa, gia súc chết hàng loạt.
Cầm lòng dặn dò “ta đây trâu đấy” của nông dân chân lấm tay bùn, có lẽ, xuất phát từ nỗi niềm cộng cảm rằng họ và con trâu, dẫu đặt trong bối cảnh nào, vẫn muôn đời nhỏ bé chịu đựng biến thiên dâu bể chỉ để mong bưng được bát cơm đầy mà không phải mặn chát mồ hôi nước mắt.
Đi sau sử sự, văn chương trung đại Việt Nam có phần bay bổng hơn khi tạo dựng hình ảnh “mục đồng” để biểu đạt vẻ bình yên, hài hòa nơi thôn dã, làng mạc.
Từ vị vua trí lực phi phàm Trần Nhân Tông, tác giả của thiên tuyệt bút Thiên Trường vãn vọng, đến người phụ nữ đất Thăng Long kinh lịch Bà Huyện Thanh Quan, tác giả của Chiều hôm nhớ nhà, hình ảnh trẻ chăn trâu thổi sáo cùng đàn trâu lững thững về nhà khi mặt trời xế bóng đã trở thành thủ pháp quen thuộc mà sáng giá.
Truyện trâu và người: Ở đó, mục đồng không chỉ bình dị, thân thuộc mà còn như một ký ức văn hóa làng nói lên nếp sinh hoạt siêng năng, chăm chỉ, lương thiện. Bởi thế, nếu nhìn sang dòng tranh dân gian Đông Hồ, ta sẽ thấy rõ tinh thần lãng mạn và những hàm nghĩa giáo dục sâu sắc mà người bình dân gửi gắm trong các tranh em bé cưỡi trâu thổi sáo, thả diều hay đọc sách.
Vượt qua phạm vi khắc họa công việc nhà nông, chúng là thế giới của niềm vui, ước mơ và sự lạc quan. Chăn trâu không còn là công việc nhọc nhằn, đơn điệu, mà đã có tiếng sáo, cánh diều và chữ nghĩa bù đắp cho thế giới tinh thần phong phú.
Nền khoa bảng và rộng ra, cả truyền thống giáo dục của bao làng quê chẳng phải khởi đi từ cậu bé khôi ngô ngày chăn trâu đêm chong đèn sách vở hay sao?! Cho đến đầu thế kỷ XX, cái nhìn về nông thôn, cơ bản, vẫn mang ý vị phong cảnh hữu tình và nhân văn.
Cảnh trí hài hòa, “trên đồng cạn dưới đồng sâu / chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa”, theo góc nhìn của các học giả địa lý nhân văn hoặc lữ khách phương Tây, chính là một đặc điểm nổi bật của xứ An Nam nhiệt đới.
Bác sĩ Charles Hocquard (1853-1911) ngay khi vừa đặt chân đến Bắc Kỳ (1884) đã ngạc nhiên lẫn thích thú trước việc người An Nam đối xử rất ân cần với những con trâu, “họ trò chuyện với chúng như những người bạn, dành cho chúng những lời lẽ nhẹ nhàng và cả những lời động viên”.
Quan sát kỹ lưỡng của ông Tây ưa khám phá chỉ còn thiếu mỗi băn khoăn của con hổ vì sao trâu to xác lại dễ nghe lời trong truyện cổ tích xưa mà thôi!
2. Cố nhiên, theo đà tiến của văn minh và đô thị hóa thì con trâu có thể bị xem là biểu hiện của đời sống lạc hậu, chậm chạp. Khác Charles Hocquard, Paul Doumer dùng chính con trâu để khởi xướng dự án đường sắt xuyên Đông Dương khi vừa nhậm chức toàn quyền.
Chắc chắn dù có phần do dự và bàn tính lâu, nhưng Thượng Hội đồng Đông Dương vẫn mạnh dạn thông qua dự án kéo dài hơn hai thập kỷ này và trong lúc cần thiết huy động tổng lực, chính phủ thuộc địa đã phát hành những trái phiếu xây đường sắt mà trên đó, bên cạnh nét vẽ con trâu đi trước cái cày đi sau, người dân bộ hành gồng gánh thì đã thấy hình ảnh hỏa xa phụt cột khói lừng lững như một đối lập kỳ vĩ.
Năm 1902, Paul Doumer, bấy giờ vừa được gọi là Đô-mỹ (đẹp toàn vẹn), để tránh cách đọc tiếng Nam “ngài Đume” hơi khiếm nhã, sắp hết nhiệm kỳ sáu năm, cũng đã kịp ngồi trên toa sa-lông của đoàn tàu ngắn đi thị sát tuyến đường sắt Hà Nội – Lạng Thương.
Kể từ đó, Hà Nội và nhiều đô thị khác có thêm xe lửa nên dân An Nam, thay vì chỉ ngồi xe ngựa là đỉnh cao sang chảnh, bắt đầu tận hưởng hỏa xa mau chóng và vạn lý hơn nhiều. Trâu (và cả xe trâu) dừng lại cho hỏa xa tiến bước, hay nói rộng hơn, khởi đầu hiện đại hóa ở Việt Nam, đôi khi, chỉ là chuyện thay thế phương tiện cũ mới.
Nhưng thế sự xoay chuyển nhanh cũng khiến người dân khó chắc mẩm điều gì. Vào thời áp bức, một cổ hai tròng thì, như Trần Tiêu kể trong tiểu thuyết Con trâu (1938), người nông dân đến khi nhắm mắt xuôi tay vẫn không mua nổi con trâu nái làm gia sản.
Còn vào thời cách mạng, như Nguyễn Văn Bổng tái hiện trong tiểu thuyết cũng mang tên Con trâu (1952), người nông dân lại đầy dũng khí để bảo vệ, che giấu, nuôi dưỡng đàn trâu trước sự đàn áp, bắn giết của giặc Pháp.
Đều là văn chương kể chuyện trâu và người, nhưng nghệ thuật vốn còn do thời đại tác động, nên việc sáng tạo theo ý mình không phải cứ muốn là thành. Con trâu trong thời quá độ xây dựng chủ nghĩa xã hội thì đương nhiên phải biết hòa mình vào sức mạnh quần chúng, thể hiện sự khăng khít với tính tuyên truyền của đề tài.
Ngay cả hai họa sĩ lớn là Tô Ngọc Vân (1906-1954) và Nguyễn Tư Nghiêm (1922-2016) vẫn khó lòng thoát khỏi từ trường của nền văn nghệ tuyên truyền: Tô Ngọc Vân ký họa màu nước Con trâu quả thực (1954), Nguyễn Tư Nghiêm thì vẽ Con nghé quả thực (1957).
“Quả thực” ở đây là phần “lợi tức” được chia cho nông dân sau khi tịch thu của địa chủ trong cải cách ruộng đất. Trâu hay nghé, sẽ về với chủ mới, nên Nguyễn Tư Nghiêm mới khẽ khàng họa thêm một cô bé buồn bã nép mình sau cây chuối nhìn chú nghé con ngơ ngác giữa những khuôn mặt hân hoan sắp được sở hữu.
Nỗi buồn ít ai nhìn thấy đấy, chắc chắn, là phát hiện lớn nhất của bậc họa sư khiến chuyện con trâu, con nghé thời tranh tối tranh sáng cứ ám ảnh mãi theo thời gian.
Ở không gian ít xáo trộn hơn, nhà văn Sơn Nam (1926-2008) có thiên truyện đặc sắc Mùa len trâu (1957), mà sau này đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh dùng để chuyển thể thành phim cùng tên.
Mùa len trâu (2004), một trong số ít phim điện ảnh xuất sắc trong hai thập niên qua, tái hiện tài tình đời sống của lưu dân miền sông nước, nơi cỏ, người và trâu cùng sinh sôi và tan rữa, cùng hiện hữu và biến mất.
Tự thẳm sâu trong đôi mắt đàn ông len trâu nhìn về Ba Thê, Bảy Núi lưu dấu nền văn minh Phù Nam với đền miếu, chùa chiền đổ nát là bản tính nông dân ưa mạo hiểm, phiêu lưu và đặt cược đời mình vào những điều không xác tín.
Chảy đi sông ơi (1985) của Nguyễn Huy Thiệp cũng tỏ ra thông hiểu bản tính này khi dựng lên truyền thuyết về “con trâu đen” hư hư thực thực, “ai may mắn hớp được bọt ấy sẽ có sức lực phi thường, bơi lặn dưới nước giỏi như tôm cá”.
Chuyện trâu đen vô sở cứ nhưng đủ sức mê hoặc trai làng đuổi theo giấc mộng tìm biết, để rồi khi đã kinh qua bao vinh nhục trần đời, con trâu đen hằn in thời thơ ấu cứ hiện lên một cách tê tái: “Rồi sông đãi hết / Anh hùng còn chi?”.
Viết khi đất nước bắt đầu đổi mới, Chảy đi sông ơi là một cách tái dựng các huyền thoại cổ xưa về trâu đen trâu trắng, điều có thể không đúng với nhận thức khoa học nhưng lại vô cùng cần thiết với tư duy duy linh, nơi cái thiêng và cái hoang đường được phép xuất hiện để bảo trợ cho sinh kế đang ngày càng biến động.
Đi tìm trâu đen huyễn hoặc, biết đâu, sẽ tìm thấy bản lai diện mục của con người mình.
3. Thế nên sẽ là khiếm khuyết nếu không nhắc chuyện nhà Phật dạy chăn trâu. Thiền Tông đã tóm lược quá trình tu tập bằng những tranh chăn trâu, trong đó phổ biến và nổi tiếng nhất là Thập mục ngưu đồ (Mười bức tranh chăn trâu), một tài liệu gốc gác Trung Hoa du nhập Việt Nam và từng được thiền sư Quảng Trí thời vua Lê Dụ Tông (1719) luận giải, vẽ một mục đồng tìm bắt trâu, chăn dạy trâu ngày càng thuần thục.
Từ chỗ xa lạ, trâu quen theo người, rồi trâu và người đều thanh tịnh, tiến đến trâu người hòa hợp trong đại viên cảnh trí, giác ngộ chân tâm sáng suốt. Chăn trâu, như thế, cũng là phép ẩn dụ của luyện tâm, chế ngự ham muốn và dục vọng, để được an lạc, giải thoát.
Thiền sư Tuệ Sỹ cắt nghĩa chuyện Phật dạy chăn trâu vì trâu “không hung hăng tàn bạo, bản tánh vốn thuần hậu dễ sai khiến, siêng năng và nhiều nhẫn nại nhưng lại hay làm bậy do sự si ngốc. Đó là đặc tính của trâu mà cũng là đặc tính của chúng sinh”.
Phật chính là người chăn, người đánh xe khéo léo để chúng sinh thoát khỏi si ngốc, tăm tối. Phật pháp uyên thâm nhưng cứ lần theo pháp môn “Chăn trâu” thì bất kỳ ai cũng có thể thực hành tu tập, tỉnh ngộ u mê.
Truyện trâu và người:Trong mênh mông nước, cỏ, người và trâu cùng sinh sôi và tan rữa, cùng hiện hữu và biến mất, nhưng cũng nhờ sự huyễn hoặc mơ hồ của cuộc sinh tồn bao đời ấy mà người nông dân không ngừng bước tới những cánh đồng cỏ, đồng lúa
Hóa ra trâu và người có lúc là một, phân biệt rạch ròi thì chỉ càng nhọc công hóa giải. Thế sự nhìn chung đều vậy, thấy cái si ngốc của người chưa chắc đã tỏ được cái thông thái của mình. Cảnh tỉnh và tự răn mình vẫn hữu ích hơn nhiều so với chuyện “ném đá”, bình phẩm thiên hạ vô thủy vô chung…
Không phải ngẫu nhiên mà chính sử thường tỏ lòng xót xa trước các tai ương dịch bệnh vì cùng với sinh mạng, cuộc sống dân đen khốn khó, luôn có tình trạng trâu ngựa, gia súc chết hàng loạt.
Cầm lòng dặn dò “ta đây trâu đấy” của nông dân chân lấm tay bùn, có lẽ, xuất phát từ nỗi niềm cộng cảm số phận rằng họ và con trâu, dẫu đặt trong bối cảnh nào, vẫn muôn đời nhỏ bé và gắng sức chịu đựng biến thiên dâu bể chỉ để mong bưng được bát cơm đầy mà không phải mặn chát mồ hôi nước mắt.