Truyện ngắn: Tiếng sáo nơi lưng trâu: Tâm thầm cám ơn cơn bão vừa rồi vì nó giúp anh gặp lại người bạn gái cũ năm xưa. Anh và Phượng quen nhau ở Hà Nội, rồi mỗi người mỗi ngả tính tới Tết nay vừa đủ chục mùa xuân. Phút gặp lại bất ngờ chẳng kém gì lần gặp đầu tiên, thời gian trôi đi, tóc cũng bạc như màu phù sa mà câu chuyện vẫn chẳng tiến triển gì ngoài vài lời thăm hỏi bâng quơ cho có lệ.
Nước lũ năm nay dâng cao hơn mọi năm, đập thủy điện xả nước đúng quy trình nhưng cái thung lũng quê anh đã hết khả năng hứng chịu, nước trời, nước rừng, lại thêm nước hồ thủy điện mấy phía kéo về nhanh quá, anh đang đi tìm con trâu, quay xuống nước đã mênh mang mà thuyền mảng chẳng có. Nói theo ngôn ngữ hiện đại bây giờ gọi là bị cô lập, điện thoại đem theo thì sóng yếu sắp hết pin, quần áo chỉ mỗi một bộ ướt nhèm, đứng trên đỉnh đồi xác xơ trong cơn bão, túp lều sắp đổ sụp, đêm buông xuống đến nơi mà nước lũ vẫn còn dâng đến mé lều.
Truyện ngắn: Tiếng sáo nơi lưng trâu:Con trâu ngày thường lỳ lợm nói không nghe, giờ thấy cảnh tượng đất trời một màn trắng xóa, nó cứ lẽo đẽo theo anh ngoan ngoãn lạ lùng. Nó đâu biết hôm nay anh đi lên đồi lôi cổ nó về để mai bán cho tay lái trâu đưa vào thành phố làm món lẩu trâu. Dạo này đồng áng dùng cày máy, cỏ cũng hiếm, đem vào thả trong đồi sâu, lại sợ bị trộm dắt đi mất. Tâm theo vết chân con trâu mà đi tìm. Nó nhận ngay ra chủ mừng lắm, vẫy đuôi, chạy giữa bụi mâm xôi đến với chủ. Anh nói: “Sướng nhé! Mai được vào thành phố rồi nhé. Có chết cũng đáng!”. Con trâu gật gù, nhưng nom cái vẻ buồn bã của anh, chắc nó muốn làm anh vui nên ọ ọ thêm mấy tiếng. Không ngờ lát sau thì trời chuyển bão, gió nổi, mưa tuôn. Đập thủy điện xả nước chặn mất lối về. Tâm gắng che chắn túp lều trông nương sắn sau hòn đá lớn, tranh thủ nướng mấy củ sắn mà ăn. Lửa tắt lên tắt xuống, củ sắn chỗ chín chỗ tươi. Nửa đêm gió bão gầm rú, buộc con trâu vào cái cọc, không yên tâm, vừa nằm co ro vừa giữ lấy sợi dây thừng, sợ lũ cuốn trâu đi mất. Lâu lâu giật giật sợi dây, thấy đằng kia nằng nặng, cũng giật giật mấy cái, yên tâm. Tự dưng thấy đùi mình rung rung, như con chồn bò vào nhột nhột. Hóa ra tin nhắn không rõ số của ai: “Tình hình bão lũ thế nào anh ơi”. Chẳng biết ai nhắn nhỉ? Người này rõ rách việc, bão lũ thì mất hết chứ còn thế nào nữa. Mà cái người nhắn hẳn sướng lắm, nó sống ở nơi nào đó khô ráo yên lành sung sướng rỗi rãi mà nửa đêm đi nhắn tin vào máy điện thoại cùi bắp thế này, may mà điện thoại không chập điện nổ tung ra. Thôi lịch sự nhắn tin trả lời: “Cám ơn bác quan tâm, bão lũ năm nay không bằng năm ngoái”. Vụt tắt, chẳng biết tin đi kịp không vì tay run, điện thoại rơi xuống đá tắt ngấm.
Ai nhắn nhỉ. Nước mưa chạy ào ào qua cái chõng làm bằng cây rừng. Rét run, muốn lôi con trâu vào nằm ôm cho ấm, sợ nó chết rét. Anh về quê đã ngót nghét chục năm, thử nghiệm cuộc đời vườn ao chuồng, rồi chẳng buồn trở lại thành phố nữa. Cái điện thoại liên lạc với đám buôn trâu, mà chúng nó thì chẳng bao giờ quan tâm đến cái gì ngoài những con trâu béo tốt cả. Kết luận sơ bộ là “Đứa nào nhắn nhầm làm ông hỏng mất cái điện thoại”.
Thật ra, Phượng không muốn đi cứu trợ chuyến này. Cô nhiều việc lắm, chắc đến lúc về hưu cũng chẳng hết việc ấy chứ, chưa kể còn làm giùm mấy bạn bầu bì con nhỏ. Thường Phượng quyên đồ cứu trợ rồi nhờ bạn bè, nhất là mấy ông tướng thích đi đó đây, đưa hàng cứu trợ về vùng khó khăn. Không dè chuyến này, xe bị ách lại vì chở quá tải. Mọi người điện về hỏi “Chị Phượng ơi! xe quá tải giờ giải quyết làm sao”. Sẵn thể ô-tô, lại chợt nhớ về anh bạn cũ đang trong vùng lũ chẳng biết sống chết thế nào mà đêm qua nhắn tin không thấy hồi âm, Phượng đánh xe tới trạm cân, chuyển bớt đồ cứu trợ sang xe mình, cùng đi vào vùng bão lũ.
Phượng đi lấy chồng, Tâm giận nên bỏ về quê. Đời có duyên mà không có nợ, yêu mà không lấy nhau, chuyện thường, có gì phải như thế. Tâm chẳng thèm liên lạc gì, Phượng sống chết ra sao cũng mặc kệ. Chán lắm. Đời người ta lúc khó khăn mới rõ mặt anh hùng. Đúng là tiểu nhân. Phượng thì khác. Dù cuộc đời gặp nhiều thuận lợi trong công việc, kinh tế khá giả, nhiều người trọng vọng, chồng thành đạt có chức vị trong xã hội, nhưng Phượng vẫn để ý hỏi thăm xem ông bạn cũ thời trẻ giờ ra sao, làm gì, ấy là thông tin do bọn lái trâu nói lại hết cả. Mà báu gì một lão nuôi trâu đâu chứ.
***
Đoàn cứu trợ về đến xã, người dân đã tập hợp đông đủ ở sân ủy ban để vừa làm vệ sinh xúc bùn đất và phơi phóng giấy tờ, vừa đón đoàn cứu trợ. Người mẹ già lưng còng rưng rưng nước mắt, bảo: “Ơn cô lớn lắm! Đang lúc mưa bão hẵng còn giăng ngang trời mà các cô không quản ngại đường xa xôi tới cứu chúng tôi. Chúng tôi cảm kích không biết lấy gì mà tạ ơn”. Phượng tặng cụ một lố sữa Ông Thọ, cụ cầm lấy, run run bảo: “Cám ơn cô rất nhiều, nhưng tôi không quen dùng món này, mỗi lần uống sữa là bị đau bụng”. Người trong đoàn hỏi cụ thích ăn món gì, cụ bảo: “Chúng cháu thích ăn bánh mỳ thành phố ạ”. May quá vẫn còn vài ổ bánh mỳ, vội đem tới ngay. Cụ bảo: “Ối giời! Con dâu tôi được thế này, tôi chết cũng không tiếc”. Lại hỏi: “Con trai cụ đâu? Sao không tới nhận hàng cứu trợ”. Cụ rơm rớm nước mắt: “Nó đi tìm trâu trên núi, không thấy về, chẳng biết sống chết thế nào. Đã bảo đừng đi, bão sắp đến nhà rồi. Nó cứ khăng khăng chuyện người ta mai tới bắt trâu”.
Mấy người cán bộ tranh thủ tiếp nước và báo cáo tình hình kinh tế xã hội của thôn, về chăn nuôi, trồng trọt, dịch vụ, song lại thòng thêm một câu: “Đây là số liệu cũ, trước cơn bão này, chứ sau bão phải cập nhật lại. Thiệt hại về người không có, chỉ mất tích một số người hiện bị nước lũ cô lập chưa rõ sống chết thế nào, nhưng về cơ bản thì ruộng lúa hoa màu dưới làng mất trắng cả”.
Phượng theo mấy người dân quân chở hàng đi cứu trợ, cứu người. Anh em bảo: “Chị không biết bơi, ở lại đi. Chúng tôi cần người biết bơi”. Phượng bảo: “Cả đoàn chúng tôi chẳng ai biết bơi”. Họ cân nhắc mãi vì áo phao rất hiếm. Thuyền máy nổ phà phà đi giữa dòng nước lũ, thỉnh thoảng lại phải tránh một khúc gỗ to như con thuồng luồng trên thượng nguồn lao bổ về. Phải nói là mặt tái mét, nhưng ngồi im thin thít không dám nói gì. Những ngôi nhà nước ngập gần đến nóc. Hàng cứu trợ đưa tới nhưng bà con đã được di dời lên chỗ cao hơn là trạm kiểm lâm trên lưng đồi. Chỉ còn những con chó con mèo đứng trên nóc nhà, nên quẳng vội cho chúng mấy thứ đồ khô.
Thuyền cứu trợ cập vào một ngọn đồi chìm sâu trong nước lũ, chỉ phất phơ một ít lá sắn trên cao. “Bác Tâm ơi! Còn sống không thì xuống thuyền mà về. Chúng tôi phải đi ngay giờ”. Không thấy người. Chỉ nghe tiếng nói ồm ồm vọng xuống từ một cái lều đã sụp: “Cám ơn các bác! Tôi nhờ đám sắn nên vẫn bình thường. Không rõ thuyền các bác có chở trâu được không?”. Anh em đáp: “Bác dầm mưa, nhịn đói cả ngày rồi, về làng đi đã. Đàn trâu cứ để lại tính sau”. Người trên đồi thanh minh: “Đàn đâu mà đàn, chỉ còn sót lại một con thôi”.
Nhô lên từ trong cái lều nát, tay cầm sợi dây thừng, dắt con trâu đi ra mép nước cho mọi người cùng chiêm ngưỡng thành tích chăn nuôi của mình, người chủ trang trại nhìn thấy Phượng ngồi trên thuyền co ro, mái tóc cắt ngang vai bồng bềnh, đôi mắt mở to kinh ngạc. “Anh à! Sao ra nông nỗi này!”. Tâm định chạy xuống, nhưng con trâu cứ níu lại, bảo: “Không biết bơi mà vào vùng lũ lụt làm gì”. Mọi người ngơ ngác: “Hai người quen nhau hả? Thôi thế thì để trâu đấy, lên thuyền đi cứu trợ luôn”.
Chiếc thuyền chở đầy mì tôm, nước sạch, quần áo chăn màn, gạo, chạy tuốt về phía thượng nguồn. “Anh nhắn lại tin cho em rồi đấy chứ, nhưng chưa kịp gửi máy bị rơi hư mất rồi. Ừm mà có vậy em mới về quê anh chứ”. Phượng giờ mới cười được, bảo: “Còn giận em không đấy?”. Cô nghe loáng thoáng đâu đó tiếng người bạn trai năm nào: “Giận bản thân mình thôi”.
***
Phượng về thành phố và bảo với mọi người: “Hãy xem đồng bào vùng lũ, dù khó khăn mà vẫn luôn lạc quan, yêu đời. Lũ chưa tan đã lo chuyện mùa vụ mới. Trong lúc khó khăn, ra sức giúp nhau, đùm bọc nhau”. Ai cũng trầm trồ: “Chúng em đi cứu trợ suốt, mong chị năm sau lại đi cùng chúng em, đừng có ở nhà chỉ tay năm ngón nữa”. Chúng lại nháy mắt với nhau: “Trong bão lũ mới thấy tình người với trâu thắm thiết đến nhường nào. Thôi, sau chuyến đi vất vả, trưa nay chiêu đãi bà chị món lẩu trâu Việt nhé”. Bọn trẻ vẫn vậy, rất nhiệt tình, hăng hái xông pha. Xem ra, ở thời của chị, cái thời sinh viên mới ra trường năm ấy, rụt rè, ngơ ngác lắm, không tự tin như bây giờ. Lúc ấy, làm từ thiện thường giấu tên, xấu hổ. Không như bây giờ các bạn đứng ra kêu gọi quyên góp, vùng xa vùng sâu, đi ngược về xuôi.
Phượng thầm nghĩ, nếu mười mấy năm trước mình cũng tự tin xông xáo thế này, mà phải cả ông Tâm kia cũng thế nữa, thì chắc mọi chuyện đã khác rồi. Đằng này, đứa thì vâng lời sắp đặt của bố mẹ, muốn ổn định gia đình ở thành phố, đứa thì tìm đường về quê để tránh cuộc sống bon chen. Mấy đứa em đi ăn trưa, hỏi nửa đùa nửa thật: “Bây giờ, nếu phải lựa chọn giữa một giáo sư và một tay lái trâu thì chúng ta nên chọn ai nhỉ?”. Vớ vẩn quá đi mất, so sánh như thế thì hạ thấp người ta à. Mấy cánh tay giơ lên: “Em xin chọn trâu”. Gớm các chị chọn xe hơi nhà mặt phố thì có. Bọn trẻ lại cười phá lên, nụ cười hồn nhiên đến lạ.
Phượng cũng biết cuộc sống ngày nay khá giả hơn xưa, lúc trước người thành phố mơ cái xe máy tử tế còn giờ nông thôn nhiều nhà đi xe hơi. Bọn trẻ cũng nhìn cuộc sống vật chất với con mắt nhẹ nhàng hơn, chúng kiếm tiền, tiêu tiền bạo hơn thời của Phượng. Mà nông thôn bây giờ cũng có điện thoại, ti vi, có xe tốc hành ngày mấy chuyến, cuộc sống chẳng kém gì phố thị, chẳng phải có cái mốt về làng xây biệt thự nghỉ dưỡng đó sao. Vài chục năm trước ấy à, về quê coi như mất hút mẹ hàng lươn, đâu có phải một cái tin nhắn, hôm sau đã gặp nhau như bây giờ.
Phượng nhận được thư cám ơn của địa phương, mấy tấm hình chụp chung bằng điện thoại ở vùng cứu trợ gửi về qua mạng xã hội. “Các cô chú cứ yên tâm, sản xuất đã được khôi phục dần, các cháu đã đi học và thủy điện hứa sẽ xả nước đúng quy trình”. Ừm, đúng là cần những thông tin mới mẻ thời sự như thế. Bởi Phượng vẫn còn thấy đâu đó hình ảnh Tâm đứng bên con trâu giữa bạt ngàn sóng nước đậm màu phù sa. Khuôn mặt anh gầy gầy, cam chịu, như chờ đợi ai đó, chờ đợi điều gì. Còn con trâu thì vẫn nhơn nhơn như thể chưa bao giờ có trận lũ lịch sử.
Đi ngang qua nhà hàng lẩu trâu cuối phố ven hồ, Phượng thấy bóng dáng mấy ông lái trâu đeo túi da, đi dép nhựa tay phì phèo thuốc lá lúc ẩn lúc hiện. Phượng chợt phát hiện ra, nếu ngồi trong cái quán đó, từ trên cao, một góc khuất nơi có giàn thiên lý bằng nhựa, người ta có thể nhìn thấy Phượng ngày ngày đến chỗ làm. May mà Tâm không biết quán lẩu trâu này. Cô nghĩ như thế. Phượng không muốn Tâm nhìn thấy cuộc đời khá phong lưu của mình lúc này và nghĩ sai về Phượng, rằng cô đánh đổi nhiều thứ trong đó có Tâm để được làm một người thành phố sớm xe đưa đi, chiều xe rước về, mưa không đến mặt, nắng không đến đầu. Phượng đã vất vả và đôi khi cô cũng cảm thấy mình bon chen thật sự để có được một cuộc sống dư dả mà không phải nhờ cậy vào ai.
Phượng cũng biết sau cơn bão, đàn trâu bị lũ cuốn, người chủ trang trại kia sẽ phải bắt đầu lại từ đầu. Hẳn là thủ tục xin giãn nợ của ngân hàng, đơn xin vay vốn để tái lập đàn trâu. Sẽ mất vài ba năm để Tâm có được vốn liếng như trước khi cơn bão lũ hoành hành. Tâm đã từ chối nhận quà cứu trợ bằng tiền vì “nhiều người còn khó khăn hơn tôi, dù sao tôi cũng là một người chủ trang trại, không đến nỗi nào”.
Phượng đọc đâu đó người ta nói rằng hạnh phúc như tấm chăn chật nên không hở chỗ này hẳn hở chỗ kia. Rõ người thành phố nhiều điều kiện để làm giàu, để tránh những thiên tai lũ lụt. Cô nghe bảo “tay chủ tiệm lẩu trâu kia kinh tế khá lắm”, y đi chiếc xe hơi đắt tiền hơn Phượng rất nhiều. Cô lại nhớ đến chiếc xe máy cà tàng treo cao tránh lũ trong ngôi nhà của Tâm, người đã cung cấp “trâu nguyên liệu” cho những nhà hàng lẩu trâu trong thành phố. “Chắc anh Tâm không biết món đặc sản lẩu trâu không hề rẻ, chỉ tiếc là lợi nhuận từ những quán nhậu quanh đây lại không chia đều theo chuỗi giá trị và người thiệt thòi chính là người chăn nuôi đích thực như anh Tâm” – mấy đứa trẻ trong cơ quan nói với nhau thế đấy.
Phượng ghé vào hiệu sách và mua một bức tranh khắc gỗ giấy dó in hình chú bé ngồi trên lưng trâu thổi sáo. Phượng sẽ treo bức tranh Đông Hồ ở phòng làm việc, kẻo đem về nhà chồng lại hỏi tại sao năm nay là năm gà mà em lại treo trâu.
Cuộc đời biết bao đổi thay mà bức tranh khắc gỗ kia vẫn vậy, chú bé ngồi lưng trâu ấy vẫn thế thôi, chẳng lớn, chẳng già. Phượng bất giác nói với chú bé trên lưng trâu: “Cứ ngồi yên đấy nhé. Mọi người cần tiếng sáo của chú. Đừng có bỏ trâu quẳng sáo mà đi đâu đấy nhé”.
LỜI BÀN CỦA NHÀ THƠ TRẦN ĐĂNG KHOA:
Truyện ngắn gọn, giản dị. Tác giả khéo kể, nên những tình tiết có tính thời sự của báo chí vẫn thành một truyện ngắn xinh xẻo, gọn ghẽ. Đằng sau việc chuyển hàng cứu trợ bà con vùng lũ lụt là một kỷ niệm, một tình yêu học trò, nói như thi sĩ Nguyễn Duy “Đẹp như là chẳng đâu vào đâu”. Chẳng đâu vào đâu mà vẫn cứ đẹp. Đó là một vẻ đẹp dang dở. Truyện ngắn này cũng thế chăng? |
Truyện ngắn của TRẦN NGUYỄN ANH