Tìm trâu – Truyện ngắn của Đoàn Ngọc Hà
Tìm trâu – Truyện ngắn của Đoàn Ngọc Hà: Trên cánh đồng Miễu Lác sau làng tôi, người đã chạy tóe ra. Gồng gánh thúng mủng, nồi niêu, khiêng thuyền, vác cánh cửa, có người còn đội cả đồ thờ. Chen lấn chạy theo những bờ đỗi, họ ùn lên, tắc nghẽn ở ngã ba làng Lán, rồi lẩn biến vào những lũy tre lốp bốp mùi lửa cháy nhà xộc vào mũi. Cha tôi là người chạy sau cùng vì còn lúng túng cho con trâu đi chạy tản cư. Khi mở gióng, con trâu không chịu đi, cứ ghìm mũi xuống thở phì phì, lại còn bỏm bẻm nhai cỏ do chị tôi cắt về sáng nay. Tiếng cha tôi đe: “Có mau đi không, chết bỏ bố bây giờ, Tây nó về bắt được, xọc lê vào lòi ruột. Đi!” Mãi tới khi “đoành”, một tiếng nổ rung đất, nó mới chịu nghếch mõm lên cho cha tôi dắt ra khỏi chuồng.
Lúc ra ngoài, cu cậu mới biết sợ vì tiếng đạn réo đuổi phía sau, lửa loe lóe từ những bờ tường, ngách ngõ. Trên trời máy bay Spitfire lượn xoèn xoẹt, bắn đạn đui xết bùm bụp xuống ao chùa. Đi! Đi! Chạy! Chạy!… Cha tôi gầm lên vút đen đét cái vè bừa vào mông trâu. Nó vẫn không vọt lên được. Chưa bao giờ, cha tôi đánh trâu kể cả lúc cày bừa cần kíp nhất, nhưng tình thế này thì bắt buộc ông phải nghiến răng vút lia lịa. Con trâu chồm tế lên lôi cha tôi sềnh sệch qua sợi dây thừng. Đến giữa cánh đồng Miễu Lác thì không còn biết chạy đi đâu được nữa vì ở làng dưới lửa cháy nhà cũng đang bốc lên ngùn ngụt, tiếng đạn giặc đuổi phía sau, tiếng máy bay rít trên đầu, phóng từng luồng đạn chụp xuống. Cứ chạy thế này thì toi mạng.
Cha tôi ghìm trâu lại, nhìn bốn phía. Cánh đồng rộng lớn, không có lấy một bóng cây ẩn nấp. Chỉ thấy từng đụn khói vàng đen bốc lên và những tiếng nổ xé không gian. Trâu ơi, Kềnh ơi, tao với mày hôm nay cùng chết. Chết đến đít rồi. Còn chạy đâu được nữa. Trong lúc bí bách, cha tôi bỗng thấy khu đất cao trên đó lô mô có mấy đống rạ. Thì ta đành vào đấy vậy. Cha tôi đánh trâu tới chỗ đó. Con trâu rất khôn, nó phóng lên như một đường đạn và nép mình vào đấy. Khá lắm, té ra chú mày cũng biết chạy Tây nhỉ. Cha tôi bảo. Nó nghênh đầu lên nhìn máy bay giặc rồi lại cụp xuống cọ mũi vào vai cha tôi ý bảo sợ chó gì. Ông ngó lên trên rồi lườm nó. Cậu ơi cậu, ra trò đấy, liệu mà đứng yên, đừng ngó ngoáy sừng mà chết ráo cả đấy. Quả nhiên, sau đó thì phụp oành. Cái đống rạ bay phăng đi, nhìn ra chỉ còn thấy lửa cháy. Con trâu vẫn còn, cha tôi cũng vẫn còn. Chưa kịp nghĩ, cha tôi đã thấy Kềnh lôi sềnh sệch mình chạy tóe vào đống rạ bên cạnh. Liệu có chắc không hở. Cha tôi lết theo bụng bảo dạ, thôi đếch sợ, thằng giặc, mày có gan thì cứ phóng hỏa đốt sạch những cái đống rạ này đi, tao vẫn sống, Kềnh của tao vẫn sống. Lúc này, con trâu hình như có kinh nghiệm hơn trong việc tránh đạn, nó lấy sừng moi rạ tạo thành một cái tăng xê và rúc vào rồi quay ra khịt khịt mũi như muốn gọi cha tôi bò vào. A, chết thật, cậu đáo để lắm, tổ sư thằng giặc, có mà liếm dái cậu. Mà cái hầm kiên cố thật, mẹ mày, cứ bắn nữa đi. Vừa mới nghĩ được thế thì lại rầm một cái. Cha tôi nhìn ra thì chẳng thấy còn đống rạ nào. Lúc này, lửa cháy rất gần. Thằng giặc trên trời vẫn quần đảo lượn thành vòng tròn.
Cùng kế mất rồi. Giặc đuổi. Đạn bắn. Đồng cháy…
Chợt con trâu cúi xuống liếm vào bắp chân cha tôi. Máu! Thì ra cha tôi bị thương từ lúc nãy. Thôi đi ông ơi, ông không phải lo cho tôi, ông hãy chạy biến đi để mà sống, mình tôi chết ở đây cũng được. Chạy đi. Biến đi. Mau lên!
Pụp oành! Pụp oành.
Đạn xiên tứ phía. Cha tôi và con trâu dùng dằng. Cha tôi càng hét bảo nó biến đi thì nó càng ì ra. Lúc ấy cha tôi nghĩ, vết thương chảy máu hết thì mình chết, đằng nào mình cũng chết nhưng còn con trâu phải để nó sống, may chăng nó sống thì còn cày ruộng, cho nhà ai cũng được. Nó phải sống, phải sống.
– Chạy đi, biến đi, mau lên!
Hình như cha tôi và con trâu giờ là mục tiêu trêu đùa của chiếc máy bay nên nó lượn rất thấp. Cha tôi nhìn thấy cả cái mũ thập thò của thằng lái. Một luồng đạn cày sát sạt xung quanh. Cha tôi vẫn hét bảo trâu biến đi, nhưng hình như nó không nỡ để ông lại nên mấy lần thu móng giậm giật. Quanh quẩn mãi, cổ vươn, đầu cúi, quăng quất, nó quyện lại quanh cha tôi, mũi phun bọt trắng nhểu phì phì. Trong ánh lửa đạn, cha tôi nhìn rõ, rất rõ cái hình ảnh này, cái hình ảnh con Kềnh nhà tôi co cẳng nhảy phốc lên một cái rồi đứng choãi chân, chùng bụng xuống che gọn lấy người cha tôi trên mặt đất. Khổ lắm nữa, chịu rồi, anh chàng muốn cứu tôi đấy à. Giời đất ạ, ăn thua chi với đạn giặc, con ơi, trâu ơi, đạn sẽ giết cả ta lẫn con. Đừng dại dột mà làm thế. Chạy đi. Biến đi. Giời ơi! Mau lên!
Đạn lửa, bom xối xuống đã khoét một cái vũng to cạnh chỗ con Kềnh đứng. Bây giờ thì hình như con Kềnh sẵn sàng đón cái chết. Trong khi cố sức phình to cái bụng làm lá chắn cứu cha tôi, nó roãi cổ, ngửa mặt, vểnh cặp sừng cánh ná lên trời. Trên cái đầu như một khối kim cương đen, thứ gì cũng phồng lên, từ đôi mắt ốc nhồi đỏ như hai cục lửa, cái mũi ống bương, đôi tai lá ngái, hai sừng nhọn hoắt đều đâm chủa lên trời nhìn chiếc máy bay vãi từng chùm đạn cày xiết xung quanh. Thằng giặc lái ngó đầu ra nhìn con trâu và cha tôi cười khả ố. Con trâu vẫn đứng, đầu ngẩng cao nhìn lại thằng giặc lái giữa lửa khói và cái chết vây bủa. Cha tôi nằm dưới vòm bụng rộng rãi của nó, cứ cảm thấy như cái bụng ấy mỗi lúc một to hơn, chòng chành giữa lửa đạn nhoang nhoáng. Mỗi lần đạn rít gần, cái bụng lại nghiêng đi che cho cha tôi. Không biết cảnh tượng này diễn ra bao lâu cho đến khi bỗng rầm một tiếng hất con Kềnh ngã ra.
Đấy là hình ảnh cuối cùng cha tôi nhìn thấy.
Nhưng.
Đây là đâu cơ chứ?
Sao đầu óc cha tôi mụ mị thế này. Cha tôi cố nhìn mà chả thấy gì cả. Im ắng. Xuất hiện một cánh đồng chín rực lúa. Lúa vào kì uốn câu, vàng xuộm. Mênh mông là lúa. Gió thổi. Thấy man mát ở sau gáy. Lại cố nhìn, thấy cả xóm bảo nhau đi gặt. Gặt thôi, gặt mau lên, Tây nó tràn về thì mất mẹ nó hết. Đòn càn, đòn xóc xọc vào những bó lúa. Những bó lúa thiết theo kiểu “cò bay” đi phơi phới. Chả thấy ai nói năng gì. Vun vút đi. Vun vút chạy. Lại thấy đùng đoàng. Du kích ta chống càn, bắn giặc đạn bay đỏ ngòn. Lại thấy không biết bao nhiêu là trâu đang lồng. Những con trâu đen nhấc bụng lên khỏi mặt đất, phóng đi ào ào. Nhiều quá. Trâu ùn lên. Lồng tế như tên bắn. Trâu kết thành từng vầng bay là là. Ở đằng sau đàn trâu, đạn vẫn nổ như rang. Đạn đuổi. Có con trúng đạn, máu vọt tóe đỏ theo hình cầu vồng. Trâu bị đạn chạy càng hăng. Cánh đồng lúa chín vàng, máu trâu nhuộm đỏ từng vạt ruộng. Có một con lăn kềnh ra đất, máu xối, giãy giãy. Cúi xuống. Y như trâu nhà mình. Ối giời ơi, con trâu nhà mình.
– Gì thế? Ông ơi. Ông ơi!
Tiếng mẹ tôi gọi. Cha tôi ú ớ, cựa mình tỉnh dậy sau một giấc mơ. Thì ra là một giấc mơ. Lúc con trâu bị trúng đạn, cha tôi đã ngất đi. Và ông vừa qua một cơn mê hoảng. Bộ đội, du kích chống càn tìm thấy cha tôi ở giữa đồng, bên những đống rạ cháy. Người ta băng bó và tiêm trợ lực rồi cáng cha tôi xuống tận làng Mụa nơi mẹ con tôi đang tản cư ở đấy. Hỏi họ có thấy xác con trâu ở đấy không, họ bảo chả thấy gì. Chỉ thấy một cái thừng bị đứt. Quái lạ. Con trâu nhà tôi, nó còn sống hay nó đã chết?
Lúc cha tôi tỉnh lại, ông gắt với mẹ con tôi: “Mất mẹ nó con trâu rồi, ru rú ở đây làm gì.” Mẹ tôi trầm ngâm: “Còn người thì còn của. May mà còn người.” Cha tôi lại gắt: “Có đi tìm nó không, hay cứ ở đây mà ăn vạ.” Mẹ tôi bực mình: “Bom đạn thế này, tìm sao được mà tìm.” Cha tôi nghiến răng đập tay xuống giường: “Ăn hại! Ăn hại!” Bỗng ông đứng phắt lên, lê cái chân bị thương ra cửa. Lạ thay, lúc ấy cha tôi khỏe hẳn lại. Ông bảo phải đi tìm bằng được con trâu. Người xóm tôi cùng tản cư ở làng Mụa lúc ấy đổ đến cố giữ ông lại. Họ kêu lên thất thanh: “Ông muốn chết cùng con trâu đấy phỏng. Nguy hiểm lắm!” Cha tôi bảo: “May ra mà nó còn sống, vì tôi mơ thấy nó giãy giãy. Cùng thì tìm thấy cái xác của nó cũng được. Tội nghiệp lắm.”
Gần hết tuổi thơ của tôi là việc chăm con trâu Kềnh. Đó là một con trâu thật kì hình dị tướng. Chân cao, bụng chum, mông vại. Cái bụng ềnh ềnh chứa đến mấy gánh cỏ. Cái lưng đưỡn ra rộng như cánh phản. Khi trâu ăn no, tôi lăn lóc trên đó thật thích. Nét đặc biệt của nó được tập trung ở đôi sừng cánh ná. Vừa to tát vừa kềnh càng khoanh hai bán cầu trên đầu gần như khép kín một vòng tròn trơn bóng, nhọn hoắt. Khi đi, đôi sừng vục vặc trông thật đường bệ, chết khiếp. Nó lắc lư, vễnh vàng, hất hất theo nhịp bước. Gặp đối thủ, cái cổ vươn lên, cặp sừng loang loáng đu đưa hai cái mũi dao nhọn trổ tới. Thoắt cái, cổ nó hạ xuống đột ngột, đầu cúi gằm, gập lại, chuẩn bị cho hai cái mũi bừa nhọn tung lên, xuyên móc vào đối thủ những đường đánh lợi hại. Nhứng lúc muốn cưỡi tôi thường vỗ nhẹ vào cái bờm tóc cứng như cọng sắt ở đầu nó, lập tức nó hạ đầu xuống để tôi leo lên. Nó cõng tôi đi khắp các cánh đồng tìm cỏ. Tôi nhắm mắt để nghe rõ hơn tiếng gặm sột soạt. Có khi tôi ngủ khì, trời tối dần, nó cõng giấc ngủ của tôi về tới cổng…
Nhìn tướng mạo bên ngoài, con Kềnh nhà tôi rõ ràng là một anh chàng phương phi, hào hoa, đẹp mã. Chả có thế mà con trâu nhà cu Tếch yểu điệu thục nữ, lúc nào cũng no căng, mã mượt như một quả sim chín được gọi là ả Sim cứ sán lấy. Rõ tội. Ả này nhuận sắc ghê cơ! Bộ da đen nhẫy chờm lấy cái đít múp míp sưng lên một cái “lá khoai” muôn muốt, thây lẩy trông đến là gợi tình. Đã thế ả lại còn đi núng nính, đôi khi quyện lại rồi thò cái mũi vào mông con Kềnh nhà tôi mà hít lấy hít để xong xuôi mới nghếch đầu lên trời, nhe hàm răng trắng ởn ra mà cười cho thật thích. Trong khi đó, con Kềnh nhà tôi vẫn gặm cỏ phớt lờ ra vẻ bình thản lắm, anh hào lắm. Quái thật, cha tôi vẫn lắc đầu lè lưỡi bảo thằng này đến tuổi có nhân nghì nhân ngãi rồi đấy mà nó cứ trơ khấc ra, hay là nó hỏng mất cái “củ sắn”? Thằng Tếch bạn chăn trâu với tôi thì gắt gỏng bảo, chỉ tại con Kềnh nhà mày mà con Sim nhà tao lúc nào cũng ngơ ngác rồi cứ thấy con Kềnh nhà mày là nó lại lồng lên sòng sọc. Tôi cãi lại Tếch: con Kềnh nhà tao thiết đếch gì cái “lá khoai to tướng” của nhà mày!
Ấy đấy, con Kềnh nhà tôi lại có cái tính quân tử như thế.
Nhà tôi vẫn gọi nó là con Kềnh. Cha tôi là người lực điền duy nhất gắn bó với nó để làm tám sào ruộng. Lúc rỗi rãi, cha tôi đi cày thuê. Nó cày cực khỏe và chỉ có cha tôi mới đủ sức theo được nó. Cha tôi thường nói con Kềnh nhà ta nuôi được cả nhà, không có nó thì cả nhà chết đói. Ông quý nó, nói chuyện với nó như nói chuyện với một con người. Hình như nó cũng rất hiểu ông bởi khi nói chuyện, ông thường thay đổi cách xưng hô để nó hiểu ra những việc ông nói. Có một dạo, nhà tôi sa sút quá phải bán con Kềnh. Nhưng không ai có thể dắt nó đi được. Cuối cùng cha tôi phải dắt nó đi. Nói mãi mới dắt được ra cổng. Khi thấy có người lạ mặt, nó hiểu ra rằng mình đã bị bán nên kiên quyết dứt thừng trong tay cha tôi để trở lại chuồng. Cha tôi phải phục xuống ôm lấy đầu nó, ông nói cũng gần như phát khóc: “Cậu Kềnh này, cậu cứ đi dăm bữa nửa tháng cày ruộng cho nhà ông ấy, rồi tôi lại thu xếp đón cậu về.” Cả mẹ tôi cũng dỗ dành: “Cậu cứ đi, trên ấy người ta cũng quý cậu lắm, rồi cậu lại về ấy mà.” Cha tôi đệm thêm: “Ừ, cậu lại về cày ruộng nhà ta, cậu ăn no rơm, no cỏ.”
Cuối cùng con Kềnh thủng thẳng bước theo cha tôi. Trông dáng điệu nó rất buồn bã. Đến lúc người mua cài gióng chuồng, con Kềnh hiểu ra mọi nhẽ. Nó ngước nhìn cha tôi, từ hai cục ốc nhồi to tròn của nó rơi ra những hạt nước mắt. Cha tôi bưng mặt khóc, vừa khóc vừa cùn cụt chạy ra khỏi nhà chủ.
Cho đến cái đận, cha tôi đi làm thuê mãi trên Hà Đông thì lại xảy ra một chuyện kì lạ. Đã ngủ một giấc say, khi thức dậy cứ thấy tiếng gõ sừng của con trâu nhà chủ. Tiếng “kềnh kệch” liên hồi dưới chuồng trâu. Ông chủ bảo từ tối đến giờ nó giở chứng ra thế, tôi xách đèn xuống đe mấy lần chả được. Quái lạ, mọi hôm nó ngủ yên lắm kia. Cha tôi bảo, ông cho tôi mượn cái đèn, tôi xuống xem. Khi nhìn thấy con trâu, cha tôi giật thót mình, đánh rơi chiếc đèn. Thì ra đó là con trâu nhà tôi, ông chủ này đã mua lại từ ông chủ trước. Nhà chủ thấy lạ, bật đuốc. Dưới ánh sáng của ngọn đuốc đỏ rực, cha tôi bước lại. Con trâu vục đầu vào bụng cha tôi hít hít. Cha tôi lúc ấy muốn khóc quá nhưng cố nén và nói với Kềnh: “Tội tôi đáng chết, thôi Kềnh ngủ đi, rồi mai tôi chuộc Kềnh về.” Mọi người tắt đèn đuốc lên nhà trên. Từ lúc ấy tới sáng, không nghe thấy tiếng sừng gõ nữa.
Rồi đó, cha tôi chuộc được con trâu về thì đến cái đận loạn lạc phải tản cư này.
Chiều ấy, cha con tôi đi tìm con Kềnh. Vừa đi ông vừa kể cho tôi nghe chuyện khi sáng.
Vãn tiếng súng, trên cánh đồng cha con tôi đi qua thấy lơ mơ còn mấy đụn khói. Tan hoang và khét lẹt. Thỉnh thoảng gặp một hố bom, đất sét tung lên vàng nhệch. Xác mấy thằng Tây chưa kịp lôi đi, phơi cái bụng trương phềnh. Mấy cái xe cóc bị ta bắn cháy còn âm ỉ khói. Đứng lại! Một tiếng quát lớn. Một người khoác súng trường có lưỡi lê xộc tới. Người ấy bảo đây là bãi mìn. Cha tôi lúng túng quay lại. Thì ra một trận chống càn quyết liệt vừa diễn ra ở đây. Sau mới biết, trận ấy ta thắng lớn lắm. Cha con tôi đã đi qua mấy cánh đồng. Xa, xa lắm vẫn chưa đến cái cánh đồng mà cha tôi cùng con trâu tội nghiệp nằm tránh đạn ở đấy.
Bỗng gập gờ phía trước, thấy một cái nón, dưới cái nón là một bó rơm động đậy. Ai đấy? Cha tôi hỏi. Cái nón ngửa lên. Một ông già râu đen óng. Tôi đi tìm trâu. Người ấy bảo. Cha tôi hỏi gấp xem người ấy có qua cánh đồng làng Lán chưa. Có thấy con trâu lạc nào không. Người ấy bảo, có mà giời nhớ, tôi đã đi qua hàng bao nhiêu cánh đồng, mênh mông giời đất, chẳng biết đâu, mấy con trâu nhà tôi sợ đạn, dứt thừng chạy biến mất từ chiều hôm qua. À, tôi có nhớ ra rồi, ở cánh đồng Mạc Động có một con trâu chết bom, chỉ còn lại một cái sừng. Ông xuống đấy mà hỏi, tôi đi đây. Nói xong người ấy cắp bó rơm đi.
Cha tôi lần tìm xuống tận cánh đồng ở làng Mạc Động, bụng thầm nghĩ, có thể đấy là con trâu nhà mình, lúc ấy nó nghĩ mình đã chết nên tung vó chạy thục mạng qua cánh đồng lửa khói rồi lạc đường, rồi chạy lung tung thiên địa, rồi trúng bom. Nó chết rồi. Chắc là chết rồi! Mà không chết vì bom đạn thì cũng bị lạc, cũng mất. Nói vậy nhưng cha tôi vẫn đi, lúc thấy cái sừng trâu bên một hố bom, cha tôi đã vội phục xuống ôm lấy, hộc lên một tiếng đau đớn. Hỡi ơi, chính là cái sừng con trâu nhà mình, nó vòng cung thế này, nó trơn bóng thế này, nó nhọn hoắt thế này, còn trâu nhà ai được nữa. Cha tôi cởi áo cẩn thận bọc lấy cái sừng trâu như liệm một tấm thân bé bỏng.
Tạm hồi cư. Mấy ngày sau, làng tôi đã thúc thắc có người về. Nhà tôi cháy trụi, chỉ còn lại mấy gian bếp. Một mảnh vườn, mây mái um tùm. Cha tôi bảo sắp mâm cơm cúng con Kềnh. Mẹ tôi òa khóc. Tôi cũng khóc nấc lên. Thương con Kềnh quá. Mẹ tôi lau nước mắt, bệu nhệu mãi mới nói lên được: “Thôi cũng lậy vong linh con Kềnh, nhưng bố nó này, thương thì thương thật nhưng có ai lại đi cúng một con trâu bao giờ.” Vừa lúc ấy có tiếng gọi dồn dập của chị tôi:
– Bố ơi. Bố ơi!
– Cái gì đấy?
– Bố ra vườn mà xem.
– Xem cái gì? Về sắp cúng.
– Có cái gì ở ngoài vườn, con sợ quá cơ.
– Tiên linh nhà mày. Cái gì?
Chị tôi vừa thở vừa nói. Cả nhà tôi đổ ra vườn. Cái bụi mái hoang vắng sau nhà tôi trong những năm loạn lạc đã chen kín, dày đặc làm thành một cái đống lớn, chằng chịt những gai góc, bây giờ cái đống ấy cứ dâng lên, thụp xuống lay động nghiêng ngả. Cha tôi kêu lên thất thanh, tiếng kêu dậy đất của một người quá mừng:
– Giời ơi! Con trâu nhà mình! Con trâu nhà mình thật rồi! Cái sừng của nó kia kìa!
Liền đó, cha tôi lấy dao phạt mây mái, rạch lấy một đường cho con Kềnh ra. Con Kềnh! Con Kềnh! Cha bố con Kềnh vẫn còn sống kia kìa! Mẹ tôi cười mà như mếu. Thì ra cu cậu khi bị quả bom nổ gần đấy hất lên đã tung vó lồng qua không biết bao nhiêu đường đất. Thế mà làm sao nó vẫn biết đường về nhà mình kia chứ! Khổ thân! Cả cái thân hình bệ vệ, hào hoa của nó bây giờ tướp ra. Cái mặt cháy sém, nhọ nhĩnh, sặc lên mùi khói bom. Cái bụng óp lại, loang lổ từng vệt máu. Ở cổ nó có một vết dài đỏ lòm, mảnh bom đã phạt mất của nó một sừng và cứa thêm mảng da, giờ vẫn còn rỏ từng hạt máu.
Cha tôi bước lại ngó ngó vào bụng dưới của con Kềnh rồi bỗng oang oang:
– Còn của quý! Còn của quý!
Mẹ tôi mở tròn đôi mắt ngạc nhiên:
– Cái gì? Của quý nào?
Cha tôi cười khấc khấc chỉ vào cái ống điếu treo hai quả trứng hồng thăng lẳng. Mẹ tôi đỏ vầng cả mặt mũi quay đi, rõ nợ. Rồi bà cũng ngặt ra cười với cha tôi. Riêng chị tôi cứ vật mặt vào lưng mẹ tôi mà rúc lên. Cha tôi ráo rẻ sai tôi: “Thằng Đố cho trâu đi tắm để về tao bôi thuốc.” Mẹ tôi bảo: “Cứ buộc nó đấy. Nó còn là phúc lắm rồi. Về ăn cơm đã.”
Ăn cơm xong, lúc ra vườn, cả nhà tôi lại thêm một phen hốt hoảng nữa. Con Kềnh đã đứt thừng đi đâu mất. Cả nhà đi tìm. Tìm mãi. Cuối cùng thấy cu cậu ở mảnh vườn sau đình. Mà, trời ạ, lại tìm thấy đúng cái lúc cu cậu đang chồm hai chân trước lên mông ả Sim và rún… Mẹ tôi cười bục ra: “Cha tiên linh cái của nỡm.” Chị tôi thì quay cổ chạy thẳng về nhà không dám ngoái lại. Cha tôi cười hự hự:
– Kệ vong linh nhà nó. Nó mừng chiến thắng đấy mà.
Tạp chí Văn nghệ quân đội