Tiếng hát chiều- Truyện người chăn cả phồn trâu

Tiếng hát chiều- Truyện người chăn cả phồn trâu

Nắng ráo.

Chiều hanh khô cánh đồng bưng chỉ trừ cái lung trâu gò Ông Lẹt.

Bối rối, con Tư không biết mần sao đưa phồn trâu rời khỏi lung; mà cũng phải thôi, chăn giữ một bầy trâu đã là chật vật, huống hồ chăn giữ một phồn trâu. Và, nó chẳng rõ cái quy ước bất thành văn thành thông lệ đã có từ thời nào, hễ trên trăm gọi là phồn, dưới trăm gọi là bầy!

Ta đi tầm trâu, trâu nằm vũng sâu, ló cặp sừng mần sao mà cột
Ta đi tìm cột, cột đóng trên gò, cột chẳng có trâu
Ới này, bậu ơi!
Trâu tầm cột hay cột tầm trâu?
(Hò dân gian Bắc Chiên)

Nghe tiếng thằng Sáu hò nghêu ngao ngoài đám lau sậy cao khuất đầu, con Tư mừng húm.

– Tư nè, Sáu phụ Tư coi!

Chẳng những thằng Sáu làm bộ giả lơ không nghe lời cầu cứu của con Tư, lại cứ đố tới đố lui và thêm phần luyến láy, nhấn nhá câu hò “Ới này, bậu ơi!/ Trâu tầm cột hay cột tầm trâu?”. Con Tư bực cái mình, giãy nảy:

– Trâu tầm cột hay cột tầm trâu… Gì gì cũng đặng, người ta nghe hoài, phát ghét!

– Ghét, sao nghe?

Thằng Sáu vừa vẹt, vừa bươn sậy, vừa cười hì hì đi tới lung trâu; bầy le le đang nằm láng nước giựt mình bay cái rần, che tối những vệt nắng cuối ngày còn nấn ná trên đầu bông sậy.

Từ mé lung, thằng Sáu phóng xuống lưng trâu đầu phồn đang trầm bùn tránh muỗi mòng và cảnh giới. Trâu mài sừng chém khi phát hiện hơi lạ, ngửi hơi quen thì hai vành lỗ tai nhịp nhịp, cái đuôi ngúc ngoắc phe phẩy… Thằng Sáu chộp nhanh, ra tay nắm cứng đuôi kéo cong ngược, thủ lãnh phồn nhột nhạt rùng mình, rồi ngoan ngoãn lội sình rời lung. Cả phồn ùn ùn lội theo thủ lãnh. Thằng Sáu vuốt mình mẩy, bùn rớt lộp độp.

– Có vậy mà cũng réo om sòm! “Ới này, bậu ơi…” .

Trời chuyển gam màu sẫm tím từ bìa rừng tràm phía Tây!

Truyện ngắn: Tiếng hát chiều

***

– Chị Bảy! Con Tư ngày một lớn tồng ngồng, mà chị cứ cho nó tiếp tục ở bạn giữ trâu phồn Cả Khịa, tui thấy bất an quá!

Dì Chín chạy vịt đồng ghé thăm đã nói với bà Bảy, má con Tư, như vậy.

Bà Bảy mặt buồn xo. Biết rằng vậy nhưng nhà vay nợ Cả Khịa để chạy thuốc thang cho tía con Tư mà rồi tưởng tía nó sống nào ngờ tía nó cũng chết. Vốn lời gộp lại, con Tư ở bạn giữ trâu phồn cấn trừ nợ trải qua ba mùa nước nổi vẫn chưa xong.

Bà nói gần như phân bua:

– Nhà giàu mới sắm nổi nhiều trâu. “Một vũng trâu nằm bằng một năm làm mướn”, có ai muốn làm mướn đâu. Họ bao chiếm đất, mua thêm ruộng; mình nghèo đành đi làm thuê làm mướn, một cái nghề từ họ phát sinh.

Rồi bà nghĩ tới chuyện  “đất nổi nước, trâu tràn đồng” và cái ngày mai kia, tụi sắp nhỏ có biết không để nhớ!

Mải suy nghĩ viển vông, bà quên bưng rổ khoai mì chạy nước nấu hồi đầu hôm ra mời dì Chín.

Giữa đồng nước nổi mênh mông, thằng Sáu, con Tư mỗi đứa chống một chiếc xuồng ba lá ven phồn trâu lặn hụp theo hướng gò Quản Cung. Trâu đầu phồn lội nước dẫn cả phồn bươn bươn về phía trước và thấp thoáng, trên gò Quản Cung, gò Cà Dâm, gò Me Nước… đã thấy lác đác một số trâu cầm tránh nước. Mưa chạ rổ mặt nước đồng, hai đứa lạnh co ro.

Đôi tay thằng Sáu miết cây sào, mõm xuồng chồm lên, chiếc xuồng lướt sóng lao nhanh cặp mạn xuồng con Tư. Thằng Sáu hấp tấp cởi chiếc áo tơi lá chầm đưa con Tư.

– Không, em không lạnh!

Thằng Sáu thấy môi con Tư tái mét.

Đêm đó, con Tư sốt li bì; thằng Sáu quýnh quáng đốt lửa hong hơ cho người bạn nghèo cùng cảnh ngộ. Nó vái lia lịa thổ thần và mong cho trời mau sáng!

***

Tiếng kêu “thằng Sáu” mấy năm trước, đã được thay bằng tiếng kêu anh Sáu khi anh đã là chàng lực điền, nổi tiếng có biệt tài thuần dưỡng trâu đầu phồn; anh biết cách chìu chuộng và cũng biết cách khuất phục. Với anh, từng đặc điểm của từng con trâu trong phồn, anh nắm rành rẽ và nếu Cả Khịa đột ngột cần tách lẻ hoặc tách từng bầy, anh tách ngon lành và kết thúc mau hơn bữa tiệc cúng Thần Nông.

Sau bao năm cực mà vui với phồn trâu và nhứt là với Đực Nụi – một cái tên thân thương do anh đặt cho con trâu đực cổ đầu phồn – anh nghiệm ra rằng trâu tạo ra lung đất chớ đất không tạo ra lung. Phồn trâu miệt Đồng Tháp Mười áng chừng trên trăm con, đôi khi năm ba trăm cũng không chừng. Mỗi phồn trâu có một thủ lãnh gọi là trâu đầu phồn. Muốn  đứng  đầu  phồn, con trâu đó thường là con trâu đực cổ, phải trải qua nhiều thử thách bảo vệ cả phồn và có khi bỏ mạng ngay trên cánh đồng đã từng nuôi nó lớn lên. Người xưa nói: “Bò đá, trâu chém”. Bò quen đá không quen đấu. Vì vậy, muốn đá, bò cần thời gian rình rập lén lút, chờ đối phương sơ hở mới ra chưn đá. Thường là đá bò con hoặc đá đám con nít chàng ràng chọc phá. Không biết đấu, nên bò thiếu tập tính bảo vệ và bất luận kẻ thù nào cũng có thể hiếp đáp kể cả chiếm cứ nơi nó đang sống. Trâu thì hoàn toàn khác; dứt khoát nó không đá, chỉ đấu và quyết đấu. Đấu như  “hiệp sĩ” giải quyết mâu thuẫn trong bầy đàn hoặc trong phồn. Tuyệt nhiên, trâu cùng bầy, cùng phồn không bao giờ chém nhau chí mạng.

Cặp sừng trâu khác chi hai thanh kiếm, thứ võ khí trời ban để chống trả và chém trâu phồn lạ một khi chúng dám xâm phạm lãnh địa. Bản lãnh và sự dũng cảm của nó, một khi được cả phồn chứng kiến và đồng quy phục, nó nghiễm nhiên trở thành trâu đầu phồn.

Trâu đầu phồn xác lập ranh giới lãnh địa, ra hiệu lịnh bằng những tiếng kêu rống để phồn trâu xoay vòng dẫm nát đế sậy, cỏ hoang dậy sình ở trấp ngập bùn lầy khoảng đôi ba mẫu đất, làm nơi nghỉ ngơi cho cả phồn; thiên hạ gọi là lung trâu và nếu trâu bầy ít thì gọi vũng trâu.

Từ cánh đồng Vĩnh Đại, anh có việc qua gò Trâu Rống ở Trường Xuân và dọc đường gặp những người anh em có một thời chuyên giữ trâu mướn theo mùa nước, giữa tháng Bảy tới gần cuối tháng Mười Âm lịch hằng năm.

– Hì! Anh Sáu, cột xuồng gốc gáo vàng, lên bến nhậu với tụi này cho đỡ nhớ anh!

Cả đám cười nứt bụng trong vui mừng bất ngờ, gặp lại người quen biết cũ.

Thịt trâu sớ to, dai nhách đang được những người anh em lăng xăng xỏ lụi và luộc sả; thịt chín bốc hơi nóng như khói. Anh hồ nghi những người anh em ngày trước, nay chuyển nghề thành đám trộm trâu. Tích tắc, anh nghĩ tới phồn trâu của anh đang chăn giữ.

Nhỏ lớn anh không ăn thịt trâu bởi một điều đơn giản là mỗi lần gần gũi da thịt trâu thì anh chẳng nghe mùi trâu. Anh từ chối ngồi chung chiếu vì ngại tháng Mười trời mau tối. Anh chống xuồng đi, trước sự ngạc nhiên quá đỗi của những người anh em.

***

Đêm Rằm, ánh trăng sáng lòa, sáng tới độ dường như trăng úp mặt hôn mặt nước linh láng cánh đồng. Những bóng xuồng xa nhấp nhô trong sương của những người giăng câu, thả lưới, đặt lộp, lờ… đã làm Sáu không sao ngủ được, lòng buồn mơ hồ không duyên cớ.

Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp một, như đường mía lau.
Tiếng hò văng vẳng mênh mang theo sóng nước và đâu đó, có tiếng hò trong trẻo của cô gái.
Mỗi năm con thắp đèn trời
Cầu cho cha mẹ sống đời với con.

Thì ra, trăng đêm nay sáng mà sao nghe tiếng hò lòng cứ rưng rưng! Sáu không biết má là ai nên không biết “chuối ba hương, xôi nếp một, đường mía lau…” nó như thể nào và cũng không biết má là ai để cầu nguyện cho má. Nghe nói, anh vừa lọt lòng đã mồ côi mẹ. Anh bước ra chòi giữ trâu, ngồi bệ đất nghe sóng vỗ lách tách dưới chưn gò; tự dưng anh nhớ tới cô Tư, người cùng anh sống nhiều năm cận kề chăn giữ phồn trâu. Khi cô Tư ở bạn cấn trừ xong nợ Cả Khịa thì cũng là lúc anh mất cô Tư và sống lẻ loi một mình giữa phồn trâu. Lần đầu, anh cảm thấy mình cô đơn và hình như tình yêu vừa đến với anh trong đêm nay!

Phồn trâu ở gò Trâu Rống rùng rùng tán loạn… Mấy chục chiếc xuồng ẩn hiện như những bóng ma, chia cắt phồn trâu rã phồn. Đám cướp vẽ mặt, bôi bùn sình khắp mình mẩy cho bán hơi người để Đực Nụi  không đánh hơi phát hiện. Thình lình, chúng lén cắt nhượng Đực Nụi, nó rống lên tiếng rống chả khác cơn địa chấn và kịp hất tung kẻ cắt nhượng nó rồi dùng sừng chém chết tốt hai tên cướp, trước lúc khuỵu xuống. Sáu phóng vô chòi, xách cây chĩa ba chạy xốc tới… Độ chục tên cầm dáo mác, bủa vây quanh. Nhìn bộ dạng của chúng, Sáu thấy quen quen. Cùng lúc, chúng hè nhau xông vào đâm, chém, đập Sáu. Đực Nụi rống lên, chúng khiếp đảm dạt ra… Ngần đó, chưa đủ làm chúng sợ và dù Sáu có là “mãnh hổ” cũng khó… “nan địch quần hồ”!

Đám cướp khiêng xác đồng bọn xuống xuồng và bỏ đi sau khi cướp được phồn trâu Cả Khịa.

Thân thể bê bết máu, Sáu nằm bất động thở thoi thóp và mắt anh, không còn nhìn thấy trăng sáng dát vàng trên làn nước.

***

– Tư ơi… T…ư…, con Tư, đâu rồi bây?

Má gọi giựt ngược như giặc tới.

– Dạ! Con đây nè!

Và Tư nói như thể phân bua:

– Con đang chuẩn bị bánh trôi nước cúng rằm rồi đem vô cho anh Sáu. Lâu lắm rồi, lu bu công việc, con không có đi thăm ảnh!

– Dẹp, dẹp hết!

Rồi, bà trở giọng gấp gáp:

– Thằng Sáu bị đám cướp phồn trâu đâm ở gò Trâu Rống hồi đêm.

– Ai nói với má?

Sững sờ, Tư hốt hoảng hỏi má.

– Kẻ ăn người ở nhà Cả Khịa la làng rần trời, chớ ai!

Điếng hồn, Tư buông giỏ đồ ăn rớt đất, mặc cho chén tộ bể văng tung tóe!

***

Tư nuốt nước mắt, cắn môi để ngăn khóc bật thành tiếng làm dao động lòng anh Sáu trong thời khắc thập tử nhất sinh. Bợ đầu anh Sáu gối lên bắp vế mình là Tư muốn thầm nói với anh, rằng: “Em mãi mãi thuộc về anh!”.

Đực Nụi cố chòi đạp cái chưn đứt gân nhượng để đứng dậy nhưng bất khả. Dòng nước mắt lăn dài trên khuôn mặt bi thiết của Đực Nụi như nó tự trách không bảo vệ được phồn, không bảo vệ được chủ chăn phồn và ngay cả bản thân nó. Đực Nụi rống lên tiếng rống não nùng!

Tư cúi xuống lau máu, nước mắt anh Sáu.

Mây khói đèn bưng trời và trời sắp đổ mưa. Tư mơ hồ nhớ lại: “Thường thì người ta hay nói “ngu như bò” vì bò cả tin nên dễ bị kẻ khác dụ dỗ, lừa đảo chiếm nơi ăn chốn ở của nó. Ít ai nói “ngu như trâu” vì trâu chả ngu chút nào. Nó biết nghe, biết làm theo ý chủ chăn và quy phục kẻ đứng đầu phồn, đầu đàn. Thiên hạ nói “Đàn gảy tai trâu”, e có lẽ chưa đúng bởi lời gian dối được che đậy ở tiếng ngọt bùi. Trâu không nghe và chỉ làm theo trực giác. Dù thế thái có ra sao, trâu vẫn một lòng ăn ở có nhơn tình với người. Nhờ vậy, trâu mới kết bạn được với nhà nông!”.

Tư tạc dạ lời anh Sáu dặn dò người bạn nhỏ lúc chia tay trở lại nhà. Bây giờ, người bạn nhỏ có một thời đồng cam cộng khổ chăn giữ trâu phồn với anh đang rất gần và thiệt gần anh, thì anh lại rất xa và thiệt xa!

Trong hơi mưa, dường như có tiếng hát chiều:

Ới này, bậu ơi!
Trâu tầm cột hay cột tầm trâu?

Truyện ngấn của Trần Bảo Định (https://doanhnhanplus.vn/)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *