‘Thung lũng trâu’ nơi ‘Cổng Trời’ Mang Yang: Với một số đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây, Mang Yang có nghĩa là cổng trời, là đường lên trời. Ở thung lũng này, có một ngôi làng nuôi trâu khá đặc biệt.:
1.
“Đi đến đây đã mỏi lắm rồi, không còn đường để đi nữa, bởi lên đến đây là cao nhất rồi, là đường lên trời rồi!”. Rất nhiều lần, tôi được nghe các cụ già Tây Nguyên nơi đây nói vậy. Có lẽ tên gọi “Mang Yang” ra đời từ đây, nghĩa là cổng trời, là đường lên trời…
Đó là chuyện của xưa xửa xừa xưa, chuyện của cái thời u u minh minh, chưa có đường sá, chưa có phương tiện. Còn bây giờ thì đã khác lắm rồi.
Ở nơi “Cổng Trời” này, có một thung lũng khá là đặc biệt, nằm ở xã Đăk Jơ Ta xa xôi. Đăk Jơ Ta là xã thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai. Xã có 2 làng người dân tộc BahNar- là dân tộc bản địa đã định cư từ rất lâu đời ở nơi đây, còn thôn 3 bây giờ được nhập lại từ hai thôn 3 và 4 trước kia. Không như hai làng kia, thôn 3 gồm nhiều dân tộc khác nhau như Kinh, Tày, Nùng…
Đăk Jơ Ta có 737 hộ với 3.071 nhân khẩu. Riêng thôn 3 có 236 hộ với 942 nhân khẩu. Thôn 3 được xem là thôn “đặc biệt” của xã Đăk Jơ Ta bởi trong thôn không có người dân tộc bản địa sinh sống. Người dân thôn 3 là các dân tộc di cư từ các tỉnh miền núi phía Bắc hoặc người Kinh từ Bình Định, Quảng Ngãi đến đây lập nghiệp từ sau năm 1975.
Anh Nguyễn Thế Trường, thôn phó thôn 3, cho biết: Ngoài người Kinh chiếm đa số thì ở thôn 3, người Tày có 82 hộ với 236 nhân khẩu, 19 hộ với 82 nhân khẩu là người dân tộc Nùng…
Ông Hoàng Văn Hèn là người Nùng đầu tiên, cũng là người dân tộc thiểu số ở Tây Bắc vào đây lập nghiệp đầu tiên. Số là trước năm 1975, ông Hèn là bộ đội, từng đóng quân ở các chiến trường vùng Tây Nguyên. Sau năm 1975, ông ra quân, về quê lấy vợ đẻ con. Đất ở quê chật chội, cằn cỗi trong khi những năm tháng ở chiến trường Tây Nguyên, ông thấy đất đai nơi đây rộng rãi và màu mỡ. Sau nhiều đêm suy nghĩ, rồi nhiều tháng thuyết phục vợ thì đến năm 1981, ông Hèn đưa vợ con rời quê hương xã Thái Đức, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng vào đây lập nghiệp.
Ban đầu cũng gặp không ít khó khăn do chưa quen thời tiết khí hậu Tây Nguyên, chưa hiểu văn hóa nên khó hòa đồng với người bản địa, rồi thì sốt rét rừng… Tuy nhiên vì miếng ăn nên vợ chồng ông rồi cũng vượt qua. Ruộng rẫy được mở mang dần. Trâu, bò, lợn, gà ngày một đông hơn trong chuồng. Rồi đào ao thả cá…
Tiếng lành đồn xa. Rồi thì người Tày, người Nùng, người Mường ở các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn cũng đưa gia đình vào lập nghiệp ở thung lũng Đăk Jơ Ta dưới chân “Cổng Trời” này.
2.
Ông Hèn giờ đã là người thiên cổ. Anh Hoàng Văn Trường là con trai ông Hèn, theo cha mẹ vào đất này từ lúc mới được hai tuổi, giờ đã là cha của hai người con: Con gái đầu đang du học ở Nhật, con trai đang là sinh viên ngành Công nghệ của Trường Đại học Quy Nhơn.
Trở lại chuyện nuôi trâu ở thung lũng Đăk Jơ Ta, anh Trường kể: Ngày trước, gần như hộ nào ở thôn 3 này cũng có trâu, có nhà nuôi đến 50- 60 con lớn bé. Mỗi sáng khoảng 9- 10 giờ là thả trâu đi ăn, trên tay lủng lẳng mo cơm, đến khoảng 4- 5 giờ chiều lại lùa trâu về chuồng. “Hồi đó, trâu nhiều không đếm hết. Đi ngoài đường, gặp lúc thả trâu đi ăn hay lúc trâu về chuồng, phải đợi đến mấy giờ đồng hồ mới đi được”, anh Trường kể.
Cũng theo anh Trường thì Người Tày, người Nùng ở đây nuôi trâu, ngoài mục đích kinh tế, còn vì thói quen, vì phong tục có tự ngàn đời của đồng bào nơi núi rừng Tây Bắc. Mỗi ngày, đi theo bầy trâu gặm cỏ ở khắp các thung xa lũng gần, hay thong dong trên những thảo nguyên mênh mang, hoặc ngồi bên bờ suối suy tư ngắm nhìn bầy trâu đang đầm mình dưới những lòng suối cạn là một niềm vui của những người chăn trâu…
Đó là chuyện của ngày trước. Còn bây giờ, trâu ở thung lũng “Cổng Trời” này đã ít dần, mà theo nhiều người ở đây là do đất chuyển sang trồng rừng nên đồng cỏ bị thu hẹp dần, do thanh niên trong thôn đi làm công nhân ở các doanh nghiệp tận trong miền Nam, mà lớn nhất là do giá trâu hiện tại chỉ còn một nửa so với trước đó.
Như nhà của anh Trường đây, thời cao điểm trong chuồng có đến trên ba mươi con trâu. Giờ… không còn con nào. Hiện anh đang có 30 ha rừng bạch đàn, đào ao nuôi cá, trồng lúa, trồng hồ tiêu…
Vậy nên, một thời “trâu không đếm xuể” là vậy, giờ thôn 3 – thôn nhiều trâu nhất xã Đăk Jơ Ta hiện chỉ còn chưa đến 300 con.
Nguyễn Thế Trường, dân tộc Tày, mới chưa được ba mươi tuổi, nhưng đã được bầu làm thôn phó thôn 3, cho biết: Thôn 3 có đàn trâu đông nhất xã, với khoảng hơn 250 con. Hiện trong thôn, hộ ông Võ Phin là gia đình có bầy trâu đông nhất, khoảng hơn hai mươi con.
“Anh đợi thêm chút nữa, ông Phin sẽ lùa trâu về chuồng. Đang là mùa khô nên cỏ ít, bà con cho trâu kiếm thêm chút cỏ nên về muộn”, Thôn phó Nguyễn Thế Trường nói.
Tuy đang là mùa khô Tây Nguyên, nhưng cũng là mùa lạnh nhất trong năm. Thung lũng Đăk Jơ Ta nằm lọt thỏm giữa những ngọn núi bao quanh, chỉ có một khoảng trống để gió lạnh lùa vào. Gặp núi chắn, những cơn gió buốt cứ quẩn quanh trong thung lũng. Càng về chiều, cái lạnh càng tê tái, nhức buốt hết các khớp ngón tay.
Rồi cũng chẳng phải đợi lâu bởi phía xa, từng bầy trâu đang thong dong về chuồng. Ông Phin tay cầm hộp cơm trống, thong thả nói: “Lạnh quá, cho trâu về sớm thôi. Về cho ăn thêm rơm để đêm trâu không bị đói”, ông Phin nói.
Tôi theo chân ông Phin, theo chân bầy trâu của ông về nhà. Lùa bầy trâu vào chuồng, không quên ném thêm vào mấy ôm rơm, ông Phin vào nhà lấy nước mời khách. Ông cho biết, do nhà có đông con cháu nên trong chuồng có nhiều trâu nhất thôn. Nhiều trâu là vậy, nhưng vẫn không được vui bởi giá trâu bây giờ xuống thấp quá. “Trước kia, một con trâu đực trưởng thành nặng khoảng ba tạ, bán được trên năm mươi triệu đồng. Giờ, thương lái mua được hai mươi triệu đồng là tôi bán ngay”, ông Phin nói.
Cũng theo ông Phin thì giờ nhà nào càng nhiều trâu càng bị lỗ, do vậy thanh niên đi làm thuê cho các công ty, không còn tha thiết với niềm vui thả trâu vào rừng nữa. May ra còn lấy được phân trâu để bón cho ruộng rẫy, không phải bỏ tiền mua phân bón.
Gia đình thôn phó Nguyễn Thế Trường vào đây lập nghiệp từ năm 1995. Trước ở xã Lâm Sơn, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, nhà cũng nuôi nhiều trâu. Vào đây, ngoài ruộng rẫy, cũng như bao gia đình khác trong thôn, nhà anh cũng có bầy trâu khá đông. “Trước Tết, bầy trâu của gia đình có tám con, bán hết chỉ được… bảy mươi tám triệu đồng, giá không bằng một nửa mấy năm trước”, Trường cho biết.
Thung lũng “Cổng Trời” ở Đăk Jơ Ta bây giờ không còn nhiều trâu như trước kia. Mỗi chiều, bầy trâu từ rừng về không còn chen chân nữa. Nhưng những hoài niệm đẹp về bầy trâu, về những buổi thong dong cùng bầy trâu trong rừng, hay nằm nghỉ bên những khe suối cạn, thì vẫn còn nguyên trong ký ức của mỗi người già nơi đây.
Nuôi nhiều trâu là vậy, nhưng đồng bào ở đây không bao giờ làm thịt trâu. “Con trâu sống có tình cảm, hơn nữa lại là con vật do chính mình nuôi nên thương lắm, không nỡ cầm con dao làm thịt nó”, ông Phin nói. Cũng theo ông Phin thì mỗi khi có con trâu bị chết do bệnh hay do trượt ngã gãy chân, chủ trâu thường bán nguyên con cho thương lái xẻ thịt.