Quan niệm của cha ông ta “con trâu là đầu cơ nghiệp”. Vậy nên, các tác phẩm lấy đề tài nông thôn đều ít nhiều nhắc đến loài vật này. Tuy nhiên, kinh điển nhất trên màn ảnh vẫn là “Cải ơi” và “Mùa len trâu”. Dịp Tết Tân Sửu cùng điểm lại hai tác phẩm này.
Cải ơi
Phim “Cải ơi” của đạo diễn Phương Điền xây dựng trên truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, trong đó, Mạc Can vai Tư Đèo phiêu dạt tìm con.
“Cải ơi” xoay quanh chủ yếu ba số phận: ông Tư Đèo, Thàn và Diễm Thương. Ông Tư Đèo đi lang thang tìm đứa con nuôi, anh chàng Thàn ôm giấc mộng thành nghệ sĩ, cô gái bán bia ôm Diễm Thương quay quắt với niềm đau côi cút. Họ gặp nhau ở dãy nhà trọ nghèo nàn, mỗi người một mảnh đời, một hoàn cảnh nhưng tình người, lòng nhân ái như định mệnh đã gắn kết họ lại với nhau… Bối cảnh phim chủ yếu sẽ được quay bên dòng sông Vàm Cỏ của tỉnh Long An.
Bộ phim đã từng lấy nước mắt của không ít khán giả và cả… bản thân Mạc Can. Ông kể trong phim có cảnh ông Tư Đèo dẫn trâu ra sông tắm. Cảnh quay được thực hiện ở một cánh đồng ở Long An. Trong lúc diễn, ông bị trâu giẫm vô chân bị thương đến bật khóc.
Cũng may lúc đó ông đang đứng dưới sông, nhờ có sình nên chân ông không bị nặng nhưng vẫn đau đến mức rơm rớm nước mắt. Ông cố nhịn đau để diễn cho xong cảnh quay.
Tác phẩm xúc động nhất là lúc Tư Đèo lang bạt kỳ hồ, kêu tên con “Cải ơi!” thống thiết, rồi khóc hực lên não nùng. Đặc biệt, để mong con có thể nghe được mong mỏi của mình, ông Tư Đèo đã nghĩ ra “hạ sách” đi trộm trâu để mong… bị bắt. Bởi chỉ khi bị bắt vì tội ăn trộm, ông mới được lên tivi để con thấy được mặt mình.
Và rồi kế hoạch của ông cũng thành công, khi lên tivi, ông không kêu oan cho mình mà dành chút thời gian ít ỏi để nói với đứa con thất lạc rằng ông rất nhớ nó. Phân đoạn trộm trâu và đi tìm con gái khiến không ít khán giả rơi nước mắt. Bộ phim cũng là tác phẩm để đời của Mạc Can và khi nhắc đến ông, người ta sẽ nhớ đến một lão nông chất phát gắn với hình ảnh con trâu đồng giản dị.
Mùa len trâu
Sau gần hai thập kỷ, “Mùa len trâu” vẫn còn gây ám ảnh, với hình ảnh đàn trâu ngụp lặn cùng phận người phù du của miền nước nổi. Đây được xem là tác phẩm về loài trâu hay nhất và kinh điển nhất của màn ảnh Việt nhiều năm qua.
Chuyện phim dựa trên tác phẩm Hương rừng Cà Mau của nhà văn Sơn Nam, kể về một chuyến dẫn trâu đi tránh lũ của chàng trai trẻ tên Kìm. Trên chuyến hành trình tưởng như rất ngắn ngủi ấy, chuyện xảy ra với anh lại dài bằng cả… một đời người. Những gian khó mà Kìm đối diện cũng chính là một phần của trang lịch sử về đời sống lam lũ, nghiệt ngã của người dân vùng nước nổi đồng bằng sông Cửu Long thời kháng chiến chống Pháp.
Đến mùa nước nổi, “toán quân” làm nghề dắt trâu đi tránh lũ thuê lại bắt đầu vào cuộc. Chặng đường dài ngày ngập mình trong nước, đói rét để kiếm tiền, họ cứ nghĩ sẽ được đổi bằng cuộc sống bình yên thì lại rơi vào nhiều nỗi đoạn trường: trâu chết, phe cánh giành giật “đất” sống, sự đàn áp, bóc lột của thực dân Pháp…
Chính trong hoàn cảnh đó, sức sống của người dân vùng sông nước lại được bộc lộ mãnh liệt hơn bao giờ hết, họ vươn lên bằng gia tài không bao giờ thiếu của mình: sức khỏe, niềm tin và lòng nhân hậu.
Tác phẩm gửi gắm thông điệp về sự khó nhọc cũng như khát vọng về cuộc sống tương lai sung túc, giàu có, an lành của người dân Nam Bộ.
“Mùa len trâu” tạo tiếng vang tại các liên hoan phim quốc tế, với hàng loạt giải thưởng lớn như: giải đặc biệt ở LHP Locarno (Thụy Sĩ), giải đạo diễn xuất sắc ở LHP Chicago (Mỹ), giải Grand prix của LHP Amiens (Pháp), giải đặc biệt của LHP Amazonas (Brazil).