Tản mạn về con trâu

 Năm 2009 rớt vào “lịch ta” là năm con Trâu. Năm cầm tinh con Trâu. Con trâu được ông bà xưa liệt vào hàng đầu của lục súc có công với con người. Lục súc là sáu giống vật người ta nuôi, gồm: trâu, ngựa, dê, gà, chó, lợn.

Vậy, con Trâu như thế nào nhỉ? Sách Quốc văn giáo khoa thư tả: “Con trâu lớn hơn bò và mạnh hơn. Lông đen, cứng và thưa, thỉnh thoảng có con lông trắng. Hai mắt lờ đờ, sừng to và cong lên. Trâu xem nặng nề và chậm chạp hơn bò. Tính nó thuần và hay chịu khó. Ăn uống ít, mỗi ngày vài ba nắm cỏ khô cũng đủ. Nó ưa đầm (mẹp) xuống nước, xuống bùn và có thể lội được qua sông. Trâu dùng để cày ruộng, kéo xe hoặc kéo che đạp mía. Thịt trâu không ngon bằng thịt bò. Da trâu dùng để bịt trống hay làm giày dép. Sừng trâu dùng làm các đồ vật như cán dao, lược, ống thuốc…”. Đó, con trâu là như thế đó.

Nói đến con trâu, riêng tôi thoạt tiên nhớ đến bài ca dao này:

Trâu năm sáu tuổi còn nhanh Bò năm sáu tuổi đã tranh về già Đồng chiêm xin chớ nuôi bò Mùa đông tháng giá bò dò làm sao?

Con trâu khỏe thật, chịu đựng giỏi thật. Về mặt này nó hơn con bò nhiều. Đúng là:

Trâu gầy cũng tầy bò giống.

Hay:

Yếu trâu bằng khỏe bò.

Nói đến trâu, tôi cũng nhớ đến bài ca dao này nữa:

Trâu ơi ta bảo trâu này Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta Cấy cày vốn nghiệp nông gia Ta đây trâu đó ai mà quản công Bao giờ cây lúa còn bông Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.

Bài ca dao này phải đi kèm với bài ca dao sau đây cho đủ bộ của sinh hoạt nông thôn đã có từ ngàn đời:

Rủ nhau đi cấy đi càyBây giờ khó nhọc có ngày phong lưuTrên đồng cạn dưới đồng sâuChồng cày vợ cấy con trâu đi bừa.

Thật vất vả nhưng có tương lai, chan hòa tình cảm nồng ấm, không chỉ với người mà lan ra cả con vật. Nồng ấm là vậy, còn tương lai ở đâu? Tương lai cũng ở thật gần đấy thôi:

Trâu bò được ngày phá đỗ Con cháu được ngày giỗ ông.

Trong ca dao tục ngữ, tôi để ý thấy nó luôn công bằng. Mặt tốt cũng khen, mặt xấu cũng chê, rất chính trực vì ca dao là sản phẩm được làm ra bởi nhiều người, lại được trải qua nhiều thế hệ bổ sung. Cho nên con trâu ích lợi như thế nhưng vẫn bị chê như thường, không tránh khỏi chỉ trích. Bị chê trước tiên là nó chậm chạp:

Thứ nhất vợ dại trong nhà Thứ hai trâu chậm, thứ ba rựa cùn.

Nó lâu lắc phát chán chường:

Dai như trâu đái.

Trâu còn mang tiếng chẳng biết gì về văn nghệ:

Đàn khảy (gảy) tai trâu.

Lại dữ dằn không biết liêm sỉ:

Đầu trâu mặt ngựa.

Giống trâu, dĩ nhiên có con này con khác, tính nết khác nhau. Người nông dân rất giỏi coi tướng trâu. Đấy là kinh nghiệm bao đời đúc kết truyền lại. Phàm trâu có khoáy ở trán hay đốm đuôi đều xấu cả, có thể gây hại cho chủ nuôi:

Tam tinh khoáy sọ thì chừa Đốm đuôi sát chủ thì đưa vào nồi.

Lại khẳng định nữa:

Lang đuôi thì bán, lang trán thì cày.

Con trâu gắn bó với nông dân cả ngàn đời nay, đi qua biết bao khổ cực. Nay không những “Trâu đen ăn cỏ” mà cũng lác đác “Trâu đỏ ăn gà”. Do đó, con trâu cũng ít vất vả hơn. Vẫn biết trâu là quan trọng:

Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà Trong ba món ấy lo là khó thay.

Nhưng tết phải cho trâu thoải mái. Ừ, đừng:

Buộc trâu trưa nát cọc…

Năm nay năm con Trâu, cầm tinh con Trâu, tôi cũng liên tưởng ngay tới bài Chăn trâu trong sách Quốc văn giáo khoa thư lớp đồng ấu, bài ấy tôi thuộc nhuyễn như cháo dinh dưỡng trẻ sơ sinh: Ai bảo chăn trâu là khổ? – Không, chăn trâu sướng lắm chứ! Đầu tôi đội nón mê như lọng che. Tay cầm cành tre như roi ngựa, ngất ngưởng ngồi trên mình trâu, tai nghe chim hót trong chòm cây, mắt trông bướm lượn trên đám cỏ. Trong khoảng trời xanh, lá biếc, tôi với con trâu thảnh thơi vui thú, tưởng không còn gì sung sướng cho bằng!

Thuộc lòng tức lòng thuộc thế thôi, nhưng lúc nhỏ tôi không chăn trâu. Cả chăn bò cũng không nốt. Như thế, theo quan niệm sung sướng của bài trên, tôi hoàn toàn khổ sở, không có sướng chút nào. Cũng tiếc thật!

Lúc nhỏ, tôi không phân biệt được con trâu này khác con trâu nọ trong cùng một bầy trâu. Con nào cũng giống nhau như đúc, cũng khổng lồ, cũng mốc xì, cũng sừng to cong bạt ra sau, cặp mắt hung dữ, mũi thở phì phì như ống bễ lò rèn. Khiếp. Tôi không dám lại gần. Nhưng với con bò tôi lại dễ phân biệt con này con nọ và dám đứng gần. Đấy là chuyện hồi nhỏ nhưng vẫn kéo dài đến bây giờ ấn tượng ấy. Giờ gặp con trâu tôi vẫn sợ hơn gặp con bò. Viết đến đây, đột nhiên có câu tục ngữ liên quan đến trâu, chạy xoẹt qua óc, đó là câu: “Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết”.

Xem ra câu này chưa chắc trúng về nghĩa đen. Nếu trâu bò húc nhau, một là bò chết, hai là trâu chết, ba là cả hai cùng chết, nhưng ruồi muỗi đâu có chết. Chúng bay tuốt chỗ khác. Chúng quá nhỏ và bay được cơ mà. Lại cũng còn câu tục ngữ này nữa, đó là: “Trâu cột ghét trâu ăn”. Câu này ý muốn ám chỉ con người chứ không phải trâu. Nếu dùng cho trâu thì trật rồi. Vì con trâu cột nó sẽ bứt dây để chạy ra ăn như con trâu kia đang ăn. Nó không ghét con trâu ăn đâu. Chỉ có con người mới ghét người khác ăn trong khi mình không được ăn. Vậy mà cứ đổ thừa cho trâu!

Ngô Phan Lưu (Báo Tuổi trẻ ngày 20/01/2009)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *