Những ngày giáp Tết, các nghệ nhân lại miệt mài tạo hình những linh vật trang trí đường hoa xuân. Mặc dù vất vả, nhưng mắt họ vẫn ánh lên niềm vui vì được mang những nụ cười ngày đầu năm đến nhiều gia đình.
Đường hoa Nguyễn Huệ (quận 1, TPHCM) đã quá quen thuộc với người dân TPHCM, là tín hiệu báo mùa xuân mới lại đến. Thông thường, sau khi đi lễ chùa ngày đầu năm, rất nhiều gia đình đã tham quan đường hoa, nhìn ngắm những linh vật đại diện cho con giáp trong năm theo văn hoá của người Việt. Đằng sau nét rực rỡ vui tươi của đường hoa sự là cần mẫn lặng thầm của những nghệ nhân tạo hình linh vật.
Thổi hồn cho linh vật đường hoa Tết
Những ngày giữa tháng 1.2021 (tức đầu tháng Chạp năm Canh Tý), nghệ nhân Nho Hoà Thanh (60 tuổi, người tạo hình linh vật đường hoa Nguyễn Huệ) mồ hôi nhễ nhại, tay đang xé vỏ tràm để đắp lên linh vật trâu vừa được phủ một lớp keo trước đó. Cùng với người đàn ông 60 tuổi này, nhiều nghệ nhân khác cũng mỗi người một khâu để hoàn thiện linh vật kịp trình làng đường hoa năm nay. Công tác chuẩn bị năm nay khó khăn hơn mọi năm bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên mọi người vì thế mà bận rộn hơn.
Việc tạo ra các linh vật cho đường hoa Nguyễn Huệ không còn xa lạ với nghệ nhân Nho Hòa Thanh. 10 năm nay, Tết Nguyên Đán với người đàn ông này luôn là dịp tất bật, có lúc phải tăng ca để hoàn thiện những sản phẩm thủ công trưng bày tại phố đi bộ Nguyễn Huệ những ngày xuân về.
“Tôi là dân thành phố, nhưng ngày xưa cũng đi làm ăn ở quê, ngắm nhìn những đàn trâu ăn cỏ, đi xe trâu, chuyển hàng bằng xe trâu, đó là những kỷ niệm thời trẻ khó quên. Nay khi làm linh vật trâu, tôi phải “phiêu”, thả hồn mình vào sản phẩm thì linh vật khi thành hình mới có hồn. Công việc không quá khó nhưng để tạo hình trâu đẹp, trâu không bị “đơ” thì cũng không đơn giản” – ông Thanh tâm sự về kỷ niệm với con trâu – linh vật của đường hoa năm nay.
Sau khi hoàn thành linh vật, ông Thanh sẽ cùng các đồng nghiệp thực hiện lắp ráp những linh vật này tại đường hoa xuân. Xuyên suốt Tết Nguyên đán Tân Sửu, nghệ nhân này cũng sẽ trực kỹ thuật tại đây, nếu có sự cố thì xử lý ngay. 10 năm làm linh vật cũng là 10 năm người nghệ nhân này không thường xuyên có mặt ở nhà những ngày đầu xuân vì ông còn bận “mang Tết” đến cho nhiều gia đình khác. “Mình hy sinh vài ngày nghỉ Tết nhưng mang niềm vui đến mọi người thì sẵn sàng thôi” – ông Thanh tươi cười.
Cũng giống như ông Thanh, nghệ nhân Văn Tòng cũng nhiều năm gắn bó với công việc làm linh vật, đến nỗi ông không nhớ rõ mình đã làm bao nhiêu năm. Mỗi dịp Tết đến, ông Tòng lại đều đặn làm công việc tưởng chừng rất nhàm chán, nhưng mỗi linh vật đều có những ký ức riêng khiến ông đủ độ “phiêu” để thả hồn tạo hình từng đường nét cho các linh vật.
“Bản tính trâu là gần gũi, hiền lành, thân thiện, gần lũy tre làng nên phong cảnh đường hoa năm nay sẽ mang đậm tính hồn Việt. Nhiều người cho rằng, đối với con trâu, sẽ khó gắn với hình ảnh thông minh, lém lỉnh nhưng thực tế, mỗi con vật đều có sự khôn ngoan, đáng yêu riêng, những chú trâu lập thể đưa góc nhìn hiện đại vào đường hoa, đó cũng là mong muốn của những người thực hiện” – nghệ nhân Văn Tòng cho biết thêm.
Nôn nao nhìn ngắm từng linh vật ra lò
Anh Nghiêm Nghệ Thuận, một truyền nhân của nghệ nhân Văn Tòng đã hai năm tham gia tạo hình linh vật. Chàng trai 24 tuổi rất nôn nao nhìn ngắm từng sản phẩm ra lò, vừa làm vừa học nghề từ những người thầy đi trước.
Theo anh Thuận, từ 1 khối xốp lớn để tạo hình 1 con trâu lớn phải mất 6-7 ngày. Đầu tiên, người nghệ nhân phải cắt thành hình thù sơ bộ, sau đó gọt chi tiết hơn. Khi trâu đã có nét, người nghệ nhân sẽ chà, dũa cho láng rồi dán vải và trét bột. Năm nay, vỏ bên ngoài của trâu được làm từ lá sen, vỏ tràm, những nguyên liệu gắn liền với nông dân Việt Nam.
“Tôi rất nôn nao chờ đến khi linh vật trâu sản xuất xong. Khi đường hoa diễn ra, tôi nhất định sẽ tới tham quan, nhìn ngắm lại những tác phẩm mình đã làm, xem có những thiếu sót gì sẽ tự rút kinh nghiệm cho bản thân để năm sau làm ra những linh vật sắc nét, sinh động hơn” – anh Thuận nói.
Không chỉ tạo hình linh vật cho đường hoa Nguyễn Huệ, xưởng sản xuất của nghệ nhân Văn Tòng còn nhận thêm đường hoa ở Cần Thơ và một vài địa phương khác ở Miền Tây.
“Tạo hình linh vật bây giờ không còn khó như trước vì đã có máy móc hỗ trợ. Máy có thể tạo hình 3D đúng với yêu cầu của thiết kế đưa ra. Tuy vậy, máy móc không tạo ra nét riêng cho từng linh vật, thiếu cái hồn riêng biệt nên nhiều địa phương vẫn ưa chuộng đặt hàng các xưởng sản xuất thủ công.
Cá nhân tôi không thích sử dụng máy mà muốn mỗi con vật đều do con người tự tay làm ra. Mấy chục năm rồi, năm nào tôi cũng tạo hình linh vật nhưng mỗi con tôi đều cho tôi cảm xúc riêng, rất khó tả. Nhiều người nghĩ rằng mắt là linh hồn để tạo nên linh vật sống động nhưng thật ra từ vóc dáng, tay chân, lông mày,… đều quan trọng. Làm sao để thật hài hoà thì linh vật mới gần gũi, đáng yêu” – nghệ nhân Nguyễn Quốc Thuận chia sẻ về quá trình làm đường hoa.
Linh vật trâu 2021 thiên về tính tạo hình và kiến trúc
Đường hoa Nguyễn Huệ 2021 là đường hoa thứ 18 được thực hiện trong dịp Tết cổ truyền tại trung tâm TPHCM, kể từ lần đầu tiên vào năm 2004. Với chủ đề “TPHCM: Văn minh – Hiện đại – Nghĩa tình”, đường hoa Nguyễn Huệ Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 diễn ra trong 7 ngày, khai mạc lúc 19 giờ ngày 9.2 đến 21 giờ ngày 15.2.2021 (tức từ 28 Tháng Chạp Âm lịch đến hết Mùng 4 Tết). Được biết, đường hoa Nguyễn Huệ Tết Tân Sửu 2021 được chia thành 2 chương, gồm “Con đường hội tụ bản sắc” và “Con đường hướng tới tương lai”, với 13 phân cảnh lớn, nhỏ khác nhau. Linh vật của năm Tân Sửu – trâu, được dân gian gọi thân thương là “bạn của nhà nông”. Thay vì tạo hình trâu được nhân cách hóa như những linh vật của các năm trước, linh vật trâu năm nay được thiết kế thiên về tính tạo hình và kiến trúc.
Ảnh đầu bài: Công đoạn phết sơn được làm cẩn thận để lớp sơn đều, trông đẹp mắt. Ảnh: Thanh Chân