Con trâu không chỉ cung cấp sức kéo đưa nền nông nghiệp lúa nước xưa kia tiến lên mà còn là nguồn cung cấp thịt, da, sữa đáng quý. Khi xuất hiện trên sa trường, trâu là một lực lượng hùng mạnh, đáng gờm.
Một phần tất yếu của văn minh lúa nước
Cộng đồng người Việt xưa kia phát triển từ khu vực đồng bằng sông Hồng, nơi có thổ nhưỡng thích hợp cho canh tác nông nghiệp. Do sẵn nguồn nước tưới và đất phù xa màu mỡ nên các loại cây trồng, đặc biệt là lúa nước, lớn nhanh và cho năng suất cao.
Tương tự như sông Hồng ở Việt Nam, sông Hoàng Hà ở Trung Quốc, sông Nile ở Ai Cập hay sông Ấn ở Ấn Độ cũng tạo ra những vùng đồng bằng rộng lớn.
Khí hậu của các khu vực này thích hợp để canh tác nhiều vụ trong năm. Ngày nay, nông dân Bắc Bộ nước ta vẫn làm hai vụ lúa là hè thu (năng suất cao) và chiêm xuân (năng suất thấp hơn).
Khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và đồng bằng ven biển Trung Bộ còn có thể canh tác ba vụ một năm.
Các cư dân đồng bằng không những nuôi sống được bản thân mà còn có của để dành, đảm bảo “an ninh lương thực” cho gia đình. Một trong những nhân tố quan trọng giúp Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam và nhiều quốc gia châu Á khác có dân số đông đúc từ thời xưa chính là khả năng làm ra đủ thực phẩm.
Trong khi đó, châu Âu chỉ canh tác một vụ lúa mì trong năm với sản lượng thấp hơn rõ rệt so với hai vụ lúa nước, dân số cũng vì vậy mà tương đối nhỏ.
Nói đến sự phát triển của nông nghiệp Việt Nam nói riêng và phương Đông nói chung không thể không kể đến con trâu nước, loài vật được thuần hóa từ 5.000 năm trước để làm sức kéo. Bò cũng là một con vật được dùng nhiều trong nông nghiệp, nhưng như các cụ đã nói “Yếu trâu còn hơn khỏe bò”, ý nói sức làm việc của trâu hơn bò rất nhiều.
Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy xương trâu tại các di tích văn hóa Đông Sơn, chứng tỏ cư dân thời Hùng Vương đã sử dụng trâu trong nông nghiệp. Nam nhi đất Việt xưa kia có ba việc lớn cần làm trong đời thì việc đầu tiên là có liên quan đến con trâu:
Tậu trâu – Lấy vợ – Làm nhà
Cả ba việc ấy thậy là khó thay
Ngày nay, số lượng trâu tại Việt Nam và nhiều nước đã suy giảm đáng kể. Nghiên cứu của Tiến sỹ Toshihiko Nakao đăng trên Tạp chí Khoa học Động vật (Animal Science Journal) đã kể ra một số nguyên nhân như:
1. Gia tăng cơ giới hóa, bớt sử dụng trâu làm sức kéo
2. Đô thị hóa làm giảm diện tích đất nông nghiệp
3. Dân số con người ngày càng tăng, thu nhập và mức sống cũng đi lên dẫn tới tăng nhu cầu ăn thịt, trong đó có thịt trâu
4. Trâu sinh sản chậm và không thích hợp với các công nghệ sinh học như thụ tinh nhân tạo.
Đặc tính bất ngờ của sữa trâu
Theo thống kê của Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO), sản lượng sữa toàn cầu năm 2019 đạt 883 triệu tấn, trong đó riêng sữa trâu là gần 134 triệu tấn, chiếm 15,2%. Cùng năm này, Việt Nam sản xuất hơn 1 triệu tấn sữa, trong đó có khoảng 27.000 tấn sữa trâu.
Theo nhiều nghiên cứu khoa học, ưu điểm của sữa trâu có hàm lượng acid béo bão hòa cao hơn sữa bò. Ngoài ra, hàm lượng chất khô tổng số cao giúp sữa trâu thích hợp để làm phô mai, bơ, nhiều loại kẹo và kem. Tại Italy, sữa trâu được bán với giá khá cao và là thành phần quan trọng trong sản xuất loại phô mai truyền thống nổi tiếng Mozzarella.
Năm 2019, Ấn Độ là nước có sản lượng sữa trâu cao nhất thế giới với 92 triệu tấn, theo sau là Pakistan với 34,4 triệu tấn, Trung Quốc 2,9 triệu tấn, Ai Cập 2,1 triệu tấn.
Thịt trâu ít béo và cholesterol
Thịt trâu tương đối phổ biến ở các nước đi lên từ nông nghiệp. Năm 2019, cả thế giới sản xuất 337 triệu tấn thịt động vật các loại, trong đó có 4,3 triệu tấn thị trâu, tương đương 1,3%.
Việt Nam làm ra 4,9 triệu tấn thịt thì có hơn 94.000 tấn là thịt trâu, chiếm 1,9%. Sản lượng thịt bò là khoảng 355.000 tấn, tương đương 7,2%, còn lại là thịt lợn, gia cầm và các loài vật khác. Năm 2007, sản xuất thịt trâu của nước ta đạt đỉnh gần 110.000 tấn.
Top 4 quốc gia vô địch về sữa trâu cũng là những nước dẫn đầu thế giới về sản lượng thịt trâu năm 2019, cụ thể là Ấn Độ 1,62 triệu tấn, Pakistan 1,1 triệu tấn, Trung Quốc 659.000 tấn và Ai Cập 366.000 tấn.
Một con trâu trưởng thành nặng 600 kg có thể cho ra khoảng 220 kg thịt. Thịt trâu nhiều nạc và có mùi vị rất giống thịt bò. Về thành phần dinh dưỡng so với thịt bò, thịt trâu tốt hơn do chứa ít cholesterol hơn 40%, ít calo hơn 55%, nhiều protein hơn 11% và nhiều chất khoáng hơn 10%.
Trâu trên chiến trường
Năm 284 Trước Công nguyên vào thời Chiến Quốc, đại tướng nước Yên là Nhạc Nghị thống lĩnh quân chư hầu tấn công nước Tề và nhanh chóng chiếm được 70 thành trì. Chỉ còn hai thành của nước Tề cố thủ được là Cử và Tức Mặc.
Đến năm 279, đại tướng nước Tề là Điền Đan tổ chức phản công bằng trận “hỏa ngưu” nổi tiếng. Để chuẩn bị cho trận đánh, Điền Đan tìm trong dân khoảng 1.000 con trâu, sai binh sĩ vẽ vằn rồng ngũ sắc vào lưng, buộc mũi nhọn ở đầu sừng, buộc lau có tẩm mỡ vào đuôi trâu.
Ban đêm khi lâm trận, quân Tề châm lửa đốt bó lau có mỡ ở đuôi khiến trâu bị nóng mà hung hăng lao về phía trước, khiến quân Yên hoảng loạn, tan vỡ. Quân Tề thừa thắng xông lên, thế như chẻ tre và chiếm lại được tất cả 70 thành.
Tại Việt Nam, “Quận He” Nguyễn Hữu Cầu cũng sử dụng trận hỏa ngưu tại Đồ Sơn (Hải Phòng) để phá tan vòng vây của chúa Trịnh vào giữa thế kỷ thứ 18. Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn ngày nay cũng bắt nguồn từ thời Quận He.
Nhiều thế hệ người Việt Nam cũng đã quen với câu chuyện cậu thiếu niên Đinh Bộ Lĩnh cưỡi trâu, tay cầm bông lau chơi trận giả, lộ rõ phong thái của một Vạn Thắng Vương dẹp loạn 12 sứ quân trong tương lai.
Da trâu là vật liệu lý tưởng để làm trống, vừa dùng trên chiến trường để làm hiệu lệnh và khích lệ tướng sỹ, lại vừa dùng trong các dịp tế lễ, hội hè.
Theo thống kê của FAO, năm 2019, cả thế giới sản xuất hơn 815.000 tấn da trâu. Trong đó Ấn Độ là hơn 356.000 tấn, Trung Quốc 190.000 tấn, Pakistan 141.000 tấn, Ai Cập 41.000 tấn, Nepal và Việt Nam lần lượt 31.700 và 17.600 tấn.
Đức Quyền – Song Ngọc (vietnambiz.vn)