Nhớ trâu – tản văn của Nhật Minh Mùa chăn trâu bắt đầu khi những cánh đồng đã hết mùa lúa, lũ trẻ ngồi lưng trâu, dắt trâu ra các cánh đồng chăn thả, cho trâu ăn cỏ… Trong ký ức của tuổi thơ, có lẽ chăn trâu là kỷ niệm không thể nào quên. Tuy lứa tuổi của tôi không được cảm nhận điều này nhưng mỗi khi thấy hình ảnh con trâu thì tôi lại say mê, ngắm nhìn chúng như đã quen nhau từ thuở nào.
Trở về với quá khứ, tôi tìm gặp chú, bác lớn tuổi, từ đây rất nhiều ký ức lại ùa về. Ngày xưa lúa chỉ làm một vụ, từ mùng 5 tháng 5 là gieo mạ, thời điểm này trâu bắt đầu cày đến tháng 6, 7 âm lịch, khi mạ đã khởi đầu sự sống thì nông dân sẽ tiến hành nhổ mạ, bừa đất và cấy. Ðến tháng 12 mới thu hoạch lúa ăn Tết.
Theo trí nhớ của ông Trang Hoàng Lãm (Tư Lãm), huyện Ðông Hải, tỉnh Bạc Liêu: “Mùa sao cày vào ban đêm (nhìn trên trời thấy sao giống như cái cày ruộng) cũng là lúc vào vụ cày đất, nông dân tranh thủ cày ngày đêm cùng với trâu. Giai đoạn từ 2, 3 giờ sáng đến hừng đông là lúc thả trâu đi ăn để cho trâu lấy lại sức, trâu cũng tranh thủ nghỉ ngơi ngoài ruộng”.
Lúc ấy tụi nhỏ đang chìm vào giấc ngủ say, biết nhiệm vụ mình thả trâu phải thức dậy sớm. Khi trời chưa sáng phải thức dậy, chuẩn bị một số công cụ chăn trâu, trên đường đi cũng hò reo tụi bạn chăn trâu ở xóm, cùng nhau ra đồng. Trên cánh đồng cho trâu ăn thì cũng có những cánh đồng chưa cày và cánh đồng đã cày, trâu và đám nhỏ cứ lân la qua cánh đồng này đến cánh đồng khác để kiếm cỏ cho trâu ăn.
Trâu kéo lúa – “đặc sản” của người dân Nam bộ.
Xóm này qua xóm kia, cứ thế tụi nhỏ chăn trâu quen nhau hồi nào không hay. Hành trang đi chăn trâu là một miếng cao su, áo mưa, một cái cà mèn trong đó là vài trứng vịt tươi đã luộc, đậu phộng rang… được ông bà, cha mẹ chuẩn bị sẵn. “Bữa nào cày buổi chiều thì khỏi mang cơm, mình được về nhà ăn cơm. Bữa nào chăn trâu ngay trời mưa mà gần khu vực miếu Ông Tà thì tụ tập lại, che bạt để ăn cơm; hay tắm mưa; chơi chạy đua, đánh hưng, u hơi…”, ông Tư Lãm kể. Theo mấy người già xưa, Ông Tà rất thích con nít, tụi nhỏ chạy giỡn gần miếu cũng không ảnh hưởng gì.
Ða phần là trâu cày đồng loạt và chăn trâu đồng loạt nên những ngày nào trâu được nghỉ ngơi thì đám con nít cũng nghỉ. Không điện thoại, cũng không nhắn gửi gì, vậy mà tụi chăn trâu chơi chung với nhau, cùng nhau lớn khôn.
Thấy vậy chứ cũng là chăn trâu nhưng không thân nhau lắm, cũng muốn cạnh tranh coi trâu thằng nào khoẻ, to thì làm đàn anh giữa xóm này với xóm kia. Những lúc trâu đã no cỏ, say giấc thì những trò chơi mang tính “bạo lực” như bắn nạng thun, thụt ống thụt được “khơi màu” để khiêu chiến. Hôm nào muốn chơi thì cử 1 thành viên được xem là “đại ca” ở xóm này qua xóm khác để bàn bạc địa điểm, đa phần là những vườn chuối, đám sậy… Ðứa nào cũng trang bị nạng thun khoảng 2 cái, được đeo vào cổ; đạn được vò bằng đất sét, chia đội để bắn nhau, đội nào thắng thì tịch thu nạng thun của nhau, mà khoái nhất là nạng thung sừng trâu.
Chiều về.
Rồi đến khoảng tháng 2 âm lịch là mùa của nắng và gió, vào lúc chiều là ánh nắng vàng xuyên rọi qua từng cánh đồng, thửa ruộng. Nắng nhè nhẹ, đám chăn trâu mang diều theo, cùng vi vu trong gió. Tuổi thơ còn khó khăn, thời ấy dây thả diều phải đi xin chỗ này chỗ kia, được một sợi dây thả diều không biết nối bao nhiêu mắt (thắt nối của dây) mới thả được. Ông Tư Lãm tâm tình: “Diều được làm bằng tre hoặc trúc, rồi đi xin giấy “nhựt trình” (còn gọi là giấy báo) dán lại bằng hồ thủ công (tự làm). Có khi cha mẹ đi chợ mua mớ rau có giấy gói thì cũng tranh thủ lấy làm diều”. Khi trâu đã no cỏ thì trời cũng chạng vạng tối, tụi nhỏ lại đánh trâu về.
Mùa chăn trâu kết thúc khi lúa đã cấy xong, không còn chỗ nào để có cỏ cho trâu ăn nữa. Vì thế người lớn “chỉ đạo” đám con nít đi cầm trâu, qua vùng năn sậy mới có thức ăn, hay bà con gọi là “Cánh đồng chó ngáp” và cũng là mùa len trâu.
Lúc ấy nhà nào cũng 3, 4 con trâu thì sẽ có 1 con trâu cầm bầy, đến mùa len trâu chỉ ngồi trên lưng trâu, chỉ đường cho trâu đi rồi những con trâu khác sẽ đi theo. Trâu bản tính rất khôn, biết chủ mình. Dân gian có câu: “Lạc đường thì nắm đuôi chó, lạc ngõ thì nắm đuôi trâu”, có những con trâu đã đi về đất cầm trâu, lạ nước lạ cái rồi vượt đường quay về với chủ. Theo ông Tư Lãm: “Nó về là đi sáng đêm luôn, nằm trong mùng nghe hì hục, gặm cỏ… là biết trâu mình về. Qua mấy ngày sau phải dẫn trâu đi và căn dặn chủ mới giữ đừng cho trâu về”.
Ông bà ta thường nói: “Con trâu là đầu cơ nghiệp” đã phản ánh được vị trí của trâu trong đời sống sản xuất. Trâu không chỉ hiện thân cho người nông dân mà còn thể hiện cho sự thông minh, chịu thương, chịu khó. Biểu hiện là cái roi trâu, khi chủ đánh vài cái là trâu tự quỳ cho mình cưỡi; hay leo trực tiếp lên đầu trâu, trâu cũng hiểu ý hạ mình xuống cho chủ lên ngồi. Hình ảnh con trâu còn gắn liền với nhiều giai đoạn lịch sử của dân tộc, nhiều câu chuyện, giai thoại được vẽ nên với nhiều chủ đề, hoàn cảnh khác nhau và trở thành biểu tượng truyền thống vững bền của dân tộc.
Nhật Minh (báo Cà Mau)