Nguyên trâu chuyển động

Nguyên trâu tóc túm buộc đằng sau mũ lưỡi trai bết dính trên đầu, mắt nheo nheo rổn rảng cười khề khà nói. Tân sửu niên này chẳng phải năm tuổi, nhưng chắc sẽ là một tốt tươi với Lê Đình Nguyên (ảnh bên), bởi cái nickname trâu do họa sĩ Lê Thiết Cương đặt cho đã dính chặt vào lão, kể từ triển lãm cá nhân Trâu Nguyên lần thứ nhất năm 2010 tại gallery 39 Lý Quốc Sư. Nguyên trâu rồi Nguyên chao Nguyên mắm vì cái lẩn thẩn lần mò vào các làng biển mua cá tươi về ủ lấy nước mắm nhĩ ăn rồi tặng bạn bè, hay biệt tài làm chao cũng khét tiếng, tên gì thì tên cuối cùng vẫn đọng lại một Lê Đình Nguyên nhà điêu khắc đang thành công và được ưa chuộng bây giờ…

1 Hình như dạo này Nguyên trâu ít tới lui vùng Hải Hậu (Nam Định), Sầm Sơn (Thanh Hóa) đón lõng ngư dân rong thuyền về mua hàng tấn cá nữa, chứ có dạo bước vào cổng nhà, ngôi nhà xinh xắn kề bên đình Yên Phụ đón gió hồ Tây, chỉ thấy sực lên mùi mắm, mùi các vật nuôi chó, gà, chim chóc… đủ thể loại. Khách khứa đến chơi chưa kịp khoe tượng đã lôi lên sân thượng khoe dãy dài chum vại, khi nước mắm chín lại lọ mọ chắt ra vỏ wisky, bạn bè quý ai lắm gặp thì dấm dúi cho một chai kèm lời dặn dò cách thưởng thức. Dân tình có dạo rỉ tai nhau trong cái túi lùng nhùng đi đâu Nguyên trâu cũng đeo qua người, luôn thủ sẵn vài chai chao, chai mắm. Bỏ qua cái vẻ ngoài tưởng đại khái xuề xòa, lại là một nghệ sĩ luôn đẩy đến tận cùng những đam mê bất tận, đam mê từ những điều thường tình đang dần mai một: bát nước mắm nhĩ trên mâm cơm gia đình. Vốn là con trai một cán bộ cách mạng lão thành quê gốc Quảng Ngãi tập kết ra bắc, Nguyên trâu cũng nhiễm tính cách ngang ngang bộc trực đúng khí chất miền trung. Nghịch thôi rồi từ thuở học sinh, luôn đầu trò các vụ quậy phá nhất quỷ nhì ma… đến độ dù có bố làm lãnh đạo mà suốt thời học sinh vẫn không được kết nạp đoàn, đồng nghĩa với thiếu điều kiện thi đại học. Chưa đi học thì làm công nhân, 18 tuổi ngồi cùng phòng, cùng bộ phận với toàn các kỹ sư, khéo tay nhanh trí, năng khiếu vẽ đẹp từ bé, cuối cùng Lê Đình Nguyên cũng được những lãnh đạo nhà máy bao dung mến tài ký giấy bảo lãnh cho thi vào mỹ thuật công nghiệp. Cú cười mỉm của số phận thuở ấy đã là tiên đề, điểm tựa để hình thành nên một nghệ sĩ điêu khắc sáng giá về sau này…

Nguyên trâu chuyển động -0
 Trâu nhà. 

Lê Đình Nguyên từ họa sỹ thiết kế ở Nhà hát Múa rối Trung ương đến khi định danh được nickname Nguyên trâu của mình là chặng đường đương nhiên dài và không hề dễ dàng bằng phẳng. Trong những tháng năm nghệ thuật biểu diễn nước nhà lâm cảnh khốn khó, nghệ sĩ rối cũng không hề ngoại lệ, Lê Đình Nguyên hơn một lần từ chối lời mời đi làm ăn sinh sống ở nước ngoài. Cũng tương tự lúc cánh cửa đại học đóng sập trước mặt, được định hướng xuất khẩu lao động sang xứ người, nhưng chàng trai trẻ lông bông vẫn nhất mực lắc đầu. Những chọn lựa đầu đời tưởng hời hợt tự phát, rất có thể là tín hiệu chỉ dẫn rằng sân khấu của Nguyên trâu chính là mảnh đất này, bầu không khí này, là những cảnh vật tạo dựng nên cuộc sống thân thương gắn kết, là cội nguồn văn hóa dân tộc đã tự nhiên ngấm vào cơ thể trộn nhuyễn vào tâm hồn… Tất cả đã là nguồn dinh dưỡng tự nhiên ươm mầm chăm chút cho một tư chất nghệ sĩ ngay lúc còn hoang mang lựa chọn.

2 Đón Tết Tân sửu, Nguyên trâu khoe cả loạt tác phẩm Trâu nhà Trâu đôi. Từ buổi chạng vạng hoàng hôn trên đồi ngắm bản Lác (Mai Châu), nhìn những mái nhà và ơ rê ka, lập tức ý tưởng cho trâu Tân Sửu ra đời, cháy hàng tắp lự. Nắm được các bí quyết tạo hình rối, cách thức cho con rối chuyển động và biểu cảm, Lê Đình Nguyên đã có những khai phá thành công cho lĩnh vực điêu khắc động. Từ các tạo hình trâu, đến chuột hay những chân dung văn nghệ sĩ cùng thời… đều định dạng một Nguyên trâu tinh nghịch, lãng mạn và đầy ẩn dụ về thời cuộc, về cõi nhân sinh. Đặc biệt dù chất liệu gốm, thạch cao giấy bồi sắt nhôm đồng hay gì gì nữa, thì tượng của Nguyên trâu đều rất tương thích với không gian sống hiện đại, cảm giác như đặt vào đâu cũng vừa mắt. Bởi thế nên Nguyên trâu khoe tượng đến đâu, lập tức có người tìm mua đến đấy. Triển lãm Nguyên trâu 2 ở Bảo tàng mỹ thuật hồi 2017 ngay khi chưa kết thúc, các tác phẩm trưng bày đã được “xí chỗ” hết veo. Vượt lên trên yếu tố trang trí decor thông thường, Nguyên trâu đã kể cho những trâu bom, trâu kẻng, trâu đồng hồ, trâu áo tơi… một câu chuyện, biến hóa cho chúng một tâm hồn cốt… đúng như những chia sẻ của họa sĩ Thành Chương: “Bước vào thế giới điêu khắc động của Nguyên là sa vào một thế giới dị thú diệu kỳ. Ta như tỉnh như mơ đi hết từ ngỡ ngàng này đến bàng hoàng khác. Sức tưởng tượng vô bờ và sự lao động sáng tạo khôn lường của Nguyên thật đáng nể trọng”. Những xù xì bụi bặm đôi khi hưng phấn quá đà đời thường, nhiều khi tưởng như chẳng dính líu gì đến những tác phẩm dễ làm xao xác lòng người. Nguyên trâu dễ mủi lòng dễ xúc động, nhưng cũng dễ nóng giận dễ bừng bừng trước những chướng tai gai mắt ở đời, có lần cà khịa “sao lão thừa năng lượng để chửi, chửi từ cháu hoa hậu hút thuốc đến cháu hoa hậu bị coi là ít xinh”, cũng chỉ thấy khì khì cười rồi lại đem khoe tác phẩm mới. Dăm lời tăng động bỗ bã thế chắc cũng nhằm thư giãn xả bớt van sau những giờ phút tư duy sáng tạo, những bột phát các ý tưởng và nghiến ngấu thể hiện, nhà điêu khắc Lê Đình Nguyên đã để chính tác phẩm của mình cất tiếng hộ mình, phát ngôn cho mình một cách kiêu hãnh nhất. Làm gì cũng quyết liệt, nhận lời tạo hình rối cho Nàng Kiều của Nhà hát Múa rối Trung ương tham gia Liên hoan sân khấu thử nghiệm quốc tế, Nguyên trâu đã khiến cho các con rối đàng hoàng bước ra khỏi vở diễn, trở thành những nhân vật có tiểu sử, những tác phẩm hoàn chỉnh. Đủ đầy năng lực sáng tạo, đậm đà thẩm mỹ, lại nhiễm cả cái điên điên lẫn thực dụng khi lên ý đồ tác phẩm, nhà điêu khắc Lê Đình Nguyên xứng đáng có được công chúng của mình, những công chúng nhiệt thành đi theo anh suốt hàng chục năm ròng.

Nguyên trâu chuyển động -0

Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nhưng nhà điêu khắc Lê Đình Nguyên lại thấm đẫm cái tinh thần đồng quê châu thổ sông Hồng. Nghịch từ ấu thơ đến tận giờ, nghịch từ điệu cười hồn nhiên đến mắt tai mũi miệng tạo hình nhân vật cả vật cả người, Nguyên trâu tuổi chuột sinh Canh tý đã qua vòng lục thập hoa giáp, cực khôn ngoan tài tình khi quyện hòa được nhịp điệu dân gian lẫn hơi thở đương đại vào tác phẩm, ranh mãnh uyển chuyển sắp đặt đẩy đưa chúng vào một đời sống thực thụ. Và riêng biệt. Để rồi chúng đủ thẩm quyền tồn tại, ung dung đi lại giữa cuộc đời không thôi chuyển động này…

 Ngô Hương Sen (Nhân Dân hằng tháng)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *