Ngày mới của làng trống cổ xứ Kinh Bắc

Làng nghề làm trống truyền thống thôn An Quang, xã Lãng Ngâm (huyện Gia Bình, Bắc Ninh) những ngày cuối năm rộn vang tiếng máy bào, cưa… xen lẫn tiếng thử trống “thùng thình” như ngày hội.

Rộn ràng thanh âm

Ông Nguyễn Viết An, một bậc cao niên trong làng cho biết: “Người trong làng còn khoảng 15 hộ giữ nghề xưa. Hiểu cặn kẽ về nghề làm trống cổ của làng có nghệ nhân Nguyễn Đình Chiện, làm phó cả hơn 60 năm rồi”.

Nhà ông Chiện nằm lưng chừng núi Thiên Thai. Ông và con trai đang cần mẫn chuẩn bị đồ nghề làm trống trên sân. Năm nay ông Chiện đã bước sang tuổi 80 nhưng còn khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Ông kể, tương truyền, cách đây khoảng 300 năm, một người làng Đọi Tam (xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, Hà Nam) đến đây định cư. Thấy người dân trong vùng chỉ sinh sống bằng nghề nông, trong khi nguồn nguyên liệu dồi dào, người đó dạy cho dân làng cách làm trống. Có gia đình đến nay duy trì được bốn, năm thế hệ làm nghề này.

Để làm được một chiếc trống hoàn chỉnh phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ. Da trống được lựa chọn từ những miếng da trâu tốt nhất, cạo lớp phôi cho mỏng, đem căng đều các góc rồi phơi khô trong ba ngày. Trước khi sử dụng, nghệ nhân cho da trâu “ngậm” nước hết cỡ, rồi nạo miếng da trâu cho đủ độ mỏng bằng lưỡi dao ngọt sắc được rèn từ làng nghề Đa Sĩ.

Tang trống, không phải tìm kiếm nguyên liệu đâu xa. Dọc dãy núi Thiên Thai trồng nhiều mít, cho gỗ mềm, dễ tạo tác và nhất là không bị cong vênh, nứt vỡ khi thời tiết thay đổi. Gỗ mít cưa về được cắt làm nhiều khúc, sau đó xẻ thành từng dăm nhỏ tùy theo kích thước của loại trống định làm. Làm ra những chiếc dăm đều nhau, người lành nghề chỉ dùng chiếc cưa tay thủ công. Hai người phải dùng sức kéo đều tay lượn lưỡi cưa qua miếng gỗ theo một độ cong nhất định. Mỗi ngày làm việc hết sức được khoảng bốn chục chiếc dăm như vậy. Những chiếc dăm trống được khép khít vào nhau và bào nhẵn đến mức mắt thường khó nhìn thấy vết ghép.

Kể đến đây, ông Chiện nói: “Các chú đến đúng lúc tôi và con trai đang chuẩn bị bưng trống. Các chú ra ngoài này, tôi vừa kể vừa làm”. Trong lúc ông Chiện kể chuyện nghề thì anh Nguyễn Đình Linh, người con trai út của ông đã chuẩn bị xong đồ nghề. Chiếc khung được dựng bằng bốn thanh tre xếp chồng lên nhau thành hình chữ nhật. Trên khung tre ấy, hai chiếc “dầm cái” nâng chiếc bàn gỗ. Bên trên là chiếc trống đã bịt da trâu được ghim chặt bằng dây thừng xoắn chéo góc chắc chắn.

Lúc này, bữa tiệc âm thanh làng nghề trống bắt đầu. Đặt bốn miếng chêm vào các góc của “dầm cái”, anh Linh dùng chiếc vồ lớn bằng gỗ gõ mạnh vào từng miếng chêm. Bốn góc của “dầm cái” nâng dần bàn gỗ làm dây thừng chung quanh kéo căng da trâu trên mặt trống. Tưởng chừng da trâu không thể căng thêm được nữa thì ông Chiện bất ngờ bước lên đỉnh trống. Bằng những động tác uyển chuyển như vũ công, ông dùng gót chân giậm từ giữa mặt trống ra ngoài nhịp nhàng thành những âm thanh đều đều “thùng thùng, thùng thùng…”. Sau những nhịp giậm ấy, chiếc vồ trong tay anh Linh lại làm miếng da trâu căng thêm một chút. Công việc chỉ dừng lại sau khi ông Chiện dùng miếng gỗ gõ lên mặt trống để đánh giá chiếc trống đã đạt chuẩn âm thanh. Lúc này, anh Linh dùng chiếc đục tạo những lỗ ken dày hình trái núi trên viền trống. Từ những lỗ ấy, ông Chiện cẩn thận chêm thanh tre vót nhọn rồi chặt bằng mặt tang trống. Miếng da trâu được ghim chặt trên tang trống, ken đều những đầu tre như người ta đính hạt cườm lên cổ áo.

Ngày mới của làng trống cổ ảnh 1

Cẩn thận với từng công đoạn làm trống.

Làng nghề chắp cánh

Đang trò chuyện với chúng tôi thì điện thoại của ông Chiện đổ chuông. Đó là khách hàng từ thị trấn Chờ (huyện Yên Phong, Bắc Ninh) thuê ông sửa và trang trí lại chiếc trống đình cách đây ba năm từng đặt của ông. Ông Chiện “khoe” với chúng tôi hai cuốn sổ dầy ghi danh sách khách đặt, sửa trống từ năm 1975 đến giờ. Ông nhớ lại: “Ngày đó, cứ cơm nắm muối vừng mang sẵn, tôi rong ruổi trên chiếc xe đạp Thống Nhất mang trống đi giới thiệu khắp Bắc Ninh rồi qua cả Hà Nội, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên. Có ngày mưa rét về muộn, đò vừa qua sông, gọi không nổi, tôi bèn gióng lên mấy hồi trống. Nhà đò biết được, quay lại chở thêm chuyến đò muộn”.

Trong gia đình ông Chiện, ngoài anh Linh, người con trai còn lại là anh Nguyễn Đình Quynh cũng đang giữ gìn nghề truyền thống. Từ năm 2000, hai anh đã mạnh dạn nhập máy cưa, bào nhằm tăng năng suất lao động. Nếu trước đây, trung bình một ngày gia đình ông Chiện chỉ làm được 40 chiếc dăm thì nay có thể làm gấp sáu lần số ấy. Nguyên liệu làm trống còn thừa được sắp gọn trong kho, sẵn sàng đưa vào sử dụng khi cần.

Làng trống cổ ven sông Đuống

Ông Nguyễn Đình Chiện và con trai chuẩn bị bưng trống.

Để tăng tính ổn định cho đầu ra sản phẩm, các hộ sản xuất trống trong thôn An Quang thường xuyên liên kết với nhau. Ngoài hộ ông Chiện, hộ các ông Nguyễn Trọng Ba, Nguyễn Xuân Bạo, anh Nguyễn Quang Tuyển… là những điển hình sản xuất trống với số lượng lớn. Anh Nguyễn Quang Tuyển là một người trẻ tâm huyết với nghề làm trống ở An Quang. Anh là người đề xuất hướng liên kết gia đình các hộ. Anh Tuyển chia sẻ: “Nếu chỉ làm trống cổ thì số lượng khách hàng chỉ là nhỏ, lẻ. Tôi đã nhập những mẫu mới trong và ngoài nước về tự nghiên cứu sản xuất. Khách hàng ưa chuộng, đặt nhiều, tôi giao mối lại cho các hộ nên đầu ra sản phẩm ổn định hơn”.

Ông Đỗ Trọng Trường, Chủ tịch UBND xã Lãng Ngâm cho biết: “Nghề làm trống truyền thống An Quang có giá trị lịch sử, văn hóa và kinh tế đặc biệt trong đời sống người dân nơi đây. Chính vì vậy, chính quyền luôn chủ động hỗ trợ các gói vay ưu đãi, giúp các hộ có nguồn vốn để mở rộng quy mô sản xuất, phát triển làng nghề”.

Ông Chiện nói với chúng tôi: “Các chú cứ để ý mà xem, người ta chỉ đánh trống khi có sự kiện gì quan trọng của gia đình, cộng đồng. Với những người làm trống như chúng tôi, không có gì vui hơn khi đứa con tinh thần mình làm ra được có mặt trong những sự kiện trọng đại ấy”.

Ông Chiện chuẩn bị da làm trống.

Ảnh đầu bài: Ông Chiện chuẩn bị da làm trống.

ĐỨC HÀ, ĐÀO HIỆP  (Nhân Dân)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *