Trâu là một hình tượng rất phổ biến trong văn hóa phương Đông và có sự gắn bó mật thiết đối với cuộc sống của người dân khu vực Đông Nam Á và Nam Á, đặc biệt là trong nền văn hóa Việt Nam.
Năm 2021, con trâu sẽ đại diện 12 con giáp đồng hành cùng chúng ta trong suốt 365 ngày. Trong dãy hoàng đạo Đông Á (dãy 12 con giáp), con trâu là vật đại diện năm Sửu, con vật thứ hai sau con chuột (năm Tý). Trong văn hóa các nước Trung Quốc (trừ vùng Hoa Nam), Hàn Quốc và Nhật Bản, con vật ứng với năm Sửu là con bò (hoàng ngưu), trong khi ở Việt Nam (và vùng Hoa Nam, Trung Quốc) lại là con trâu.
Từ đâu có tuổi “con trâu”
Trong dân gian lưu truyền sự tích Ngọc hoàng Thượng đế lệnh triệu kiến các loài vật lên thiên đình, loài nào đến trước được ưu tiên xếp trước. Chuột thường gặm nhấm lúc nửa đêm nên đến trước, trâu cũng thường thức sớm để nhai lại cỏ đã ăn ngày hôm trước và chuẩn bị đi làm đồng nên về nhì. Cứ như thế, các loài vật khác như hổ, mèo, rồng, rắn… lần lượt được xếp vào 12 con giáp.
Theo niềm tin dân gian, con trâu trong 12 con giáp mang lại may mắn, sung túc và thịnh vượng. Người tuổi Sửu được kỳ vọng là người cần cù, siêng năng, chậm nhưng chắc chắn trên con đường sự nghiệp. Hầu hết ý nghĩa các loài vật có xuất phát điểm từ tập tính của loài, chẳng hạn như hổ thì gan dạ, dũng mãnh, rùa thì sống lâu.
Loài trâu được cho là mang các đặc điểm siêng năng, cần cù, mạnh khỏe. Chính vì thế, khi đi vào thế giới biểu tượng, con người liên tưởng hình ảnh con trâu với các đức tính cần cù, chịu thương chịu khó (thức khuya dậy sớm), ngoan ngoãn, sung túc, thịnh vượng (có trâu cày đồng, mùa màng bội thu). Người Việt Nam xưa quan niệm rằng “tậu nhà, cưới vợ và sắm trâu” là những việc quan trọng nhất trong đời người (nhà nông). “Con trâu là đầu cơ nghiệp” đối với nông dân, chính vì thế họ trân quý trâu, coi trâu như một người bạn chân tình nên thủ thỉ:
“Trâu ơi ta bảo trâu này;
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta
Cấy cày giữ nghiệp nông gia;
Ta đây trâu đấy ai mà quản công
Bao giờ cây lúa còn bông;
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn”
(Ca dao Việt Nam)
Người bạn chí tình, chí nghĩa
Ở Nam bộ, trâu nước đã có mặt từ rất sớm, có thể từ trước khi người Việt có mặt. Châu Đạt Quan trong tác phẩm Chân Lạp phong thổ ký (thế kỷ XIII) từng ghi chép vùng hai bên sông Tiền thời ấy nước ngập, cây cối rậm rạp, có nhiều đàn trâu nước sinh sống tự do ở đó. Con trâu đã trở thành người bạn chí tình của những bậc tiền hiền trong những tháng ngày vất vả vỡ đất khai hoang thuở trước. Mùa len trâu, một tác phẩm điện ảnh nổi tiếng của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh, đã lột tả phần nào đó cuộc sống người dân đồng bằng sông Cửu Long mùa nước lũ xưa, khi mà trâu còn thì mạng sống con người còn, trâu chết thì cơ nghiệp cũng hết.
Vì con trâu chiếm giữ vị trí quan trọng trong đời sống vật chất các xã hội nông nghiệp lúa nước, trâu đi vào nghi lễ và phong tục nhiều dân tộc. Ví dụ, trâu là vật hiến tế thần linh ở Tây Nguyên (lễ hội đâm trâu); là một trong ba loài vật hiến sinh (bộ tam sinh: trâu/bò, dê/cừu, lợn) trong văn hóa nhiều dân tộc Đông Á, trong đó có Việt Nam; trâu là một trong những loại lễ vật cưới hỏi trong văn hóa nhiều tộc người.
Trong văn hóa Phật giáo, con trâu là biểu tượng cho phẩm cách tự tu dưỡng tâm tính và bản ngã, tự thuần phục bản thân mình. Trong văn hóa Nho giáo, trâu (bò) là vật hiến sinh thần thánh. Trong văn hóa Đạo giáo, con trâu xanh từng là vật cưỡi của Lão Tử lúc cuối đời: tương truyền ông cưỡi trâu xanh đi về hướng tây và biệt tích. Trâu đã trở thành một phần quan trọng trong tư tưởng sống hài hòa với thiên nhiên và thuận theo tạo hóa (thiên nhân hợp nhất).
Với sức mạnh vượt trội, trâu trở thành “đô vật” trong lễ hội chọi trâu (như ở Đồ Sơn, Hải Phòng). Trong tương quan so sánh hai khu vực Bắc, Nam ở Đông Á, con vật đại diện phương Bắc là ngựa, trong khi đại diện phương Nam là trâu.
Trâu và các nền văn hóa trên thế giới
Con trâu không chỉ phổ biến trong văn hóa các dân tộc Việt Nam mà còn có ở nhiều nền văn hóa khác. Các vùng nông thôn Quảng Đông, Quảng Tây (Trung Quốc), con trâu, lũy tre, làng mạc vốn dĩ rất quen thuộc trong tâm thức cư dân địa phương.
Dân tộc Miêu (sống rải rác từ Hồ Nam, Quý Châu, Vân Nam, Quảng Tây của Trung Quốc xuống Tây Bắc Việt Nam, Bắc Lào và Bắc Thái Lan) coi thủy tổ của họ là một vị thần thân người đầu trâu (Si Vưu). Chính vì thế, trang sức đội đầu của phụ nữ người Miêu nhiều địa phương có hình dáng hai chiếc sừng trâu.
Tương truyền Si Vưu đã từng giao chiến với Hoàng Đế (thủ lĩnh Hoa Hạ) ở trận Trác Lộc, Si Vưu thua trận nên con cháu dắt díu nhau chạy về phương Nam. Ngày nay, huyện Trác Lộc ngoại thành Bắc Kinh ở Trung Quốc có khu lưu niệm sự kiện này, có dựng tượngSi Vưu thân người đầu trâu hai tay ôm bó lúa. Các dân tộc Choang, Đồng ở Hoa Nam cũng trân quý loài trâu bởi chúng gắn liền với đời sống trồng trọt của họ.
Trong đại gia đình rồng Trung Hoa có loại rồng trâu (ngưu long), vốn dĩ là một loại tôtem địa phương của một số cộng đồng nhỏ, song về sau được xếp (hoặc vận động để được xếp) vào gia đình rồng bởi nguyên lý “thấy sang bắt quàng làm họ”.
Ở Indonesia, dân tộc Minang Kabau (sinh sống ở Tây Sumatra) trân quý trâu đến nỗi ngoài việc thiết kế phục trang đội đầu của phụ nữ giống hai chiếc sừng trâu ra thì kiến trúc nhà ở truyền thống cũng có hai đầu mái cong vút như hai chiếc sừng trâu. Dân tộc Toraja (sinh sống trên đảo Sulawesi) làm nhà sàn cũng với hai đầu mái cong vút kiêu hãnh. Ở Philippines, trâu nhà cũng là loài vật thân thiết từng đi vào nghi lễ tế bái thần lúa trong văn hóa một số dân tộc.
Ở Nam Á, trâu cũng là loài vật hỗ trợ đắc lực cho nhà nông ở một số khu vực (như Bangladesh chẳng hạn), trong khi loài bò chiếm giữ vị trí quan trọng trong đại đa số các cộng đồng theo đạo Hindu ở Ấn Độ.
Ở Bắc Mỹ không có trâu nhà thuần dưỡng mà chỉ có loài trâu hoang dã (bison), từng sinh sống đông đúc vùng phía nam Ngũ Hồ. Hiện tại, phía Bắc bang New York có một thành phố lấy tên loài trâu – thành phố Buffalo. Trâu hoang đã và đang trở thành một trong các biểu tượng quan trọng trong phong trào bảo vệ và giữ gìn môi trường thiên nhiên ở các địa phương khu vực này._________________________________
*PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ là học giả nghiên cứu Trung tâm Á Châu, ĐH Harvard; học giả nghiên cứu Viện Harvard-Yenching (Mỹ), hiện đang công tác tại khoa Văn hóa học trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn – ĐH quốc gia TP.HCM