Từ lâu khô trâu Thạnh Trị đã nổi tiếng gần xa và trở thành đặc sản của vùng đất này. Đặc biệt hơn khi khô trâu Sáu Sành (huyện Thạnh Trị) đã được xếp hạng OCOP 3 sao. Du khách đến Thạnh Trị, ai cũng muốn có chút gì “gọi là” để mang về cho bỏ chuyến đi. Sản phẩm khô trâu cũng giúp quảng bá hình ảnh, con người, vùng đất Thạnh Trị.
Những ngày ngấp ngé Xuân Tân Sửu năm 2021, giữa tiết trời chớm lạnh, trong một chuyến ngao du về miệt Thạnh Trị, Ngã Năm, được anh bạn đãi bằng món khô trâu xứ Thạnh Trị nướng trên than hồng thơm nức mũi, rồi đưa cay với ly bia, cùng những câu chuyện về con trâu xứ này qua lời kể của các bậc cao niên.
Bà Trần Thị Sành giới thiệu sản phẩm của cơ sở khô trâu Sáu Sành. Ảnh: HOÀNG PHÚC
Theo lời kể, từ xưa người dân Thạnh Trị vốn sống bằng nghề nông nên nông dân nuôi rất nhiều trâu để làm sức kéo, mà con trâu cũng hợp với thủy thổ vùng đất trũng nên cũng dễ nuôi. Qua bao nhiêu năm trời, bà con vẫn giữ nghề nuôi trâu và hiện tại đàn trâu của huyện Thạnh Trị có gần 5.000 con. Tuy nhiên, bây giờ với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, cùng với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn nên các khâu trong sản xuất nông nghiệp gần như đã được cơ giới hóa, sức trâu được thay thế bằng các loại máy móc, nông cụ tiên tiến. Nuôi trâu bây giờ không phải để lấy sức kéo mà là chăn nuôi theo hướng lấy thịt.
Thịt trâu được chế biến thành rất nhiều món ăn ngon, nhưng món được xem ngon nhất đó chính là khô trâu và đây cũng là món ăn ngon và bổ dưỡng, đặc trưng của huyện Thạnh Trị với nhiều cơ sở sản xuất. Hiện tại trên địa bàn huyện có khoảng 5 cơ sở sản xuất khô trâu với quy mô sản xuất khác nhau, trong đó cơ sở sản xuất khô trâu Sáu Sành tọa lạc Ấp 2, thị trấn Phú Lộc là nổi bật hơn cả và đã được xếp hạng OCOP 3 sao.
Tuy nhiên, về cách chế biến khô trâu Thạnh Trị thì hầu như đều được chế biến theo kiểu cổ truyền. “Thịt trâu bắp được thái lát thành những miếng mỏng lớn hơn bàn tay, tiếp theo là ướp gia vị vào gồm sả bằm, muối, tỏi, ớt… khoảng nửa ngày cho ngấm. Sau đó đem phơi nắng hoặc sấy trong lò. Khô thành phẩm sẽ là những miếng khô thật mỏng, thơm lừng vị sả và mùi thịt trâu đặc trưng. Thường thì chế biến khoảng hơn 3kg thịt tươi mới có được 1 kg thịt khô. Sau khi thành phẩm thì tiến hành đóng gói ngay nhằm đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa có thể bảo quản được lâu” – bà Trần Thị Sành chủ cơ sở sản xuất khô trâu Sáu Sành cho hay.
Để thưởng thức khô trâu cũng có rất nhiều cách, nhưng ngon nhất vẫn là nướng. Trước tiên, ngâm khô vào trong nước lạnh khoảng 5 phút, sau đó thì đem nướng, đặc biệt sẽ ngon hơn nếu được nướng trên bếp than đước. Khi khô chín đều ở cả hai mặt và lên hương thơm lừng, thì dằn cho miếng khô mềm và tơi ra. Tiếp theo là nước chấm – phần không thể thiếu đối với món khô trâu này, me chín được dầm với nước sôi để nguội, cho nhựa me ra hết, sau đó cho đường, muối, nước mắm, sả, ớt trộn đều, tạo thành một thứ nước chấm sền sệt, chua chua, ngọt ngọt. Khô trâu mà chấm với nước mắm me là hết ý. Món này đặc biệt “hợp” khi nhắm với bia kèm theo dĩa dưa chua nho nhỏ.
Bên cạnh đó, thịt trâu có vị mát, nhiều đạm lại không chứa nhiều cholesterol như thịt bò, ăn khô trâu vừa cung cấp lượng đạm đầy đủ lại khá an toàn, tốt cho sức khỏe. Thịt trâu còn có tác dụng trị liệu, hỗ trợ điều trị chứng phong thấp, sưng tê, đau nhức xương khớp.
Chính vì vậy, khô trâu Thạnh Trị với hương liệu đậm đà của vùng đất trũng nơi chăn nuôi trâu qua bao thế kỷ đã trở thành đặc sản vùng đất này (có giá khá cao khoảng 700.000đồng/1kg khô trâu Thạnh Trị). Còn là niềm tự hào của một nghề truyền thống; người dân huyện Thạnh Trị đã không ngừng phát triển thương hiệu sản phẩm khô trâu, giới thiệu đến bạn bè gần xa trong tỉnh và các tỉnh bạn. Đặc biệt, ngày 1-11-2019 khô trâu Sáu Sành đã vượt qua các sản phẩm truyền thống khác, được UBND tỉnh Sóc Trăng thẩm định và cấp giấy chứng nhận 3 sao OCOP cho thương hiệu khô trâu Sáu Sành. “Khô trâu của cơ sở chúng tôi bán đi khắp các nơi trong và ngoài tỉnh; cao điểm nhất là vào mùa tết, có khi không kịp hàng để cung ứng cho thị trường. Khách tham quan tại các điểm du lịch trong tỉnh cũng thường chuộng khô trâu. Bên cạnh đó, cơ sở còn sản xuất khô trâu ăn liền đóng gói loại 50gram, 100gram và 200gram” – bà Trần Thị Sành chia sẻ.
Câu chuyện với các bậc lão niên chưa hết mà bia đã cạn, “khô trâu” đã vơi, chủ và khách cũng đã chếnh choáng hơi men, cuộc vui kết thúc vừa đúng lúc khi taxi đã sẵn chờ. Để rồi sau đó, luôn chép miệng thèm thuồng mỗi lần nhắc đến đặc sản khô trâu Thạnh Trị.
HOÀNG PHÚC (Báo Sóc Trăng)