Trong văn hóa phương Đông, trâu là một trong 12 con giáp, ở vị trí thứ 2, đồng thời là gia súc đứng đầu lục súc (gồm trâu, chó, ngựa, dê, gà, lợn). Là con vật “to con” nhất, trâu có vai trò cực kỳ quan trọng trong nông nghiệp lúa nước.
Từ khi được thuần hóa, trâu rất gần gũi với con người. Từ lúc gà chưa gáy sáng, trâu đã cùng người nông dân băng qua màn sương lạnh lẽo để ra đồng cày bừa, rồi cộ lúa, đảm nhận phần lớn công việc nặng nhọc của nghề nông. Hình ảnh con trâu đã hóa thân trong những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ, trong các truyện ngụ ngôn, truyền thuyết. Chẳng hạn, khuyên thanh niên nên lấy vợ, lấy chồng cùng quê “Trâu ta ăn cỏ đồng ta”; ghét thói ghen ăn tức ở, ghen tỵ vì người khác hơn mình“Trâu buộc ghét trâu ăn”; nói lên sự thua thiệt, hẩm hiu của ai đó“Trâu chậm uống nước đục”… Và còn vô vàn câu ca khác: Trâu đi tìm cọc chứ cọc không đi tìm trâu, Đàn đâu mà gảy tai trâu, Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà/ Xong ba việc ấy mới là người hay, Cưa sừng làm nghé, Trâu bò chết để da, người ta chết để tiếng, Yếu trâu còn hơn khỏe bò, Được cả trâu cả nghé, Ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng, Cày như trâu… Trong dòng tranh dân gian Đông Hồ in trên giấy điệp rạng rỡ mỗi dịp Tết đến Xuân về, dù “Mục đồng thổi sáo”, “Chăn trâu thả diều” hay “Chọi trâu”, “Cày bừa”… đều có bố cục hài hòa, phóng khoáng, đường nét tạo hình chắc khỏe, gam màu phong phú, tính nhịp điệu cao, chi tiết đơn giản nhưng giàu sức gợi, thể hiện sinh động, an yên đời sống người nông dân Việt Nam.
Tranh dân gian Đông Hồ “Mục đồng thổi sáo”. |
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, con trâu cứ im thin thít làm việc, nên giữ được bí mật, góp phần không nhỏ vào việc chuyển đạn, tải thương, lương thực phục vụ chiến đấu. Từ lòng yêu nước, căm thù giặc sâu sắc, nhiều em bé đã giả bộ cho trâu gặm cỏ gần căn cứ địch và trở thành những trinh sát, giao liên cho bộ đội; có em còn dũng cảm mưu trí, lân la làm quen rồi bất ngờ cướp súng giặc…
Đất nước hòa bình, hình ảnh con trâu lại tiếp tục gắn bó với người nông dân trên những cánh đồng: “Trên đồng cạn, dưới đồng sâu/ Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa“. Trâu cùng với người chứng kiến những năm tháng đầy khó khăn, vất vả của nền kinh tế đất nước thời bao cấp.
Nhắc đến nỗi vất vả của người chăn trâu, không thể nào quên tấm gương của Hồ Giáo. Ông sinh năm 1929, tại xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Năm 10 tuổi đã phải đi chăn trâu, ở đợ cho địa chủ, khi cách mạng bùng nổ, ông thoát ly đi bộ đội. Sau Hiệp định Genève (1954), tập kết ra Bắc, đến năm 1960, ông xin chuyển ngành về Nông trường Ba Vì (Sơn Tây). Dưới bàn tay thuần dưỡng khéo léo cộng với tình thương yêu của ông, số lượng và chất lượng đàn trâu Mura (do Ấn Độ tặng Việt Nam) và đàn bò sữa ngày càng tăng cao. Ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động hai lần (1966, 1986).
Tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á – SEA Games 22 do Việt Nam đăng cai tổ chức vào năm 2003, trâu được chọn là linh vật. Hình ảnh này gần gũi, thân mật với người dân trong nền văn minh lúa nước, tượng trưng cho ước vọng về mùa màng tốt đẹp, ấm no, hạnh phúc, sức mạnh và tinh thần thượng võ của dân tộc Việt Nam.
Và sau cùng, dân gian vẫn truyền tụng, người “cầm tinh” con trâu có những phẩm chất ưu tú: Điềm đạm, kiên nhẫn, có ý chí cao, đáng tin cậy; đạt được thành công nhờ vào sự cần cù, chăm chỉ, tự hào về bản thân mình và ít chịu thỏa hiệp. Thế nên, nếu cần lời khuyên chân thật, không thiên vị, cứ đến hỏi người tuổi Trâu.
Chào năm Tân Sửu 2021-năm con trâu, hy vọng rằng sẽ mang đến cho mọi người một biểu tượng của sức khỏe dồi dào, cùng tính nết cần cù chịu thương chịu khó trong lao động, sản xuất và luôn gặp điều may mắn, thành công trong cuộc sống.
ĐỖ THỊ NGỌC DIỆP (Báo QĐND)