“Đại ngàn House” – Ngôi nhà ché ở đường Hải Triều, TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk được nhà sưu tập Võ Minh Luân xây dựng dành riêng cho việc trưng bày hơn 10.000 hiện vật về Tây Nguyên. Trong đó, anh vẫn dành không gian trưng bày giới thiệu hơn 20 hiện vật liên quan đến Trâu với nhiều thế hoạt động thú vị gắn với văn hóa của Tây Nguyên, luôn sẵn sàng đón du khách đến tham quan, thưởng lãm.
Bên trong ngôi nhà, trên diện tích khoảng 500m2, bộ sưu tập “Tây Nguyên trên gốm” được anh sắp xếp theo từng tầng với niên đại và nguồn gốc khác nhau, đặt tên là “Đại ngàn House”. Anh Luân tâm sự: “Tình yêu của tôi với đồ cổ, gốm sứ đến rất tình cờ. Năm 2013, tôi mua được căn nhà đầu tiên, bắt đầu mua những đồ vật về trang trí nhà cửa. Thấy được những hiện vật xưa cũ có hồn sâu lắng, thế là tôi mua về trang trí, sau tiếp tục nghiên cứu về cổ vật, từ đó bén duyên. Đến năm 2017, tôi tham gia triển lãm minh văn trên gốm Nam Bộ và thấy có chủ đề Tây Nguyên cũng bắt đầu sưu tập chuyên về văn hoá vùng này trên gốm”.
Gắn với chủ đề năm con Trâu, anh Luân cho chúng tôi xem các hiện vật khá phong phú, trong đó có các bức thiệp, ấm tích, tranh có hình tượng con trâu; hay những con trâu bằng gốm với nhiều thế hoạt động thú vị như: đang ăn cỏ, hay hình tượng hai chú trâu đang húc thường được tổ chức trong các lễ hội mừng ngày mùa bội thu của nhà nông,các đồ gia dụng như gạt tàn thuốc lá, chân đèn… rất sống động và phong phú. Bên cạnh đó cũng có rất nhiều lễ hội của người đồng bào ở Tây Nguyên được khắc, vẽ rất sinh động trên mỗi món đồ gốm Biên Hoà mà anh Luân sưu tầm được, như lễ hội đâm trâu, lễ hội cồng chiêng, săn bắt thú,…
Nơi đây đang lưu giữ và bảo tồn các hiện vật quý giá nhất của vùng đất Tây Nguyên
Chia sẻ về lý do dẫn tới niềm đam mê khác lạ này, anh Luân cho biết, bản thân là một người tuổi Sửu nên anh rất thích sưu tập những hiện vật liên quan đến con trâu. Qua nhiều năm tìm hiểu, tìm kiếm, đến nay anh đã sưu tầm được khoảng hơn 20 hiện vật liên quan đến trâu ở nhiều thời gian khác nhau. Chính anh cũng bất ngờ vì những hiện vật này mang đến những giá trị tinh thần to lớn cho người thưởng thức. Nó không chỉ đẹp về giá trị thẩm mỹ mà còn cung cấp cho người xem những kiến thức về đời sống, văn hóa… thời điểm hiện vật ra đời.
Góc trưng bày hiện vật dân gian
Đơn cử như chiếc chóe (thuộc dòng gốm Biên hoà, Thập niên 1970, Thế kỷ XX) có màu sắc tươi sáng, thể hiện tích đâm trâu của người Tây Nguyên. Theo đó, trước đây, vào khoảng thời gian từ tháng Chạp cho đến tháng 3 âm lịch; khi mùa màng thu hoạch xong, lương thực đã đủ, các gia đình được nghỉ ngơi. Một số dân tộc ở Tây Nguyên sẽ tổ chức lễ đâm trâu là để tạ ơn thần linh, đón mừng năm mới, cầu mong sức khỏe cho mọi người và cầu chúc cho một năm mới mùa màng tươi tốt. Dân làng chọn một con trâu khỏe mạnh làm vật hiến sinh, con trâu này được coi như vị sứ giả chuyển lời cầu khấn, ý nguyện của bà con tới các vị thần. Vào ngày lễ, trâu được đưa đi tắm rửa sạch sẽ và cho ăn uống no nê rồi đem buộc bằng dây mây vào cột; sau đó già làng, thanh niên nam, nữ, trẻ nhỏ dắt trâu đi vòng quanh cột vừa đi vừa nói những điều tốt đẹp. Đây cũng là lúc bà con trong buôn tập trung lại và bắt đầu những nghi thức của lễ đâm trâu. Hiện nay, lễ hội này dường như không còn, nhưng thông qua hình ảnh trên chiếc chóe, phần nào của lễ hội đâm trâu sẽ được tái hiện về.
Anh Luân bộc bạch: “Việc sưu tập hình hiện vật liên quan đến trâu còn giúp anh nhắc nhở bản thân luôn phải cố gắng học tập, làm việc chăm chỉ, mang đến cho đời những bông hoa tươi thắm, rực rỡ. Nói chung, hình tượng con trâu trong tranh, ảnh hay tượng, hiện vật dân gian rất chân thực, giản dị và vô cùng gần gũi với người lao động. Tâm nguyện của tôi là muốn Ngôi Nhà Ché Đại Ngàn trở thành nơi lưu giữ và bảo tồn các hiện vật quý giá nhất của vùng đất Tây Nguyên. Qua đó, để các báu vật Tây Nguyên không bị thất thoát và bán ra nước ngoài; góp phần bảo vệ di sản của cha ông để lại cho con cháu mai sau”.
Anh Luân sắp xếp bộ sưu tập theo chủ đề gắn với văn hoá của từng vùng miền
Hiện nay, anh Luân là hội viên CLB nghiên cứu sưu tầm cổ vật, thuộc Hiệp hội UNESCO Việt Nam, Ủy viên BCH Hội cổ vật tỉnh An Giang. Gần 10 năm tham gia nghiên cứu, sưu tầm văn vật, nhà sưu tập Minh Luân đã có nhiều đóng góp cho hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc. Anh tham gia trưng bày và hiến tặng cổ vật cho bảo tàng các tỉnh Đắk Lắk, TPHCM, Bình Dương, An Giang…Những món đồ cổ, hiện vật của anh Luân ngoài việc để thoả mãn thú vui, niềm đam mê của bản thân còn có thể giúp lớp trẻ ở địa phương tìm hiểu thêm về nét văn hoá, lịch sử lâu đời của Tây Nguyên đại ngàn.
Ảnh đầu bài: Anh Võ Minh Luân giới thiệu bộ sưu tập con Trâu qua những hiện vật dân gian
Kim Bảo (https://daklak.gov.vn/)