Mùi Trâu còn đọng

 Mười hai năm một lần lại đến Tết con trâu. Dù bất kể ứng với can nào người ta cũng phán cho những đứa trẻ sinh năm trâu là trâu vàng, trâu bạc hay “trâu gì đó” với ý mong chúng sau này khỏe mạnh, siêng năng như những con trâu. Với tôi, con trâu còn là kỷ niệm tuổi thơ ấm áp thanh bình…

Ngày ấy tất cả ruộng đất, nông cụ, trâu bò đều thuộc về hợp tác xã. Người ta tổ chức bắt thăm, giao trâu cho các gia đình xã viên nuôi. Nhà tôi được nhận con trâu đực to nhất trong đàn trâu của hợp tác xã. Đó là một con trâu mộng lông đen và cặp sừng cong vút. Cha tôi đặt tên nó là Bạt, ý nói nó có thể đánh bạt mọi đối thủ và làm bay mọi việc. Năm ấy tôi mới học lớp 5, được cha giao việc chăn trâu những lúc không phải cày bừa. Lứa trẻ trong làng như tôi đều làm công việc chăn trâu, đứa lớn một chút còn thêm phần cắt cỏ. Chúng tôi đi học một buổi, còn một buổi đi chăn trâu.

Làng tôi có nhiều bãi cỏ ở bờ mương, rìa làng, gò mả và cả những nơi đất cao không trồng cấy lúa. Với lũ trẻ chúng tôi, con trâu là bạn thân thiết hằng ngày. Chúng tôi thường rủ nhau thả trâu ở cùng một nơi rồi tranh thủ học bài vì buổi tối đèn dầu tù mù và còn phải giúp cha mẹ làm những việc khác. Cũng như con người, mỗi con trâu có một thói quen, một tính nết và chúng tôi đều thuộc tính con trâu mà mình chăn, thuộc từ tiếng bước chân đủng đỉnh, tiếng nhai cỏ nhai rơm đến tiếng kêu của nó. Thuộc cả đàn trâu của hợp tác xã con nào dữ con nào lành. Con Bạt biết nghe lệnh tôi. Nó rất hiền, trừ những khi đụng độ với trâu làng khác để tranh giành trâu cái. Chăn trâu không phải là việc khó nhọc lắm, nhưng chỉ lũ con trai mới được chăn. Con gái đi theo chỉ để cắt cỏ gánh về. Dịp gần Tết, hằng ngày lũ trẻ chăn trâu phải tranh thủ cắt thêm ít cỏ đem về tích lại để mấy ngày Tết cho trâu ăn cùng rơm cho đỡ xót ruột.

Chăn trâu sợ nhất bỏ quên để trâu ăn mạ, ăn lúa thì cha mẹ sẽ bị hợp tác xã phạt công điểm rất nặng. Trong lúc trâu ăn cỏ, chúng tôi thường chơi chọi cỏ gà. Những cái đầu cỏ gà bị đứt rụng vương trên đất trong tiếng cười giòn vui của đứa thắng cuộc…

Ngày hè được nghỉ học vừa vui vừa bận rộn. Buổi chiều sau khi chăn trâu về, chúng tôi thường đánh trâu lội xuống con mương thủy lợi ở rìa làng, dùng rơm kỳ cọ bùn đất cho trâu đến khi lưng trâu bóng lên một màu đen mướt mới đánh trâu lên bờ. Khi con trâu chậm rãi bước lên bờ, nước rỏ tong tong là lúc chúng tôi phải tìm cách dứt những con đỉa bám trên bụng trâu và quẳng sâu vào bờ. Chả thể nào giết được chúng nếu không quẳng vào đống lửa đốt. Những nốt đỉa cắn ở bụng trâu, chúng tôi ngắt nắm lá cúc tần vò nát rồi xoa vào là cầm máu. Hôm nào cha cho trâu đi cày thì cuối buổi chiều tôi cũng phải đón trâu cho đi tắm như thế.

Mùa đông, hôm nào phải đi cày, cha tôi đợi gần trưa mới dẫn trâu đi cho đỡ rét. Chuồng trâu cũng được che chắn kín hơn, nhất là vào ngày mưa phùn gió bấc. Nhà nào cũng cố kiếm một hai cái bao tải rồi khâu lại để quàng lên lưng trâu tránh rét những lúc ra đồng. Những ngày giá rét cha tôi còn phải giã gừng với khế chua đun nước ấm rồi bóp chân cho trâu để ủ ấm cho nó, tránh cước chân. Nghe cha tôi bảo ở trên vùng cao rét quá có khi trâu lạnh chết cả đàn, nhưng may là làng tôi không có con trâu nào bị chết rét mùa đông.

Những ngày hè cha đi cày, tôi thường đem cơm trưa ra đồng cho cha. Hôm nào nắng gắt cha tôi đi cày sớm và cho trâu nghỉ qua trưa rất lâu, nhưng không về nhà mà nghỉ luôn ngay tại đồng. Chỗ đồng xa nơi cha tôi cày có cây si rất to đủ tạo bóng mát cho ông ngả lưng nghỉ trưa, sau khi ăn cơm, làm bát nước vối và “bắn” vài điếu thuốc lào, nhả khói mù mịt lên trời. Con trâu cũng được nghỉ tại đó, lặng lẽ gặm bó cỏ tôi cắt lúc sáng, còn tôi thì lôi cuốn truyện thiếu nhi ra đọc. Thỉnh thoảng có những làn gió mát mơn man thổi qua ru cho cha tôi ngủ. Ngả lưng đọc sách rồi nhìn lên trời xanh cao tít, lắm lúc tôi cũng muốn nhắm mắt lại ngủ nếu không phải trông con trâu cho cha tôi ngủ. Tôi cảm thấy cuộc sống trôi qua thật lặng lẽ và thanh bình.

Nhưng có lẽ không khí làng quê với những ngày đi học và chăn trâu cắt cỏ với tôi còn đậm mùi vị khác. Đó là mùi phân trâu trộn lẫn với rơm mới ngày mùa. Nó vừa có thứ gì hăng hăng ngai ngái, lại ngòn ngọt thơm thơm. Cái mùi phân trâu không thể lẫn với bất cứ thứ mùi gì khác ở làng quê. Làng tôi có phong trào làm phân do hợp tác xã phát động. Đường làng vừa có bãi phân trâu thì chỉ vài phút sau đã có người xúc đem về, nhiều khi là chính những đứa trẻ chăn trâu. Riêng trong chuồng trâu sáng nào cha tôi cũng giao cho anh em tôi dọn sạch. Chút rơm ăn thêm lúc tối còn thừa cộng với phân và nước trâu đái ban đêm được dọn đem ra góp vào đống phân góc vườn. Thái thêm lá cúc tần trộn vào rồi trát đất ủ hai tuần là có thêm gánh phân nộp cho hợp tác xã.

Năm này qua tháng khác, tôi lớn dần lên, vẫn sóng đôi cùng con Bạt như hai người bạn. Cha tôi luôn có công điểm cày bừa cao trong hợp tác nhờ có con Bạt khỏe nhất đàn trâu. Rồi tôi đi bộ đội, xa gia đình, xa con Bạt và nhường lại nó cho em tôi chăn. Nhưng cái mùi mồ hôi trâu, mùi phân trâu cùng mùi rơm mới thơm thơm và làn khói bếp mỏng mảnh chiều hôm đọng lại rất sâu trong tôi. Hành quân qua nơi nào vào dịp ngày mùa là tôi lại thấy nhớ nhà, cố hít tìm lẫn trong mùi rơm mới cái mùi đặc biệt của phân trâu đã rất thân quen.

Ngày tôi xuất ngũ trở về, con trâu Bạt không còn nữa. Hợp tác xã đã mổ thịt nó sau lần nó bị sa xuống một cái rãnh mà người ta xẻ bờ để lấy nước vào ruộng. Em tôi đi công nhân ở tỉnh xa nên cha tôi không nhận nuôi trâu nữa. Tôi lần ra chuồng trâu đầu chái bếp. Lâu ngày không có trâu, mùi phân trâu đã nhạt dần, chỉ còn lại những bó rạ được hợp tác xã chia làm chất đốt cha tôi xếp trong đó. Nhưng thanh gỗ gác cửa chuồng trâu vẫn còn bóng lên vết sừng con Bạt nhiều năm từng cọ lên đó. Lòng tôi se lại.

Bây giờ ruộng làng tôi dồn điền đổi thửa và chuyển chức năng. Người ta dùng máy cày nhỏ thay trâu. Cả làng không còn con trâu nào nữa. Đường làng cũng đã bê tông hóa rồi. Hình ảnh con trâu nay chỉ còn lại trong tranh và phim ảnh.

Vũ Công Chiến (https://nhipsonghanoi.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/cam-nhan/824354/mui-trau-con-dong)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *