Ly kỳ chuyện trâu, bò “lung”

Ly kỳ chuyện trâu, bò “lung”: Từ bao đời nay, người dân ở thôn Đất Đỏ, xã Quảng Châu (Quảng Trạch) vốn quen với tập quán chăn thả trâu, bò trên rừng. Oái ăm thay, khi được thả rông lâu ngày trong rừng, nhiều đàn trâu, bò đã hóa thành trâu, bò “lung” (có đặc tính hoang dã như trâu, bò rừng-PV), người dân muốn bắt bán phải bước vào một cuộc săn độc nhất vô nhị: Săn trâu, bò của nhà mình. Nhưng chưa hết, nhiều hệ lụy của trâu, bò “lung” chúng tôi nghe kể, đúng là “cười ra nước mắt”!

Khi trâu, bò nhà thành trâu, bò “lung”
Đất Đỏ là thôn nằm sát bìa rừng, xa nhất của xã Quảng Châu. Toàn thôn có hơn 100 hộ với gần 400 nhân khẩu nhưng có diện tích tự nhiên hơn 1.000ha, chiếm hơn ½ xã Quảng Châu. Với lợi thế diện tích rừng núi rộng lớn, người dân thôn Đất Đỏ đã đẩy mạnh chăn nuôi trâu, bò để phát triển kinh tế. Ở thời điểm “hưng thịnh” nhất, trung bình mỗi hộ dân ở đây đều có đàn trâu, bò lên đến hàng chục con.
Trưởng thôn Đất Đỏ Đặng Công Hồng là một trong những người tiên phong trong việc xây dựng chuồng trại, trồng cỏ để chăn nuôi trâu, bò.
Trưởng thôn Đất Đỏ Đặng Công Hồng là một trong những người tiên phong trong việc xây dựng chuồng trại, trồng cỏ để chăn nuôi trâu, bò.
Tuy nhiên, theo ông Đặng Công Hồng, Trưởng thôn Đất Đỏ, khác với nhiều địa phương khác, người dân thôn Đất Đỏ có tập quán chăn thả trâu, bò trong rừng. “Người dân thả trâu, bò vào rừng và chúng tự sinh sôi, phát triển. Chỉ khi nào muốn bán, họ mới vào rừng bắt về”, ông Hồng chia sẻ.
Ông Đặng Văn Trường hiện có đàn trâu, bò hơn 10 con cho biết: “Trâu, bò nhà thả rông trong rừng sâu từ năm này, qua năm khác nên dần quen với lối sống hoang dã. Đặc biệt, nhiều hộ ban đầu chỉ thả vào rừng 2 con nhưng sau một vài năm đã tăng lên 3-4 con. Những chú bê, nghé con sinh ra trong môi trường tự nhiên, không được con người thuần phục, rong ruổi với cuộc sống núi rừng nên lớn lên trở thành những con trâu, bò “lung” vừa nhút nhát, vừa hung dữ”.
Săn trâu, bò “lung”
Theo người dân ở thôn Đất Đỏ, để bắt được những chú trâu, bò “lung” đem bán, không phải là chuyện dễ dàng gì. Nếu không có kinh nghiệm, sự mưu trí và dũng cảm thì không những không bắt được chúng mà còn gây nguy hiểm cho bản thân.
Thế nên, ở thôn Đất Đỏ, từ việc chăn thả trâu, bò trong rừng đã phát sinh một nghề “độc nhất vô nhị” – nghề săn trâu, bò “lung”. Theo Trưởng thôn Đất Đỏ Đặng Công Hồng, mỗi khi trong thôn có người cần bán trâu, bò để lấy tiền, họ phải huy động hàng chục trai tráng có sức khỏe, kinh nghiệm để vào rừng “săn” trâu, bò của nhà mình.
Nói về tài nghệ đặt bẫy săn trâu, bò “lung”ở thôn Đất Đỏ, không thể không nhắc đến ông Đàm Văn Đô và đội “săn” của ông. Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến nhà ông Đô ở cuối thôn. Năm nay đã 63 tuổi, nhưng nhìn ông vẫn khỏe mạnh, săn chắc lắm. Vì nhiều lý do, hiện ông Đô đã từ giã nghề săn trâu, bò “lung” nhưng khi nhắc đến chuyện bắt trâu, bò trên rừng, nét mặt ông rạng ngời hẳn lên.
Nhờ tuyên truyền, vận động, hiện nhiều hộ dân ở thôn Đất Đỏ đã thay đổi trong cách thức chăn nuôi.
Nhờ tuyên truyền, vận động, hiện nhiều hộ dân ở thôn Đất Đỏ đã thay đổi trong cách thức chăn nuôi.
Theo lời ông Đô, bản thân ông là một người chăn nuôi trâu, bò giỏi, lại có nghề thú y nên nắm rất rõ những tập tính, thói quen và sức khỏe của đàn trâu, bò. Cùng với đó, việc bà con trong thôn thường chăn thả trâu, bò trong rừng, không lùa về, làm chúng trở nên hoang dã, nhút nhát. Trong khi đó, ông cũng là người hay vào rừng, nên thường “nắm” được những con, đàn trâu, bò nào là của gia đình nào ở trong thôn. Vậy nên, khi bà con muốn bán trâu, bò, họ thường tìm đến ông nhờ “nhận diện” và bắt giúp rồi trả một ít tiền công.
“Để bắt được trâu, bò “lung”, trước hết chúng tôi phải vào rừng tìm. Khi tìm ra đàn trâu, bò việc đầu tiên là gọi người nhà và những người có chức sắc trong thôn cùng vào xác nhận xem con trâu, bò muốn bắt đó có chắc chắn là của họ không, có ai tranh chấp không, chúng tôi mới bắt đầu bắt.
Tiếp theo, chúng tôi tìm một con suối gần nơi đàn trâu, bò đang trú ngụ, rồi làm các rặc (rào), rộng vài ba chục mét và đặt bẫy. Sau đó chia người tản ra khua chiêng, gõ mõ để lùa trâu, bò xuống con suối đã đặt rào và bẫy. Khi trâu, bò vào bẫy thì đặt thòng lọng, quàng cổ, trói chân bắt từng con… Nói thì dễ vậy, nhưng khi đi bắt mới biết là khó. Bởi có những lúc lùa mãi mà đàn trâu, bò vẫn không chịu vô rào, sập bẫy. Vì vậy, săn trâu, bò “lung” phải cần nhiều người hoặc có sự hỗ trợ của những chú chó. Mặc dù trâu, bò “lung” rất nhát, nhưng khi dùng thòng lọng bắt thì nó chống cự quyết liệt, không nhanh trí thì rất dễ bị trâu húc hoặc dẫm phải chân, rất nguy hiểm”, ông Đô kể.
Nhiều hệ lụy
“Tình trạng thả rông trâu, bò trong rừng ở thôn Đất Đỏ đã tồn tại từ bao đời nay. Những năm gần đây, chính quyền địa phương đã thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con làm chuồng trại chăn nuôi, tiêm phòng đầy đủ để phát triển đàn trâu, bò một cách bền vững. Bởi đàn trâu, bò được thả rông trong rừng đa số là trâu, bò kiến, chất lượng và giá trị không cao. Không những thế, chăn nuôi theo cách này, nguy cơ xảy ra dịch bệnh rất cao vì đàn trâu, bò không được tiêm phòng đầy đủ. Cùng với đó, việc tranh chấp trâu, bò sẽ gây ảnh hưởng đến sự gắn kết “tình làng nghĩa xóm” và an ninh trật tự ở địa phương”, ông Đàm Xuân Vinh, Chủ tịch UBND xã Quảng Châu.
Theo trưởng thôn Đất Đỏ Đặng Công Hồng, nuôi trâu, bò theo kiểu thả rông, mặc dù không tốn công chăm (chúng tự sinh sôi, phát triển trong rừng), nhưng tập quán chăn nuôi này đã để lại những hệ lụy không hề nhỏ.
Bởi lẽ, khi đàn trâu, bò được thả trong rừng, chúng sinh ra những con bê, nghé, chủ nhân khó có thể nhận diện được đâu là của nhà mình, đâu là của hàng xóm. Chính vì vậy, tình trạng tranh chấp trâu, bò vẫn thường xuyên xảy ra ở thôn Đất Đỏ.
“Những năm trước, khi đang làm công an viên của thôn, trung bình mỗi năm chúng tôi phải giải quyết ít nhất 3 vụ tranh chấp trâu, bò. Có nhiều trường hợp chúng tôi phải giải quyết hàng tháng trời không xong việc, vì ai cũng nhận con trâu, bò đó là của mình. Rồi việc trâu, bò thả rông tràn về ăn hoa màu, phá vườn tược của người dân, gây mất “tình làng nghĩa xóm” và an ninh trật tự ở thôn. Đó là chưa kể, việc thả rông trâu, bò trong rừng, bị kẻ gian trộm cắp, người dân cũng không biết được”, ông Hồng chia sẻ.
Cũng theo ông Hồng, nhận thức được việc chăn thả trâu, bò rông trong rừng có nhiều bất cập, hệ lụy nên những năm gần đây người dân thôn Đất Đỏ cũng đã có nhiều thay đổi trong cách thức chăn nuôi.
Thay vì bỏ mặc đàn trâu, bò hàng năm trời trong rừng như trước đây, hiện người dân đã quan tâm hơn bằng cách mỗi tuần vào “thăm” chúng một vài lần. Mỗi lần vào thăm, họ thường mang thêm thức ăn, đặc biệt là muối và cám cho đàn trâu, bò. Nhờ vậy mà đàn trâu, bò đã dạn dĩ hơn, dễ gần hơn và đặc biệt là người dân đã kiểm soát được những con bê, nghé mới được sinh ra. Việc tranh chấp trâu, bò ở thôn Đất Đỏ cũng giảm hẳn.
Theo Phan Phương (Báo Quảng Bình https://www.baoquangbinh.vn/)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *